5. Bố cục của khóa luận
2.3.1. Thời gian mơ hồ, không xác định
Thời gian trong Yêu ngôn mà nguyễn Tuân xây dựng thường là thời gian mơ hồ, không xác thực. Nhà văn đã sử dụng biện pháp hư ảo hóa của thời gian đêm để tạo ra cái hư hư ảo ảo, mập mờ.
“Đêm tượng trưng cho sự thai nghén, nảy mầm của những mưu đồ bí mật sẽ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật thành những biểu hiện của sự sống. Đêm chứa đầy tất cả các khả năng tiềm tàng của cuộc đời. Nhưng đi vào đêm tức là trở về với cái chưa xác định trong đó đầy rẫy những ác mộng và quái vật, những ý nghĩa đêm tối. Đêm là hình ảnh của cái vô thức, trong giấc ngủ đêm cái vô thức được giải phóng, cũng như bất kỳ biểu tượng nào, đêm biểu thị tính hai mặt, mặt tăm tối, nơi đương lên mem mọi chuyển biến và mặt trù bị cho ban ngày, ở đó sẽ lóe ra ánh sáng của sự sống” [3, tr. 298]. Phải chăng, Nguyễn Tuân đã thấu hiểu điều này cho nên trong Yêu ngôn nhà văn đã xây dựng thời gian mơ hồ, không xác định giữa đường biên tối sáng. Dường như, đêm là khoảng thời gian để cho các nhân vật kì ảo xuất hiện, là thời khắc để hồn ma hiện hình, và những chuyện lạ, kì quái xảy ra. Bởi trong đêm tối khi không còn ánh sáng của mặt trời thì thời gian luôn huyền bí với con người.
Thời gian bắt đầu khoa thi cuối cùng là lúc “Đêm mưa dầm vẫn tối như bưng lấy mắt. Hai cái tài hoa anh em kia, cộng lại không được bốn mươi nhăm tuổi đầu, bì bõm dắt nhau đi về phía cửa trường thi. Có tẩm mưa gió và đi đêm như thế này, người ta mới thấy bước công danh là một con đường chật vật, nên xét lại xem có nên tiếp tục đi tiếp không” [21, tr. 36 – 37]. Rồi đêm cũng là lúc để cô Dó xuất hiện: “Ở ven Hồ Tây, giờ cảnh đêm đông không còn lặng lạnh như mọi khi nữa. Trong sương, đùng đục những dịp tiếng chầy nhà cậu Năm giã dó và lắm buổi lại còn lẫn một thứ tiếng hát, âm thanh lơ lớ và nhịp, lúc mau như khổ dựng giọng nhà Tơ và lúc thưa thì giống hệt lối ngâm thơ Thiên Thai rồi ngân dần dần lên và lại dần dần ngân mà xuống đúng như hơi hát cung bắc lúc đổ con kiến. Đêm đêm, cậu Năm làm giấy và cô Dó cũng lách mình ra khỏi đá, nghè giúp chồng” [21, tr. 91 – 92]. Rồi khi cậu Năm trăm tuổi đi, cô Dó “đêm đêm ra ngồi ở ven hồ Tây và
ven sông Tô có mấy tháng liền” [21, tr. 93]. Trong đêm cô Dó mới hiện nguyên hình người :“Nửa đêm ấy, Cô Dó hiện ra thật, mình vẫn mặc tấm áo choàng như ngày ở rừng xa, nhưng dưới gấu đã xé xơ ra cho nó thành tấm áo trảm thôi và mớ tóc tang rối như xơ dó vừa ăn vôi” [21, tr. 98]. Cũng trong đêm khuya, những hồn ma dưới âm thế hiện hình trên dương gian: “Một đêm nóng nực ấy, phải thức quá lệ thường để nghĩ dùm một bài văn tế làm dở cho một hiếu chủ hàng xóm, ông lắng thấy có tiếng móng ngựa nện ngoài sân đất trị, rồi lại có tiếng nhạc rung. Vội mở cửa thì thấy có đông người tiến vào nhà, ông vội khêu đèn to thêm, hai cơn bấc nữa. Trời ôi, cố nhân. Lại vẫn vị Quan Ôn ngày năm nọ nhưng năm nay lại không mặc áo bào xanh mà lại mặc áo màu ô bóng” [21, tr. 161]. Và chỉ có trong đêm hồn ma mới biến mất để không ai còn thấy nữa: “Vị Quan Ôn vụt ra cửa. Tiếng nhạc ngựa thưa dần trong gió khuya…Gió khuya vẫn còn đưa lại cái tiếng lanh lảnh thưa thớt của nhạc ngựa” [21, tr. 162]. Thời gian đêm xuất hiện hàng loạt trong các câu chuyện kể, để tạo ra không khí ma quái kì ảo cho những hiện tượng hay nhân vật kì ảo xuất hiện.
Thời gian mơ hồ trong Yêu ngôn còn xuất hiện hàng loạt với những: “buổi chiều năm ấy, mấy năm nay, đã lâu lắm, mấy năm trước, một hôm nào đây…” (Trên đỉnh non Tản); “hồi ấy, các lần ấy, từ đấy, cho đến bây giờ, đời ấy và đời khác, sau đấy ít ngày, có một lần, đã có bao đêm liền, lần ấy, đêm đêm, nửa đêm ấy, sau đêm ấy, ngay đêm ấy…” (Xác ngọc lam); “mỗi buổi sớm, về sau này, bỗng một buổi mai, sớm nào, sớm tinh mơ hôm ấy, cuối mùa xuân năm ấy (Rượu bệnh); “một lần ấy, sớm ngày sau, một đêm ròng ấy, đêm đêm..” (Lửa nến trong tranh)…Tất cả những thời gian mơ hồ ấy đã góp phần tạo nên sự mơ mơ màng màng không xác định của câu chuyện. Trong cái khoảnh khắc ấy là lúc xảy ra các sự việc kì lạ, khác thường. Hầu hết, thời gian mơ hồ thương xảy ra vào ban đêm. Bởi đó là thời khắc con người đối diện với
chính mình, sống với chính mình, để lại đằng sau những bộn bề lo toan của cuộc sống. Như vậy, “thời gian đêm thường thích hợp để mỗi người được sống với chính mình. Chìm trong thế giới vô thức, trực giác, linh cảm… “tâm” trong mỗi người “thức” và nhiều sự khác không bình thường xảy đến” [27]. Cho nên, Yêu ngôn đã gieo vào lòng người đọc những suy ngẫm, trăn trở về cuộc sống. Trong những cái kì ảo, mơ hồ ấy, con người phải biết nhận ra những cái thật, cái cần phải trân trọng và gìn giữ.