Cái Chết – cái giá phải trả hay sự lên tiếng cái tôi cá nhân

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 48 - 52)

5. Bố cục đề tài

3.2.Cái Chết – cái giá phải trả hay sự lên tiếng cái tôi cá nhân

Trong “Tà Dương” của Dazai Osamu, hình ảnh nhân vật Naori vạ vật mất định hướng, sa vào rượu chè bê tha, sống trong sợ hãi rồi nghiện ma túy, thất cách và không còn một chút ý chí nào để vươn lên. Không còn nữa hình ảnh kiếm sĩ samourai can trường, thà tự sát quyết không chịu nhục mà thay vào đó là tiếng trầm buồn của Chiêu Hòa Thiên hoàng trong một ngày cuối thu vàng úa, cất giọng bi thương: “Hỡi các thần dân yêu quý của Trẫm…” chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh. Một huyền thoại đã sụp đổ. Tương tự như thế, Tiên Sinh trong Nỗi lòng của Natsume Soseki, cuộc đời sống quanh quẩn trong cái lồng cô đơn, đành kéo dài nó rồi chọn cái Chết trước sự kiện Thiên hoàng Minh Trị băng

hà. Liệu cái Chết đó là cái giá phải trả cho cuộc đời của Tiên Sinh, sự lên tiếng của cái tôi cá nhân hay do một nền văn hóa thiên về tính duy mĩ, duy tình?

Xuất phát từ chính cuộc đời của Natsume Soseki nên ngay từ những tác phẩm đầu tay, ông đã bộc lộ rõ quan niệm sống cũng như sáng tác của mình. Con người không thể nào sống trong một vòng tròn luẩn quẩn mà phải thực hiện bằng nhiều hành động, việc làm để đi đến cái tận cùng của nó. Bằng chứng như cuộc đời của tác giả đã trải qua nhiều nơi, nếm đầy đủ dư vị của cuộc đời. Vì thế, tác phẩm của ông đã phản ánh một cách đầy đủ, chân thực về bức tranh xã hội mà tác giả đang sống . Tiêu biểu là tác phẩm“Cậu ấm”, đây là tên tác phẩm và cũng là tên nhân vật chính dạy toán ở một trường tỉnh trên đảo Shikoku. Nhưng vì là ma mới nên cậu hay bị lũ học trò nghịch ngợm rình rập và chọc ghẹo. Cậu vẫn không thay đổi tâm tính chính trực, luôn quyết giữ chủ trương bất di bất dịch

“Này xem đi, ở đời ăn ở ngay thẳng mà không được việc thì có cách nào khác bây giờ?”. Và cứ thế, cậu vẫn vượt qua, tiếp tục công việc của mình. Cũng vậy, cuộc đời của Tiên Sinh bị đẩy vào cái lồng cô đơn. Cố gắng vực dậy và bám víu cuộc sống nhưng cuối cùng, bế tắc vẫn bủa vây, cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Tiên Sinh đến với cái Chết như một sự ngẫu nhiên và tất yếu. Chính hoàn cảnh đã đưa đẩy ông đến với nỗi cô đơn tột cùng và chính ông cần được sự giải thoát. Bởi lúc đó, Tiên Sinh không còn cách nào để neo đậu ngoại trừ cái chết. Với kiểu kết thúc câu chuyện ấy, nhân vật Chết nhưng không có nghĩa là đi vào cõi vĩnh hằng mà khiến người đọc ám ảnh và suy nghĩ nhiều hơn bao giờ hết.

Ngược lại, nếu Tiên Sinh cứ thản nhiên mà sống thì xã hội vẫn dung chứa những con người như thế nhưng đâu ai biết gì đến bi kịch của Tiên Sinh. Cái Chết đó chính là sự tự vấn lương tâm và không tha thứ cho bản thân mình. Kéo dài cuộc sống hằng ngày với dằn vặt và âm thầm chịu đựng đến khi mặc cảm tội lỗi quá nặng thì chết, cũng giống như tảng đá treo trên sợi dây thì chắc chắn có ngày sẽ đứt phựt. Với ý nghĩa sâu xa đó, Soseki đã xây dựng nên “Cái

chết” như một biểu tượng nhằm chỉ tất cả những ám ảnh trên đường đời của nhân vật khiến con người bị cô độc và cách ly mãi mãi. Qua những đứa con tinh thần, Soseki đã trình bày những nghịch cảnh trớ trêu mà con người thường gặp phải trong cuộc sống và quyết tâm đập tan nó.

Theo đó, tác phẩm là hành trình chiêm nghiệm cái tôi của nhân vật Tiên Sinh. Nhân vật chính tự tạo ra cho mình Cái chết nhẹ nhàng, thanh thản nhằm minh chứng cho mọi sự cố gắng nhưng đành bất lực. Đối mặt với những xung đột, đổ vỡ niềm tin, bất an trước cuộc sống thực tại, cái còn lại của Tiên Sinh – nhân vật chính của Nỗi lòng, đó là căn bệnh về tâm lí đến mức trầm trọng. Đâu đâu cũng một nỗi sợ hãi, chán chường. Đáng chú ý hơn, từ đầu tới cuối tác phẩm, Tiên Sinh không hề khóc lóc, kêu than, đổ lỗi cho bất cứ một lí do nào. Thậm chí, đến một lá thư để kể lại sự việc cho chàng sinh viên nhưng cũng trải qua khá nhiều dằn vặt, viết rồi không, không rồi lại viết. Lẽ ra, Tiên Sinh phải được sống và làm một con người chân chính bởi chính ông đã vượt qua được tất cả nỗi khổ đau, đến với cuộc sống tự lập và đi bằng chính đôi chân của mình khi người chú lừa gạt. Vậy mà nhân vật phải chọn cái chết như một định mệnh của đời người. Cuộc sống của Tiên Sinh nói riêng, hay của người bạn K hiu hắt và tự tìm đến cái chết cho thấy sự vô tình, lạnh lùng của một xã hội bấy giờ bởi xung quanh bối cảnh câu chuyện, không còn ai khác ngoài bóng dáng của chính họ. Cái chết bằng cách “tự sát” ấy của Tiên Sinh đã không còn xa lạ gì đối với nền văn hóa, văn học Nhật. Nhưng nếu như trên các phương tiện thông tin giải thích căn nguyên những con người tự sát một cách chung chung là do cô đơn, buồn tủi, chán nản…. hay vì điều kiện vị trí địa lý mà số người Nhật chết chiếm tỉ lệ khá lớn. Theo như thực tế, những lí do đó là có thật, song nó chỉ là những nguyên nhân trực tiếp. Căn nguyên sâu xa hơn là người Nhật có tinh thần quả cảm và tính tự trọng rất cao, bắt nguồn từ tinh thần của người võ sĩ Samurai sẵn sàng chết vì danh dự cá nhân và quốc thể. Chết để minh chứng cho mọi hành

động bởi họ đã cố gắng hết mình để hành động, để cải tạo cuộc sống nhưng không được. Và cái chết trong Nỗi lòng cũng không nằm ngoài trường hợp đó.

Hòa vào thời buổi của thời đại Minh Trị, Soseki đã khéo lồng ghép bi kịch cá nhân vào trong đó. Cái Chết – bên cạnh việc minh chứng cho lẽ thường của cuộc đời, nó vẫn đặt nặng tinh thần quốc gia, mang trong mình những điểm tiêu cực khó lòng thoát khỏi. Bởi ngoài việc Chết bằng cách “tự sát” để minh chứng cho mọi hành động thì còn có biết bao nhiêu cách để làm lại mọi việc, không nhất thiết phải Chết. Đúng như lời nhận xét của Mitsuhiro Tokunaga – tác giả bài viết Sự hình thành các sáng tác của Natsume Soseki - Nhìn từ quá trình ra đời của tiểu thuyết cận đại: “Soseki là nhà văn luôn hướng cái nhìn vào sự tiêu cực của thời hiện đại và liên tục nêu lên những vấn nạn của nó”, “Đối với chúng ta là những người sống trong xã hội về sau vẫn tiếp tục biến đổi với tốc độ nhanh, quan điểm của Soseki khi lên tiếng cảnh báo về sự tiến bộ của thời đại vẫn còn nhiều bài học cần phải xem xét lại” [1].

Thật vậy, trân trọng văn minh của thời đại Minh Trị, đặc biệt là qua tác phẩm Nỗi lòng, Natsume Soseki một mặt ông nhìn thấy cái giá phải trả của sự tự do nhưng đó cũng là sự lên tiếng của cái tôi cá nhân trong một nền văn hóa vốn quen với những giá trị cộng đồng. Vượt qua cuộc đấu tranh sinh tồn, phải chăng vì kỷ luật giáo dục quá khắc nghiệt, những con người phải chọn cách ra đi để trở về với cát bụi? Phải chăng đấy là một phần của nước Nhật, là cái giá phải trả cho bề nổi kiêu hùng, của một dân tộc kiêu hãnh, nơi mặt trời bừng tỉnh sau buổi hoàng hôn của trời Tây. Thế nhưng, một nước Nhật mới đã xuất hiện. Một nước Nhật không “râu hùm hàm én” mà là một nước Nhật đôn hậu, nữ tính hơn. Một nước Nhật của những cuộc cách mạng về kỹ thuật, về sản phẩm dân dụng, một nước Nhật của hòa bình. Một Tiên Sinh đã dũng cảm bước ra khỏi một gia đình lừa đảo chiếm đạt tài sản, từ một chàng thanh niên trai tráng để đi làm một cuộc

cách mạng của chính mình bằng cách tự tìm đến với thành phố Tokyo, với tình yêu đích thực mà con người hằng ao ước.

Với giọng điệu tự thuật chậm rãi, tác phẩm là hành trình chiêm nghiệm cái tôi của nhân vật Tiên Sinh. Chọn cái Chết ngay khi sự sống vẫn tràn đầy bởi những ám ảnh của quá khứ và cả sự dằn vặt của một người trí thức trước bối cảnh giao thời văn hoá như một sự thực, một chân lý tất yếu của cuộc đời. Tiên Sinh trân trọng văn minh của thời buổi Minh Trị, nhưng đồng thời ông cũng nhìn thấy cái giá mà mỗi con người phải trả. Chết – để cho những sự việc trong cuộc đời không thôi ám ảnh, để tâm hồn thanh thản. Nói khác hơn, nhân vật Chết đi vì những dằn vặt từ phía gia đình thì ít mà dằn vặt của chính bản thân thì quá nhiều. Vả lại, Tiên Sinh kết liễu cuộc đời một cách bình tĩnh và thong dong, ấy là sự lên tiếng của cái tôi cá nhân trong một nền văn hoá vốn quen với các giá trị cộng đồng. Bên cạnh đó, cái Chết của Tiên Sinh cũng đã phản ánh tâm thức của những con người ở thời buổi hiện tại bởi không phải ai khi phạm lỗi lầm cũng phải tìm đến cái Chết và Chết một cách dễ dàng như vậy.

Với những ý nghĩa tích cực và tiêu cực như trên, cái Chết của Tiên Sinh vừa là cái giá phải trả của sự tự do và sự lên tiếng của cái tôi cá nhân. Đồng thời, cái Chết ấy đã mở ra một góc nhìn khác cho độc giả nhằm phản ánh một tâm thức giữa sự lựa chọn sống, hành động và tự hủy hoại cuộc đời mình.

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 48 - 52)