Từ những nguyên tắc cơ bản đã nêu trên, mục tiêu giáo dục cũng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc căn bản đó, để mỗi học sinh đến trường phải trả lời cho câu hỏi sẽ trở thành con người như thế nào, có đóng góp gì cho gia đình, cho quốc gia, xã hội và nhân loại?
Mục tiêu thứ nhất là phát triển toàn diện mỗi cá nhân, cũng gần giống như nguyên tắc nhân bản, mục tiêu hướng đến tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị cá nhân của mỗi học sinh, khai thác và phát huy những tiềm lực cá nhân theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được tôn trọng đúng mức.
Mục tiêu thứ hai là phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh, điều này được thực hiện bằng cách cho học sinh biết được hoàn cảnh xã hội, môi trường sống và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc; giúp cho học sinh sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những phẩm hạnh truyền thống của cả dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp, những phong tục có giá trị [24, tr.16]. Từ mục tiêu này, xây dựng ở người học tinh thần tự lực, tự cường và lòng tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ quốc gia, xã tắc.
Mục tiêu thứ ba là phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học, điều này được thực hiện bằng cách giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập. Qua đó, phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán, suy luận với tinh thần trách nhiệm và kỉ luật cao; giúp phát triển tinh thần tò mò, ham học hỏi; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại. [24, tr.17]
22