5. Bố cục của khóa luận
2.2. Không gian kì ảo
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, không gian nghệ thuật là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan… Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mơ hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới – dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng. Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hóa các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật có thể là không có tính cản trở, như trong cổ tích, làm cho ước mơ, công lý được thực hiện dễ dàng” [6, tr. 160].
Trong Yêu ngôn của Nguyễn Tuân có chứa nhiều yếu tố kì ảo tạo nên không gian của chiều sâu tâm tưởng, không gian của cõi âm, không gian của chốn bồng lai tiên cảnh - nơi mà cảm nhận về cuộc sống cứ chập chờn đan cài giữa âm và dương, hư và thực; và những linh cảm, điềm báo cứ quẩn quanh bủa vây con người. Không gian kì ảo xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống và tâm hồn nhân vật. Đó có thể là không gian ở cõi trần với vô vàn cái kì lạ, không gian cõi âm, không gian trong cõi vô thức, không gian của quá vãng về văn hóa truyền thống của một vùng quê xưa. Tất cả được nhà văn khắc họa làm nổi bật lên không gian đa màu sắc kì ảo cho tác phẩm.