VỤ DU LỊCH
4.1.1. Khái quát chung về du lịch ở huyện Hoa Lư
Di tích lịch sử văn hoá: Trên địa bàn huyện Hoa Lư hiện nay đã có hơn 20 di tích lịch sử danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hoá xếp hạng, ngoài ra còn có trên 100 di tích khác liên quan đến công cuộc giữ nước, tới truyền thống của dân tộc ta. Trong dự án 1000 năm Thăng Long, Nhà nước đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Cố đô Hoa Lư; tôn tạo các di tích, các danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng: Khu Tam Cốc - Bích Động, khu hang động Tràng An..
Hình 4.1. Hình ảnh khu du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư
Nguồn: Tác giả chụp vào lúc 8h30 ngày 15/12/2020 tại khu du lịch Tràng An
Khu du lịch sinh thái Tràng An là một phần của Quần thể danh thắng Tràng An nổi tiếng và cũng là một địa điểm tham quan Ninh Bình đẹp nhất. Khu du lịch sinh thái Tràng An tập hợp những yếu tố nổi bật nhất với các hang động kỳ bí, những thung lũng xanh mướt và những dòng sông quanh co ôm lấy chân núi trùng
trùng điệp điệp. Có thể nói, Khu du lịch sinh thái Tràng An bao gồm những điểm độc đáo nhất, góp phần lớn nhất trong việc tạo nên danh hiệu Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới cho tỉnh Ninh Bình.
Các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội: Hoa Lư có 2 lễ hội quan trọng nhất là lễ hội Trương Yên (diễn ra nửa đầu tháng 3 âm lịch trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử gắn liền với cuộc đời của vua Đinh Bộ Lĩnh) và hội Điện Thái Vi (diễn ra vào nửa đầu tháng 3 âm lịch, gắn liền với một phần cuộc đời của vua Trần Nhân Tông). Các làng nghề truyền thống với các sản phẩm độc đáo, có chất lượng cao như nghề thêu, dệt Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh An; nghề trạm khắc đá thủ công mỹ nghệ ở Ninh Vân... đã làm phong phú thêm tài nguyên nhân văn của Hoa Lư.
Tài nguyên du lịch: Khu di tích Cố đô Hoa Lư có diện tích hơn 13 km2, gần bằng 1/10 diện tích huyện Hoa Lư. Mặt khác, một phần nhỏ của Cố đô Hoa Lư nằm trên địa phận thành phố Ninh Bình và huyện Gia Viễn. Vì vậy khái niệm huyện Hoa Lư và Cố đô Hoa Lư chỉ mang tính tương đối về chủ thể, một là địa danh hành chính và một là địa danh lịch sử. Hoa Lư là vùng đất nổi tiếng của Việt Nam với truyền thống lịch sử vẻ vang, từng là kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt - kinh đô Việt Nam thống nhất ở thế kỷ X, nơi phát tích ba triều đại nhà Đinh, nhà Lê và nhà Lý với 6 vị vua: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh và Lý Công Uẩn.
Bên cạnh những tài nguyên du lịch được hình thành do tự nhiên, Hoa Lư có nguồn tài nguyên nhân văn phong phú đó là các di tích lịch sử - văn hoá có giá trị gắn liền với Cố đô Hoa Lư lịch sử và đã được Nhà nước ta bảo tồn và tôn tạo với nguồn kinh phí lớn bởi dự án 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tạo thêm một thế mạnh mới cho tài nguyên du lịch của tỉnh Ninh Bình trên địa bàn huyện Hoa Lư.
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, tạo điều kiện cho Hoa Lư phát triển các khu trung tâm du lịch lớn với các loại hình du lịch đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch thăm quan nghiên cứu, du lịch văn hoá, lễ hội để thu hút đông đảo khách du lịch.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên các cấp, các ngành của huyện Hoa Lư đều quan tâm góp sức để phát huy vai trò trong việc phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường. Hội Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng
của sự phát triển bền vững của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện.
Nhiều năm liền, Hội LHPN huyện thành lập đội tuyển tham gia thi và trưng bày "Mâm ngũ quả tiến Vua" tại Lễ hội Hoa Lư do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đạt giải cao; tổ chức 5 diễn đàn "Phụ nữ với văn minh du lịch" tại 3 xã du lịch (Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Xuân) thu hút gần 1.000 lượt hội viên, phụ nữ làm dịch vụ du lịch tham dự;
Duy trì hoạt động 3 CLB "Phụ nữ với văn minh du lịch", 25 CLB "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon", mô hình "Hộ gia đình sử dụng thực phẩm sạch" tại xã Trường Yên; duy trì CLB "Phụ nữ với an toàn thực phẩm" ở Trường Yên và nhân rộng CLB ở Ninh Hải; CLB "Giai điệu dân ca" tại xã Ninh Xuân; xây dựng mô hình "Đoạn đường hoa phụ nữ" với tổng chiều dài 50,84 km tại 11 xã, thị trấn....
Hưởng ứng Tuần du lịch Ninh Bình với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" hàng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Tuần du lịch, vận động hội viên phụ nữ xã Ninh Hải tham gia trưng bày và kinh doanh các gian hàng ẩm thực ăn vặt tại chợ quê của Tuần du lịch; Tổ chức lễ ra quân vệ sinh bảo vệ môi trường tại 3 xã Ninh Hải, Trường yên và Ninh Hòa thu hút trên 600 người dự...
Thực hiện phong trào "Ngày thứ 7 sạch", hàng ngàn phụ nữ trong huyện đã tích cực tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh... Đồng thời duy trì 48 tổ phụ nữ tự quản, 35 tuyến đường phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường, mô hình "xóm sạch; tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động của các tổ phụ nữ thu gom rác thải, "Tiết kiệm xanh" ….
Thông qua việc xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình trong hoạt động du lịch của Hội Phụ nữ huyện Hoa Lư đã tạo sức lan tỏa và sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện về trách nhiệm tham gia phát triển du lịch địa phương, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
4.1.2. Phụ nữ tham gia vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương
Trong thời gian qua, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch, UBND huyện Hoa Lư đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng các chương trình, nghị quyết về phát triển du
lịch trên địa bàn huyện như: Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 11/4/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoa Lư khóa XX về phát triển du lịch đến năm 2010;Chương trình 06-CTr/HU ngày 18/01/2016 của Huyện ủy về Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015-2020; Chỉ thị số 01–CT/HU ngày 25 tháng 7 năm 2016 của Huyện ủy về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện …
UBND huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã thị trấn tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức hội nghị, hội thảo; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các cấp đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, ngành bám sát Nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh, huyện.
UBND huyện đã xây dựng và ban các văn bản như: Kế hoạch số 73/KH- UBND ngày 22/8/2017 của UBND huyện về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Kết luận số 03 -KL/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 16/3/2018 của UBND huyện về thực hiện Kết luận số 04/KL-BCSĐ ngày 09/01/2018 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ ngày 15/02/2017 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và quản lý quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Công văn số 1267/CV-UBND ngày 18/10/2018 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng và hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch homestay trong khu vực quần thể danh thắng Tràng An; Kế hoạch 36/KH-UBND ngày 26/3/2018 của UBND huyện về tham gia Tuần du lịch Ninh Bình năm 2018, chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc- Tràng An”; Công văn số 1366/CV-UBND ngày 13/11/2018 triển khai tuyên truyền thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình ...
Trong công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo phát triển dịch vụ du lịch phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng. Phụ nữ từ trước đến nay luôn đóng vai trò then chốt trong gia đình về khả năng sản xuất. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ trên thế giới và trong đất nước đã đem lại cho xã hội nguồn nhân lực, trí lực dồi dào và ngày càng phát triển. Vì vậy trong lao động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng cũng như trong tất cả các lĩnh vực nói chung, và phát triển dịch vụ du lịch nói riêng phụ nữ có một vai trò rất to lớn.
Là một khu du lịch phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan - sinh thái, việc đảm bảo môi trường cho phát triển bền vững cần được đặt ra ngay từ đầu bởi những giá trị du lịch này rất nhạy cảm, dễ biến đổi dưới tác động của hoạt động du lịch và của hoạt động kinh tế - xã hội.
Bảng 4.1. Số lượng và cơ cấu người tham gia vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ du lịch theo giới tính
ở địa phương năm 2020
Nội dung
Số lượng (người)
Cơ cấu (%)
Nữ giới tham gia vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương 26 18,06
Nam giới tham gia vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương 118 81,94
Tổng 144 100
Nguồn: UBND huyện Hoa Lư (2020) Trong công tác xây dựng chính sách phát triển dịch vụ du lịch, vai trò tổ chức quản lý cán bộ là nữ lại càng quan trọng. Theo bảng 4.1, tỉ lệ nữ tham gia vào chính sách phát triển dịch vụ du lịch là 26/144 cán bộ chiếm 18,06%. Tuy
là chiếm số ít nhưng lại là những vị trí quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các phong trào hoạt động của phụ nữ trong xây dựng chính sách phát triển dịch vụ du lịch.
Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững ở Hoa Lư - Tràng An, một yếu tố quan trọng cần được đưa vào nội dung quy hoạch là xây dựng đề xuất chính sách và các giải pháp cụ thể để phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan - sinh thái; tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia tích cực vào hoạt động du lịch cũng như đào tạo để có đội ngũ lao động du lịch đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch Hoa Lư - Tràng An - điểm đến du lịch văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái tầm cỡ Quốc gia và khu vực cần được đặt ra.
Bảng 4.2. Đánh giá của phụ nữ tham gia vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương
STT Chỉ tiêu Số lượng
(n=50)
Tỷ lệ (%)
1 Tham gia thụ động 6 12,00
2 Tham gia cung cấp thông tin 4 8,00
3 Tham gia tư vấn 6 12,00
4 Tham gia vì ưu đãi vật chất 18 36,00
5 Tham gia các hoạt động chức năng 13 26,00
6 Tham gia tương tác 2 4,00
7 Tham gia chủ động 1 2,00
Nguồn: Số liệu điều tra (2020) Như vậy, có thể nhận thấy phụ nữ tham gia đạt tỉ lệ cao nhất ở mức 4 (Tham
gia vì ưu đãi vật chất) với 36,00%. Ý nghĩa của bậc này là phụ nữ tham gia hoạt
động du lịch khi nhìn thấy được lợi ích và họ được trả công. Ngành du lịch đem lại cho phụ nữ địa phương cơ hội việc làm tốt hơn sinh kế truyền thống, nguồn thu nhập gia tăng đáng kể cùng với sự cải thiện các công trình phúc lợi xã hội, vì thế tỉ lệ phụ nữ chủ yếu tham gia ở mức này là tương đối cao so với các bậc tham gia khác. Hình thức biểu hiện của sự tham gia này là việc cung cấp dịch vụ du lịch một cách tự phát hoặc tham gia phục vụ ở dạng cung cấp sức lao động cho các cơ sở kinh doanh du lịch. Thực tế khảo sát và nghiên cứu của tác giả cho thấy số lượng lao động biến động thường xuyên do tính thời vụ trong kinh doanh du lịch tại địa phương.
Khảo sát cho thấy 26% phụ nữ tham gia ở mức 5 (tham gia các hoạt động
chức năng). Hình thức biểu hiện của mức này là phụ nữ tham gia vào các nhóm
chức năng để đáp ứng mục tiêu từng phần liên quan đến dự án cụ thể phụ nữ cư dân địa phương tham gia các nhóm chèo thuyền, chụp ảnh, hướng dẫn, bán hàng giải khát và lưu niệm. Đặc điểm của phụ nữ nhóm này là sinh sống tập trung ở khu vực này lâu năm. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề du lịch và kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ với du khách còn thấp. Mức độ ổn định về thu nhập chưa cao (do ảnh hưởng của tính thời vụ du lịch tại địa phương), nhóm chèo thuyền với mức thu nhập cao hơn.
Bên cạnh đó, bậc 6 và bậc 7 (tham gia tương tác, chủ động) là hai mức độ cao nhất xét về sự tham gia lại đạt tỷ lệ thấp nhất. Theo đó, đối tượng tham gia ở mức tương tác là một số phụ nữ địa phương có học vấn cao (cao đẳng, đại học và sau đại học) giữ chức vụ cao trong chính quyền các cấp ở huyện Hoa Lư và tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch ở địa phương. Đối với nhóm này, sự tham gia được xem như là một quyền lợi (vật chất, thông tin, cơ hội, mối quan hệ xã hội) và là một nghĩa vụ đối với chính quyền. Nội dung đối với sự tham gia tương tác liên quan đến việc tìm kiếm đa quan điểm trong việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch ở địa phương và tận dụng kinh nghiệm của họ đối với phụ nữ địa phương. Nhóm này có quyền kiểm soát việc ra quyết định và xác định cách mà nguồn tài nguyên du lịch được sử dụng để giúp phụ nữ địa phương có vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc trong việc tham gia hoạch định chiến lược và quản lý du lịch tại địa phương. Ở bậc chủ động (bậc 7) thì hình thức biểu hiện tham gia là phụ nữ tự đưa ra các sáng kiến kinh doanh du lịch độc lập với các tổ chức bên ngoài (chính quyền/cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, dự án).
Tóm lại, sự tham gia của phụ nữ trong quy hoạch, dự án phát triển dịch vụ du lịch ở Hoa Lư chỉ mang tính hình thức hay thụ động và chưa tương xứng với vai trò của phụ nữ đối với tài nguyên du lịch và có nguy cơ ngành du lịch địa phương phát triển không theo hướng bền vững.
4.1.3. Phụ nữ tham gia trong tổ chức thực hiện dịch vụ du lịch
4.1.3.1. Các hoạt động quảng bá du lịch