5. Bố cục của khóa luận
3.3. Giọng điệu huyễn hoặc, sắc lạnh
Theo Từ điển thuật ngữ văn học “giọng điệu thể hiện thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm... Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, đóng vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [6, tr. 134].
Trong tác phẩm văn học, cũng như ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật là rất quan trọng bởi đó là một trong những phương thức để tác giả xây dựng nhân vật. Qua giọng điệu mà tính cách của nhân vật được bộc lộ một cách đầy đủ chân xác nhất. Bên cạnh đó thì giọng điệu người trần thuật lại giữ vị trí chủ đạo. Qua giọng điệu người trần thuật, độc giả có thể nắm bắt được ý tưởng của nhà văn thể hiện qua những câu chuyện được nói tới.
Trong Yêu ngôn thế giới thực thực ảo ảo đã kéo người đọc về với một thế giới khác gần hơn với cách miêu tả và giọng điệu huyễn hoặc của nhà văn. “Huyễn hoặc là làm cho mất sáng suốt, lầm lẫn, tin vào những điều không có thật hoặc có tính chất mê tính” [18, tr. 584]. Sử dụng giọng điệu huyễn hoặc Nguyễn Tuân đã dựng lên cảnh hồn ma báo oán thật ghê rợn. Nơi trường thi “oan hồn hiện lên, ngay ở kì đệ nhất. Một người đàn bà trẻ, xõa tóc, ẵm con, hiện ngay lên dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu khóc, giữ dịt lấy tay không cho viết quyển nữa. Gào khóc chán, người đàn bà lấy mớ tóc quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên. Lại cười sằng sặc, lấy nghiêm mực hất vào quyển của ông” [21, tr. 23]. Và còn ớn lạnh hơn khi ta đọc đến đoạn người thiếu phụ ốp đồng: “Nàng xưng là cô và gọi ông Đầu Xứ Anh là nó, cười sặc sụa và giọng nói the thé. Nó còn đi thi, cô còn báo mãi. Các ngươi hỏi cô muốn gì ấy à ! Cô muốn, cô muốn nó phạm húy, cho nó bị tội cả nhà kia” [21, tr. 25].
Với tờ giấy dó của nhà họ Chu, Nguyễn Tuân đã thổi vào đó một linh hồn. “Nó nhẵn mặt mà không cứng mình mà chất lại dai và lắm tờ khổ rộng mình dầy thế mà bắc đồng cân lên thì nặng chỉ đến như cái long ngỗng. Mặt giấy xốp, nghiêng giấy ra sáng mà nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp lông măng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cái cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu; mùa nực, rờ vào giấy thấy mát cả lòng bàn tay và về tiết đông ấp tay vào giấy nhà Chu, thấy nó ấm ấm như có sinh khí. Đưa lên mũi tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ mùi thảo mộc còn tươi sống, thật là một vật quý trên thế gian” [21, tr. 78]. Với giọng điệu đầy mê hoặc nhà văn làm cho người đọc có cảm giác như được chạm tay vào loại giấy quí hiếm này mà chất chứa trong nó những mạch nguồn đầy sức quyến rũ.
Khi đến với những bức cổ họa, Nguyễn Tuân phủ nhẹ lên một gam giọng huyễn hoặc kì lạ đem đến cho chúng ta một cảm giác kinh ngạc, kinh
sợ, rùng rợn bởi chất ma quái. Đó là khi nhân vật Dăng đang ngắm bức cổ họa vẽ tướng Hàn Kỳ ngồi đọc thư binh bên ngọn bạch lạp. “Tranh tự nhiên sáng bừng lên. Nến bốc dần sức sáng soi xuống trang sách vào khuôn mặt hồn hào vị tướng già quắc thước ngồi trong lòng cổ họa. Giá lúc này, lửa nến lả lay ngọn đi một chút theo tí dao động của phòng khách đây thì Dăng đã tưởng tượng tướng Hàn Kỳ ngồi kia là người của cuộc đời này và đang là một vị khách ngoài thời gian của chủ ấp đây” [21, tr. 137].
Khi thì giọng kể của tác giả được gửi vào cảnh vật trong chốn bồng lai tiên cảnh, ta ngỡ ngàng như đó là một giấc mơ giữa ban ngày. Cảnh tiên dần dần hiện ra trước mắt: “Người tỳ nữ…ngoắt ngọn tay bảo hiệp thợ theo mình đi ra phía sau nẻo đá, rẽ ngoặt phía trái rồi đi xuống. Tiếng nước róc rách lưng đèo nghe gần mãi lại. Lúc đến bờ suối có lều cỏ bồng dựng sẵn thì dòng suối Tịch Mịch nín bặt. Nó lửng lơ trôi ốm yếu và lững lờ. Nó trong như pha lê gọt. Nó hiền hòa.” [21, tr. 59].
Trong Chùa Đàn, để tăng sự chú ý, nhà văn đã tạo ra lời kể sắc lạnh khiến người đọc không thể tránh khỏi cảm giác rùng rợn khi chứng kiến khung cảnh đốn cây gạo diễn ra như một cảnh ở pháp trường: “cây gạo xiêu dần xuống rồi vạch mạnh xuống như một kẻ chiến tranh bị trúng độc kế ở mặt trận, làm tung bắn lên những thân hình người đang oằn oại trên những đoạn luồng già dung làm bẫy cắm chèn vào kẽ gốc. Suối Vầu tung nước. Rừng Vầu vang bật lên một tiếng quật gốc già. Đầu rễ cái gốc gạo nhựa rỉ tuôn tợ máu phun” [21, tr. 168]. Giọng điệu gấp gáp dồn dập làm cho trận chiến của các cây gạo diễn ra ác liệt hơn.
Để tạo nên sự chú ý, tác giả còn dùng những lời thuật hấp dẫn đầy mộng mị như ở đoạn tả tiếng đàn của Bá Nhỡ. Người đọc cảm nhận như được sống trong buổi hòa nhạc định mệnh ma quái với cảm giác ớn lạnh bao quanh. “Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó
là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ màn thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vão cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm vô danh hưu hưu ngọn vàng so le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vướng víu nửa vời” [21, tr. 201]. Rồi cảnh tượng hãi hung xảy ra: “trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất, kêu đánh xoảng”. Cách dẫn truyện bằng chất giọng lạnh lùng đầy biến ảo, không bình luận để tăng thêm niềm tin cho người đọc vào những điều có thể xảy ra trong cuộc sống mà nhà văn là người trong cuộc. Đây là biện pháp nghệ thuật hữu hiệu của cây bút tài hoa Nguyễn Tuân.
Có thể nói, giọng điệu huyễn hoặc sắc lạnh trong Yêu ngôn đã làm cho thế giới kì ảo lung linh, kì quái hơn. Nhà văn đưa người đọc từ những mê lộ
này cho đến mê lộ khác để cho họ tin những điều đó là có thực. Từ những cái huyễn hoặc, sắc lạnh ấy, nhà văn ký thác, khẳng định quan điểm của mình về nhân sinh, lý tưởng thẩm mỹ trong cuộc đời.
KẾT LUẬN
Đến với thế giới văn chương Nguyễn Tuân là chúng ta đi vào hành trình tìm kiếm những cái đẹp, cái thật trong cuộc đời. Một cuộc hành trình không mệt mỏi, không âu lo nhưng cũng chất chứa bao nhiêu điều bí ẩn, hoang đường. Để lĩnh hội cuộc hành trình ấy, chúng ta phải sống trong những cái kì ảo, quái đản và cũng đừng ngạc nhiên về tất cả những điều phi lý, hoang đường ấy, đừng sợ hãi khi bắt gặp những hồn ma hay những kì nhân, kì vật. Bởi chúng ta đang sống trong thế giới của cái ảo, của những giấc mơ không có thực. Thế giới kì ảo ấy lung linh, mơ hồ đến nỗi ta không nhận ra đâu là đường biên của cái thực và cái ảo. Nó là cả một thế giới hiện thực với bao nhiêu hỗn độn, ngổn ngang. Song, càng bước vào thế giới ấy, ta càng bị lôi cuốn và hấp dẫn bởi một thế giới khác, một thế giới của cái đẹp, cái trọn vẹn viên mãn…
Thế giới kì ảo trong Yêu ngôn được thể hiện ở rất nhiều phương diện của tác phẩm: nhân vật, không gian, thời gian. Với sự kế thừa và phát huy tính huyền thoại trong các tác phẩm văn học dân gian và các tác phẩm văn học khác, Nguyễn Tuân đã tạo nên một thế giới độc đáo, riêng biệt. Thế giới yêu ngôn có lúc va vấp, có lúc chênh vênh, cũng có lúc phải tự "lột xác" đớn đau, nhưng Nguyễn Tuân vẫn luôn giữ vẹn được nhân cách, bản ngã của mình. Yêu ngôn được kết tinh và đọng lại trong giá trị cơ bản của nó. Đó là sự dung hợp, thăng hoa của cái đẹp và những giá trị nhân bản. Chính vì thế, Yêu ngôn
không tạo ra cảm giác ghê rợn mà nhà văn cho người đọc thấy sự tôn vinh cái đẹp, của những con người tài hoa, những nhân cách cao đẹp và đằng sau cái chết, những hồn ma nhân vật đầy chất bi thương vẫn ánh lên sự bất tử của một nền văn hóa dân tộc. Qua Yêu ngôn, nhà văn còn gửi gắm những triết lý nhân sinh, những gợi mở nghĩ suy về số phận con người, về lòng trắc ẩn và tình người. Đó chính là những giá trị vững bền của Yêu ngôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (biên soạn) (2003), 150 thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG
Hà Nội.
2. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Jean Chevalier, Alain Cheerbrant (1999), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du.
4. Hà Thị Đoài (2009), Mô típ kì ảo trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Khóa luận tốt nghiệp, ĐHSP Đà Nẵng.
5. Hà Minh Đức (chủ biên) (2005), Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, NXB KHXH, Hà Nội.
6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2010), Từ điển thuật ngữ
văn học, NXB Giáo dục.
7. Cao Thị Thu Hoài (2009), Yếu tố kì ảo trong sáng tác của Võ Thị Hảo, Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên.
8. Đoàn Trọng Huy (2007), “Hình tượng không gian đa dạng trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6.
9. Bồ Tùng Linh (2011), Liêu trai chí dị, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
10. Nguyễn Hoàng Liêm (2013), “Tình huống truyện trong “Yêu ngôn” của Nguyễn Tuân”, Tạp chí Thế giới trong ta, số 418.
11. Lê Nguyên Long (2006), “Về khái niệm kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn học”, Nghiên cứu văn học số 9, Viện văn học, Viện KHXHVN, Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006), Văn học Việt Nam sau 1975
những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục.
14. Nguyễn Đăng Mạnh (2005), Những bài giảng về tác gia văn học Việt
Nam hiện đại, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
15. Tôn Thảo Miên (2003), Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
16. Vương Trí Nhàn (2005) Cây bút đời văn, NXB Hội nhà văn.
17. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
18. Hoàng Phê (1998), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
19. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học (một số vấn đề lí luận và lịch sử), NXB Đại học Sư phạm.
20. Phan Ngọc Thu (2001), Để hiểu thêm một số tác giả và tác phẩm Văn học
Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục.
21. Nguyễn Tuân (Nguyễn Đăng Mạnh sưu tầm và giới thiệu) (1998),
Yêu ngôn, NXB hội nhà văn.
22. Nguyễn Phạm Ngọc Thủy (2008), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân
qua Yêu ngôn, Luận văn Thạc sĩ, ĐHSP Đà Nẵng.
23. Tzevan Todorov (2007), Dẫn luận về văn chương kì ảo, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
24. Trần Thanh Tùng, Yếu tố kì ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai
đoạn 1930 – 1945, Luận văn Thạc Sĩ Văn học, ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
25. Bùi Thanh Truyền (2006), “Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu Văn học số 11.
26. Nguyễn Thị Thanh Vân (2007), Đặc sắc thể tài Yêu ngôn trong sáng tác
của Nguyễn Tuân, Luận văn Thạc Sĩ Ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên.
27. Hoàng Thị Văn (2008), Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt
Các trang web: 28.http://thuykhue.free.fr/stt/n/nguyentuan.html 29.http://yume.vn 30. http://www.evan.com.vn. 31. http://vuongtrinhan.blogspot.com. 32.http://d.violet.vn/uploads/resources/249/443577/preview.swf 33.http://sontinh1.com 34. http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=402 35. http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1271-ban-ve-huyen-thoai-