Chi tiết tương phản và biểu tượng

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 48 - 57)

Một tác phẩm nghệ thuật để đạt nên một chiều kích nhất định, giúp tác giả chuyển tải được nội dung mình muốn đề cập, thì các chi tiết cấu thành nên câu chuyện cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để khi người đọc tiếp xúc với câu chuyện, họ có thể không nhớ hết nội dung, nhưng có những chi tiết “đắt” làm họ gợi nhớ về câu chuyện mà mình từng đọc. Trong đó, chi tiết tương phản và biểu tượng được xem là từ khóa quan trọng trong tác phẩm. Từ điển bách khoa toàn thư (wikipedia) giải thích rất ngắn gọn về ý nghĩa của từ tương phản và biểu tượng: “Tương phản: trái nhau”; “Biểu tượng: là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật”. Trong văn học, thủ pháp nghệ thuật tương phản, được dùng để xây dựng những hình ảnh, chi tiết, hình tượng, giọng điệu... có tính chất, đặc điểm trái ngược nhau; nhằm nhấn mạnh một tư tưởng, nội dung hay một quan điểm nào đấy. Tuy nhiên, sự trái ngược về bản chất ấy phải được xét cho những đối tượng trên cùng một bình diện và theo một tiêu chí nhất định, điều đó mới khiến nó có ý nghĩa. Còn biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa. Tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát là một tác phẩm được xây dựng bằng những chi tiết tương phản và biểu tượng như vậy.

Có thể thấy, các chi tiết tương phản và biểu tượng được tác giả xậy dựng rất kì công trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát. Trước hết là những chi tiết tồn tại trong thế tương phản đối lập với chính nó: Cuộc sống tự do nơi thành phố và cuộc sống tù túng nơi hố cát. Rõ ràng chúng đều là cuộc sống mà người đàn ông trải qua. Nhưng với cuộc sống tự do, đầy đủ nơi thành phố con người lại ỉ lại, chán ghét thực tại, xa rời mọi thứ. Thậm chí là muốn chạy trốn khỏi nó. Đối lập với cuộc sống nơi hố cát, bị giam cầm buộc con người phải không ngừng đấu tranh để giải thoát cho bản thân. Chính điều này đã tạo nên sự phi lí không thể tưởng, cuộc sống tự do con người lại không nhận ra giá trị của nó, chỉ khi lâm vào hoàn cảnh khắc nghiệt mới ý thức giá trị của hai chữ “tự do” kia.

Chi tiết tương phản tiếp theo đó là chi tiết nói về kích thước của cát và sức mạnh ghê gớm của nó. Trong câu chuyện tác giả đã sử dụng phép lặp để nhấn mạnh kích thước nhỏ bé của các hạt cát, có tới bốn lần đường kính của cát được nhắc đi nhắc lại “một dòng cát gồm những hạt cát nhỏ bằng một phần tám milimet”[6, tr.59]. Mặc dù có kích thước nhỏ như vậy nhưng sức tàn phá của nó lại hết sức ghê gớm, thật khó mà tưởng tượng nổi “Cát đã nuốt chửng và tàn phá không biết bao nhiêu thành thị sầm uất và vương quốc lớn. Đế quốc La Mã đã từng có biết bao thành thị cổ kính mà sự bất tử của chúng không ai có thể phủ nhận được. Thế mà cuối cùng chính chúng cũng đành chịu khuất phục trước uy quyền của những hạt cát linh động…”[6, tr.59]. Nó chính là hình ảnh phản ánh sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống, là đại diện cho thiên tai luôn đe dọa sự sống của con người, là mối nguy hiểm khó lường trước. Đặc tính của nó là không hình thể và luôn chuyển động, nó vùi lấp, phá hủy được tất cả “Những vật có hình thể trở nên vô nghĩa khi ở bên cạnh cát. Đặc tính duy nhất của cát là sự chuyển động; nó là tương phản của mọi hình thể”[6, tr.59]. Và bản thân nó cũng là một thực thể vô cơ như nước nhưng lại hoàn toàn tương phản với nước. Nếu như, nước sẵn sàng thích nghi với thân thể con người, mang lại sự mát mẻ kì diệu thì cát lại thiêu đốt con người, làm cho da dẻ và cổ họng con người bỏng rát “Dù cát có chảy xuống thế nào, nó vẫn khác với nước. Người ta có thể bơi trong nước, còn cát sẽ bao lấy và nghiền con người đến chết”[6, tr.115].

Thế nhưng con người vẫn phải chống chọi với nó, dù đó là việc “dã tràng xe cát” hay tát nước biển. Cũng như vậy, cuộc sống là muôn vàn khó khăn, nhưng con người không có nhiều sự lựa chọn. Để tồn tại, con người phải học cách chấp nhận, học cách thích nghi với hoàn cảnh sống. Cái phi lí trong chi tiết này chính là ở thái độ chấp nhận cái phi lí, chấp nhận cái công việc xúc cát đổ đi hằng đêm mà không chịu tìm ra phương kế mới. Một thứ có kích thước bé nhỏ như cát, nếu người dân nơi đây chịu tìm cách khắc phục, không bảo thủ như vậy, chắc hẳn nó sẽ không thể thắng nổi con người. Nhưng chính thái độ chấp nhận của họ, càng làm sức mạnh của cát trở nên kinh sợ hơn.

Tiếp theo là chi tiết tương phản, đối lập trong tính cách của nhân vật. Lúc đầu, nhân vật người đàn ông khi bị dân làng giam cầm nơi hố cát, anh đã thử đủ mọi cách nhưng vẫn không thoát ra được. Nỗi thất vọng, buồn chán đã đẩy anh tới việc căm thù dân làng nơi đây “Bọn điên rồ, ngu ngốc. Các ngươi cuối cùng cũng phải hối hận cho mà xem”[6, tr.125]. Tuy nhiên khi chiếc bẫy anh dùng để bẫy quạ lại vô tình bẫy được nước thì tất cả mọi căm thù, mọi ý định trả thù anh nghĩ ra từ trước bỗng chốc tiêu tan hết. Anh lại muốn ở lại, muốn cho bọn dân làng từng là kẻ thù của anh biết về công trình chiết nước đó của anh “anh hiểu rằng, anh đang nung nấu một nỗi khát khao được nói với một người nào đó về cái bẫy nước. Và nếu anh muốn nói về nó, thì chẳng có thính giả nào tốt hơn bọn dâng làng kia”[6, tr.278]. Sáng tạo và thành công hóa giải mọi hận thù trong anh. Để rồi, chính anh lại chấp nhận ở lại nơi làng cát mà ngay cả trong giấc mơ anh cũng muốn thoát khỏi nó. Phi lí hơn, đó là ở lại cùng chung sống với những con người đã từng đánh bẫy anh, bắt cóc anh. Ở đây, chúng ta cũng cần chú ý tới nét tính cách đối lập trong những người dân làng cát. Rõ ràng ban đầu, họ là những dân chài đôn hậu giản dị, nhưng không lâu sau đó lại biến thành những kẻ bắt cóc mất tính người. Mà không phải chỉ riêng Niki Jumpei là nạn nhân mà còn những người trước anh cũng vô tình lạc vào rồi biến thành tù nhân của họ, thậm chí phải bỏ mạng nơi làng cát này. Thêm vào đó, ta thấy họ là những con người yêu quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình, vậy nhưng lại không tôn trọng tình yêu quê hương xứ sở của người khác. Họ chỉ chăm

chăm vào lợi ích của bản thân mà không hề quan tâm tới cảm nhận của những người khác bị họ cướp đi tự do, quê hương, gốc gác. Họ bắt cóc người ta vì muốn người ta cùng giúp họ bảo vệ ngôi nhà của mình. Nhưng lại không nghĩ rằng họ cũng có quê hương, họ cũng có nhu cầu gắn bó với quê hương của mình. Điều đó hoàn toàn mâu thuẫn và tương phản mạnh mẽ trong tính cách của nhân vật.

Bên cạnh những chi tiết tương phản tác giả còn lưu ý chúng ta ở những biểu tượng để thể hiện sự phi lí, phi thực của câu chuyện. Hố cát lúc này chính là biểu tượng của cõi nhân sinh mà con người vô tình lạc chân vào. Trong câu chuyện, ta thấy hình ảnh hố cát xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại để thể hiện dụng ý của tác giả về cõi nhân sinh. Cõi nhân sinh đó buộc người đàn ông phải lựa chọn giữa tình huống khả lưỡng: đi về trước có thể sẽ bị rớt lại đằng sau và đi thụt lùi dò dẫm thì có khả năng tiến về trước để khẳng định mình. Ở đây, hình tượng Niki Jumpei biểu tượng cho con người lạc lõng cô đơn đang trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm cõi nhân sinh và hố cát - biểu tượng của hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Thế nên, chính cái cõi nhân sinh anh vô tình văng mình vào đó lại là nơi khẳng định được giá trị của anh. Ở thành phố nọ, anh hoàn toàn bị lu mờ, là một người bình thường chán ghét cuộc sống ồn ào. Anh nghi ngờ mọi thứ “Người đàn ông này quả thật chưa giải bày với ai về những say mê của anh ta và điều đó chứng tỏ anh ta thấy mọi người đều đáng ngờ cả”[6, tr.20]. Nhưng với làng cát kì dị - nơi có người đàn bà góa kia, với hoàn cảnh sống khắc nghiệt như vậy, anh phải không ngừng đấu tranh để tồn tại, và chính việc đấu tranh đó, anh đã tìm ra được con người anh. Ngược lại, người đàn bà – biểu tượng của đời sống tối trầm lặng ấy. Chị đại diện cho một đời sống u ám, cô đơn, lạnh lẽo nơi sa mạc cát. Chị cô đơn ngay chính trong ngôi làng của mình. Con người phải đánh thức cuộc sống bằng những hành động có ý nghĩa của cuộc đời mình. Và chính qua những hành động đánh thức ấy, con người ta mới phát triển toàn vẹn. Người đàn ông vừa thích nghi với cuộc sống, vừa đấu tranh để tìm ra đường thoát, lại đánh thức cuộc sống trầm lặng của người đàn bà. Đó là cuộc sống đêm đào cát, ngày thì ngủ, không biết gì về thế giới bên ngoài của chị. Cái phi lí ở chỗ, chính nhờ cuộc mất tích mà con người khẳng định được giá trị của mình. Anh,

như đã nói, vì đam mê côn trùng nên lạc chân vào làng cát mới dẫn đến tình huống bị bắt cóc thả vào hố cát, từ đó chiến đấu để tìm tự do. Qua biểu tượng về cõi nhân sinh ấy, tác giả muốn chuyển tải thông điệp về hoàn cảnh sống: nếu con người cứ mãi sống trong đầy đủ, sống trong tự do thì sẽ không biết quý trọng những điều mình đang có, chỉ khi dấn thân vào cõi nhân sinh đầy khắc nghiệt ấy con người mới tỉnh ngộ và nhận ra giá trị của cuộc sống. Chính vì thế mà hố cát giờ đây không còn là hố cát nhốt một con người nữa mà nó là biểu tượng cho cả một xã hội lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó còn có các biểu tượng góp phần tô đậm bức tranh phi lí của nhà văn. Đó là các biểu tượng: Hành động chạy trốn của người đàn ông - biểu tượng cho khát vọng hiện sinh; Cái bẫy nước - biểu tượng cho sự chiến thắng của con người trong quá trình đấu tranh tìm tự do. Xuyên suốt cuộc hành trình của mình, bị bắt cóc và tống vào “nhà tù” hố cát, người đàn ông luôn tìm cách chạy trốn nhằm thoát ra, tìm về với tự do và cuộc sống của mình. Mặc dù hết lần này đến lần khác anh đều thất bại. Nhưng hành động chạy trốn của anh đã nói lên khát vọng hiện sinh trong anh, anh không chấp nhận cuộc sống tù tùng nơi hố cát, hay không chấp nhận thực tại phi lí ấy. Nên đã tìm mọi cách vùng vẫy để trốn thoát, và cuối cùng cuộc chạy trốn của anh cũng tìm ra được điểm dừng chân khi chiếc bẫy mang tên “hi vọng” mỉm cười với anh. Ở chi tiết này chúng ta thấy sự phi lí rất rõ, đó chính là kết quả của chiếc bẫy, rõ ràng nó được làm để bẫy quạ với mục đích là đưa mật thư giúp người đàn ông. Nhưng bất ngờ thay, nó lại bẫy được nước, một kết quả ngoài cả sự mong đợi, còn hơn cả kết quả mà ban đầu người đàn ông đã kì vọng. Cũng chính vì lẽ đó mà mặc dù chưa hề được đặt chân lên mặt đất nhưng niềm vui trong anh lớn tới nỗi “anh cảm thấy mình đã trèo lên tới đỉnh một ngọn tháp, cao ngất. Có lẽ, thế giới này đã đảo lộn, những nơi cao thấp không còn nguyên như trước nữa” [6, tr.273]. Bằng chính cái bẫy nước, Niki Jumpei đã chính thức gắn kết với đời sống nơi làng cát kì dị, vui vẻ xây dựng một đời sống an cư giữa chốn từng là nơi đọa đày anh. Cái bẫy nước chính là sợi dây siết chặt người đàn đàn ông vào người đàn bà. Và cũng chính là cầu nối giúp anh nối liền với cuộc sống của dân làng.

Có thể thấy, câu chuyện mà Abe Kobo xây dựng lên có một sự liên hệ tam giác giữa Niki Jumpei, cái bẫy nước và người đàn bà. Đó là mối liên hệ thiết thân giữa con người và cuộc sống. Và như thế, con người qua hình tượng Jinpei không còn tìm cách chạy trốn khỏi cuộc sống (qua biểu tượng người đàn bà) và hoàn cảnh (qua biểu tượng hố cát), mà tìm cách chung sống với chính nó, bằng chính khả năng của mình, bằng chính sự chiến đấu của mình đầy can đảm. Như vậy, các chi tiết tương phản và biểu tượng đã tự tương chiếu soi sáng lẫn nhau, bổ sung cho nhau để làm nên câu chuyện phi lí ấy.

Chương 3: Tính phi lí - ảnh hưởng và sáng tạo của Abe Kobo 3.1. Làng cát - dã man và văn minh

Có thể nói, làng cát là một “đại tự sự” mà người đàn ông - nhà giáo - nhà côn trùng nghiệp dư không có quyền lựa chọn rơi vào đó hay không. Thế nên, ta thấy anh đã lạc bước vào làng cát đó một cách ngẫu nhiên mà không hề biết trước. Để rồi buộc phải tuân thủ các quy tắc, luật lệ của ngôi làng - đại tự sự ấy. Dù cho anh có phản kháng bao nhiêu đi nữa thì cuối cùng cũng phải chấp nhận sống trong ngôi làng kì dị đó. Ở đây, Abe Kobo đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhà văn phi lí khác. Cụ thể là Marquez, trong Tôi đến chỉ để gọi điện thoại, nhân vật Maria cũng vô tình lọt vào một đại tự sự là trại điên, và cô - tiểu tự sự lại không có quyền phản kháng hay thanh minh. Trại điên không cần quan tâm cô đến từ đâu, có điên thật hay không, nguyện vọng của cô là gì, hệ thống không cần những lí do của cá thể, nó chỉ đơn thuần là guồng máy dây chuyền được phép tự vận hành, tự hợp thức hóa. Cũng như vậy, làng cát trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo cũng không quan tâm người đàn ông đến từ đâu, tên tuổi, gốc gác ra sao mà bắt cóc anh một cách vô lí và bắt anh phải xúc cát cùng dân làng. Nếu anh xúc cát thì mới được cung cấp nước uống, sự sống của anh mới được tiếp diễn. Ngoài ra, anh không được quyền đi lại trong làng mà phải ở nguyên trong hố cát mà họ đã giam cầm anh. Do đó, đại tự sự - làng cát đã xác lập và thể hiện quyền lực của mình không phải bằng cách thuyết phục nhẹ nhàng bằng tình cảm để người đàn ông có thể ở lại giúp làng mà chính là tham vọng và khả năng có thể biến bất kì người khách lạ nào vô tình lạc vào làng cát trở thành tù nhân lao động của họ. Đó cũng chính là cái phi lí lớn nhất trong nền văn minh hậu hiện đại mà chúng ta đang sống.

Chính vì thế, dã man có lẽ là cá tính của làng cát để họ có thể độc chiếm bất kì thứ gì họ muốn, kể cả là con người. Họ thậm chí bất chấp cả pháp luật, đạo đức miễn sao điều họ muốn làm thành công. Bởi đơn giản họ - những người dân sống trong làng cát luôn phải đấu tranh với bão cát để tồn tại nhưng chính quyền - bà mẫu của nhân dân lại làm ngơ trước sự sống còn của họ. Họ ghét chính quyền, ghét những con người được coi là cha mẹ của dân mà lại dửng dưng trước những tai

ương mà họ đang phải đối mặt. Họ là những con người bị bỏ rơi vì vậy “Lẽ cố nhiên, không có lí do gì họ lại chịu ơn thế giới bên ngoài”[6, tr.256]. Ngày ngày, họ chìm ngập trong cát, lặn ngụp để xúc cát đổ đi nơi khác mong cát không nhấn chìm

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 48 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)