5. Bố cục đề tài
3.3. Cái Chết – biểu tượng của cái đẹp và khát vọng nhân sinh
Nỗi lòng là một cuộc khám phá tự thân trên con đường tìm đến cái Chết; là câu chuyện về một người đàn ông trẻ tuổi khát khao tìm kiếm mọi thứ có thể khỏa lấp những khoảng trống không gọi thành tên trong cuộc đời mình. Nhân vật trong tác phẩm đã đối diện với hàng loạt bi kịch mà con người phải gánh chịu. Cuộc sống đã không nhường chỗ cho những mảnh đời như Tiên Sinh, chàng sinh viên sống và bước tiếp; thêm vào đó là sự bất mãn trước những thất bại, những
việc làm không có hồi kết buộc nhân vật tìm đến cái Chết để tự kết liễu cuộc đời mình.
Như vậy, các nhân vật trong truyện, họ đều là những cá thể đơn độc. Vì lẽ đó, họ cố gắng cùng nhau làm vơi đi nỗi đơn chiếc của mình qua tình yêu, những mối quan hệ trong và ngoài xã hội nhưng kết cuộc chỉ tìm được an nhiên cõi lòng trong cái Chết.
Tuy nhiên, cái Chết của Tiên Sinh không có nghĩa là hết, chấm dứt mọi thứ mà nó được khắc họa như vẻ đẹp của cây ngân hạnh trút lá làm “mặt đất bị chôn vùi dưới tấm thảm lá rụng vàng óng”. Một cái Chết mang đậm dấu ấn của văn hóa, văn học Nhật; biểu tượng của cái đẹp và khát vọng nhân sinh. Tác phẩm này đã phản ánh được một thế hệ của thanh niên Nhật Bản sau thời Minh Trị Thiên Hoàng. Khi mà xã hội thay đổi, con người phải vươn lên để bắt nhịp với cuộc sống mới nhưng từ sâu trong tâm thức của họ vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Trong cuộc đời, mỗi con người đều phải trải qua bốn giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử. Như vậy, đã có sinh thì có hoại, tử; tức không thể thoát được vòng sinh bệnh lão tử của nhà Phật. Đã mang thân phận làm người, ai cũng sẽ đi đến tình trạng và giai đoạn cuối đó. Dù biện luận hay tìm kiếm con đường thoát khác, cái Chết vẫn là một tất yếu mang tính quy luật. Trên đó, con người có thể dựa vào để dựng xây cuộc đời, tức là cuộc sống đem ý nghĩa đến cho cái Chết hay ngược lại, vì cái Chết mà cuộc sống có ý nghĩa. Và cái Chết của Tiên Sinh không nằm trong trường hợp ngoại lệ. So với cái Chết của Chí Phèo trong tác phẩm Nam Cao, Chí chết đi thể hiện sự phản kháng, đấu tranh đối với một xã hội đã đẩy con người vào bước đường cùng, bế tắc thì cái Chết của Tiên Sinh mang một ý nghĩa trái ngược. Tiên Sinh cô độc, xa lánh loài người vì mất niềm tin với chính con người từ nhỏ (bị người chú lừa chiếm hết gia sản) rồi dằn vặt vì mặc cảm của chính mình về người bạn K. Hủy hoại cuộc đời để cho những dằn vặt ấy không còn ám ảnh nữa, để những nỗi đau của chính Tiên Sinh được vơi đi.
So với những nỗi đau trong tác phẩm “Một nỗi đau riêng” của Oe Kenzaburo, nhân vật chìm đắm trong sợ hãi một cách ý thức và vô thức như một thứ bệnh nan y thì ở Nỗi lòng, nỗi sợ hãi đó phần nào đã được vùi lấp bởi ý chí, nghị lực vươn lên của nhân vật. Điểu - nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết
“Một nỗi đau riêng” thường xuyên nếm trải các trạng thái khác nhau của cảm giác sợ hãi. Lúc tỉnh cũng như lúc mơ, ở mọi địa điểm không gian khác nhau: từ con đường, trong ngôi nhà đến trường học hay bệnh viện, Điểu đều ôm trong mình nỗi sợ hãi vô hình. Không chỉ cảm giác sợ hãi, Điểu còn có một nỗi cô đơn hằn sâu trong tâm trí. Trong giấc mơ của Điểu, “anh thấy một quả tên lửa đặt trên mặt trăng và chiếc nôi của thằng bé nằm một mình trên những tảng đá cô đơn một cách khủng khiếp kia”. Thằng bé cô đơn giữa những tảng đá cô đơn tạo thành một khối đông đặc cô đơn, và khối cô đơn ấy nhuốm màu bi đát vì thân phận con người trở nên vô cùng bé nhỏ, mong manh trước quả tên lửa đang sẵn sàng phát nổ. Dường như, nhân vật luôn cảm thấy có một bầu không khí bất an bao quanh, đe dọa mình. Mọi hành động của Điểu chịu sự chi phối của cảm giác này, vì thế trở nên dè dặt. Với Điểu, mọi bất trắc đang đón chờ ở mọi ngóc ngách, mọi khoảnh khắc của hiện hữu. Tâm trạng sợ hãi của Điểu là một trong những cảm giác bao trùm lên con người hiện đại. Tâm trạng ấy là hậu quả tất yếu của một thời đại nhiều biến động dữ dội, của một nước Nhật sau chiến tranh, của xã hội Nhật Bản hiện đại đa nghĩa tột độ. Cùng sống trong không gian ngột ngạt, u ám, bạo lực, không có lối thoát đó nhưng nếu cuộc đời của Điểu chỉ diễn ra trong một vòng lẩn quẩn cùng với nỗi sợ hãi vô hình thì cuộc đời của Tiên Sinh phần nào đã vơi đi được nỗi sợ hãi đó. Nhưng nỗi sợ của Tiên Sinh có nguyên nhân, kết quả rõ ràng. Nhân vật đã hành động bằng những việc làm theo lí trí của mình bằng cách từ bỏ quê hương để thực hiện ước mơ nhưng khi lí trí đã không còn sức chịu đựng bởi sự trả giá của môi trường mà anh đang sống; lúc đó, Tiên Sinh mới thực sự bất lực. Cuối cùng, nếu như Điểu sống trong tâm trạng lại dày vò, cắn rứt lương tâm thì Tiên Sinh đã sống và hành động theo những gì mình
nghĩ. Điều đó cho thấy cách nhìn của Oe Kenzaburo về xã hội Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung trong thời đại hậu chiến và kĩ trị khác xa với Natsume Soseki.
Không chỉ day dứt về bi kịch tinh thần trong “Một nỗi đau riêng” mà trong “Thất Lạc Cõi Người” (Nhân Gian Thất Cách) của Dazai Osamu cũng vậy. Yozomang một nỗi ám ảnh triền miên. Anh cảm thấy không thể hòa nhập được với thế gian hay khi đối diện với nó: “…Thế gian sẽ chẳng dung tình đâu. Chẳng phải thế gian. Chính là mi không tha thứ ấy chứ”, rồi “…Bây giờ thế gian đã chối bỏ mi. Chẳng phải thế gian. Là mi chối bỏ đấy…”. Thái độ của Yozo trước cuộc sống là cả một sự hồ nghi, e dè rồi sợ hãi… “Hỏi thần linh, thế gian là vật chi? Và tội lỗi là gì?” Anh mang câu hỏi này đi suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình để rồi chẳng hiểu thế gian và anh, ai đã bỏ ai. Giữa Yozo và Điểu cũng có những nỗi hoang mang, sợ hãi như nhau. Những cuộc đào thoát dở dang, những lần tự tử bất thành, rồi rượu, ma túy, gái gú không giúp anh thoát khỏi nỗi sợ hãi. Tình yêu cùng cuộc sống chung với cô trinh nữ ngây thơ Yoshiko, mà Yozo đã từng nhận định: “…Cái vẻ đẹp trinh trắng kia tôi nghĩ chỉ là cảm giác huyễn hoặc của những thi nhân ngu ngốc, nào ngờ lại hiện diện nơi đây, giữa trần gian này. Cưới nhau xong rồi, vào mùa xuân hai đứa đạp xe đi đến thác nước ngắm hoa rơi với dòng nước chảy. Có nghĩa là tôi đã quyết ý một lần phân tranh thắng bại, không do dự gì cướp lấy đóa hoa kia…” cũng chỉ là cuộc đào thoát cuối cùng của Yozo, khi bản thân chàng tự thú nhận là kẻ không đủ can đảm để từ chối cám dỗ. Bất hạnh thay cho kẻ không đủ sức để nói lên từ “Không”.
Xuyên suốt tác phẩm là những lời tự sự hổ thẹn đến chân thành. Xuất phát từ sự mơ hồ về một nỗi sợ hãi nào đấy, nhân vật chính của chúng ta đã trượt dài trên con đường tự hủy hoại, cuối cùng trở thành một kẻ sống vất vưởng bên lề xã hội, như một thứ bỏ đi. Có thể nói, Yozo sống nhưng không biết cách làm người nên sống mà như Chết; thậm chí nhân vật này thà Chết còn sướng hơn. Lúc này
Chết cũng là một đặc ân, Dazai Osamu thành công ở chỗ viết nên câu chuyện mà khiến cho người đọc chỉ muốn nhân vật Chết đi, khốn nỗi nhân vật chỉ Chết về mặt tinh thần nên hình ảnh ấy tạo nên sự ám ảnh, day dứt hơn bao giờ hết.
Cùng là ở phương diện tự hủy hoại bản thân mình nhưng Yozo trong
“Thất lạc cõi người” và Điểu trong “Một nỗi đau riêng” đã “tự sát” về mặt tâm hồn. Sống vật vờ, dằn vặt trên ngưỡng cửa của cuộc đời. Những nhân vật ấy chỉ biết dừng chân tại một cuộc sống ngắn ngủi. Tuy về mặt thể xác vẫn còn hiện hữu ở đó nhưng tâm hồn đã chết dần, Chết mòn. Cuộc sống như những thứ vô tri, vô giác. So với hai nhân vật ấy, Tiên Sinh trong Nỗi lòng của Natsume đã quyết định tự kết liễu cuộc đời mình. Chết trong sự suy nghĩ về cuộc sống khi không tìm thấy cho mình một chỗ đứng thích hợp. Cái Chết ấy không phải nhắm mắt để buông xuôi mọi chuyện bởi chính Tiên Sinh đã viết “…không thể cứ giam hãm mình lâu hơn nữa trong lao tù mà cũng không thể phá đường thoát khỏi lao tù, tôi buộc lòng kết luận là chỉ còn có thể thực hiện một cố gắng thích thú duy nhất, ấy là tự tìm đến cái Chết mà thôi” [4, tr.422].
Vượt ra khỏi không gian văn hóa, văn học Nhật, hình tượng Tiên Sinh đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng người đọc không thôi suy nghĩ và hành động; hành động khi Thiên hoàng Minh Trị đã ngã xuống, hành động để cải tạo thế giới. Như Kobayashi Issa – một trong ba nhà thơ chuyên viết về thơ Haiku lớn nhất Nhật Bản đã viết:
chiều mùa đông này,
bước trên mái vòm địa ngục,
ta nhìn hoa bay
(Nhật Chiêu dịch)
Mặt đất dưới chân có thể là địa ngục, có thể là hủy diệt nhưng trước mặt ta hoa vẫn nở, và trong khoảnh khắc này ta còn hân thưởng được một đóa hoa
bay? Vì thế, đối với người Nhật, cái Chết rất nhẹ nhàng mà thâm sâu. Cái Chết bằng cách tự sát không hề đáng sợ so với cuộc sống mà không có một ý nghĩa gì mới là thảm thê. Mặt trái của cái mỹ học về sự diệt vong là hân thưởng đời sống này trong từng khoảnh khắc, thấy cái đẹp tuyệt đỉnh trong sự phù du.
Cái chết về mặt thể xác của Tiên Sinh mở ra một cái nhìn khác, phản ánh tâm thức khác của con người trong thời buổi hiện đại. Con người luôn sống và hành động theo những gì mà họ nghĩ và có thể đánh đổi tất cả để dành lấy cuộc sống. Hay có thể nói, chính cái chết làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa. “Đời người chỉ một tu du, búng tay một cái sương mù đã tan” (Phạm Công Thiện). Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, ta phải tìm ra được một ý nghĩa sống cho cuộc đời mình. Và nếu cuộc đời không còn ý nghĩa nữa thì tự sát. Giống như cuộc đời của Dazai Osamu tự sát đến lần thứ năm vì thấy đời không đáng sống, Mishima Yukio mổ bụng tự sát vì lòng kêu gọi ái quốc bất thành, anh vợ của Kenzaburo Oe nhảy lầu tự sát vì bị yakuza lấy dao rạch mặt sau khi làm một bộ phim châm biếm về lũ mafia này; Akutagawa tự sát vì thấy “lo lắng mơ hồ cho tương lai” thì cuộc đời của Natsume Soseki có phần khác xa, bằng mọi cách, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để sống. Vì thế, Soseki quan tâm nhiều đến nỗi cô đơn và con người trong thế giới mới, cái thế giới – sau này ở bên Tây phương – thi sĩ T.S Eliot chỉ bắt gặp, chỉ nhìn thấy khối người rỗng tuếch, có khối óc mà không có tâm hồn. Chính cuộc đời cũng có những nét trái ngược nhau nên nhân vật của Soseki đã tự sát về mặt thể xác chứ không thể mãi mãi day dứt về mặt tâm hồn. Rõ ràng, những nhà văn Nhật Bản ấy đã sống và đã Chết theo đúng những gì mình cảm nhận. Cuộc đời khi cần dứt bỏ là dứt bỏ vì như Akutagawa nói “đời người không đẹp bằng một câu thơ của Baudelaire...”.
Trong cuộc sống, cái cũ mất đi, và nó phải mất đi, không khóc than làm gì, để cái mới được hồi sinh và phát triển. Và trong một tâm thế khác, nước Nhật phải vươn lên hàng đầu. Tác phẩm của Soseki đã trở nên quá gần gũi đối với cuộc sống ngày nay. Cái bi kịch của mỗi cá nhân trong Nỗi lòng, của Yozo
trong Thất lạc cõi người hay cuộc vượt thoát của Kazuko trong Tà dương không khác gì chính mỗi con người chúng ta trên đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
KẾT LUẬN
Có thể khẳng định rằng, người ta chỉ thực sự chết khi không để lại trong lòng những người đang sống một điều gì cả. Natsume Soseki thì không như thế! Sự ra đi của ông đã để lại nỗi tiếc nuối trong lòng bao thế hệ bạn đọc. Ông ra đi nhưng tình yêu khôn nguôi với cái đẹp mang màu sắc dân tộc, kết tinh thành nét độc đáo về tư duy thẩm mỹ cùng tâm hồn Nhật Bản vẫn luôn sống mãi và ở lại cùng tác phẩm của ông.
Nỗi lòng, tác phẩm tưởng chừng chỉ dừng lại ở việc chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn, nhưng có khả năng dung chứa trong đó cả thế giới với những cung bậc cảm xúc khác nhau, cả đặc trưng văn hóa xứ sở Nhật. Ở đấy có những khắc khoải, những tranh đấu nội tâm đầy mâu thuẫn. Đó là kết quả của những con người do các tác động mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, méo mó về đạo đức, lệch lạc trong quan niệm sống…. dẫn đến tâm trạng cô đơn, bất an và lạc lõng giữa một xã hội. Kéo theo đó là hàng loạt bi kịch mà con người không thể nào thoát khỏi – kiểu bi kịch mang đậm dấu ấn của thời đại. Tiên Sinh hay K – những nạn nhân của thời đại và đi đến việc tự sát chính bản thân mình. Nhưng không vì thế mà họ trở nên xấu xa, tồi tệ và đáng ghét mà chính cái Chết ấy đã được hoài thai bằng tình yêu, lòng tự hào với cái đẹp mang màu sắc dân tộc trong tác phẩm nói riêng và trong sáng tác của Soseki nói chung. Những nhân vật đó - họ trở thành đại diện cho cả một thế hệ thanh niên Nhật Bản trong cơn lốc giao thời Âu – Á.
Đặt các sáng tác của Natsume Soseki vào truyền thống tôn thờ cái đẹp của văn học nghệ thuật Nhật Bản, nhìn chúng từ các nguyên lý mĩ học, soi chiếu vào đời tư và thời đại ông sống để có được sự cảm nhận sâu sắc trong quan niệm về cái đẹp của tác giả và chỉ ra được các quan niệm đó trong tác phẩm. Liệu rằng cái chết của K có thật là lỗi của Tiên Sinh hay không? Hay đúng như những gì
đã viết trong di thư, bởi Tiên Sinh có quá nhiều do dự, hoài nghi nhưng vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Hơn nữa, cùng với cuộc sống bộn về, tấp nập như hiện nay, những bi kịch cá nhân mà con người gặp phải có giảm đi hay lại gia tăng? Các giá trị văn hóa thẩm mỹ về cái Chết sẽ được giữ mãi hay mất đi? Các giá trị ấy có ảnh hưởng gì đến đời sống tâm hồn của người Nhật ở thời buổi hiện tại và cả tương lai? Các xung đột cùng những bi kịch diễn ra trong Nỗi lòng đã thực sự để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó tả. Hãy đọc tác phẩm nhiều hơn một lần, đọc để cảm nhận về những con người lúc bấy giờ, để thấy được bản thân mình ở trong đó, để sống và bước tiếp!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Nhật Chiêu (2007), Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục [2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2010),
Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục
[3] Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata,
NXB Giáo dục
[4] Đỗ Khánh Hoan & Nguyễn Tường Minh (2011), Nỗi lòng – Natsume Soseki, NXB Hội nhà văn
[5] Đoàn Lê Giang (chủ biên) (2011), Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, NXB tổng hợp TP.HCM
[6] Nguyễn Tuấn Khanh (Biên soạn và giới thiệu) (2011), Những cây bút kiệt xuất trong văn học Nhật Bản hiện đại, NXB khoa học xã hội
[7] Nguyễn Nam Trân (2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục Việt Nam
* Nguồn tài liệu lấy từ Internet:
[1] Lam Anh (dịch từ bản tiếng Nhật), Sự hình thành các sáng tác của Natsume Soseki - Nhìn từ quá trình ra đời của tiểu thuyết cận đại