Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG TẠI HUYỆN NẬM NHÙN, TỈNH LAI CHÂU (Trang 71 - 76)

4. Cấu trúc của luận văn

3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng

rừng tại huyện Nậm Nhùn

3.3.1. Cơ chế, chính sách

Hệ thống pháp luật về đất đai vẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương nên quá trình triển khai phải chỉnh sửa, bổ sung, dẫn đến khó khăn khi thực hiện. Các Luật Đất đai, Lâm nghiệp, Đầu tư còn chưa thống nhất, đồng bộ khi triển khai thực hiện. Ví dụ một trong những điểm không phù hợp, còn bất cập giữa Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013 và Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017, như sau: Tại khoản 1, Điều 135 Luật Đất đai quy định: “1. Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Cụm từ “tổ chức quản lý

rừng” không giải thích trong Luật Đất đai. Trong khi đó, tại Điều 16 Luật Lâm nghiệp quy định, Nhà nước chỉ giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ chỉ được giao đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó, còn tổ chức kinh tế phải thực hiện thuê rừng.

Mặt khác, tại Điều 136 Luật Đất đai quy định, Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, tại Điều 16 Luật Lâm nghiệp quy định, Nhà nước chỉ giao rừng phòng hộ cho đối tượng là tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó.

Cùng với đó, tại khoản 1, Điều 137 Luật Đất đai quy định: “1. Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch,... ”; trong đó, không giải thích cụm từ “tổ chức quản lý rừng” là tổ chức nào? (có thể chỉ hiểu là Ban Quản lý rừng đặc dụng hay còn tổ chức khác?). Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 16 Luật Lâm nghiệp quy định cụ thể giao rừng đặc dụng không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng cụ thể (Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang,... Và cả cộng đồng dân cư đối với khu rừng tín ngưỡng mà họ đang quản lý và sử dụng theo truyền thống.

Các cơ chế, chính sách được xây dựng nhưng chưa coi rừng và đất lâm nghiệp là nguồn sinh kế cơ bản của hộ gia đình và cộng đồng. Nhà nước chưa có chính sách và cơ chế hưởng lợi cụ thể đối với người sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đặc biệt đối với huyện Nậm Nhùn là một huyện biên giới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo sấp sỉ 20% thì các điều kiện để sản xuất, kinh doanh nghề rừng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao còn phụ thuộc nhiều vào trợ giúp của nhà nước.

Nguồn tài chính là vấn đề tiên quyết chưa đi kèm quy định về chuẩn bị nguồn lực tài chính để GĐGR tuy nhiên nguồn ngân sách của huyện còn thấp chưa bố trí kế hoạch ngân sách cho hoạt động này.

Với chính sách giao đất, giao rừng hiện nay của Nhà nước, qua tìm hiểu tư tưởng của người dân có 100% số hộ gia đình được hỏi đồng tình hưởng ứng. Người dân đều cho rằng chính sách này đã tạo điều kiện cho nông hộ có thêm đất sản xuất và quỹ đất của địa phương sẽ được sử dụng tốt hơn. Tuy nhiên, thủ tục hành chính về vay vốn, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ còn phức tạp, rườm rà. Bên cạnh đó nhận thức của người dân còn hạn chế, do đó ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy, không khuyến khích được người dân vay vốn phát triển sản xuất, đặc biệt trên địa bàn huyện có Pú Đao là xã đặc biệt khó khăn với 95% dân số là người Mông do địa hình bị chắn bởi hai dãy núi cao, đường xá khó khăn nên cuộc sống của người dân Pú Đao gần như tách biệt với bên ngoài, sản xuất tự cung tự cấp gây khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các chính sách về GĐGR.

3.3.2. Công tác quản lý

Có 06 yếu tố trong quản lý ảnh hưởng việc thực hiện công tác GĐGR tại huyện Nậm Nhùn phải kể đến đó là:

Một là, hệ thống cơ sở dữ liệu, bản đồ và tiêu chí thông kê rừng và đất lâm nghiệp chưa được thống nhất giữa hai ngành Tài nguyên và môi trường , Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt những diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP có ranh giới, diện tích sử dụng trước đây chủ yếu được xác định theo sơ đồ, không rà soát, đo đạc và cắm mốc tại thực địa, dẫn đến việc chồng lấn giữa quyết định giao đất, thuê đất và thực tế sử dụng đất; có những trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao đất không xác định được vị trí, phạm vi đất lâm nghiệp đã giao nên xảy ra sự chồng chéo giữa các đối tượng được giao quyền sử dụng.

Hai là, một số chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm còn buông lỏng trong công tác quản lý sử dụng đất nông nghiệp; một số cán bộ trực tiếp làm công tác GĐGR trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như năng lực tổ chức, thực thi nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch về bảo vệ, phát triển rừng ở cơ sở, năng lực tuyên truyền còn hạn chế, chưa được đào tạo, tập

huấn về phương pháp, kỹ năng bảo vệ và phát triển rừng. Trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo vệ rừng còn thiếu, chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Hiện nay, cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sử dụng đất và quản lý, phát triển và bảo vệ rừng gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Nhùn (trình độ: 01 Thạc sĩ, 03 đại học, 01 cao đẳng); phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trình độ: 05 đại học, 02 cao đẳng); Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện (trình độ: 01 Thạc sĩ, 06 đại học, 01 cao đẳng) biên chế và 11 kiểm lâm trực địa bàn tại 11 xã thuộc huyện Nậm Nhùn, một số cán bộ có trình độ chuyện môn còn chưa đáp ứng nhu cầu công việc đề ra, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn hạn chế đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số,...đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác GĐGR trên địa bàn huyện.

Ba là, tổ chức bộ máy quản lý lâm nghiệp còn bất cập, nhiều việc còn chồng chéo không phân định rõ. Biên chế của lực lượng kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ còn thiếu so với diện tích lâm phận được giao quản lý, cấp xã thiếu cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp.

Hiện tại, huyện Nậm Nhùn hệ thống chỉ đạo điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện chính sách chi trả DVMTR gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng từ huyện đến cơ sở, gồm: Cấp huyện: thành lập 01 Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và chi trả DVMTR; 01 Tổ kỹ thuật xác định, kê khai chủ rừng thực hiện chính sách chi trả DVMTR; Ban Quản lý rừng phòng hộ là đơn vị tổ chức thực hiện chi trả DVMTR. Cấp xã: thành lập 01 Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và chi trả DVMTR; đối với các bản: thành lập 66 tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (riêng xã Lê Lợi không thành lập tổ chuyên trách BVR, PCCCR, chỉ thành lập 01 tổ đội xung kích BVR, PCCCR cấp xã do xã có diện tích rừng ít 139,7 ha). Tuy nhiên tại cấp xã thành viên các tổ chuyên trách chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thiếu trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa qua đào tạo…hoạt động không thường xuyên, kém hiệu quả, phân công nhiệm vụ không rõ ràng, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng huyện gặp nhiều khó khăn, không kịp thời, đặc biệt đối với những hành vi vi phạm trong lâm nghiệp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, sự phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thường xuyên, tính chủ động của các ngành còn hạn chế, nhiều lúc, nhiều nơi còn thiếu gắn bó, tinh thần trách nhiệm, hiệu quả phối hợp chưa cao; việc điều tra, xử lý các vụ làm cháy rừng, phá rừng còn kéo dài, nhiều vụ việc không điều tra và xử lý được đối tượng, nên chưa có tác dụng giáo dục, răn đe chung cũng là một trong nhứng yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách GĐGR tại huyện Nậm Nhùn.

Năm là, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật và cơ chế chính sách về lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, nội dung phương pháp đơn điệu, chất lượng tuyên truyền chưa cao, chưa hiệu quả do đó một số bộ phận nhân dân chưa hiểu biết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác GĐGR, bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2012 đến nay, huyện đã tổ chức được 21 hội nghị tuyên truyền cấp xã cho trên 500 lượt cán bộ xã; gần 190 cuộc họp thôn bản cho hơn 4.500 lượt hộ dân. Ngoài ra, huyện đã xây dựng được 39 biển tuyên truyền khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng ở các khu rừng các xã, thị trấn; phát tờ tranh tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới các bản, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của các hộ trong việc tuần tra, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi gây hại đến rừng. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 95% do đó việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, trình độ dân trí ảnh hưởng đến khả năng hiểu biết của người dân do đó chất lượng tuyên truyền chưa cao, chưa hiệu quả.

Sáu là, việc theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả công tác GĐLN, giao rừng, cho thuê rừng, sử dụng rừng sau khi GĐGR chưa chặt chẽ, thường xuyên.

3.3.3. Yếu tố tự nhiên

Từ thực tế cho thấy, Nậm Nhùn là huyện vùng cao biên giới, địa hình chia cắt nhiều phức tạp, nơi ở không tập trung, xa trung tâm, giao thông đi ở một số xã vùng sâu, vùng xa chưa thuận lợi nhất là vào mùa mưa, lũ dẫn đến công tác quy chủ để thực hiện GĐGR gặp rất nhiều khó khăn. Kéo theo đó là việc quản lý

đất lâm nghiệp đã được giao do đặc điểm của địa hình cũng bị hạn chế, bất cập, có những vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp như chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, đốt rừng làm nương rẫy xảy ra ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, địa hình phức tạp, xa khu dân cư nên các cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn, xử lý. Nhiều vụ cháy mặc dù việc triển khai chữa cháy kịp thời song do núi cao, vực sâu, độ dốc lớn, gió to làm đám cháy lan nhanh nên không khống chế được đám cháy, gây thiệt hại lớn về diện tích.

Mùa vụ trồng rừng ngắn, vào mùa mưa trùng với thời gian thu hoạch nông sản của nhân dân nên công tác trồng rừng gặp khó khăn. Huyện Nậm Nhùn có mùa mưa kéo dài và mưa liên tục trong 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9) gây khó khăn cho huyện trong kiểm soát kế hoạch trồng, bảo vệ rừng và vận chuyển lâm sản; đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng các công trình, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; đảm bảo tính mạng, tài sản và khắc phục hậu quả khi hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG TẠI HUYỆN NẬM NHÙN, TỈNH LAI CHÂU (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(88 trang)
w