Bi kịch cô đơn, lạc lõng giữa thời cuộc

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 34 - 38)

5. Bố cục đề tài

2.3.Bi kịch cô đơn, lạc lõng giữa thời cuộc

Cuộc sống thiếu định hướng của thanh niên hiện nay đang là mối lo lắng của toàn xã hội. Những truyền thống xưa cũ chẳng đủ hấp dẫn để níu chân giới trẻ, nhưng vòng xoáy hiện đại lại quá ư hời hợt và vô nghĩa. Vậy là họ, tuổi trẻ vĩ cuồng luôn đầy ắp những tham vọng nhưng không biết bám víu vào đâu. Đọc

Nỗi lòng, mỗi người không khỏi giật mình bởi thấy thấp thoáng bóng hình mình trên từng trang viết. Ở đó, dòng đời cứ chậm chạp trôi mà không hề lưu lại dấu ấn nào trong lòng mỗi nhân vật, và chính họ cũng chẳng làm gì để cống hiến cho cuộc đời, tất cả quãng thời gian mà họ sống chỉ có một màu xám ảm đạm – cô đơn và lạc lõng.

Đáng chú ý hơn cả, hầu hết những nhân vật trong tác phẩm cô đơn giữa một biển người. Kì lạ thay ở chỗ, họ biết mình rơi vào trạng thái cô đơn nhưng đành bất lực. Trái lại, cái cô đơn ấy còn tồn tại với sự bảo thủ “Cô đơn là cái giá mà chúng ta phải trả, vì đã ra đời trong thời thế hiện tại đầy những tự do, độc lập và vị kỉ của chúng mình” [4, tr.62]. Không những vậy, sống với quá khứ, chịu đựng hiện tại và hi vọng trong một tương lai bấp bênh, vô định nhưng dường như Tiên Sinh luôn bằng lòng với cuộc sống mà mình đang có.“Tôi là con người đơn chiếc trong nhân gian nên khi chú đến nhà chơi thì tôi thấy thật vui mừng. Nhưng tôi cũng là một con người buồn bã nữa và vì vậy tôi mới hỏi tại sao chú lại cứ muốn đến chơi với tôi luôn luôn như thế” [4, tr.35]. Thậm chí, chính vẻ cô đơn đó khiến cho trái tim Tiên Sinh thích thú, mãn nguyện hơn bao giờ hết “Tôi là một con người lẻ loi cô độc trên đời, chẳng lẽ chú cũng lại là một con người lẻ loi cô độc nữa hay sao? Nhưng tôi đã có tuổi rồi, tôi có thể lặng lẽ âm thầm sống với nỗi cô đơn của mình” [4, tr.36]. Ở đây, nhân vật đã sẵn sàng tự phủ lên cho mình một chiếc mặt nạ để tiếp xúc với cuộc đời. Rõ ràng, Tiên Sinh lúc này nhận ra sự cô đơn nhưng lại không muốn thoát khỏi nỗi “cô đơn”

đó. Sự hiện hữu của nhân vật trên thế gian này chính là trò hề và sai lầm của tạo hóa.

Tâm trạng vui sướng, mãn nguyện với vỏ bọc cô đơn đó dẫn đến cuộc sống của họ cũng “im hơi lặng tiếng” – sống nhưng lại không muốn người khác biết đến, không muốn hiện hữu trên cõi đời này. Càng đau đớn hơn, con người muốn né tránh, chạy trốn tất cả “Năm thì mười họa mới đi ra khỏi nhà một lần”.

Và như thế, “Trên thế gian này, chẳng có ai biết đến tên tuổi của Tiên Sinh cả. Ngoài tôi là người có mối quan hệ mật thiết và có lòng kính yêu đối với Tiên Sinh chẳng còn ai biết đến học vấn cùng tư tưởng của Tiên Sinh hết” [4, tr.48]. Xã hội của Tiên Sinh lúc này chỉ có duy nhất số một, ông thích khép mình, chôn sâu vào bóng đêm.

Không chỉ có mỗi Tiên Sinh mà chàng sinh viên cũng thế. “Tôi so sánh thầy tôi với Tiên Sinh. Cả hai người đều muốn ẩn mình tránh né con mắt của thế gian. Thực thế, cả hai người đều lặng lẽ âm thầm, thích ẩn náu đến độ so với những người khác trên đời cả hai đều như đã chết nhưng tự bao giờ. Đối với người ngoài, cả hai ông đều là những con số không thực là trọn vẹn” [4, tr.89]. Dường như, nỗi cô đơn đó đã đông đặc, lặn ngụp vào tâm hồn của những con người nới đây khiến họ phải đối mặt.

Trải dài trên hành trình cuộc sống của các nhân vật, để thể hiện bi kịch cô đơn và lạc lõng giữa thời cuộc, Natsume Soseki đã khéo đặt nhân vật trong hai kiểu không gian đối lập: không gian rộng lớn, ồn ào, xô bồ, và kiểu không gian tĩnh tại, chật hẹp – trong gia đình - biệt lập tương đồng với hoàn cảnh cô đơn lẻ loi của con người. Hai kiểu không gian đối lập này cùng nhau tô đậm thêm cái cảm giác cô đơn, lạnh lẽo ấy. Không miêu tả về ngoại hình, tính cách hay những chi tiết tỉ mỉ nhưng cuộc sống của Tiên Sinh vẫn hiện lên như một trò hề, một màn kịch sinh động “Quả thật là tôi thấy mình sung sướng được nấp sau cái mặt nạ mà bọn họ đã ngớ ngẩn khoác vào cho tôi” [4, tr.275].

Bước vào không gian của tiểu thuyết Soseki, chúng ta có cảm giác như đang bước vào một thế giới chật hẹp, ngột ngạt, tù túng. “Tôi sống một cuộc đời hết sức cô độc và có rất ít mối giao thiệp với người đời. Khi nhìn quanh mình, đằng trước cũng như đằng sau, bên phải cũng như bên trái, quả tình tôi thấy mình chẳng hề có trách nhiệm hay nghĩa vụ với một ai cả” [4, tr.223]. Thật vậy, một mình hứng chịu cảm giác bơ vơ, Tiên Sinh cố bám cuộc sống thì lại tuột khỏi tầm với. Xã hội lúc này cũng không có chỗ để chôn bước chân Tiên Sinh lại, rày đây mai đó để tìm chỗ nương thân nhưng cuộc sống ở trọ nhà cô chủ, người bạn K cũng mang lại cho anh khá nhiều nghi ngờ, u ám. Mất niềm tin ở người đời, Tiên Sinh thu mình lại trong cái vỏ cô đơn cho đến khi được tình yêu của cô gái con bà chủ nhà trọ đánh thức. Tình yêu đó đơm hoa trên kết cuộc bi thảm của người bạn thân K khiến cả đời Tiên Sinh không thôi dằn vặt. Nhân vật chàng sinh viên tìm đến với Tiên Sinh bằng sự hiếu kỳ của tuổi trẻ, mong muốn chia sẻ với Tiên Sinh nhưng Tiên sinh lại một lần nữa không thể nào thoát khỏi nỗi cô đơn và phần bóng tối vây bủa tâm hồn mình. Có thể thấy rằng, việc đặt nhân vật vào hai không gian đối lập, sự cô đơn của con người hiện lên một cách tự nhiên, có sức ảm ảnh dai dẳng trong suy nghĩ của người đọc.

Xuất phát từ môi trường cuộc sống xung quanh, tự trong tiềm thức của những người lớn như Tiên Sinh, thầy của nhân vật Tôi – họ không có ý chí phấn đấu, vươn lên để thoát khỏi cái vỏ bọc tối tăm…“vẫn một mực giấu kín nỗi lo ngại ấy riêng trong dạ mình chẳng để ai hay. Bất kì khi nào bác sĩ tới thăm bệnh, thầy tôi cũng không hề quấy rầy ông bằng những câu hỏi dớ dẩn không đâu” [4, tr.169]. Vì bản tính quá ích kỉ, sống chỉ biết giữ niềm riêng cho mình nên cô đơn và bơ bơ, lạc lõng là lẽ tất yếu. Lần sâu vào những trang sách của Natsume Soseki, nguyên nhân của sự cô đơn không chỉ dừng lại ở đó, từ sự kiện báo chí đăng tin “Thiên hoàng băng hà” làm cho ai nấy đều xót xa lòng dạ chẳng khác gì một luồng gió độc đã đánh thức cây cỏ đang ngủ im lìm trong một xó miền quê xa xôi hẻo lánh. Sự kiện Thiên hoàng Minh Trị băng hà, không khí

ấy tràn ngập trong phần hai và ba của tiểu thuyết. Cái chết của Thiên hoàng toả lan và ảnh hưởng tâm khảm thời đại. Từ một lão ông nhà quê như cha của chàng sinh viên, đến giới tướng lãnh như đại tướng Nogi, hay giới trí thức như Tiên Sinh đều nhìn thấy sự cáo chung của thân phận mình trong sự ra đi của Thiên hoàng, người khởi xướng cho một cuộc cách tân vĩ đại. Cái chết theo phương thức seppuku (mổ bụng tự sát) của đại tướng Nogi mang tính biểu tượng cho một sự khép lại những giá trị cũ, mở ra con đường hiện đại không còn nhiều xung đột như cuộc đời Tiên Sinh.

Vậy là số phận của Tiên Sinh, thầy của nhân vật Tôi luôn luôn sống với những dự cảm, lo lắng, cô đơn giữa đồng loại; còn chính chàng sinh viên – thế hệ thanh niên phải sống như thế nào? Liệu cái cô đơn đó có còn lặp lại nữa chăng?

Nếu hai nhân vật trên cô đơn khi không tìm được cho mình chỗ đứng thích hợp nhưng họ vẫn mãn nguyện với sự cô đơn ấy còn với chàng sinh viên – khi cô đơn, anh lại tìm cách đi, đi để tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Nhưng đáng tiếc, bước chân của anh không hề có mục đích và lập trường vững vàng. Sống trong mái ấm gia đình nhưng lúc nào anh cũng ý thức về sự cô đơn, “cô đơn” như vây lấy tâm hồn của anh. Lúc này, anh lại bầu bạn với sách và tìm niềm an ủi ở đó. Nhưng mấy ai biết được rằng, khi con người cứ chìm mãi sâu vào với những lượng tri thức nhất định của sách thì lại dễ rơi vào trạng thái buồn chán, vô cảm “Chẳng hiểu vì sao, tôi thấy đầu óc mình cứ nghỉ vơ nghỉ vẫn những chuyện đâu đâu” [4, tr.157]. Sách không thể nào làm cho tâm hồn anh vui vẻ; ngược lại, càng đọc, anh lại rơi vào cảm giác lạc lõng, không biết đi đâu và về đâu “Bây giờ cứ cầm đến quyển sách là tôi đã ngủ gà ngủ gật, đôi khi tôi còn lấy cái gối ra đánh liền một giấc thật ngon lành” [4, tr.157]. Những lúc như vậy, anh lại có dịp hồi tưởng về quá khứ bằng cách “viết thư cho bạn bè”, “suy nghĩ về những chuyến đi sắp tới”, “vạch ra cho mình hàng loạt kế hoạch để thực hiện”... Như vậy, nếu cuộc sống hiện tại quá nhộn nhịp xô bồ hay quá âm thầm

lặng lẽ… nếu chúng ta không biết cân bằng, tất cả điều có thể dẫn con người vào trạng thái cô đơn đáng sợ.

Cùng với thời gian, tác phẩm Nỗi lòng vẫn không hề giảm sút giá trị, mà trái lại còn mang tính thời sự cao. Ngày nay, xã hội Nhật xuất hiện một thế hệ thanh niên được gọi là NEET, viết tắt của cụm từ tiếng Anh not in employment, education, or training (không việc làm, không giáo dục, không đào tạo). Chỉ biết sống nhờ vào phúc lợi xã hội, NEET là những người không quan tâm đến học hành, công việc, hay nói cách khác, họ không sẵn sàng hay chưa sẵn sàng trở thành một phần của xã hội. NEET Nhật Bản thích sống ẩn dật, đóng cửa trong phòng hàng tháng, hàng năm, thậm chí ngừng liên lạc với các thành viên trong gia đình. Thất bại và mất niềm tin vào cuộc sống nhưng không thể chia sẻ áp lực tâm lý với ai nên những thanh niên này thường tìm đến ma túy, phạm tội hoặc tự sát. Ở Việt Nam cũng vậy, đặc biệt là thế hệ về sau, cuộc sống quá dư thừa vật chất đã khiến họ tự bằng lòng với bản thân và mất dần ý chí vượt khó vươn lên. Đây chính là mối trở ngại lớn trên con đường hội nhập và phát triển.

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 34 - 38)