Nhân vật phi lí 1.Dân làng cát

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 26 - 29)

1.3.1. Dân làng cát

Cát phủ trùm lên cuộc sống của con người và dần biến họ thành cát lúc nào không biết. Ðôi khi ta có cảm giác không còn phân biệt đâu là cát, đâu là người nữa. Tiếp xúc với câu chuyện, chúng ta có cảm giác cát đang rơi dày đặc quanh mình và tự hỏi liệu mình có tồn tại nổi trong thế giới cát ngột ngạt và nhàm chán ấy không? Vậy mà những người ở đó sống được, quen được với cát, yêu cát và rồi thậm chí bị cát thay đổi đến không ngờ. Cuộc sống là vô tận và bên trong mỗi bản thân con người cũng là một thế giới vô tận. Nhiều khi con người cũng chỉ biết rõ được mình khi bị đặt trước những ngã rẽ và chọn lựa, nên phải sống đến tận cùng để tìm được niềm vui từ nơi khắc nghiệt. Tác phẩm xây dựng những nhân vật mờ ảo, không tên không tuổi, không luôn cả nguồn gốc, họ sống trong một thế giới lạ lẫm, kỳ quặc, giống như thế giới của trí tưởng tượng. Đại diện tiêu biểu nhất sống trong làng cát, trước hết đó là dân làng cát - dân bản địa.

Sống trong một không gian bất thường như thế, con người trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo không còn và cũng không thể là những con người bình thường. Họ là những con người phi lí, sống một cuộc đời phi lí. Vậy nên, đa số người làng cát đều nhận thấy mình đang sống một cuộc đời “dã

tràng xe cát”. Biết là sống ở đây đầy khó khăn, bất trắc nhưng cũng không thể từ bỏ được nó. Họ buộc phải chấp nhận thực tại phi lí vì thấy mình không có khả năng trốn thoát hay cải tạo hoàn cảnh. Bao đời nay, họ vẫn luôn chịu đựng một cuộc sống đầy cực khổ “sống trong cát, chết vùi trong cát” như vậy. Vô hình chung họ đã tự biến mình thành những người không cá tính, phi chứng chỉ. Cái tên như là một hình thức để phân biệt người này với người khác. Cùng với cái tên, con người định danh mình vào cuộc đời. Thế nhưng tất cả những người dân nơi làng cát này lại không một ai có tên họ, họ tồn tại như một bầy đàn, không biết họ có nguồn gốc từ đâu, số lượng bao nhiêu. Người này giống người kia, người kia cũng giống người này, ngay cả người đàn bà - nhân vật chính xuyên suốt câu chuyện cũng chỉ là một người đàn bà cát trong số những người đàn bà cát. Bởi lẽ, họ giống nhau mọi thứ, từ ăn uống, ngủ, mặc, sinh hoạt,…thậm chí là cả ý nghĩ cũng giống nhau. Tất cả sinh hoạt của họ đều được thực hiện trong các hố cát và ý nghĩ của họ cũng đều là nghĩ về cát.

Vì không có cá tính, mất đi yếu tố để định danh, định tính, định hình nên không một ai biết đến sự tồn tại của họ. Chỉ khi người đàn ông xuất hiện, cuộc đời của họ mới được đưa ra ánh sáng, nhưng cũng chỉ là thứ ánh sáng mờ nhạt như màu vàng của cát. Họ giống nhau, không có nét riêng và bị đứng lẫn vào nhau. Trước cung cách sinh hoạt của họ, có lúc người ta phải nghĩ về họ thật chua chát rằng: khi họ đứng cạnh nhau họ giống như những món hàng được sản xuất đồng bộ và xếp gần nhau. Thậm chí còn xem họ là một tập hợp những sinh vật mà mỗi sinh vật này lại là cái bóng của sinh vật kia. Họ không phân biệt ở tên, tuổi, nghề nghiệp mà ở giới tính (đàn bà, đàn ông), độ tuổi (thanh niên, người già). Họ giống nhau ở công việc vì cả làng chỉ làm một việc duy nhất là xúc cát, ở thái độ chấp nhận, ở cách ăn mặc để không bị cát dính vào người. Những người đàn ông làng cát mà anh bắt gặp đều ăn mặc giống nhau “quấn khăn quanh đầu, che kín luôn cả miệng, chỉ để chừa đôi mắt”[6, tr.93]. Người đọc không khỏi nghi ngờ rằng: liệu trên thế giới tồn tại những con người như vậy?

Vì không đủ sức để thay đổi cuộc đời nên những người làng cát đã phải chấp nhận một đời sống quẩn quanh, bế tắc. Họ loanh quanh trong phạm vi nhỏ hẹp của

những hố cát tù túng, lặp đi lặp lại mãi những việc làm giống nhau, tẻ ngắt. Tất cả mọi hành động, suy nghĩ của họ như đã nói chỉ tập trung vào việc làm thế nào để không bị nhấn chìm trong cát. Họ không đi đâu ra ngoài hố cát vì mọi thứ phục vụ cho sinh hoạt: nước, đồ ăn, thuốc lá, rượu sa kê, thậm chí cả báo hàng ngày...đều được cung cấp tận nơi theo thời gian đã quy định. Mặc dù, hố cát nào trừ hố cát của người đàn bà - nơi người đàn ông bị giam, cũng có thang dây mắc sẵn nhưng chẳng ai đi ra ngoài, bởi họ tự thấy đó là nơi duy nhất họ có thể ở. Và rõ ràng “những người sinh sống trong những hố đó có thể tùy ý đi ra đi vào qua vách cát hướng về phía làng” nhưng họ chấp nhận cảnh sống phi lí ấy như thể đó là điều đúng đắn nhất. Và theo lời người phụ nữ thì người dân ở đây đã sống như vậy từ mấy đời nay rồi và có lẽ họ cũng không có ý định thay đổi. Dân làng cát chỉ nỗ lực trong việc xúc cát đổ đi nơi khác để không bị nhấn chìm chứ không băn khoăn tìm ra căn nguyên hoặc trăn trở tìm giải pháp để khắc phục. Họ chấp nhận sống với những cơn bão cát kinh hoàng đó như một điều tất yếu.

Vậy nên, khi họ làm việc, họ chăm chú tới mức chỉ chăm chăm vào công việc, bỏ ngoài tai mọi câu hỏi và cả lời chào của người khác “Anh thử hỏi thăm một cô gái làng đi ngang qua lúc đó. Cô ta chỉ đưa mắt nhìn xuống đất, rồi hối hả đi như không nghe thấy gì”[6, tr.24] hay “Đám thanh niên không hé một câu cợt nhã khi thấy anh cùng với người thiếu phụ xúc cát”[6, tr.54]. Hơn thế, với phương châm sống treo trước cửa mỗi nhà “Hãy yêu nhà của bạn”[6, tr.34] họ càng thêm chăm chỉ làm việc và càng thêm gắn bó với cát hơn. Thế nên không một suy nghĩ hay một lời khuyên nào có thể lay động họ bỏ làng cát mà đi.

Họ không những sống cuộc đời phi lí, làm những công việc phi lí mà ngay cả trò tiêu khiển của họ cũng vô cùng quái dị. Rõ ràng người đàn ông cầu khẩn để được ra ngoài hết sức chân thành, nhưng đáp lại sự chân thành của anh là một yêu cầu mất tính người. Họ muốn anh cùng chị làm tình trước mắt họ, cho họ cùng xem, lúc đó họ mới thả cho anh ra ngoài. Và khi người đàn ông chấp nhận yêu cầu quái đản đó, họ lại hò reo cổ vũ mặc cho ánh mắt kêu cứu của người đàn bà nơi hố cát “Tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay…những tiếng la hét cuồng loạn…Số người xem càng

ngày càng đông và giờ lại có thêm phụ nữ trong bọn đàn ông. Và số đèn pha chiếu xuống lối cửa ra vào đã tăng lên ít nhất ba lần”[6, tr.267]. Thật khó để tin rằng thế giới lại tồn tại những con người với những sở thích như thế, nhưng còn ngạc nhiên hơn đó là không chỉ riêng đàn ông mà còn cả đàn bà cũng đam mê cái trò chơi đó. Nếu như chỉ riêng đàn ông thì còn có thể tin, nhưng đàn bà - những người cùng cảnh ngộ với chị, cũng không mảy may muốn giúp chị. Sự tấn công của anh càng mãnh liệt thì tiếng hò reo của bọn dân làng trên miệng hố lại càng vang dội. Và điều kì lạ là khi anh bị chị tấn công trở lại, thì bọn dân làng cũng biến đi làm việc một cách nhanh chóng đến bất ngờ, không một ai đoái hoài tới anh. Ngay cả lời nói của họ khi mới bắt cóc anh cũng lạnh lùng, sang sảng như gió biển “Này! Chúng tôi mang một cái xẻng với mấy cái thùng cho người kia đấy”[6, tr.45]. Dường như, cát đã làm họ thay đổi, biến họ thành những con người thô lỗ cộc cằn như vậy. Trong quá trình bị bắt cóc, anh đã không biết bao nhiêu lần khẩn nài họ, nhưng vẫn thái độ ấy, họ đối xử với anh lạnh lùng, tàn nhẫn.

Hoàn cảnh tạo nên con người hay hoàn cảnh làm thay đổi con người có lẽ là đây. Vì sinh ra và lớn lên ở một không gian kì quái, sự sống bị đe dọa hằng ngày nên họ cũng phải trở nên như vậy để có thể thích nghi với hoàn cảnh và tồn tại. Việc sống như vậy, họ đã mặc nhiên chấp nhận thực tại phi lí, bình thường hóa mối quan hệ với cái phi lí bằng cách xem nó là một hiện trạng tất nhiên. Và hơn hết là bởi vì bản thân những người dân làng cát cũng đã là những con người phi lí, khác người.

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)