Sự phi lí – quan niệm nhân sinh và sáng tạo của Abe Kobo trong bối cảnh văn học Nhật Bản đầu thế kỷ

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 62 - 69)

văn học Nhật Bản đầu thế kỷ XX

Abe Kobo thuộc lớp nhà văn tiến bộ của Nhật sau thế chiến II. Tác phẩm của ông thường đi sâu vào nỗi bi đát của trí tuệ con người trong cái phi lí của cảnh sống, Người đàn bà trong cồn cát là một ví dụ điển hình cho phong cách nghệ thuật của ông. Ở Người đàn bà trong cồn cát, người đọc không thể phân biệt được thực hư, người nào là kẻ chạy trốn, người nào là kẻ lùng bắt, đâu là ranh giới giữa hư ảo và hiện thực. Một bức tranh về cuộc sống hết sức chân thực, mà ở đó con người phải tranh đấu với nhau, tranh đấu với cả hoàn cảnh sống để được tồn tại. Abe Kobo đã giải thích những vấn đề tâm sinh lí, ý thức và tiềm thức…nhằm cố gắng truyền đạt đến người đọc những hiện tượng có thực ở vùng sâu kín trong hay dưới tầng ý thức. Điểm đặc biệt trong sáng tác của Abe Kobo là chú trọng đến ảnh hưởng của tiềm thức và vô thức đối với hành vi của con người. Đồng thời, tác giả đã sử dụng mọi cảm xúc của con người, từ niềm tự hào và nỗi sợ hãi tới những khao khát tình dục và cả nỗi thất bại ê chề. Tất cả đều dồn vào nhân vật chính là người đàn ông - Niki Jumpei, qua đó chúng ta thấy được sự phí lí về thân phận con người.

Xuyên suốt cả câu chuyện ta thấy tất cả mọi điều tác giả xây dựng đều phi lí: con người phi lí, không gian ngoại cảnh phi lí và cả những hành động của con người cũng phi lí. Nhưng qua câu chuyện phi lí ấy, người đọc nhận ra quan niệm nhân sinh mà tác giả muốn chuyển tải đó là “con người muốn tồn tại đòi hỏi phải thích nghi”. Xây dựng nên một câu chuyện phi lí như vậy, Abe Kobo còn muốn nói với độc giả nhiều hơn những gì ông viết trên trang giấy. Rằng, nhân vật của ông, hoàn cảnh mà ông xây dựng nên đầy khắc nghiệt đó có thể vô cùng phi lí, có thể khó mà có thực, nhưng con người chúng ta đừng chủ quan với cuộc đời của mình. Bởi lẽ có những thứ đến bất chợt và ra đi cũng bất ngờ như chính người đàn ông trong câu chuyện vậy. Ban đầu chỉ đơn giản là anh muốn trốn tránh thực tại, muốn thỏa mãn đam mê của mình, nhưng cũng chính từ ý định đó, anh đã có một cuộc chạy trốn

thực sự. Chạy trốn để tồn tại, để sống và chính giây phút rơi vào bế tắc, rơi vào cuộc rượt đuổi của dân làng, sự sống thì quá mong manh mà cái chết thì trong gang tấc, anh mới nhận ra ý nghĩa của cuộc đời. Anh đã cố vùng vẫy, cố thoát ra khỏi cái hố cát kì quái đó để cuối cùng chính anh lại tạo nên tự do và hơn hết là làm chủ chính cuộc đời mình.

Trong quá trình chạy trốn, cái câu hỏi mà người đàn ông thường đặt ra sau mỗi lần thất bại cũng là câu hỏi phổ quát của bất cứ ai sống trong xã hội lúc bấy giờ “Cố gắng như thế, mình đã đạt được cái gì?”. Chính câu hỏi ấy đã dẫn anh đến sự thích nghi với hoàn cảnh. Thích nghi là bản năng tự vệ lớn nhất của mọi sinh vật. Cá tiến triển thành bò sát là để thích nghi với một thời kỳ khô cạn của trái đất. Khủng long, lôi long, các con thú khổng lồ của tiền sử, đến nay không còn, vì chúng không thích nghi nổi những biến động của thức ăn của thời tiết. Như vậy, con người thích nghi nghĩa là con người đang tồn tại. Nhưng thích nghi ở trường hợp cụ thể này là chấp nhận cái vô lí. Anh ấy có thể biến thành chị kia không? Có thể an phận như những người làng ở đó không? Nhiều gia đình ở đây có thang dây nhưng họ có trốn đi đâu. Họ chấp nhận cuộc sống như chấp nhận sự thách đố. Họ sống giữa sự vùi lấp của cát bằng cách biến cuộc sống của mình thành sự chống nhau với cát. Cát, dưới ngòi bút của Abe Kobo cũng là một chi tiết ngụ ngôn, đặc tính của nó là không hình thể và luôn chuyển động, nó vùi lấp, phá hủy được tất cả. Đấy cũng chính là một trong những điểm sáng tạo của Abe Kobo khi tạo dựng tác phẩm. Đặt cái hữu hạn bên cạnh cái vô hạn để làm cho cái vô hạn càng trở nên vĩnh cữu hơn. Rõ ràng, những hạt cát li ti có đường kính “chỉ bằng một phần tám milimet”[6, tr.34] nhưng lại có sức tàn phá kinh sợ. Nó giống như thời gian. Ngăn nó giống như tát nước biển, nhưng con người vẫn phải ngăn. Dùng thời gian hữu hạn của đời mình chống lại cái thời gian vô hạn của cát. Cuộc đời ở đây có cái gì đó mà con người không thể hiểu. Không hiểu nhưng không thể làm khác. Nhân vật của chúng ta cũng đã hòa nhập vào cuộc sống ấy. Anh làm đủ các việc thường ngày: sàng gạo, rửa bát và xúc cát, đến nổi sau một tháng anh quên hẳn trên đời lại có cái gọi là báo chí. Con đường đi tới cái đích cuối cùng là tự do của người đàn ông bắt đầu từ sự

thích nghi. Đó là khả năng thay đổi mình cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường để tồn tại dễ dàng hơn trong môi trường đó. Đấy là bản năng sinh tồn của mọi loài trên trái đất. Để sống thoải mái hơn trong cát, người đàn ông cũng học cách sống của người phụ nữ: thay đổi nhịp điệu sinh học bình thường - họ ngủ ngày và làm việc ban đêm vì ban đêm cát gặp sương ít chuyển động hơn nên xúc cát dễ dàng hơn; mặc ít quần áo hơn để tránh nóng và tránh cát làm tổn thương da, ăn và ngủ dưới những mái che...Như thế, anh thấy “thời gian trôi qua có phần dễ chịu hơn”[6, tr.242] và “một sự hài lòng thanh thản nào đó trong công việc chân tay mà anh làm mỗi ngày và trong cuộc chiến đấu lặp đi lặp lại với cát”[6, tr.243]. Cuộc sống không còn quá khó khăn với anh nữa. Những âm thanh của một trận cát lở không còn là nỗi kinh hoàng với anh nữa. Nó đã trở thành “một phần trong cuộc sống bình thản hàng ngày” của anh. Nhưng với anh cuộc sống chưa dừng lại ở đó, thích nghi chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích chứ không phải là lựa chọn cuối cùng. Con người trong thế giới phi lí của Abe Kobo là con người phải luôn tự vươn lên để hoàn thiện mình. Từ những nấc thang thấp nhất của sự vô danh, tha hoá... để tiến tới sự thích nghi mà tồn tại. Cái phi lí dần biến thành cái hữu lí. Anh bị bắt cóc thả vào hố cát là phi lí, nhưng để kéo dài sự sống của mình, để không bị cô lập trong xã hội ấy, buộc anh phải thích nghi để tồn tại, đấy lại là hữu lí.

Cùng với sự thích nghi, những tháng ngày sống bên người phụ nữ đơn độc, đáng thương đã làm anh nảy sinh những tình cảm rất người với chị. Khả năng kết nối, yêu thương với đồng loại là một liều thuốc quý để cứu rỗi tâm hồn con người. Abe Kobo không để nhân vật của mình trơ trọi giữa sa mạc cát, không để tình yêu của con người bị cát nóng thiêu cháy mà đã để nó lớn dần lên cùng với sự thích nghi ấy. Kết quả của một cái thai ngoài dạ con mặc dù không giữ được nhưng là minh chứng rõ nét cho sự nảy nở của tình yêu. Dù câu chuyện mà Abe Kobo xây dựng lên chứa đầy sự phi lí, nhưng nó là cái phi lí chứa đầy sự nhân văn cao cả mà tác giả dành cho con người. Con người không thể sống đơn độc một mình, càng không thể dễ dàng hài lòng với mọi thứ, rồi lùi bước trước khó khăn hay chấp nhận cái phi lí của cuộc đời. Anh và người phụ nữ như đã nói, do một tình huống định

mệnh mà đã đến bên nhau. Họ cùng chung cảnh ngộ và thực sự cần có nhau để sống và dần dần đã sống vì nhau. Người phụ nữ cần anh bởi cuộc sống ở đây thật là gay go đối với một phụ nữ độc thân. Khi có anh, mọi khó khăn, sợ hãi như giảm bớt đi rất nhiều. Giữa cái sa mạc cát mênh mông ấy hai người có thể xoa dịu cho nhau để cùng tồn tại. Anh không chỉ yêu thương người phụ nữ mà dần dần anh cũng không còn xung đột với người làng nữa. Anh đã thôi không còn nghĩ tới những kế trả thù họ nữa. Những ý nghĩ sống cho người khác, sống vì người khác còn sót lại làm cho con người anh chưa bị tha hoá hoàn toàn. Nhờ có chút tình yêu mang tính người ấy mà người ta có thể vượt lên, thoát khỏi ranh giới loài vật, khẳng định mình vào thế giới loài người tốt đẹp. Trong thế giới phi lí, nếu không có tình yêu thương thì con người chỉ có thể bị huỷ diệt, đi đến cái chết một cách tất yếu mà thôi. Đó chính là điểm khác biệt và cũng là tài năng sáng tạo của Abe Kobo giữa rất nhiều nhà văn phi lí cùng thời. Abe Kobo không để nhân vật của mình rơi vào bước đường cùng phải chấp nhận cái chết như nhân vật Josef K. trong Vụ án và K. trong Lâu đài của Franz Kafka. Hay mãi mãi chôn vùi cuộc sống nơi trại điên chỉ vì không ai hiểu, không ai chấp nhận lí do của Maria trong Tôi đến chỉ để gọi điện thoại của Marquerz. Hay để người ta lôi đi và xử bắn vì tội danh dửng dưng trước cái chết của mẹ mình mà cũng chẳng buồn bận tâm, chẳng buồn thanh minh như nhân vật Meursault trong Kẻ xa lạ của Camus.

Với Người đàn bà trong cồn cát, Abe Kobo đã khẳng định tài năng và vị trí

của mình trên văn đàn Nhật Bản. Tác phẩm cũng là một minh chứng cho quan niệm văn chương và thế giới nghệ thuật đặc thù của Abe Kobo - một dòng chảy ngầm của văn chương hậu chiến. Ông đã tạo ra một dòng chảy riêng biệt trong văn học Nhật Bản khi luôn xoáy sâu vào những nỗi cô đơn và sự lạc lõng của con người trước cuộc đời. Đằng sau ngòi bút tưởng như khô khan ấy, ta tìm thấy một tấm lòng yêu thương con người sâu sắc, nóng bỏng như “cát”, sự đồng cảm với những nỗi cô đơn của họ và đặc biệt là niềm tin vào sức mạnh và ý chí của con người. Niềm tin chính là thứ ánh sáng nhiệm màu để giúp con người tìm lại chính mình và vượt lên những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống. Đó còn là niềm tin của nhà văn vào bản

chất tốt đẹp của con người mà ông biết nó chỉ tạm thời bị che lấp đi khi họ chưa thực sự tìm ra được con đường đi cho mình. Và khi họ tìm ra con đường cho mình thì cũng là lúc họ nhận ra giá trị của bản thân và có những bước đi đúng đắn trên cuộc đời. Tác phẩm đem đến nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về con người khi họ đang phải sống trong bầu không khí ngột ngạt của một xã hội mà họ cảm thấy đang bị giam hãm trong đó. Người đàn ông chính là đại diện cho một lớp người trong xã hội đang mất phướng hướng giữa cuộc đời, còn làng cát và dân làng cát chính là bối cảnh xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.

Có thể nói, nếu như Franz Kafka là người đầu tiên mở đường cho văn học phi lí với hai tác phẩm nổi tiếng là Vụ ánLâu đài thì Abe Kobo chính là người nối tiếp con đường đó, phát triển nó đồng thời biến cái phi lí thành cái nhân văn của cuộc đời. Và nếu như Camus là người đóng góp thêm cho khái niệm phi lí về mặt triết học thì Abe Kobo là người dựa vào cái phi lí để nói về những vấn đề thời sự của xã hội: con người đang bị tha hóa nhưng sẽ không ai cứu được ngoài bản thân người đó.

KẾT LUẬN

Có thể nói, Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo hấp dẫn người đọc bởi chính những điều phi lí, khác thường, kì lạ của nó. Tác phẩm đưa người đọc đi qua hết những ngạc nhiên này đến những ngạc nhiên khác. Thế giới cát với những con người riêng vừa như thực vừa như huyền ảo, vừa gần lại vừa xa. Nó vẽ ra trước mắt người đọc một cơn mơ có thực. Người đàn bà trong cồn cát

khắc hoạ hình tượng về con người hết sức độc đáo. Đó là hình tượng con người phi lí trong cuộc đời phi lí. Nhưng con người trong tác phẩm của Abe Kobo khác với ở nhiều tác phẩm văn học thuộc trào lưu văn học phi lí ở phương Tây. Dù Abe Kobo có ảnh hưởng nhiều từ các nhà văn phi lí, các triết gia hiện sinh nhưng ở ông vẫn có những sáng tạo rất riêng. Điều đó làm nên dấu ấn của ông trong lòng người đọc.

Tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát có cốt truyện hết sức phi lí, khá đơn giản, nhưng lại mang lại nhiều tầng bậc ý nghĩa khác nhau. Từ cuộc mất tích bí ẩn, tác giả đã để nhân vật của mình tự dấn thân và trải nghiệm một cuộc sống kì lạ. Từ đó khám phá ra bản chất của con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Đó là con người mới luôn luôn đấu tranh để sinh tồn. Đồng thời, với việc xây dựng cốt truyện phi lí, tác giả đã biến yếu tố phi lí trở thành một phương diện của hình thức tự sự. Mà ở đó, người kể chuyện, tình huống truyện lẫn các chi tiết phục vụ cho cốt truyện được tác giả xây dựng nên đều nhằm mục đích làm nổi bật tính phi lí.

Qua tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo chúng ta thấy được sự kế thừa ảnh hưởng từ các nhà văn phi lí trước của nhà văn. Tuy nhiên đó là sự kế thừa hết sức sáng tạo. Cũng đều nói về cuộc đời và con người phi lí, nhưng khác với cái phi lí thời kì trước, trong cái phi lí của Abe Kobo, nhân vật luôn đấu tranh chống lại cái phi lí bằng chính năng lực của mình. Đó chính là khát vọng hiện sinh mãnh liệt trong con người mà tác giả đã nhìn thấy được trong chính nhân vật của mình. Dù rơi vào bế tắc, vào ngõ cụt nhưng con người vẫn không thôi hi vọng vào ngày mai tươi sáng. Mặt khác, qua sự phi lí mà nhà văn đã dày công sáng tạo nên, chúng ta còn thấy quan niệm nhân sinh về cuộc đời của tác giả. Dường như, Abe Kobo đã viết tiểu thuyết như viết một bài ca ca ngợi con người. Ở ông có một

niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng của con người. Ông không ca bằng giọng tươi vui, bay bổng hay một giai điệu ngọt ngào mà bằng cái “giọng khản đặc, lạo xạo những cát, ê chề cực nhọc”(Vũ Quần Phương).

Tìm hiểu về tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát và con người của Abe Kobo giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về tài năng và sự đóng góp của nhà văn đối với nền văn học đầu thế kỉ XX nói riêng và đối với tiến trình vận động của văn học Nhật Bản nói chung. Trong số những tên tuổi vang dội cả nền văn học Nhật, có một tên tuổi mà đến bây giờ người ta vẫn còn nhắc nhở vì những bài học nhân văn thể hiện trong nhiều tác phẩm mang tính biểu tượng cao độ. Đó chính là Abe Kobo. Và nói như Nietzsche “con người chết đi là để trở thành bất tử”, thời gian qua đi càng làm cho tên tuổi của Abe Kobo ngày càng trở nên chói sáng hơn.

Trong giới hạn của một luận văn, chúng tôi tự biết nhiều vấn đề được đặt ra trong tác phẩm nhưng việc giải quyết nó vẫn chưa được thấu đáo do kinh nghiệm và năng lực còn nhiều hạn chế. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề kĩ hơn và liên hệ thêm một số tác giả khác để có cái nhìn tương đối đầy đủ

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. (Trang 62 - 69)