5. Bố cục của khóa luận
2.2.2. Không gian huyền kì
Không gian huyền kì là không gian không tồn tại trong thực tế mà nó là không gian của sự pha trộn của ảo – thực, âm – dương, một không gian của thế giới tưởng tượng mà nguyên bản chỉ có trong những câu chuyện thần thoại, cổ tích…Thế nhưng, Nguyễn Tuân đã sáng tạo cả một không gian ma quái, huyền kì trên cái nền không gian hiện thực.
Không gian huyền kì bao trùm lên trong Yêu ngôn là không gian rộng lớn của chốn non ngàn thăm thẳm, trên những cánh đồng dâu tít tắp, trên mặt Hồ Tây vời vợi, trên trường thi rộng lớn…hay trong không gian hẹp: trong
bức tranh, gian nhà cỏ, một ngõ nhỏ, bịu tre, bến đò…Tất cả không gian ấy chỉ có trong trí tưởng tượng cho nên không gian huyền kì của Yêu ngôn còn mang tính nguyên sơ, hoang dã những cũng không kém phần gợi không khí rờn rợn, ma quái. Không gian trong Trên đỉnh non Tản là một thế giới u linh của rừng hoang, núi thẳm: “chỏm non Tản: trông xa như hình một cái tán đá, non kia vòi vọi đã là cả một thế giới của bí mật, của huyền ảo”. Đó là một không gian núi Tản (gồm có đền Thượng, Trung, Hạ) vốn rất đẹp được sơn phủ một lớp sương khói mờ ảo, đầy huyền nhiệm. Cảnh “rừng Tản thấm hút không hết làn sương núi. Sương cành trên động gieo xuống cành dưới. Chỉ có một điệu chìm chìm tẻ tẻ…Đây là một khu đá bằng mặt rộng độ một mẫu, mà chung quanh là những vách đá cao, trên mỗi chỏm nhọn màu xanh cánh chả lại có mây trắng mây vàng đánh đai lấy…Tiếng nước róc rách lưng đèo nghe gần mãi lại. Lúc đến bờ suối có lều cỏ bồng dựng sẵn thì dòng suối Tịch Mịch nín bặt. Nó lửng lơ trôi ốm yếu và lững lờ. Nó trông như pha lê ngọt. Nó hiền lành …” [21, tr. 56 – 59]. Đoạn văn miêu tả cõi tiên thật lạ lùng và lý thú có lẽ chỉ có trong giấc mơ. Cảnh tiên còn hiện ra là một nơi tuyệt vời: “Ở đây bắt đầu một nguồn sống mới lạ. Nguồn sống của dây mơ rợ móc và cỏ và đá vào lúc mới có Cấu Tạo”. Tiên nhân có phong thái ung dung nhàn tản, thoát tục: “râu tóc lông mi trắng xốp như bông, chống một cây gậy trúc đùi gà vàng óng, khoan thai tiến vào cổng trước làng Chàng Thôn”. Không gian tiên cảnh và hạ giới không phân định rõ ràng, con người có thể đi lại giữa hai cõi tiên giới và trần gian: “Thế rồi cả đoàn người cứ thế bay lên, cứ chọc thủng các lớp mây. Từ dưới bay vụt thẳm lên cao lắm, hiệp thợ ấy chỉ là những hạt mẳn sắt bị khối đá nam châm xa cao tít tắp hút ngược lên. Bên tai hiệp thợ phi hành chỉ có gió vù vù thổi”. [21, tr. 57]. Do nguyên nhân sau mỗi trận mưa dâng nước của Thủy thần, Đền Thượng lại bị hư hỏng và đám thợ mộc Chàng Thôn lại được Sơn thần gọi lên cho nên
mới có cảnh tượng con người được bước vào cõi tiên cảnh như vậy. Cuộc sống ở đây, người ta không phải lo toan mưu sinh, bởi cơm gạo chốn này nhiều vô kể “cứ những hòn cuội kia đập vỡ ra là lúa gạo. Cuội xanh là lúa tẻ, cuội vàng là lúa nếp. Còn thứ cuội trắng là, là…”. Thức ăn bốn mùa trên sơn thượng mới thật lạ lùng, thú vị. Ngoài ra còn có những “loài cây ăn quả, nhiều nhất hai bên suối lá một giống hồ đào, trong như quả roi ở dưới ta. Giống đào rợ Hồ màu vàng nhạt và xanh hay chín, trái nào cũng có má hồng…Trái đào rợ Hồ, nhân hột có dạng cái thai đứa trẻ gục đầu ngủ quên” [21, tr. 59]. Và điều lạ lùng hơn nữa là không cần phải nấu nướng gì, những thứ nhân đá xanh vàng kia, cứ đập rời ra, bốc bỏ vào mồm là đủ hương vị một hạt cơm, một hạt xôi. Còn nếu như muốn uống rượu thì đập vỡ cuội trắng ra, lấy nhân đá trắng hòa vào với nước suối mà uống. Nguyễn Tuân đã tưởng tượng để vẽ ra các sắc màu không gian trên một bức tranh thật êm dịu, kì thú và cũng hết sức lạ lùng của chốn bồng lai tiên cảnh.
Ở một số truyện ngắn khác, không gian kinh dị, khác thường như làm nền để xuất hiện sự kì lạ, quái đản. Trong Khoa thi cuối cùng là không gian của trường thi âm u, không quạnh có sự xuất hiện của hồn ma báo oán, báo ân. “Báo oán giả tiên nhập – Báo ân giả thứa nhập – Sĩ tử thứ thứ nhập”
(Những hồn báo oán vào trước – Những hồn báo ân vào sau – Các thầy khóa vào sau nốt). Trường thi có lẫn lộn giữa ma người thì không tránh khỏi cái không khí rùng rợn, ma quái. Không gian ma quái ấy còn nhuốm màu đen tối của trời đất của “đêm mưa dầm vẫn tối như bưng lấy mặt”. Không gian của “một thứ gió u hiển thổi bốc vào bãi trường, nghe lào xào như có tiếng các oan hồn lành chen chúc và ùa vào choán chỗ. Những cây nến cháy vạt ngọn bỗng tắt phụt hết. Không gì xa vắng bằng cái động đậy trong đìu hiu của muôn loài” [21, tr. 22 – 23]. Cảnh trường thi âm u tẻ lạnh “Mặt đất sáng hơn nền trời. Cuộc tế tiến trường như đang lắng chờ một sự biến gì. Gió cũng
không muốn thổi. Mấy ngọn sáp không lung lay, vệt khói xám nơi bình hương bốc lên thẳng thắn trên bàn tam sinh. Nền trời phương Đông đáng lẽ ra phải hửng lên rồi. Thế mà ở đấy chỉ rặt một thứ mây đục đùn lên những hìnhquỷ Đông. Phía Tây, một cái cầu vòng cụt một chân, tô lên tạo vật những màu xanh đỏ dại dại và nghịch mắt” [21, tr. 22]. Đây là thời khắc mà oan hồn của người đàn bà hiện ra quấy phá không cho ông Đầu Xứ Anh và ông Đầu Xứ Em thi. Với không gian u ám này, Nguyễn Tuân phần nào giải thích lí do mà các sĩ tử bị thất bại trong các kì thi. Rồi nó còn gợi lên cho người đọc những suy tư, trăn trở về con đường công danh của các sĩ tử thời xưa. Công danh không được rải một con đường lụa trắng sáng mà nó phải đi qua những bước thăng trầm sóng gió. Con người sống trong cuộc đời này cũng vậy, muốn đi đến cái đích của hạnh phúc thì cũng trải qua những mưa giông bão táp thì sẽ có những giá trị đích thực của nó.
Trong Loạn âm, lại có một không gian khác thường của “bầu trời cao khi nãy bắt đầu tỏa sương và trở nên thấp tức. Giữa ngày hè, sương! Mà lại sương có chất mặn, thế có biến không…Trong nhà càng lạ nữa. Nồng lên một mùi khói chổi sể và khói đốt rác” [21, tr. 143]. Và trong đêm vắng “ông Kinh lại như nghe thấy tiếng sáo lúc xa lúc gần. Ấy là tiếng sáo thiên nhiên của bụi tre già ngoài ngõ…Thêm vào món sáo ma quái ấy, ngoài hiên, đợt gió lả lay mỗi lúc đổi chiều lại ru cái ống bơ sắt văng vào thành công nước đầy… Đêm quạnh hiu lẻ bóng, nghe mà thêm giợn” [21, tr. 144 – 145]. Chính trong cái không gian khác thường ấy xảy ra một cuộc hội ngộ cũng vô cùng khác thường, ông Kinh Lịch họ Trịnh gặp lại người bạn – Vị Quan Ôn từ cõi âm trở về. Cuộc gặp gỡ diễn ra vừa trang nghiêm vừa rờn rợn để sau đó cái tang tóc thê lương của ngôi làng. “Chợ làng vắng hẳn đi nhưng buồn và lạnh ghê lắm vì trong số người gồng gánh có mặt ở đấy thì quá nửa là chit khăn trắng. Có người, trên đầu đeo ba bốn cái tang dồn trong một lúc… Trong xa cứ như
là cò đậu. Người sống họp chợ cứ vơi dần mà ma mới thì cứ thêm mãi…Chợ làng đến ba phần tư là ma họp” [21, tr. 156 – 157]. Dương gian và địa phủ như nhập vào một. Ma quỉ có dịp nhiễu nhương hiện hình trên dương gian ngay cả ban ngày. Một không gian thê thảm, rùng rợn vô cùng, đâu đó “chốc lại vang về ít tiếng vọng âm u những hơi thở của vong hồn oan khổ”.
Trong Xác ngọc lam, Nguyễn Tuân tạo ra một không gian huyền ảo của nương dó. “Góc nương gió có gốc cây Thần, chả mấy đã thành hoang vu và trờ nên bí mật như một rừng cấm, gió ngàn có lách qua được kể cũng còn mệt” [21, tr. 83]. Rồi từ ngương dó ấy nổi lên những tiếng hát, lúc xa lúc gần, cái tiếng nói ấy không ai hiểu là tiếng gì đó đi khắp cả nương gió. Về sau này, khi cô Dó về sống ở nhà họ Chu thì cái không gian huyền kì lại xuất hiện qua âm thanh kỳ lạ, ớn lạnh phát ra từ tiếng hát của cô Dó vào mỗi đêm: “Trong sương, đùng đục những nhịp chày nhà cậu Năm giã dó và lắm buổi còn lẫn lộn một thứ tiếng hát, âm thanh lơ lớ và nhịp lúc mau như khổ dựng dong nhà Tơ và lúc thưa thì giống hệt lối ngâm thơ Thiên Thai rồi ngân dần dần lên và lại dần dần ngân mà xuống đúng như hơi hát cung bắc lúc đổ con kiến... Lắm khi ngà ngà say, phất phơ mà đi, nhìn đêm lạnh trăng suông, nhớ rừng cũ cô Dó lại càng hát nhiều nhiều... Đêm đông trường, chỉ có một thứ tiếng hát của cô Dó chập chờn đi từ giới hạn một bờ Tây Hồ đến bờ một khúc sông Tô Lịch. Tiếng huyền diệu và mù mờ bao la” [21, tr. 91 – 92]. Đây là không gian huyền thoại dường như đã xóa mờ ranh giới giữa thần tiên và con người từ đó họ có thể chung sống với nhau như những con người bình thường khác.
Không gian kì ảo và thực quái đản trong Yêu ngôn vẫn thấy rõ nhất ở
Chùa Đàn. Với tài năng sáng tạo của nhà văn, không gian được miêu tả đầy sức biến họa, ma quái từ cái ấp Mê Thảo cho đến gò chôn rượu và buổi hòa âm định mệnh. Mê Thảo có một bãi tha ma chôn rượu gọi là tửu phần, mả rượu, trên các luống mả có những thẻ tre ghi ngày tháng từng
lứa rượu, cảnh đào rượu ban đêm cũng là cái không khí quái đản của Chùa Ðàn. “Cảnh Ấp, những đêm đào rượu chôn, trở nên quái đản. Khách qua đường đêm vắng tưởng đấy là một vụ chôn của hoặc là đào mả trộm” [21, tr. 176]. Đó là không gian ma quái của buổi hòa âm định mệnh với cây đàn quái đản thành đàn đổ mồ hôi, thành đàn phát ra những tiếng thở dài quái dở. Và càng kì bí và rùng rợn hơn khi “trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất, kêu đánh xoảng” [21, tr. 205]. Rồi Bá Nhỡ ngục xuống, máu càng tuôn ra nhiều hơn, thân hình ngót dần và teo tóp như cái xác khô người tăng già khổ hạnh. Bá Nhỡ chỉ còn là một cái bóng trên vũng máu tươi và cây đàn trên tay tự tan vụn ra từng mảnh. Bá Nhỡ đã tự nguyện đánh đổi tính mạng để một lần được đánh cây đàn ma quái ấy, để được sống trong những giây phút thăng hoa của tiếng đàn, câu hát và biến thành một con ma tài tử muôn đời. “Tạo ra một không gian đặc biệt như vậy có thể so sánh với sự sáng tạo một khách thể lạ trong Điêu tàn của Chế Lan Viên. Đó là thế giới ma quái đầy huyệt mộ và bóng ma, thế giới của tủy xương và máu. Mỗi người đều chất chứa qua đó ngụ ý khác nhau. Cái nhìn của Chế Lan Viên siêu hình, cái nhìn của Nguyễn Tuân là sự pha trộn các yếu tố hiện thực và hoang đường… là phong cách mang nét tài hoa, uyên bác và độc đáo của Nguyễn Tuân” [8, tr. 130].
Như vậy, không gian trong Yêu ngôn của Nguyễn Tuân là một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Không gian ấy vô cùng đa dạng, độc đáo của không gian quá vãng với không gian huyền kì. Xây dựng yếu tố kì ảo lồng ghép vào cái không gian quá vãng, Nguyễn Tuân muốn tại hiện lại đời sống văn hóa truyền thống một thời xa xưa, khơi gợi lại những cái đẹp của “vang bóng một thời” để trân trọng, nâng niu và gìn giữ nó. “Ông yêu mến và than tiếc những cái đã qua, và cố sức làm sống lại cả một thời xưa cũ, một thời gần
chúng ta quá, nhưng mà đối với chúng ta như đã xa lạ vì không ai gợi đến vẻ đẹp và những cao quí riêng” [20, tr. 106]. Chính vì diều này mà nhà văn đã tái hiện lại không gian quá vãng. Và ở một mức độ nào đó, nó được phủ nhẹ lên lớp không khí ma quái trong Yêu ngôn phải khiến cho người đọc sống trong những cảm giác mê hoặc, thích thú trước một thế giới hiện thực khác trong trí tưởng tượng. Nhưng dù mỗi kiểu không gian khác nhau, nhà văn luôn chứng tỏ được sự tài hoa uyên bác của ngòi bút trong cách tạo dựng không gian mang “mĩ quan độc đáo của Nguyễn Tuân” [29]. Đó chính là văn hóa Việt, tâm hồn Việt mà Nguyễn Tuân biết kế thừa khai thác, phát huy để làm nên cho Yêu ngôn một thế giới nghệ thuật riêng biệt.