Cuộc sống sẽ vẫn trôi đều đặn và sẽ chẳng có điều gì xảy ra nếu như người đàn ông yên phận với vai trò là một ông giáo. Nhưng cuộc sống và khát khao cũng như những ý định của con người là vô biên, không ai có thể đo lường được. Cũng chính vì lẽ đó mà từ một ông giáo, người đàn ông trong câu chuyện bỗng chốc biến thành nhà côn trùng học bất đắc dĩ và mất tích một cách phi lí.
Anh xuất hiện trong tác phẩm ban đầu cũng là một con người hết sức kì cục và mờ nhạt, không tên, không tuổi. Và cuộc sống của anh cũng chẳng có gì đặc biệt. Chúng ta chỉ biết anh qua lời kể của người kể chuyện, là một nhà giáo đam mê côn trùng học vì muốn thoát khỏi cuộc sống thực tại, muốn rời xa thành phố ồn ào mà anh đang sống nên đã quyết định đi kiếm tìm côn trùng sống trong cát. Thế nhưng, cái sự đi kiếm tìm côn trùng của anh lại biến anh thành một kẻ vô danh nơi cồn cát.
Trong cái sa mạc cát mênh mông đó, anh đã bị đẩy vào một không gian nhỏ hẹp của căn nhà dưới một hố cát sâu ngất cùng một người đàn bà góa. Cũng là lúc cuộc đời anh bước sang một trang khác, nhưng là cái trang tối mà anh không hề mong muốn.
Băng qua những cồn cát, đụn cát và cả ánh nắng gay gắt của mặt trời những mong sưu tập được một bộ côn trùng sống trong cát. Lúc đầu anh nghĩ ngôi nhà trong hố cát là một chỗ trú chân tạm thời của mình và không có một chút nghi ngờ gì. Cho đến khi chuẩn bị hành lí trên vai để tiếp tục cuộc hành trình thì anh nhận ra một điều rằng chiếc thang dây - cầu nối duy nhất của ngôi nhà trong hố cát này với thế giới bên ngoài đã biến mất. Anh cố thử thoát ra bằng mọi cách…tất cả đều thất bại. Đấu tranh không mang lại kết quả, anh nhượng bộ làm một người tù để chờ cơ hội chạy thoát. Vận may đến với anh sau bao ngày nung nấu ý đồ thoát thân. Tưởng rằng sau khi leo lên được bức tường cát đó, anh lại trở về với vị trí là một thầy giáo, với niềm đam mê côn trùng, với bạn bè, cuộc sống của anh trước kia. Nhưng rồi anh lại bị đẩy vào một cuộc rượt đuổi của dân làng và lại bị sa vào bẫy của họ, một lần nữa anh đành phải hạ mình cầu xin sự giúp đỡ của họ để được sống. Và hố cát mà người đàn ông không hề mong muốn trở lại, một lần nữa đón anh trở về.
Cũng giống như nhân vật Josef K. trong Vụ án và nhân vật K. trong Lâu đài
của Fran Kafka, người đàn ông càng cố tìm hiểu lí do vì sao bị bắt cóc, vì sao bị giam trong hố cát một cách vô lí và vì sao những con người nơi đây không chịu rời bỏ ngôi làng chứa đầy sự nguy hiểm thì anh càng lạc sâu vào mê cung của thế giới phi lí ấy. Đó là thế giới không bao giờ hiểu nổi và tồn tại ngoài ý muốn của con người. Phi lí hơn khi người đàn ông càng lạc sâu vào thế giới làng cát kì dị ấy thì anh càng trở nên tha hóa, càng lẫn vào họ, và trở nên xa lạ với thế giới mà anh muốn quay về.
Nếu như người đàn bà chấp nhận nhập vào cái hoàn cảnh ấy, mọi chuyện đối với chị như chẳng có gì phải cân nhắc, nghĩ ngợi. Trong cái hy vọng của chị chúng ta thấy sự chấp nhận thực tại. Còn anh thì ngược lại, hy vọng của anh là xóa thực tại. Anh bắt đầu chấp nhận cái phi lí, chấp nhận cuộc sống nam nữ với người đàn bà mà ban đầu anh kinh sợ và cũng thấy là phi lí, kỳ dị. Sống lâu với người dân nơi
đây, phải sống và làm việc như họ, anh cũng bị “bầy đàn hoá”. Anh thấy mình “đã đứng trong đội ngũ như bao người khác, giống như một bánh xe trong nhịp điệu làm việc hàng ngày của họ”[6, tr.134]. Anh đau đớn nhận ra “họ là một phần của anh” và anh “chẳng khác chi một hạt đậu trong một hộp đậu”[6, tr.266]. Cái tôi cá nhân đã bị xoá mờ đi. Thân phận con người càng lúc càng trở nên mong manh, nhỏ bé. Khi anh bị “bầy đàn hoá” cũng có nghĩa là anh đã bị tha hoá. Một cái tôi bị xã hội bao vây cuối cùng đã biến thành cái người ta. Không chỉ có vậy, tâm hồn anh cũng trở nên cằn cỗi và độc ác hơn. Tính người trong anh một lúc đã bị vùi lấp. Anh tàn nhẫn ngay cả với người phụ nữ, cản trở công việc của chị. Thậm chí khi bị chị ngăn cản, anh đã chẳng thèm bận tâm tới việc “đối thủ của anh chỉ là một người đàn bà và đã không ngần ngại thúc đầu gối vào bụng chị”[6, tr.153]. Với dân làng, anh cũng đã tính đến những cách trả thù dã tâm nhất: “nổi lửa đốt trụi cả làng, hoặc rắc thuốc độc xuống giếng nước ăn, hoặc đặt bẫy nhử từng người xuống hố cát”[6, tr.215]. Trong đôi mắt của anh những gì người phụ nữ làm cũng như người dân nơi đây đang làm chẳng khác gì dã tràng xe cát “giống như một người cố tát nước biển để xây nhà”[6, tr.60]. Nhưng rồi sau đó, chính anh cũng đã phải chấp nhận nó. Anh bắt đầu hòa nhịp vào cuộc sống, làm những công việc của chị, cùng nhau xây dựng một gia đình “Nào là quét cát trên trần, nào là sàng gạo, rồi thì rửa bát đĩa…”[6, tr.242]. Thậm chí, giờ đây anh còn thấy những cử chỉ lặp đi lặp lại của người phụ nữ lại “mang lại màu sắc cho hiện tại và gây một cảm giác thực tế”[6, tr.241]. Sự phi lí từng bước được hợp lí hóa, bởi những luật lệ và hình phạt của dân làng dành cho anh sau những lần chạy trốn. Có thể thấy, trong chính sự nỗ lực chống lại cái phi lí, thì con người lại phải đối diện với một cái phi lí lớn hơn. Đó chính là sức mạnh của “những hạt cát nhỏ li ti không có hình thù, đường kính chỉ bằng một phần tám milimet”[6, tr.47] luôn lăm le nhấn chìm con người.
Với cuộc sống tù túng và niềm mong mỏi giao lưu với thế giới bên ngoài làm anh bất chấp mọi luân thường đạo lí, anh sẵn sàng làm tình với chị trước mặt dân làng để đổi lấy một chút tự do nhỏ nhoi. Anh đã làm tổn thương chị chỉ vì một trò tiêu khiển cho dân làng. Để tồn tại và tính kế cho việc thoát thân “anh tự thích nghi
với cuộc sống ở dưới hố, tựa hồ đây là một giấc ngủ đông và anh tập trung mọi cố gắng của mình để làm cho dân làng lơi là sự cảnh giác của họ”[6, tr.241]. Những dự định và kế hoạch vượt thoát vẫn đang âm ỉ cháy trong anh. Để rồi cái bẫy hi vọng ra đời, anh được nắm trong tay tấm vé khứ hồi. Tuy nhiên, điều nghịch lí và phi lí là khi chiếc thang dây thả xuống để đưa chị đi cấp cứu do chửa ngoài dạ con cũng là chiếc thang dây anh hằng mong ước hiện ra trước mắt. Vậy mà giờ đây đứng trước nó, anh lưỡng lự, mân mê nó, trèo lên trên để rồi lại leo xuống chỉ để sửa lại công trình nghiên cứu lấy nước từ cát của anh. Ngay giây phút đó, dù nói rằng một ngày nào đó anh sẽ trở về thành phố, nhưng chúng ta biết điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra nữa. Sợi dây liên hệ giữa anh và người phụ nữ lẫn dân làng đã được kết thêm thật khó mà cắt đứt.
Như vậy, với tư cách là nhân vật chính của câu chuyện, người đàn ông - nhà giáo - nhà côn trùng học, ngay từ đầu đã thu hút sự chú ý của độc giả với bản thông báo mất tích không lí do của anh. Trong câu chuyện, người đàn ông may mắn hơn là có một quá khứ, một lịch sử, một cái tên để định danh. Tuy nhiên cái tên Niki Jumpei của anh đến cuối truyện mới xuất hiện. Và đó cũng là lúc người ta tuyên án về sự khai trừ anh ra khỏi xã hội thực tại. Tên của anh mãi mãi mất đi trong thế giới thành phố ấy dù anh vẫn còn tồn tại. Và như thế anh đã trở thành kẻ vô danh nơi sa mạc cát. Anh trở thành một con người phi lí như bao bao con người phi trong làng cát ấy.
Chương 2: Yếu tố phi lí như là một phương diện của hình thức tự sự trong tiểu
thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo