Bi kịch bị tha hóa và tự hủy

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 38 - 43)

5. Bố cục đề tài

2.4.Bi kịch bị tha hóa và tự hủy

Nếu đến với Rừng Nauy, người đọc có cảm giác đang bước chân vào thế giới cô đơn như định mệnh của những người trẻ tuổi, những vụ tự tử khi cuộc đời đang nở hoa trước mặt thì ở Nỗi lòng, người đọc không thể tránh khỏi nỗi ám ảnh bởi nhân vật đang trượt trên con đường bị tha hóa rồi tự hủy hoại cuộc đời mình.

Hình ảnh Tiên Sinh đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Cuộc sống đã không trao tặng cho Tiên Sinh những điều tốt đẹp nhất, ngược lại, nó đã lấy đi lương tâm, bản lĩnh, niềm tin… để rồi Tiên Sinh phải đối mặt với những mâu thuẫn, hiềm khích ở người đời. Soseki đã thành công khi miêu tả cuộc đời của Tiên Sinh qua hai quãng thời gian trước khi lên đại học và khi học đại học tại Tokyo. Với hai mốc thời gian đó, người đọc có thể cảm và thấu hiểu quá trình con người này bị tha hóa, hiểu được những nguyên nhân và tìm cách lí giải nó.

“Ngay từ khi ra đời tôi đã là một sinh vật có luân lí đạo đức và đã được nuôi dưỡng để trở thành con người biết ưa chuộng luân lí đạo đức” [4, tr.225]. Thật vậy, Tiên Sinh đã cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc mà gia đình đã ban tặng. Không vì thế mà con người chỉ biết tận hưởng hay sống một cách kiêu ngạo. Trái lại, bản chất của Tiên Sinh là con người biết đắn đo, suy nghĩ, “muốn sống, sợ chết”, “bản tính dễ dàng, rộng rãi”; có lòng tin tuyệt đối vào những người thân thích “Dù sao đi nữa, còn có một thân một mình trên đời nên tôi chẳng biết làm gì hơn là trăm sự đều trông cậy vào ông chú tôi đúng như lời mẹ tôi dặn lại… ông ấy trông nom săn sóc tôi thật tử tế. Và đúng như tôi đã hằng hi vọng ông ấy đã thu xếp cho tôi lên học ở kinh đô” [4, tr.231]. Với bản chất ngây ngô, ngớ ngẩn của một đứa mới lớn, cuộc đời qua đôi mắt của Tiên Sinh như một tấm gương sáng, không vướng bụi trần bởi sự chăm lo của người chú khiến Tiên Sinh quá mĩ mãn và hài lòng. Nhưng cái hài lòng đó không đem lại kết cục gì ở đằng sau, cái còn lại và bước tiếp về tương lai là sự giả dối, hành trình nuôi dưỡng tâm hồn của Tiên Sinh từ ánh sáng đến bóng tối và từ tin tưởng đến hoài nghi về cuộc đời.

Nếu trước kia, Tiên Sinh là một con người biết phân biệt đen trắng, tốt xấu một cách rõ ràng thì bây giờ, con người là một khối mâu thuẫn lớn, mâu thuẫn giữa hành động và suy nghĩ, giữa việc ở lại và ra đi mà nói như Tiên Sinh “Tôi là một con người đầy mâu thuẫn do hậu quả của những hồi ức về quá khứ”. Tiên Sinh lúc này đã thực sự thay đổi cách suy nghĩ, nhìn nhận, không còn là một đứa mới lớn như trước kia mà trở nên già dặn hơn “bản tính ấy đã khiến cho tôi chẳng những nghi ngờ tính chất luân lí trong các hành vi của từng cá nhân mà còn đưa tôi đến chỗ nghi ngờ luôn cả lòng đạo đức nhân nghĩa” [4, tr.229]. Từ việc nghi ngờ người chú, Tiên Sinh bỗng dưng nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh “Nếu chúng ta phải kính trọng những bậc tiền bối bởi vì họ sống lâu hơn mình và tâm hồn họ vấy bụi dơ bẩn hơn tâm hồn mình thì chắc chắn tôi là một bậc tiền bối đáng được chú tôn kính” [4, tr.250]. Thật vậy, qua lăng kính của

Tiên Sinh, mọi thứ không dễ dãi như trước kia; chính Tiên Sinh cần phải thay đổi để thích nghi, chống chọi với đời.

Cứ thế, Tiên Sinh mang trong mình một trái tim tổn thương từ việc mồ côi cả cha lẫn mẹ cộng với sự lừa lọc của người chú khiến ông chán ghét cả thế giới người mà mình đang sống. Tiên Sinh nhìn đời một cách tiêu cực đến nỗi phải hổ thẹn với chính mình “Chính vào dạo đó, tôi bắt đầu có ý cho ông chú, bà thím cùng tất cả bà con thân thích khác – mà tôi đã đem lòng oán ghét là đại biểu cho toàn thể loài người. Trên chuyến tàu đi Tokyo, bất đồ tôi tự thấy mình đang đưa mắt nhìn những hành khách đang đi cùng một chuyến xe với con mắt đầy nghi ngờ, soi mói” [4, tr.261]. Tình cảm của Tiên Sinh đối với quê hương, xứ sở cũng ngày một bị phai nhạt. Nếu trước đây, quê hương là nơi để Tiên Sinh ra đi và tìm về, để mọi nỗi buồn được chôn chặt và niềm vui được thăng hoa thì bây giờ, niềm vui sướng đó đã không còn. Vả lại, Tiên Sinh còn quyết tâm xa lìa quê hương trong thời gian sớm nhất, ra đi mãi mãi.

Dẫu vậy, mọi chuyện vẫn chưa có hồi kết, càng ngày Tiên Sinh phải luôn luôn nghĩ ra trăm phương nghìn kế để đối phó với thực tại, để sự lừa gạt không phải được phủ nhận như trước kia. “Mình đã thắng hắn chẳng qua là nhờ sách lược, về phương diện mưu mô thì mình hơn hắn nhưng trên cương vị con người, mình thua hắn quá nhiều” [4, tr.263], tình cảm của Tiên Sinh dành cho người bạn K từ cái nhìn đầu tiên bao nhiêu thì nay bỗng dưng ghét cay ghét đắng bấy nhiêu.

Đỉnh điểm của bi kịch tha hóa là kết cục về tình yêu của Tiên Sinh với cô chủ. Kết cục đó không cứu rỗi được tâm hồn và làm cho Tiên Sinh hạnh phúc mà

“dẫn dắt tôi đến một vận mệnh bi thương đau xót”, “giấc mơ ban ngày, vỡ tan trong khoảnh khắc”. Thế rồi, mang trong mình con mắt đầy hoài nghi từ trước kia tới giờ, Tiên Sinh lại đắm mình trong sách vở rồi men rượu, cạn hết chén này đến chén khác. Đã vậy, nhân vật tự tìm đến rượu nhưng rượu không phải bao giờ cũng làm cho người ta say. Một khi rượu không còn đủ sức để làm lu mờ lí trí

con người thì nó sẽ quay ngược trở lại thức tỉnh lý trí ấy. Tỉnh rượu trong cơn say, Tiên Sinh đã nhận ra được vị trí của mình, nhận ra bi kịch của cuộc đời mình

“cả mắt lẫn tim tôi đều sáng suốt” [4, tr.413]; đau đớn khi nhận ra rằng rắp tâm lừa dối chính mình thì thật là ngu xuẩn không thể tưởng. Hơn ai hết lúc này Tiên Sinh hiểu ra rằng: kẻ đã làm cho mình phải mang lốt quỷ, kẻ đã làm mình ra nông nỗi khốn cùng này chính là người chú. Cái vỏ cô đơn, buồn chán vẫn luôn vây kín và chưa được tháo gỡ.

Lúc này, Tiên Sinh đã thực sự rơi vào trạng thái trầm cảm không điểm tựa, như một linh hồn vô định giữa không gian chẳng tìm đâu ra một lối thoát cho riêng mình. Mọi thứ trở nên bất lực khiến Tiên Sinh buông xuôi, chính nhân vật thường phải nghe có tiếng người văng vẳng bên tai “Anh chẳng có tư cách làm bất cứ một việc gì hết. Hãy đứng im một chỗ đó cho xong” [4, tr.421]. Rõ ràng, Tiên Sinh đã cố gắng tìm mọi cách chống chọi, thích nghi cuộc sống nhưng không được. Từ một Tiên Sinh ngây ngô, Soseki đã để cho nhân vật tự thay đổi tính cách, tự quyết định cuộc đời bằng một kết cục bi thảm. Tiên Sinh chọn cái chết hiển hiện như một sự thực, như một chân lý tất yếu của cuộc đời. Chết để đi tìm một đường sống, để minh chứng cho sự trong sạch của mình.

Hơn nữa, cái chết của K hay của chính Tiên Sinh thoạt nghe đều từ những nguyên nhân cụ thể, rõ ràng. Nhưng không phải thế, K tự sát vì tình yêu vô vọng, Tiên Sinh tự sát vì ăn năn một đời về cái chết của người bạn. Nhưng đó chỉ là cái cớ rõ ràng làm an lòng những ai muốn cuộc đời là phép toán cộng, trừ, nhân, chia một cách tách bạch. Thật ra, đằng sau cuộc tự sát của K là ẩn tàng của một cuộc va chạm tư tưởng. K xuất thân trong một ngôi chùa phái Chân tông, lý tưởng của K là con đường hành đạo xa lìa những đam mê trần thế. Lý tưởng đó bị dội lại khi chạm phải thực tế, khi trái tim trai trẻ của K gõ nhịp yêu đương. Soseki không diễn tả cuộc bùng nổ tư tưởng nhân sinh đó trong K nhưng qua lá thư của Tiên Sinh, phần nào người đọc hình dung được sự khổ ải và dằn vặt trong tâm hồn K trước khi quyết định kết liễu cuộc đời.

Với Tiên Sinh, ông đã sống vật vờ trong nỗi cô đơn, chọn cái chết ngay khi sự sống vẫn tràn đầy bởi những ám ảnh của quá khứ và cả sự dằn vặt của một người trí thức trước bối cảnh giao thời văn hoá. Có lẽ không có nỗi đau khổ nào sánh bằng cảm giác khi con người ta nhận ra mình sẽ mãi mãi chỉ là một cánh chim cô đơn giữa biển người rộng lớn. Những ai đã từng được chăm sóc, yêu thương và cũng đã từng mất đi sự vỗ về, yêu thương sẽ hiểu được rõ nhất cảm giác cô đơn khủng khiếp mà Tiên Sinh đã phải trải qua. Chính ông đã viết rằng:

“Cô đơn là cái giá mà chúng ta phải trả, vì đã ra đời trong thời thế hiện tại đầy

những tự do, độc lập vị kỷ của chúng mình”

[4, tr.162]. Kéo dài nỗi cô đơn rồi chọn cái chết, Tiên Sinh kết liễu cuộc đời một cách bình tĩnh và thong dong. Cái chết đó mang một nỗi buồn mênh mang, trống vắng rất Nhật Bản thời hiện đại…

Đọc Nỗi lòng, người ta cảm nhận được sự rơi không có điểm dừng của từng thân phận, sự hoang mang, tan rã và dường như cái chờ đón họ phía trước là bế tắc mà không hề gợi mở. Tiên Sinh “tự hủy” bởi chính bản thân không đặt dấu nối giữa quá khứ với hiện tại, cũng như chưa một lần nhìn thấy tương lai. Thông qua tấn bi kịch tha hóa và tự hủy quyền làm người của nhân vật chính, tác giả đã mang đến cho độc giả những suy nghĩ về đôi bờ - sống và chết. Đồng thời, nhà văn cũng kịp thời phát hiện và trân trọng trước vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật và khao khát thay đổi thực tại để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

CHƯƠNG 3:

NỖI LÒNG – MỸ HỌC CỦA CÁI CHẾT

Một phần của tài liệu 24385 16122020235348900BANTOANVAN (Trang 38 - 43)