4. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Biến động kết quả giao đất, giao rừng giai đoạn 2013-2020
Đất rừng sản xuất năm 2020 là 43.764,69 ha giảm 4.504,71 ha so với năm 2013. Nguyên nhân đất rừng sản xuất giảm so với năm 2013 là do phương pháp kiểm kê đất đai năm 2019 (theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất
đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất) và do đất rừng sản xuất chuyển sang đất phi nông nghiệp (đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất hạ tầng…). Trong đó, diện tích đất rừng sản xuất giao cho hộ gia đình cá nhân năm 2020 là 14.186,56 tăng 1952,01 ha so với năm 2013; Diện tích đất rừng sản xuất giao cho tổ chức kinh tế năm 2020 là 13.064,77 ha tăng 2.006,95 ha so với năm 2013. Diện tích đất rừng sản xuất của ủy ban nhân dân cấp xã quản lý năm 2020 là 16.526,35 ha giảm 8.450,68 ha so với năm 2013.
Đất rừng phòng hộ năm 2020 là 40.262,64 ha giảm 5.442,25 ha so với năm 2013. Nguyên nhân đất rừng phòng hộ giảm so với năm 2013 là do phương pháp kiểm kê đất đai năm 2019 (theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất) và do đất rừng phòng hộ chuyển sang đất phi nông nghiệp (đất ở, đất phòng hộ kinh doanh, đất hạ tầng…). Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ giao cho hộ gia đình cá nhân năm 2020 là 4.434,48 tăng 558,88 ha so với năm 2013; Diện tích đất rừng phòng hộ giao cho tổ chức kinh tế năm 2020 là 24.834,74 ha tăng 4.681,04 ha so với năm 2013. Diện tích đất rừng phòng hộ của ủy ban nhân dân cấp xã quản lý năm 2020 là 10.993,41 ha giảm 10.682,18 ha so với năm 2013. Diện tích đất rừng phòng hộ phần lớn giảm do chuyển sang đất quốc phòng (các khu vực phòng thủ, căn cứ chiến đấu) và chuyển sang đất rừng sản xuất (do cách thống kê, kiểm kê các loại đất rừng của Thông tư 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Bên cạnh đó, huyện Nậm Nhùn đã thu hút được nhiều dự án thủy điện lớn, vừa và nhỏ, điển hình là thủy điện Lai Châu việc xây dựng các thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích đất rừng phòng hộ trên địa bàn huyện (chỉ trong
giai đoạn 2016-2020 đã có 11,2 ha/7 thủy điện đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang diện tích đất công trình năng lượng); do là huyện mới
thành lập việc xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật thiết yếu của huyện cũng chiếm dụng một phần không nhỏ diện tích đất rừng phòng hộ.
Với điều kiện tự nhiên của huyện Nậm Nhùn là đồi núi dốc, phức tạp, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Trên địa bàn cũng có nhiều khe suối, tập quán của người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống trên các sườn núi treo leo, qua quá trình biến đổi khí hậu, lũ quét, sạt trượt đất thường xuyên xảy ra đặt nhiều điểm bản, nhóm dân cư vào tình thế không còn an toàn. Đặc thù địa hình chia cắt, nhiều dốc với tỷ lệ cát lớn, xốp, dễ rửa trôi, khi mưa gây xói mòn đất tạo nên nhiều điểm, vùng xung yếu, nguy cơ sạt, trượt, lũ ống, lũ quét cao. Đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của Nhà nước và Nhân dân, cản trở và làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, một số nơi việc canh tác trên đất dốc với tập quán lạc hậu, không hợp lý của người dân cũng như việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật cũng dẫn đến ô nhiễm và suy thoái môi trường đất, đặc biệt ở những khu vực có độ dốc lớn.
Do phong tục tập quán du canh, người dân địa phương trồng lúa, ngô trên nương, khi đất đai bạc màu lại luân phiên trồng sang nơi khác của người dân bản địa mà diện tích rừng phần nào bị thu hẹp. Chính bởi vậy, Nậm Nhùn còn nhiều vùng đồi núi trọc đang bị mưa lũ làm lở đất, xói mòn và suy thoái đến khô cằn hoang mạc. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp hiện nay. Ngoài phá rừng, đốt cây cỏ làm nương rẫy, khai thác bừa bãi các mỏ khoáng sản cũng gây ra sa mạc hóa cục bộ.
Việc giao đất, giao rừng đã được UBND Huyện Nậm Nhùn quan tâm, chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động rà soát giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình cá nhân và các tổ chức kinh tế trên địa bàn huyện nhằm khai thác, bảo vệ rừng bền vững.