Người đàn bà trong hố cát

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 29 - 32)

Nhân vật người đàn bà cũng xuất hiện hết sức mờ ảo, không tên tuổi, sống cam chịu dưới cồn cát đã nhiều năm. Chồng và con chị đã mất trong một trận bão cát, để lại chị cô đơn trong căn nhà được vây bọc bởi những bức tường cát. Cuộc sống của chị là những ngày dài nhàm chán nối tiếp nhau, đêm đào cát, ngày thì ngủ. Sự có mặt của người đàn ông như một món quà kì diệu cho cuộc sống của chị. Bất chấp sự tức giận, thái độ thô lỗ của anh, chị ân cần chăm sóc, phục tùng anh như một người vợ, trong khi đó anh chỉ là một người khách xin trọ qua đêm. Chị sống

dưới hố cát tối om, nơi mà bức tường cát dựng đứng không thấy mặt trời chỉ trừ lúc giờ ngọ. Cần mẫn xúc cát cho người ta cẩu lên và chở đi để bảo vệ ngôi nhà của mình không bị ngập trong cát. Chị không có ước mơ, không hi vọng và không cả những khao khát bình thường của con người. Anh bước vào cuộc đời chị, cuộc sống của chị ngay lập tức được đưa ra ánh sáng.

Ngay từ những ngày đầu chị đã đon đả, ân cần chăm sóc anh hết sức chu đáo. Từ bữa cơm tới giấc ngủ và cả việc đi tắm của anh. Chị sợ lắm, sợ anh đi, sợ anh tức giận. Hạnh phúc của chị chỉ đơn giản là nhìn anh ăn cơm dưới mưa cát hay té nước tắm cho anh. Mọi lời nói hay cử chỉ của chị đều hết sức nhẹ nhàng và cẩn trọng. Sự xuất hiện của anh như một dòng suối mát chảy qua cuộc đời chị. Người đàn ông gõ cửa nhà chị hay đang gõ cửa trái tim chị khi đã bị cát làm mục rỗng. Chị như được tái sinh trước sự xuất hiện của người đàn ông xa lạ. Chị trở thành trẻ con trước anh, nụ cười của chị vì thế cũng giòn tan hơn, trong trẻo hơn.

Với một người đàn ông lần đầu tiên chạm mặt nhưng cách xưng hô của chị với anh hết sức tế nhị. Chị xưng “em” với “ông”, điều đó thể hiện thái độ tôn trọng rất lớn. Chị đón anh - một người đàn ông xa lạ như đón người chồng cũ trở về sau bao năm xa cách. Trong khi đó, người đàn ông chỉ ở nhà chị với lí do duy nhất là nghỉ trọ qua đêm. Thế mà, chị lại làm tất cả vì anh, có lẽ những mong anh sẽ yêu quý ngôi nhà của chị và xa hơn là yêu quý chị để cùng chị xúc cát mỗi ngày, san sẽ gánh nặng cùng chị. Chị hiện ra trong ấn tượng đầu tiên của người đàn ông khi chị ra đón anh là “một phụ nữ nhỏ nhắn, khá đẹp, khoảng ba mươi tuổi”[6, tr.35]. Tuy nhiên, điểm làm nên sự khác biệt với các nhân vật nữ khác là chị lại không có một cái tên thậm chí chỉ là một kí hiệu như nhân vật của F. Kafka, hay chỉ là một con số như “Những người khốn khổ” của V.Huygo. Chị chẳng có gì khác ngoài định danh “người đàn bà cát”. Chị mờ nhạt trong biển cát biển người đó, chị không có cá tính lẫn sở thích, không cả lịch sử “chỉ nghĩ đến hiện tại, không quá khứ, chẳng tương lai...Tâm hồn quá nhỏ bé”[6, tr.90]. Chị thường lặng lẽ và ít nói. Chị không có một niềm đam mê nào ngoài việc chú tâm vào xúc cát đổ đi hàng đêm để cát không lấn át ngôi nhà. Chị không chỉ là “một cái bóng mờ mờ”, mà còn là một người thờ ơ,

lạnh lùng với mọi thứ. Sống như không có cảm xúc, cảm giác “Đôi mắt chị chứa đầy vẻ u buồn nhưng trong vẻ phiền muộn đó không toát lên nét cay đắng hay thù hằn nào cả”[6, tr.122]. Chị thản nhiên, mặc kệ mọi sự xảy ra trong làng cát. Chị xúc cát vì coi đó là định mệnh của mình và phục tùng nó một cách tự nguyện, không phản kháng. Chị không coi mình là một tù nhân và chẳng bao giờ có ước mơ thoát ra khỏi đây cả.

Cũng như những người dân nơi làng cát, chị là một cá thể phi lí trong một tập hợp làng cát phi lí. Sự tồn tại lẫn cách sinh hoạt của chị đều khác người, bất thường nếu không gọi là kì quái. Tiếp xúc với câu chuyện, người đọc không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trước hết là cách ngủ của chị “Người phụ nữ nằm trần truồng. Chị như đang trôi bồng bềnh hệt một cái bóng mờ mờ trước đôi mắt đầy nước của anh. Chị nằm ngã trên chiếu, cả thân thể chỉ trừ có đầu đều phơi trần”[6, tr.62]. Rõ ràng chị biết là trong nhà có đàn ông lạ tại sao chị còn nằm ngủ kì quặc, lộ liễu vậy. Rồi đến cả việc nấu cơm, rửa bát cũng hết sức khác người: “Chị cho gạo vào một cái rá và đổ nước vào đó”[6, tr.85]; “Vừa nói, chị vừa bốc một nắm cát bên cửa sổ, bỏ vào cái đĩa đang cầm trên tay…chị xoay tròn cát trên mặt đĩa và quanh chiếc đĩa”[6, tr.85]. Tất cả những sinh hoạt của chị đều phi lí, trái ngược hoàn toàn với lẽ thường.

Người đàn ông xuất hiện chị dành hết tất cả mọi ưu ái cho anh. Từ thức ăn, nước uống và đến cả nước tắm. Tới những bữa ăn, lúc nào chị cũng ăn sau, chị dọn cho anh ăn trước, đứng che ô cho anh ăn để cát không rơi vào thức ăn. Cách chị hầu hạ anh, đôi lúc làm người đọc liên tưởng đến lòng tốt của của một kẻ tớ đối với chủ. Ở tình huống này, vai trò của chị dường như bị hoán đổi hoàn toàn. Rõ ràng chị là chủ căn nhà, nhưng trước cách chị đối xử với người đàn ông xa lạ, chị đã biến mình thành một kẻ ở đợ còn anh mới là chủ nhà. Chị đã sống trọn cả cuộc đời dưới đáy hố không một lời vỗ về an ủi. Chị chỉ có một ước muốn duy nhất mang đầy tính chấp nhận là kiếm đủ tiền từ công việc làm thêm để mua một chiếc đài và một chiếc gương soi, “như thể cả đời người chỉ nhằm vào mỗi hai thứ ấy”[6, tr.211]. Không chỉ hành động, sinh hoạt phi lí mà ngay cả ước mơ của con người, với chị cũng bất

thường, khác người, khác đời. Thật khó mà tin nổi cuộc đời lại tồn tại bóng dáng một người phụ nữ như vậy.

Khi chị bị anh bắt làm con tin, trói chị như trói một con vật, chị vẫn mặc kệ, vẫn để yên, trong khi đó, nếu chị chống cự thì nhất định kết quả sẽ khác hẳn điều anh mong đợi “chị không hề chống đối hay kháng cự”[6, tr.120]. Lẽ dĩ nhiên, với một con người bình thường, phản xạ đầu tiên khi bị tấn công thì phải vùng vẫy để thoát thân, vậy nhưng chị lại không hề tỏ chút thái độ gì trước hành động của anh. Chị thậm chí cũng chẳng buồn trách móc anh hay nài nỉ anh cởi trói, cứ im lìm thụ động đến không ngờ. Ngay cả khi chị có thai chửa ngoài dạ con, thầy thuốc khám bệnh cho chị cũng là một thầy thuốc thú y, chuyên chữa bệnh cho súc vật. Con người lẫn tính cách của chị làm cho người đọc không khỏi hoài nghi, cơ hồ như chị là một người đến từ thế giới khác, không phải thế giới của loài người.

Có thể thấy rằng, người đàn bà đã sống một cuộc đời như côn trùng, như loài vật giữa sa mạc cát và cũng đã bị đối xử như với một con vật. Vì lẽ, cứ phải sống mãi cuộc đời tối tăm và tẻ nhạt đến phi lí ấy, chị đã bị tha hoá, vật hoá. Dường như qua chị, khuôn mặt của ngôi làng vừa để lộ ra. Chị chính là đại diện tiêu biểu nhất, là chân dung mang đầy đủ các nét vẽ của người dân làng cát.

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)