Mất niềm tin vào cuộc đời

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 27 - 31)

5. Bố cục đề tài

2.2.1.Mất niềm tin vào cuộc đời

“Đứng hơi xa mà nhìn thì cuộc đời là một hài kịch, nhìn thật gần thì cuộc đời một bi kịch” (Sébastien-Roch Nicolas de Chamfort (http://danhngon.info)). Đúng như mảnh đời của các nhân vật trong tiểu thuyết

Nỗi lòng, khi họ cố đi tìm cho mình một cuộc sống ý nghĩa thì chính họ lại rơi vào những bi kịch dở khóc dở cười. Nguy hiểm nhất là khi con người đánh mất niềm tin ở chính mình.

Khép trang sách cuối cùng của tiểu thuyết Nỗi lòng, đâu đâu cũng tràn ngập nỗi chán chường, ám ảnh và nghi ngờ. Tiên Sinh mất niềm tin trong tình yêu, hạnh phúc gia đình rồi đến chàng sinh viên cũng vậy. Những tưởng rằng sẽ dừng lại ở đó rồi sẽ có một lối rẽ khác, nào ngờ cuộc đời của K, bạn của Tiên Sinh, con cô chủ cho thuê trọ cũng giẫm đạp theo một con đường mù mịt không lối ra ấy. Chừng đó mảnh đời tuy có khác nhau đôi chút nhưng đều quy tụ lại một điểm, con người mất niềm tin ở chính mình dẫn đến mất niềm tin tất cả mọi thứ.

Có thể nói, xuyên suốt tác phẩm, Tiên Sinh là nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất đến các nhân vật khác và có mặt ở hầu hết các trang sách. Sau khi bố mẹ qua đời, trước sự lừa gạt của người chú, Tiên Sinh phải khăn gói lên đường để sinh sống ở nơi đất khách quê người, phải bắt đầu cuộc sống tự lập và tiếp xúc với những bụi bặm của cuộc đời. “Đến ông chú – người mà bố mình ca ngợi hết lời – còn gạt gẫm lừa dối mình thì những người kia làm sao có thể làm cho mình tin tưởng được đây” [4, tr.250] – lời nói của Tiên Sinh như tái hiện lại sự thật, việc thật trước mắt cho độc giả. Gia đình, người thân ruột thịt luôn là điểm tựa quan trọng nhất cho chúng ta mỗi khi vấp ngã, ra đi và trở về. Thế nhưng, cuộc đời Tiên Sinh thì hoàn toàn trái ngược, bố mẹ mất đi, người chú ruột luôn khiến cho Tiên Sinh phải vò đầu bóp trán. Để đến lúc, Tiên Sinh không còn tin tưởng bất kì ai nữa “…làm sao có thể tin tưởng người khác đã trở thành một quan niệm ăn sâu vào đầu óc, xương tủy tôi, không làm sao gột rửa được nữa”

[4, tr.261]. Cứ thế, môi trường đáng để tin cậy nhất đã mất đi, bây giờ thì “Hễ có ai bắt chuyện là tôi lập tức cảnh giác để phòng”, “Tôi nhìn khắp xung quanh với con mắt đầu nghi ngờ tăm tối đến độ tôi phải hổ thẹn với chính mình” [4, tr.261]. Bởi vậy, Tiên Sinh ngày càng lầm lì, ít nói và luôn suy nghĩ cho mình mọi kế hoạch để đối phó, xoay chuyển tình thế là lẽ tất nhiên.

Vấp ngã và đứng dậy bước tiếp, “tình yêu” là vũ khí để đong đầy trái tim Tiên Sinh lúc này “Tôi đã nghi ngờ khắp cả loài người trong vấn đề tiền bạc

nhưng lúc đó tôi chưa hề biết nghi ngờ tình yêu” [4, tr.263]. Cảm giác xao xuyến, nhớ thương, nỗi niềm hân hoan, vui sướng giúp Tiên Sinh đứng vững và một lần nữa, niềm tin ở quá khứ đang dần dần được hồi phục. Vậy mà không được thời gian bao lâu, khi cuộc sống ở trọ tại nhà cô chủ cùng tình yêu đang đơm hoa kết trái, chính cái quá khứ quá u ám đó lại hiện hình trong tâm trí Tiên Sinh, khiến ông phải thốt lên rằng “Phải chăng vì đàn bà con gái nhẹ dạ, cả tin như thế nên luôn luôn bị đàn ông lừa dối” [4, tr.271]. Lẽ ra, sự quan tâm của cô chủ phải được ông đón nhận và đền đáp xứng đáng. Nhưng mặt gương đã vỡ thì không bao giờ lành, cuộc đời của Tiên Sinh cũng vậy. Sự quan tâm quá mức của cô chủ lại khiến ông đau đớn, giày vò tâm trí “không sao tưởng tượng nỗi khi cả hai mẹ con bà chủ đang xếp đặt, tính toán, mưu mô tất cả mọi sự đằng sau lưng tôi” [4, tr.273]. Hễ có một lời nào đề cập đến tình yêu của ông và cô chủ, ông đều cho đó là sự sắp đặt. Từ đó đâm ra nghi ngờ “Việc bà chủ thúc đẩy con gái gần gũi, thân thiết với tôi cũng chẳng khác gì việc ông chú tôi trước đây muốn sắp đặt cho tôi lấy con gái ông vậy” [4, tr.273]. Và cũng chính ông thừa hiểu rằng “do óc tưởng tượng của tôi mà ra”. Đáng sợ hơn, con người Tiên Sinh bấy giờ - một nửa là quá khứ, một nửa là hiện tại, khi mà tất cả cứ nhập nhằng vô định.

Chính tình yêu làm cho Tiên Sinh phải mất ăn, mất ngủ, ôm trong mình nhiều uất ức và những điều cần giãi bày, tâm sự với người bạn thân K. Cũng bởi do hiểu lầm trong tình yêu giữa hai người nên dẫn đến cái chết đáng tiếc. Vì thế, cuộc hôn nhân giữa Tiên Sinh và cô chủ, một mặt khiến nhân vật tin vào hạnh phúc ở phía trước, một mặt ngờ vực và chán nản luôn chính cả bản thân mình. Bất cứ nơi đâu cũng có “một cái bóng đen cứ chập chờn ẩn hiện bay lượn vật vờ trên niềm hạnh phúc của tôi” [4, tr.406].

Nhân vật nhìn lại và tự cảm nhận “Và rồi tôi sớm ý thức được ngay hi vọng này chỉ là một giấc mơ ban ngày, vỡ tan trong khoảnh khắc” [4, tr.409]. Những việc ông đã làm, đến lúc nhìn lại, ông vẫn không tin điều đó xảy ra, tất cả

chỉ là mờ mờ, ảo ảo và chỉ mỗi lúc chập chờn ẩn hiện mà thôi. Không dừng lại ở đó, “trong yêu đương có tội ác” là kết cục mà tình yêu của chính ông đã trải qua. Người bị ảnh hưởng và bước tiếp con đường của Tiên Sinh là chàng sinh viên.

Sinh ra và lớn lên tại miền đồng quê Tokyo, cuộc đời của chàng sinh viên gặp khá nhiều rắc rối từ khi bước chân vào cánh cửa đại học, đến nỗi anh chẳng tin ngay lấy chính mình nữa. Vì lẽ đó nên anh cũng chẳng thể tin vào một ai khác được. Xuất phát từ cảnh Tiên Sinh không có việc làm ổn định, cứ sống ngày qua ngày trong trạng thái chán ghét cả thế gian nên chàng sinh viên này cũng vậy. “Ngoài miệng nói vậy chứ tôi cũng chả có mấy hi vọng để tìm cho mình được địa vị khá giả” [4, tr.173]. Sau khi tốt nghiệp xong đại học, cầm tấm bằng trở về nhưng anh cũng chẳng thể nào tin vào khả năng của mình để có một việc làm phù hợp và có thể nuôi sống được bản thân.

Cuộc đời của Tiên Sinh đã làm cho chàng phải lo lắng quá nhiều, ngờ vực mọi thứ: “Nghe những lời đó vang dội bên tai, đột nhiên tôi đâm ra sợ hãi. Tôi cảm thấy như con người đang đứng trước mặt mình là một tên tội nhân nào đó chứ không phải là cái ông mà tôi vẫn luôn đem lòng tôn kính” [4, tr.122]. Hơn thế nữa, là một chàng trai trẻ nhưng trong anh, cảm xúc khao khát về một người khác giới không hề xảy ra bởi tình yêu của Tiên Sinh đã mang lại quá nhiều rắc rối, đau khổ. “Chú phải nhớ là trong yêu đương có tội ác … Chú có biết rằng khi thấy mình như bị buộc trói vít đầu xuống bằng những mớ tóc đen, dài thì mình sẽ cảm thấy thế nào hay không” [4, tr.57]. Chính bản thân Tiên Sinh cũng không tin được những thứ mà cuộc sống này đã ban tặng cho ông. Nó chỉ toàn là những vết xước hằn sâu trong trí óc, không thể nào nguôi. Ông mất đi những nỗi ám ảnh đối với chàng sinh viên không hề nhỏ “Tiên Sinh nhắm mắt lìa đời vẫn còn che giấu nỗi niềm không cho vợ hay. Trước khi có thể phá hoại hạnh phúc của vợ mình, Tiên Sinh đã tự phá hủy chính sinh mệnh của mình mất rồi” [4, tr.52]. Cảm giác khát khao được yêu đã mất hút vào tận nơi nào, thay vào đó là

nỗi sợ hãi “Thực ra khi đứng trước đàn bà con gái, tôi thường thấy tình cảm trong lòng đột nhiên thay đổi hẳn. Thay vì cảm thấy bị lôi cuốn, tôi lại muốn gạt phăng đi” [4, tr.71]. Dẫu rằng mỗi khi chàng sống trong chính ngôi nhà của mình, ở bên cạnh những người thân yêu nhất của mình, nhưng tâm hồn vẫn trống trải đến vô biên, không gì lý giải được.

Bên cạnh Tiên Sinh và nhân vật Tôi, chàng sinh viên K cũng vậy. Sống với Tiên Sinh, K bị ảnh hưởng khá nhiều ở tính tình, cách suy nghĩ và hành động. Tự thay đổi ngành học, lừa dối cha mẹ nuôi. Sau đó bỏ luôn nhà cha mẹ đẻ đi sống một nơi khác. Sự giúp đỡ của Tiên Sinh để đưa tình yêu thương trở lại cũng trở nên vô ích. Tiên Sinh cố hàn gắn vết thương của K và gia đình bao nhiêu thì lại bị gia đình K phũ phàng bấy nhiêu.

Rõ ràng, khi chúng ta mất niềm tin ở cha mẹ, người thân – những tấm gương mẫu mực thì không thể nào tìm lại niềm tin ở bất kì nơi nào khác. Vì lẽ đó, môi trường sống là một trong những yếu tố chi phối đến suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Điển hình là cuộc đời của Tiên Sinh – chàng sinh viên xưng Tôi và K. Tất cả đều có những điểm giống nhau và ảnh hưởng qua lại khá mạnh mẽ. Khi mất niềm tin, con người sẽ mất tất cả và phải sống trong hoài vọng về một cuộc sống không mấy tốt đẹp ở phía trước. Nỗi lòng đã thực sự mang lại cho chúng ta những giá trị hiện thực sâu sắc.

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 27 - 31)