LÝ THUYẾT VỀ VÒNG CUNG VÀNG NGĂN NGỪA XUNG ĐỘT

Một phần của tài liệu Chiếc lexus và cây Ôliu doc (Trang 41 - 44)

Phần II: KẾT NỐI VÀO HỆ THỐNG

LÝ THUYẾT VỀ VÒNG CUNG VÀNG NGĂN NGỪA XUNG ĐỘT

Qua câu chuyện về miếng pho-mát tím và việc so sánh Pháp, Ý, Đài Loan như những loại cổ phiếu, Thomas Friedman đã cho thấy sự khác biệt trong phản ứng và cách hành động của các nước trong thời đại toàn cầu hóa. Vậy mối quan hệ giữa các nước ấy như thế nào? Việc xảy ra xung đột giữa các nước có phải ngẫu nhiên hay không? Một lần nữa với lối sử dụng những hình ảnh dễ nhớ làm dẫn chứng, Friedman đưa chúng ta đến một khía cạnh khác của toàn cầu hóa. Đó là “lý thuyết về vòng cung vàng ngăn ngừa xung đột”.

Vòng cung vàng là hình ảnh biểu tượng cho thương hiệu Mc Donald’s trên toàn thế giới. Đi nhiều nơi trên thế giới và là người Mỹ, việc Friedman ăn nhiều bánh mì kẹp thịt Mc Donald’s là điều dễ hiểu. Chính vì thế ông đã nhận thấy một điều rất thú vị về những chiếc bánh này. Đó là hương vị của chúng giống hệt nhau, và quan trọng là, không thấy hai quốc gia nào cùng có tiệm Mc Donald’s, lại gây chiến chống nhau. Friedman đã đưa ra một ví dụ rất cụ thể ở khu vực nóng của thế giới – Trung Đông, làm rõ hơn cho lý thuyết này. Israel, Ả Rập Xê Út, Libăng, Jordan đều có tiệm ăn Mc Donald’s, và các nước này không hề gây hiềm khích. Nhưng Syria, Iraq, Iran thì khác, ở các nước này không tìm thấy biểu tượng vòng cung vàng của Mc Donald’s, và cũng không tìm thấy những ngày không tranh chấp. Tổng quát lên, Friedman đã đưa những quan sát của mình thành lý thuyết, và trong đó logo vòng cung vàng đóng vai trò như một biểu tượng của hòa bình. (Điều này cũng đã được các nhà quản trị của Mc Donald’s kiểm chứng và không tìm thấy ngoại lệ).

Giải thích rõ hơn cho lý thuyết này, Friedman đã suy luận một đất nước khi phát triển đến một mức độ nào đó mà chuỗi cửa hàng Mc Donald’s có thể kinh doanh thành công, thì đất nước đó trở thành đất nước Mc Donald’s. Và người dân nước đó thà dùng thời gian của họ xếp hàng mua bánh kẹp thịt còn hơn là xếp hàng đi tòng quân cho chiến tranh.

Thật vậy, nhìn vào lịch sử, mối quan hệ giữa kinh tế và quân sự, hay nói một cách khác hơn là mối quan hệ giữa thương mại và quốc tế, đã được nhiều chuyên gia thời trước quan sát và nghiên cứu. Nhà triết học người Pháp Montesquieu đã nhận định: “hai quốc gia có giao thương với nhau sẽ trở nên lệ thuộc lẫn nhau; vì nếu một quốc gia muốn mua thì quốc gia kia sẽ muốn bán; và sự liên kết giữa họ với nhau sẽ được tạo dựng trên cơ sở sự cần thiết lẫn nhau”. Điều đó cho thấy hoạt động ngoại thương buôn bán đã tạo nên mối dây ràng buộc các quốc gia, mà không chỉ thời đại toàn cầu hóa ngày nay, thời kỳ trước Thế chiến thứ 2 cũng đã trải qua những khoảng thời gian như vậy. Norman Angell, tác giả cuốn sách “Ảo tưởng lớn” (1910), cũng đã lập luận: thật là điên rồ nếu những quốc gia đó lại đánh nhau, vì làm như vậy thì kể cả kẻ thắng lẫn người thua cuộc cũng sẽ chịu mất mát. Việc hội nhập kinh tế đã làm tăng gấp bội chi phí chiến tranh cho cả kẻ thắng lẫn người thua. Tất nhiên, bản năng của con người là luôn đấu tranh giành quyền lợi, tranh giành quyền lực và tham vọng phát triển. Chưa kể đến “danh dự, sợ hãi và quyền lợi”, 3 lý do chiến tranh đã cho thấy “danh dự”, cây ôliu của mỗi con người, mỗi dân tộc, là điều mà con người nếu có

chiến tranh thì luôn hy sinh, bám giữ, là luôn tồn tại. Những tham vọng, âm mưu, những yếu tố địa-chính trị vẫn còn đó. Tuy nhiên, về lý thuyết, thì việc ràng buộc về kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay vẫn rất có tác dụng trong việc giảm thiểu chiến tranh .

Tác giả cũng đã nhìn ra sự khác biệt giữa mối ràng buộc giữa kinh tế và chiến tranh thời nay và thời của Montesquieu và Angell là về mức độ. Càng ngày, mức độ hội nhập của các nước trên thế giới càng rộng hơn, và do đó, các mối dây ràng buộc cũng chặt chẽ hơn. Thời đại kỹ thuật số giúp việc kết nối giữa các quốc gia càng trở nên dễ dàng. Tư bản di chuyển nhanh chóng và sự lệ thuộc của chúng vào chiếc áo nịt vàng và bầy thú điện tử - tất cả đã tạo nên mối ràng buộc rất mạnh mẽ đối với hoạt động của các quốc gia khi kết nối vào toàn cầu hóa. Và dần dần, lợi ích của việc hạn chế xung đột càng lớn và cái giá mà các quốc gia phải trả khi đánh nhau cũng càng lớn theo.

Mặt khác, tác giả cũng đã cảnh báo: thuyết vòng cung vàng này cũng có giới hạn giá trị của nó. Vì trước sau gì thì nước nào cũng sẽ có những cửa tiệm Mc Donald’s , và đến mấy chục năm nữa, chẳng lẽ lại không có bất cứ nước nào xung đột? Thêm nữa, một số tình huống quan hệ như giữa NATO, Kosovo và Nam Tư năm 1999, đã làm thuyết này bị lung lay. Nhưng nếu phân tích kỹ, và đặc biệt nhìn vào kết quả cuộc nội chiến 78 ngày ở Kosovo, ta sẽ thấy lý thuyết này vẫn còn chính xác. Khi NATO tấn công vào hệ thống điện ở Belgrade và hủy diệt kinh tế, người dân Serbia đã chọn Mc Donald’s, một sự lựa chọn chấm dứt chiến tranh. Cuối cùng, người dân Belgrade đã chọn Mc Donald’s, chọn cách xếp hàng để hội nhập với châu Âu và thế giới chứ không phải là xếp hàng đăng lính đi chiếm đóng Kosovo. Một lần nữa thuyết này càng khẳng định chắc chắn vị trí vững chắc của biểu tượng vòng cung vàng. Đó là trong thời đại toàn cầu hóa, cuộc sống ngày càng dân chủ hóa, và những chính phủ theo đuổi chiến tranh đã để lại một hậu quả hết sức nặng nề cho dân chúng của họ. Một tài xế xe buýt ở Nam Tư có thu nhập 62 đô la một tháng, thấp hơn phân nửa lương của ông thời trước chiến tranh, và gia đình tám miệng ăn của ông giờ chỉ đủ ăn, không còn khả năng mua sắm thêm thứ gì khác. Vậy nên, tác giả cảnh báo, nếu trong thời Chiến Tranh lạnh, khi tiến hành chiến tranh, các nước phải suy nghĩ hai lần thì giờ đây phải là ba lần, và nếu chiến tranh có xảy ra, thì cái giá phải trả phải gấp đến ba lần, thậm chí còn có thể hơn rất nhiều. Điều đó cho thấy so với mức độ kết nối và ràng buộc giữa các quốc gia ngày nay, việc cho phép chiến tranh xảy ra là hoàn toàn không nên.

Lại nói về Chiến Tranh lạnh, thời kỳ này có hai đặc tính cơ bản được thể hiện trực quan qua hình ảnh bàn cờ và tập séc chuyển khoản. GIống như cờ vua có quân trắng, quân đen, các nước trên thế giới cũng được chia làm hai phe như vậy. Và cũng giống việc chơi cờ, các hoạt động của quốc gia với nhau đều là những nước đi để bảo vệ vua, do đó việc khuyến khích xung đột và gây chiến tranh cũng mang ý nghĩa toàn cầu. Và trong cuộc cạnh tranh toàn cầu đó, việc ký những tấm séc chuyển khoản, đầu tư về kinh tế để mua chuộc các nước thuộc thế giới thứ ba về phe mình là một trong những công việc rất quan trọng. Tóm lại là, Chiến Tranh lạnh đã tạo lợi thế và tài lực để duy trì xung đột và khoác cho chúng ý nghĩa toàn cầu. Còn giờ đây, toàn cầu hóa lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Giờ đây thế giới không còn hai màu trắng-đen của bàn cờ mà là hình ảnh một sân chơi của bầy thú điện tử. Không còn chuyện viết những tấm séc khống để mua tình yêu hay sự trung thành của bạn, bầy thú này chỉ ký những tấm séc đầu tư để mong kiếm lời. Đồng tiền không có khái niệm phe phái, cũng không biết phân biệt màu da. Cái quan trọng ở đây là cách sử dụng, cách quản lý đồng tiền đầu tư của bạn có mang lại hiệu quả hay không? (Hay nói cách khác, bạn có

theo đúng luật chơi chiếc áo nịt vàng của chúng hay không?) Và nếu có, bầy thú sẽ ký séc cho bạn. Trong luật chơi của bầy thú sẽ không có điều khoản nào chi trả cho những chi phí vô lý về chiến tranh. Và do đó nếu có nước nào vi phạm, chúng sẽ rút hết nguồn vốn quan trọng nhất cho sự phát triển của nước này. Như thế, các nước nhìn chung đều phải đi theo con đường kinh tế - con đường của chiếc Lexus.

Có rất nhiều ví dụ cho các suy nghĩ đã nêu ở trên. Ngày nay vẫn còn một số nước như Bắc Hàn, Afganistan, Sudan, Iran, Iraq… đứng ngoài luật chơi của bầy thú điện tử, bên cạnh những nước đã nhảy vào tham gia luật chơi, như Trung Quốc. Trung Quốc- những năm 79 – khi chưa có cửa hàng Mc Donald’s nào, đã tiến hành xâm lược Việt Nam, bất chấp những ngăn cản từ phía tổng thống Mỹ Carter. Và đến 1996, khi Trung Quốc đã sở hữu trên 200 tiệm Mc Donald’s, thì khi có xung đột về sự tự do của Đài Loan, Trung Quốc không dại gì tấn công như trước, vì làm vậy đồng nghĩa với việc chấm dứt đầu tư vào Trung Quốc, chấm dứt tăng trưởng và chấm dứt cơ hội cho Trung Quốc bắt kịp với thế giới. Và thực tế hiện nay đã cho chúng ta thấy rõ nước nào đã đi đúng hướng. Tổng đầu tư vào Trung Quốc của Đài Loan năm 2000 là 46 tỷ đô la trong gần 46.000 hạng mục nhà máy và công ty. Mặt khác, Trung Quốc sẽ không thể đe dọa quân sự với Đài Loan vì chỉ cần sơ suất, thì 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị ngăn cản ngay lập tức. Những linh kiện quan trọng trong chuỗi sản xuất máy tính của Dell, Compaq, Acer, HP đều có mặt Đài Loan trong những mắt xích chủ chốt. Và nếu có phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, các hãng máy tính này đều đã có kế hoạch chuyển đơn hàng lớn qua các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua đó một lần nữa, ta thấy được mối quan hệ rất mật thiết và sống còn giữa kinh tế và quan hệ quốc tế, chính trị và quân sự.

Lý thuyết Vòng cung vàng đã chứng tỏ ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến địa- chính trị. Thông qua hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa khiến cho chi phí các hoạt động chiến tranh tăng gấp bội. Và xuất hiện những quyền lực mới, mạnh hơn xe tăng, tên lửa, đó là sức mạnh của tài chính, kinh tế. Friedman lại lấy hình ảnh Israel, một minh chứng rất cụ thể, để làm sáng tỏ điều này. Israel đã chuyển hướng từ một nước nông nghiệp sang một nước mạnh về công nghệ cao, từ đó thu hút được rất nhiều đầu tư và quan tâm của các nước bên ngoài. Bằng cách xuất khẩu phần mềm, chip vi tính và các sáng tạo công nghệ cao, Israel đang xuất khẩu nguồn năng lượng cho nền kinh tế thông tin. Và nước nào cũng cần nguồn năng lượng đó, cho dù Israel hành hạ người Palestine đến mấy. Cũng giống như thời 1974, ai cũng cần dầu lửa, mặc cho người Ả rập có bắt nạn dân Do Thái đến mấy. Nói như vậy để cho thấy mối liên hệ giữa các quốc gia về vấn đề kinh tế là rất lớn, và giờ đây, mức thu nhập của Israel gần như tương đương nước Anh với 17.000 USD/người. Tuy vẫn còn nằm trong vùng tranh chấp và diễn biến vẫn chưa kết thúc nhưng ít nhất thuyết vòng cung vàng về hạn chế xung đột vẫn áp dụng đúng trong trường hợp này, khi Israel có cửa tiệm Mc Donald’s, còn các nước lân cận thì không. Câu chuyện tác giả kể khi ở đất nước Ả rập đó cũng cho ta thấy thông qua hệ thống toàn cầu hóa đã có một sự xâm lăng về thông tin và tư bản tư nhân vào vùng đất đã từng bị cách ly về thông tin và thị trường tài chính. Các quốc gia Trung Đông, khi khai thác hết dầu, hoặc đến lúc người ta khám phá ra một nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ thì lúc đó họ sẽ phải mặc chiếc áo nịt vàng, nếu không muốn bị hạ bệ. Và lúc đó, ở những nơi đó chắc chắn sẽ mọc lên những của tiệm Mc Donald’s.

Nói tóm lại, toàn cầu hóa ngày nay mang đến một sức mạnh kết nối. Kết nối giữa các quốc gia với nhau, trong rất nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là kinh tế. Những chi phí cho chiến tranh vì thế tăng lên rất nhiều, và một khi chiến tranh xảy ra, thì sẽ kéo theo rất nhiều nước bị ảnh hưởng. Và như thế, cứ mỗi một cửa tiệm Mc Donald’s mọc

thêm ở nước nào, thì biểu tượng vòng cung vàng của nó sẽ gắn chặt thêm mối quan hệ giữa các quốc gia, và góp phần ngăn ngừa xung đột.

Chương 13

Một phần của tài liệu Chiếc lexus và cây Ôliu doc (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w