Không gian quá vãng

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tập truyện ngắn Yêu ngôn của Nguyễn Tuân. (Trang 35 - 38)

5. Bố cục của khóa luận

2.2.1. Không gian quá vãng

Mỗi tác phẩm văn học ra đời đều chịu sự chi phối của hoàn cảnh mang tính thời đại, và trong tác phẩm diễn biến câu chuyện được đặt theo trật tự thời gian nhất định. Có thể là kết cấu theo thời gian tuyến tính hay thời gian tâm tưởng và thời gian phối hợp cùng không gian luôn tạo thành nền cảnh của câu chuyện để triển khai những diễn biến trong tác phẩm.

Trong tập truyện ngắn Yêu ngôn, ta có thể thấy không gian quá khứ bao trùm lên trong các truyện: “Đây là loại không gian mang bóng hình quá khứ được dựng lên bởi hoài niệm, kí ức, hồi tưởng và cả tưởng tượng nữa” [8, tr. 129]. Nguyễn Tuân đã tái hiện lại không gian của một thời với những việc, những người mà nay chỉ còn là “vang bóng”. Phảng phất ở trong những trang Yêu ngôn là cảnh núi non sông nước, cảnh phố phường chợ búa, kẻ chợ kinh kì, cảnh những làng nghề thủ công truyền thống… “Đó là những khung cảnh quen thuộc, thân thương, gần gũi với mỗi tâm hồn Việt, qua ngòi bút của Nguyễn Tuân đã hiện lên với tất cả những gì gọi là đặc trưng, tiêu biểu nhất” [26].

Trong Khoa thi cuối cùng Nguyễn Tuân dựng lại không gian thi cử của trường thi Việt Nam đầu thế kỉ XX. Hình ảnh của những con đò đầy cự quậy,

bốc nhẹ, rồi trườn mình ra xa, những bông hoa hòe vàng nở vàng khắp vùng đất Sơn Nam “nghĩ đến cái màu vàng của một tấm giấy cáo trục phong tặng hoặc là một phần hoàng mai sau cho hai đấng sinh thành”. Mùa hoa hòe nở cũng là lúc “lòng những người có chữ bắt đầu bận bịu… hoa vàng nở đều, làm ấm lại lòng người sĩ tơ tưởng đến sự hiển đạt về sau này” [21, tr. 18]. Đây là cái thời sĩ tử áo vải đi thi mang theo sự hãnh diện, tự hào của một con người có học. Nếu nhà thơ Tú Xương dựng lại không gian trường ốc với sự có mặt của những quan Tây, me Tây, bà đầm… trong nỗi niềm chua chát và cái cười mỉa mai châm biếm trước hiện thực thi cử:

Nhà nước ba năm mở một khoa Trường Nam thi lẫn với trường Hà Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến Váy lê quét đất, mụ đầm ra Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!

(Lễ xướng danh khoa Đinh Mậu - Tú Xương)

thì Nguyễn Tuân lại dựng lên không khí của huyện lỵ Hà Nam nhộn nhịp như trong ngày hội. Phố Hàng Giấy đầy ắp giấy mực, “bút Song Lam, Thanh Chi, Nhất Chi, rồi Kiều Lan, Trúc Lan…cái thứ bút Tảo Thiên Quân” [21, tr. 26]. Tất cả được Nguyễn Tuân khơi dậy làm sống lại văn hóa truyền thống của một thời xa xưa. Phải chăng, nếu không phải là một người am hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc và xuất thân trong một gia đình truyền thống Nho học thì Nguyễn Tuân khó có thể viết được những trang thơ như thế.

Và còn đây là những cảnh sinh hoạt văn hóa truyền thống rất Việt Nam mà chúng ta có thể bắt gặp trong trang văn Yêu ngôn. Những cảnh buôn bán

đi về tấp nập, nơi “Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy, Ô Yên Phụ, Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Cầu Rề n…Thứ rượu ngon cất ở tả ngạn song Nhĩ, đưa qua bán bên đất Kinh đô, các cô gái Bồ Đề bao giờ cũng ghé đò ngang đi vào lối cửa Quan Chưởng này” [21, tr. 106 – 107]. Dù là những địa danh, những cảnh sinh hoạt hằng ngày cũng đủ làm xao xuyến, rung động lòng người – nhất là với những ai đã từng gắn bó với đất Thăng Long. Có lẽ, Nguyễn Tuân là người có cái duyên đặc biệt khi viết về cảnh sắc, hương vị quê hương. Những tài hoa tinh túy của nghệ thuật truyền thống làng quê qua bàn tay điêu luyện của ông càng trở nên lấp lánh, kì ảo.

Cảnh sinh hoạt truyền thống còn được nhà văn tái hiện qua nghề làm giấy ở làng Hồ Khẩu (Xác ngọc lam). Đó là loại giấy dó của nhà họ Chu nổi tiếng đến mấy mươi đời liền, họ không làm giấy moi bao giờ “chỉ làm toàn giấy lụa và giấy lệnh hội để viết bằng, viết sắc” và tới khi có khoa thi “thì nhà ấy mới làm thứ giấy để học trò đóng quyển”. Giấy nhà họ Chu, người sành sỏi dẫu nhắm mắt lại chỉ cần lấy tay sờ cũng nhận diện được bởi “nó nhẵn mặt mà không cứng, mình mà chất lại dai…Mặt giấy sốp, nghiêng giấy ra sáng àm nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp long trắng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cái cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu; mùa nực, rờ vào giấy thấy mát cả lòng bàn tay và về tiết đông ấp tay vào giấy nhà Chu, thấy nó ấm ấm như có sinh khí. Đưa lên mũi tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ mùi thảo mộc còn tươi sống, thật là một vật quý trên thế gian” [21, tr. 78].

Rồi làng nghề truyền thống chuyên nghề thợ mộc ở làng Chàng Thôn tỉnh Đoài. Nơi có “cái tràng cái đục của dân Chàng Thôn không những được người trần biết đến mà thỉnh thoảng cứ dăm bảy năm một, lại có người tiên trên núi hạ sơn cầu đến” [21, tr. 42]. Đời sống của người dân lao động đến ngày mùa họ là những người nông dân cần mẫn, khi nông nhàn họ là những

người thợ thủ công khéo léo. Ngay trên đỉnh non Tản cũng có dấu vết văn hóa cổ kính qua những mái đình. Đôi bàn tay tài hoa của họ khiến những thớ gỗ trở nên có hồn “những đầu kèo vai và câu đầu, đều chạm tứ quý tứ linh. Bức trần gỗ thì chạm bát bửu cổ đồ. Nét chạm tỉ mỉ công phu gấp mấy lần công thợ điêu khắc ở các đền đài khác ở khỏi dưới núi. Họ chia nhau ra mà chạm, người thì tỉa hình thưa kiếm, quạt và phất trần, kẻ thì gọt dáng tù và với cái kia thành một bộ đôi bằng những sợi cẩm đới nét dẻo như tung bay được” [21, tr. 65].

Như vậy, không gian quá vãng là cái đã qua, người ta không thể tận mắt nhìn thấy nó mà chỉ có thể biết đến trên những trang văn thơ hay những câu chuyện kể ấy. Nguyễn Tuân đã làm được điều đó qua việc tái hiện lại không gian văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Trong bài Đọc lại Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân Phan Cự Đệ có viết: “Nguyễn Tuân làm cái việc của một người đi khơi lại đống tro tàn của dĩ vãng, tìm lại cái đẹp ngày đã qua một thời vang bóng. Cảm tưởng của người đọc khi gấp sách lại là ngậm ngùi, tiếc nuối một cái gì đã mất hút vào xa xưa”[15, tr. 233]. Qua không gian quá vãng, người đọc có thể nhận thấy tình cảm sâu nặng với quê hương đất nước của nhà văn Nguyễn Tuân trên từng trang viết.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tập truyện ngắn Yêu ngôn của Nguyễn Tuân. (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)