Thế giới kì nhân, kì vật

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tập truyện ngắn Yêu ngôn của Nguyễn Tuân. (Trang 28 - 34)

5. Bố cục của khóa luận

2.1.2. Thế giới kì nhân, kì vật

Trong Yêu ngôn thế giới kì ảo không chỉ có ở nhân vật ma mà cả những kì nhân, kì vật. Đó là một ông lão “rượu bệnh” Bố Ô, một tài tử Bá Nhỡ vì nghệ thuật mà không sợ chết để đánh được cây đàn ma quái. Rồi những tửu phần, huyệt rượu, tờ giấy dó, ngọn lửa trong tranh…đều kì lạ, khác thường. Chính những kì nhân, kì vật này càng góp phần tạo nên bức tranh sinh động lôi cuốn và hấp dẫn đối với người đọc.

Trước hết, đó là nhân vật Bố Ô với một số phận dị biệt, và thói quen khác thường “cái người lạ ấy không bao giờ thấy đói và chỉ có biết khát thôi”. Lão uống rượu một cách “tàn bạo”: “Một chén. Bốn năm chén. Mười chén. Ba mươi chén. Chén nào Bố Ô cũng chỉ làm có một hơi. Nhanh và ngon như kẻ khát đường vớ được nước suối rừng, vục nón xuống mà múc lấy múc để. Và rượu vào đến đâu, là chân lông ông già lại đẫm tuôn mồ hôi ra đến đấy, làm dầm dề cả vải gối. Nhiều dòng nước trắng cứ theo mỗi chân tóc mà tuôn mạnh ra” [21, tr. 116]. Bố Ô còn là một nhân vật độc nhất vô nhị trong cách uống rượu: lão nhắm rượu với một cái đinh “Cái đinh đóng thuyền chấm vào chén rượu mút đánh chụt một cái rất gọn và làm tiếp mãi như thế. Trông rất ngon lành” [21, tr. 108]. Lão sống trong cơn men như vậy cho nên thói quen ấy trở thành “bệnh rượu ghê thực”. Rượu bệnh làm “đổi được cả diện mạo và thân hình Bố Ô…Mặt Bố Ô bị rượu chuốt theo hình một cái hũ – cái cầm dài ra đúng đường lượn của cổ hũ, bụng chửa uốn lên như dáng chóe và hai cái chân thời thật là một đôi nậm: bắp đùi thu ngắn và bạnh phồng lên, ống chân thì thót ngẵng dài mãi ra. Những đường cong nơi thân thể con rượu là đều dập đúng những đường lượn của những đồ vật bằng sứ bằng thủy tinh vốn dùng vào việc đựng rượu xưa nay” [21, tr. 120]. Và Bố Ô càng quái dị hơn khi nhà văn miêu tả những thứ ung thư khắp người đến nỗi đứa cháu được một dịp lấy ngón tay gẫy lũ trùng ấy ra. Thật là ghê rợn! Chỉ có trang văn Nguyễn Tuân

mới miêu tả một “rượu bệnh” chân thật, ghê gớm đến thế. Con người kì dị này uống rượu đến mức toàn thân như một khối men, khi bắt lửa toàn thân bốc cháy không gì dập tắt được. Có thể nói, viết Rượu bệnh, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công một nhân vật “độc nhất vô nhị” trong cách uống rượu, nhà văn nhắc đến thói rượu bệnh nhưng cũng gắn với nghệ thuật thưởng thức cao sang. Đồng thời, Nguyễn Tuân sáng tác Rượu bệnh để kính viếng vong linh người bạn rượu Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu. Dưới ngòi bút tài tình, Nguyễn Tuân đã tạo ra “một độ nhòe của hình tượng nhân vật chập chờn giữa hư và thực, tiên hiện hình và kẻ phàm tục, nghèo hèn và cao sang” [26] để có một nhân vật Bố Ô độc đáo, kì dị trong thế giới kì nhân của Yêu ngôn.

Tiếp đến là các nhân vật khác thường trong Chùa Đàn. Nguyễn Tuân xây dựng những nét kì quái trong nhân vật Lãnh Út. Một chủ đồn điền còn trẻ, vợ chết trong một tai nạn xe lửa lật xuống vực khiến y trở nên thù oán máy móc. Cậu giằn dỗi với cả những vật dụng không cần thiết hằng ngày, bán rẻ đi những đồ đạc do nền văn minh cơ khí sản xuất ra như ô tô xe đạp, máy bơm nước, máy chữ. . . để trở về thời trung cổ chỉ vì quá thương yêu vợ, cậu đã trở thành kẻ thù của nền văn minh cơ khí. Cậu ngày càng hoá rồ, hoá dở trong những cơn say: “say rồi đâm càn rỡ quá. Bò của người ta lạc vào ấp. Ông ta bắt người nhà giữ chân bò căng ra rồi xẻo lấy miếng thịt mông, nướng ăn tái. Nhăn răng ra cười, kêu rằng chỗ mông cắt ấy sẽ thành sẹo cũng không hại gì ai” [21, tr. 170]. Rồi cậu bỏ rượu cả năm rồi lại uống nữa cho đến khi Bá Nhỡ người quản gia trung thành đã chết thê thảm vì cây đàn ma quỉ, Lãnh Út mới tỉnh cơn mê muội và chuyển tình thương yêu sang cho Bá Nhỡ “sau một cái tử biệt, bây giờ ta phải tính đến một nỗi sinh ly khác. Đối với đàn hát từ bây giờ ta nguyện làm một người điếc, một người cô đơn, một người phản bội. Và trên vong linh Bá Nhỡ, ta thề độc là không bao giờ cầm đến một cái chén nào của cuộc đời này” [21, tr. 209].

Viết Chùa Đàn, Nguyễn Tuân còn xây dựng nhân vật Cô Tơ – một ca nương đẹp nhất với phẩm chất chung thủy, nhân ái và tài nghệ ca hát. Tiếng hát của Cô Tơ “vượt qua những đỉnh nhọn của thế giới âm thanh. Tiếng hát mọc cánh, thăm thẳm trong trắng tinh khiết quá pha lê gọt. Cô đang gọi nước suối đá ngọt ngào dâng lên. Tiếng phách trúc díu dan như cô đúc lại được muôn điệu của muôn giếng chim. Có những tiếng tre đanh thép, sắc bén đến cái mực cắt đứt sợi tóc vô tình nào bay qua khoảng nơi phách đang đang bốc cao vươn mình dựng dậy như vách thành…Cô Tơ rót vào đấy cả một rừng chim và cả một suối thủy tinh” [21, tr. 204]. Nhưng vì lòng yêu thương và chung thủy với chồng mà sau cái chết của Chánh Thú cô thề độc sẽ không buông tiếng hát nào cho người đời nghe và quyết định không cho tai mình nghe bất cứ tiếng đàn của người đàn ông nào trong thiên hạ. Và khi đã phục tấm lòng thành và tài hoa của Bá Nhỡ thì cô không nỡ để cho Bá Nhỡ chết, Cô Tơ buộc phải chấp nhận cuộc hòa âm định mệnh cùng với cây đàn ma

quái do Bá Nhỡ đánh. Cô đã phá bỏ lời nguyền để hát cùng với tiếng đàn của

Bá Nhỡ. Cô Tơ hát không chỉ bằng tài năng mà bằng cả tấm lòng, cả trái tim hướng đến người đánh đàn – Bá Nhỡ. Bởi thế, khi Bá Nhỡ chết, Cô Tơ ôm xác Bá Nhỡ mà òa khóc. Có thể nói rằng, Cô Tơ không chỉ là một kì nhân có tài năng ca hát đặc biệt, mà cô còn là biểu tượng của nghệ thuật ca hát, là tiếng lòng, là tình người, là sự hội thụ của tài lẫn tình.

Đến với thế giới của kì vật, ta bắt gặp tờ giấy dó của nhà họ Chu. Đó không chỉ là một kì vật mà đồng thời cũng là một vật quý trên thế gian. Nó đượm mùi hương thơm của một thứ mùi thảo mộc còn tươi sống, được đánh bóng bởi bàn tay của cô Dó. Khi chạm tay vào “Nó nhẵn mặt mà không cứng mình mà chất lại dai và lắm tờ khổ rộng mình dầy thế mà bắc đồng cân lên thì nặng chỉ đến như cái lông ngỗng. Mặt giấy sốp, ngiêng giấy ra sáng mà nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp long

măng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu…Nó đẹp đến nỗi mọi người đều yên trí rằng dẫu đứa thất phu có cầm bút vẽ bậy vào đấy thì những nét lếu láo ấy cũng vẫn cứ thành được hình chữ” [21, tr. 78].

Trong Lửa nến trong tranh là hiện tượng kì lạ quái đản về hình ảnh của

ngọn nến được thắp sáng trong tranh. Chính ngọn nến làm nên tất cả giá trị

huyền ảo của bức tranh. Đó là một bức tranh độc đáo được tạo bởi một người họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc, trong tranh có một ngọn nến được thắp sáng rất kì ảo. Ngọn nến cháy nhưng bức tranh vẫn còn nguyên vẹn, lửa nến sáng “không làm hại gì đến đời vật chất của tranh. Ngọn nến ấy nếu đánh diêm châm thì nến sẽ cháy sáng như một ngọn nến của cuộc đời thật chúng ta. Và “chỉ có nến cháy thôi, chứ tranh vẫn còn nguyên vẹn; lửa nến sáng vẫn không làm hại gì đến đời vật chất của tranh. Muốn cho tranh trở lại vẻ bình thường của tranh thì chỉ có thổi tắt phụt ngọn nến đi thôi” [21, tr. 137]. Cụ Lê Bích Xa đã giải thích về bức tranh có ngọn nến kì ảo ấy như sau: “Lỗ Hường Diên vốn là một họa sĩ nổi tiếng về môn vẽ và lại kiêm cả khoa thôi miên nữa (Tỉnh Mân vốn là quê hương của môn hư linh học). Cứ chỗ thầy biết thì lúc tạo nên bức tranh này, Lỗ phải đi hành hương mãi vào vùng Ma thiên Nhẫn để tìm nguyên liệu như chất lân tinh và diêm sinh ở những mả hoang gần đấy…Lân và diêm sinh thì cháy sáng và thạch nhung thì không cháy, mặc dầu bỏ thẳng vào lửa. Lụa vẽ tranh dệt bằng tơ loài sơn tàm đánh săn lại với thạch nhung cán nhỏ ra. Vẽ đến ngọn nến, họa sĩ dùng chất lân và diêm Ma Thiên Nhẫn trộn lẫn với thuốc vẽ. Vẽ xong họa sĩ thôi miên vào đầu ngọn nến. Đấy là ruột tranh. Cái lần trong. Lần lụa vẽ ngoài, chỉ là cái lượt hoa mỹ của màu sắc và hình vẽ phủ lên để giữ vững cái cốt kì diệu ở trong. Tranh cổ lâu ngày, lượt lụa ngoài cũng hấp thụ được cái thần diệu của cốt trong. Và thắp vào ngọn

nến ngoài cũng có cháy. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi” [21, tr. 138 – 139]. Chính vì lẽ đó, mà bức tranh lại kì ảo, quái đản đến như thế.

Càng kì lạ và quái đản hơn khi ta bắt gặp những tửu phầnhuyệt rượu

có chôn vô số hủ rượu trong ấp Mê Thảo với những cái tên lạ. Bá Nhỡ là người chôn cơm men và rượu cất ở mả rượu ấy. Ngoài Bá Nhỡ ra, cấm dân ấp không được ai lai vãng đến tửu phần. “Tửu phần đã phân ra từng khu đông tây nam bắc và chia từng hàng luống như một nghĩa trang sơn thôn. Trên các thôn và các luống tửu phần, có những thẻ tre sơn vôi trắng, viết chữ đen và sơn đỏ, có thể lẫn với bài bùa phù thủy. Ấy là Bá Nhỡ ghi ngày tháng từng lứa rượu và đặt tên cho từng mẻ rượu, lắm thứ tên những nghe không thôi mà đã đem cái vui buồn trong lòng ra gởi ngay vào đấy. “Vô cố nhân” – “Mê Thảo Hầu” – “Thuần Hoành Quận Chúa” – “Ức Sấu Viên” [21, tr. 176]. Nếu có một hầm rượu như thế đối với ai mắc “rượu bệnh” thì đó là cả một niềm vui say sưa tối ngày, còn với Nguyễn Tuân, hầm rượu ấy đã trở thành nghĩa địa, bởi gò chôn đã mang tên “huyệt rượu” cùng với cảnh ấp, những đêm đào rượu chôn, trở nên quái đản. Khách qua đường đêm vắng cứ tưởng đấy là một vụ chôn của hoặc là đào mả trộm. Với những cái tên “tửu phần”, “huyệt rượu”, “mả rượu”…đều gợi lên về cõi chết, cõi chết của những con người sống trong bế tắc, tuyệt vọng.

Và đặc biệt hơn trong số những kì vật lạ lùng, quái đản trong Chùa Đàn phải nhắc đến cây đàn quái đảncây đàn ma mà Nguyễn Tuân đã điêu luyện xây dựng nên. Cây đàn ma ấy là của ông Chánh Thú – chồng Cô Tơ, một tay đàn cự phách. Đó là một cây đàn ai mà cầm gẩy sẽ gặp tai biến hay vong mạng. Cô Tơ kể: “tang đàn làm bằng nắp ván thôi cỗ quan tài một người con gái đồng trinh …Về sau này, cứ vào những đêm tối giời không tiếng gà gáy chó kêu và thứ nhất vào những đêm áp giỗ nhà tôi, thường cây đàn vẫn dở giời, thành đổ mồ hôi cứ vã ra như tắm và thùng đàn phát lên những tiếng thở

dài và vật mình vật mảy với bức vách, cứ lủng củng suốt đêm” [21, tr. 188]. Khi chủ nhân của cây đàn ấy hiện về, Cô Tơ đến nơi buồng thờ thì thấy “Ba sợi dây tiểu dây trung dây đại ở đàn đáy kế tiếp nhau mà cùng đứt. Một con đom đóm vờn bay trên cây đàn nhễ nhại mồ hôi. Trên nền tang đàn gỗ ngô đồng, có những đốm lân tinh lập lòe. Cô Tơ lại gần mới biết đấy là máu của dây đàn đứt. Đầu các dây còn rung lên, ruột sợi tơ rỉ tuôn ra một thứ nước đặc sệt như máu của con giời leo và xanh đục như ruột bọ nẹt” [21, tr. 197]. Và cảnh hãi hùng, rùng rợn đã diễn ra khi Bá Nhỡ đánh cây đàn ma quái ấy: “trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất, kêu đánh xoảng” [21, tr. 205]. Cảnh tượng này làm cho cây đàn ma của Chánh Thú càng ma quái hơn.

Thoát khỏi cảm giác rùng rợn, ma quái ấy, Nguyễn Tuân đưa người đọc đến với những thế giới của phép màu nhiệm trong chốn non tiên của những

viên đá cuội mà “khi đập ra có một cái nhân nhỏ màu trắng nhờ nhờ tiết ra một mùi hương đượm của quả men rượu ủ trấu… Lấy thìa múc uống thấy say ngát vô cùng” [21, tr. 46]. Hay ta còn được tận mắt thấy những đồng tiền tiên

lạ khi thả vào nước không chìm hết mà có những đồng nổi. Nhưng khi bước vào thế giới tiên cảnh, người đọc cũng không tránh khỏi cảm giác lo sợ từ lời nguyền của thánh Tản Viên. Đó là từ con trúc đao có phép thuật (Trên đỉnh non Tản), đời nào bép xép lỡ mồm tiết lộ đến thiên cơ thần cơ sẽ chịu sự trừng phạt của Thần Non Tản. Cho nên Cụ Sần và hiệp thợ làng Chàng Thôn luôn mang trong lòng những bí mật không thể nói ra, đến nỗi cụ Sần còn giấu cả vợ con và con cháu tưởng cụ đổ đốn trước khi nằm xuống. Dường như những ai tiết lộ bí mật về đỉnh non Tản đều bị trừng phạt, ông phủ Quốc Oai vì vui chuyện mà kể những bí mật thuộc về đại ngàn liền “lăn đùng ra chết”. Chính thần non Tản đã dặn dò hiệp thợ làng Chàng Thôn “Các ngươi về làm

ăn dưới ấy cho yên ổn” và đưa cho mỗi người “nuốt một lá trúc xe điếu”. Trong cánh thợ ấy, Nhiêu Tàm “không biết dại mồm dại miệng thế nào hay lúc say sưa, không rõ tửu nhập ngôn xuất làm sao mà lăn đùng ra chết”. Nhiêu Tàm khỏe mạnh là thế lại tự nhiên lăn ra chết không ai rõ vì sao mà chỉ có ông cụ Sần và năm người thợ mộc biết thôi. Họ tìm thấy trong cái nhọt ở cổ Nhiêu Tàm có cái ngòi xanh lè mà hình dạng của nó thì giống y như chiếc lá trúc con. Không ai bảo ai, họ tự nghĩ rằng: đó là sự trừng phạt của thánh Tản Viên đối với những ai “bép xép lỡ mồm “tiết lộ đến thiên cơ thần cơ”. Con trúc đao có phép thuật như một lời cảnh cáo dai dẳng. Thật kì lạ!.

Tóm lại, tạo nên những kì nhân, kì vật lạ lùng, quái đản như vậy đều xuất phát từ tài năng trí tuệ và óc tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ. Và suy cho cùng cũng là xuất phát từ quan điểm nghệ thuật và cuộc sống hiện thực. Nguyễn Tuân là một nhà văn luôn đi tìm cái đẹp, cái thật trong cuộc đời, là tác giả của những cảm giác mới lạ. Chính vì cái tận cùng của khát vọng ấy, nhà văn đã ca ngợi tôn sùng cái kì vĩ, kì nhân, phi thường của cuộc sống.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tập truyện ngắn Yêu ngôn của Nguyễn Tuân. (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)