Hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng hòa trong những năm sau cùng trước biến cố 1975, được thiết lập trong tinh thần tiếp cận hệ thống giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Hệ thống giáo dục này có sự khác nhau ở hai giai đoạn trước và sau năm 1970.
Trước năm 1970, hệ thống này gồm 2 hệ thống giáo dục: giáo dục Phổ thông và giáo dục Đại học. Xét về giáo dục phổ thông miền Nam có 2 bậc: bậc Tiểu học và bậc Trung học. Trong bậc Trung học có 2 cấp, Trung học Đệ Nhất cấp (như Trung học Cơ sở hiện nay) và Trung học Đệ Nhị cấp (như Trung học Phổ thông hiện nay) rồi bắt đầu chia ngành chuyên môn. Đây là những năm chuyển tiếp để vào các ngành chuyên môn hơn ở Đại học hoặc ra đời làm việc sinh sống. Riêng ở hai bậc Tiểu và Trung học, hệ thống giáo dục Việt Nam là hệ thống 5-4-3, với 12 năm liên tục từ lớp 1 đến lớp 12, phân bố như sau:
Trong bậc Tiểu học bao gồm 5 lớp: lớp một (lớp năm cũ), lớp hai (lớp tư cũ), lớp ba (lớp ba cũ), lớp bốn (lớp nhì cũ), lớp năm (lớp nhất cũ). Theo quy định của Hiến pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Từ năm 1955, bắt buộc học sinh đi học tiểu học ít nhất 3 năm. Cuối mỗi năm học, học sinh thi để lên lớp, nếu học sinh nào trượt sẽ ở lại lớp (gọi là học đúp). Học sinh học tiểu học ở các trường công lập được miễn học phí và không đóng bắt cứ khoản nào. Độ tuổi bắt đầu học tiểu học thường 6 tuổi, khá giống với hiện nay. Ngoài bậc tiểu học bình thường thì giáo dục tiểu học cộng đồng được áp dụng ở miền Nam. Có nhiều cách định nghĩa về trường tiểu học cộng đồng, có thể tham khảo định nghĩa của Ủy ban UNESCO tại Việt Nam lúc đó như sau: “Trường cộng đồng khác với trường phổ thông hai phương diện: hoạt
động bên trong và hoạt động bên ngoài. Trường phổ thông theo đuổi một chương trình khoa cử thụ động. Còn trường tiểu học cộng đồng thực hiện một chương trình linh động có tính cách địa phương qua các chủ điểm giáo dục, vừa cá tính hóa, vừa xã hội hóa nên học cùng một lúc” [24, tr.22]
Ở bậc Trung học, học sinh học 7 năm bao gồm: lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11, lớp 12 (trước năm 1970 gọi là Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ, Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất). Ở bậc Trung học này được chia thành hai cấp: Trung học Đệ Nhất cấp (từ lớp 6 đến lớp 9) và Trung học Đệ Nhị cấp (từ lớp 10 đến lớp 12). Để vào học
23
lớp 6 Trung học Đệ Nhất cấp, học sinh tiểu học phải trải qua kì thi với các môn khá toàn diện, bao gồm các môn Toán, Văn, Khoa học thường thức... kì thi được chọn lọc khá cao. Mỗi năm các trường công lập đều tổ chức các kì thi tuyển vào lớp 6. Học sinh nào rớt trường công lập thì sẽ học trường tư thục và phải đóng học phí (tùy theo quy định từng trường). Học xong năm lớp 9, học sinh thi bằng Trung học Đệ Nhất cấp. Kì thi này lúc đầu có hai phần: viết và vấn đáp, nhưng từ năm 1959 bỏ phần vấn đáp, rồi đến năm học 1966-1967 bỏ hẳn kì thi tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp. [24, tr.24] Bắt đầu Trung học Đệ Nhị Cấp, từ Lớp Mười, học sinh phải chọn Ban chuyên môn, và ngành chuyên môn để chuẩn bị định hướng học lên bậc đại học hoặc đi học trường kỹ thuật, trong đó:
Ngành Phổ Thông:
- Ban A (hay Ban Khoa học Thực nghiệm) - Ban B (hay Ban Toán)
- Ban C (hay Ban Sinh ngữ) - Ban D (hay Ban Cổ ngữ)
Ngành chuyên nghiệp Nông Lâm Súc (Trung học Nông Lâm Súc) Ngành chuyên nghiệp Kỹ thuật (Trung học Kỹ thuật)
Sau năm 1970, hệ thống giáo dục phổ thông có một số thay đổi. Nếu như trước năm 1970 giáo dục tiểu học cộng đồng đã xuất hiện và áp dụng trên quy mô nhỏ thì sau năm 1970 giáo dục tiểu học cộng đồng được phát triển, mở rộng và áp dụng cho cả miền Nam. Giáo dục tiểu học cộng đồng đã manh nha từ những năm 1955 nhưng đến khi Đệ Nhị cộng hòa ra đời, trong năm 1966-1967, Bộ Quốc gia Giáo dục đã quyết định cộng đồng hóa 900 tiểu học toàn quốc và sau đó ban hành Nghị định số 2463 – GD/PC/NĐ ngày 25-11-1969, thực hiện cộng đồng hóa các trường tiểu học. Vì vậy, ở hệ thống giáo dục miền Nam sau năm 1970 không còn trường tiểu học bình thường mà chỉ có trường tiểu học Cộng đồng. [24,tr.48]
Ở cấp Trung học cơ sở đã có sự phân luồng mạnh: Từ lớp 8, học sinh đã có thiên hướng học về kỹ thuật hoặc muốn chuyển qua học nghề sớm sẽ được học trường
24
Trung học Kỹ thuật, với tỷ lệ cao hơn trước. Học sinh học ở trường Kỹ thuật sẽ được phân thành hai ban:
Ban Kỹ thuật – Toán: dành cho học sinh giỏi toán và kỹ thuật . Học sinh học ban này sẽ học các môn văn hóa như ban Khoa học Toán (ban B) ở phổ thông và học thêm một số môn kỹ thuật. Kết thúc ớp 12, học sinh có thể dự thi tú tài để lấy bằng Tú tài Kỹ thuật hoặc thi các môn theo ban Khoa học Toán để lấy bằng Tú tài Toán. [24, tr.49]
Ban Kỹ thuật Chuyên nghiệp: học sinh học ban này được học nghề cùng với một số môn văn hóa. Học sinh học trường Trung học Kỹ thuật cũng được học lên bậc đại học ở các học viện kỹ thuật, những học sinh không học lên có thể ra đời kiếm sống với trình độ Trung học Kỹ thuật. [24, tr.49]
Hơn nữa, trong hệ thống giáo dục sau năm 1970 không còn rườm rà các kì thi như: thi Tiểu học, thi tuyển vào lớp 6, thi tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp và thi Tú tài 1 (cuối lớp 11), mà chỉ còn kì thi duy nhất gọi là thi Thành chung (Tú tài II). Thi Tú tài II thi theo hình thức trắc nghiệm. Năm học 1973-1974, bắt đầu thực hiện hình thức thi trắc nghiệm và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính IBM.[24, tr.49].
Có thể nói, hệ thống giáo dục miền Nam sau năm 1970 mang tính ứng dụng thực tiễn khá cao, phù hợp với nhu cầu, sở thích, trình độ và hoàn cảnh của từng học sinh. Việc bỏ dần các kì thi tuyển và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm, có thể nói đây là hình thức theo đuổi sát với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và gần với hình thức thi tuyển vào Đại học ngày nay.