Thứ nhất, trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên. Năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ĐTBD. Không có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, giảng viên có chuyên môn tốt thì không thể có chất lượng ĐTBD tốt. Cán bộ quản lý giỏi là người tận tâm, nhiệt tình với công tác ĐTBD, tích cực chủ động trong việc mở lớp, quản lý học viên, bảo đảm các điều kiện phục vụ ĐTBD. Mỗi giảng viên phải là những cán bộ giảng dạy chuẩn mực, được đào tạo đúng chuyên ngành, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gần gũi đồng nghiệp và học viên, là người am hiểu thực tế, có một thời gian hoạt động thực tiễn nhất định. Họ cần phải có năng khiếu sư phạm, thực sự yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với nhà trường, tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp và sử dụng được các phương tiện giảng dạy hiện đại, có năng lực tổ chức, quản lý, hướng dẫn học viên đi tham quan, thực tế; là tấm gương không ngừng tự học hỏi, tự nâng cao trình độ bản thân.
Thứ hai, động cơ, thái độ, ý thức, trách nhiệm của người học. Động cơ, thái độ, ý thức, trách nhiệm của người học được xác định là nền tảng bảo đảm chất lượng ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã. Không có động cơ, thái độ, ý thức trách nhiệm đúng đắn thì khó có thể tiếp thu được kiến thức. Người được ĐTBD phải có động cơ và thái độ học tập đúng đắn như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Tổ
quốc, nhân dân và nhân loại”. Như vậy, đi học là để đáp ứng yêu cầu công việc, phụng sự sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân chứ không phải để “vinh thân phì gia”, tận hưởng vinh hoa, phú quý cho bản thân và gia đình. Bên cạnh việc xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn, người học còn có ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện, cần chủ động trong quá trình học tập, nghiên cứu, có tinh thần ham học hỏi, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế trong đào tạo, trong sinh hoạt tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.