thương mại
Việt Nam
5.2.1. Đề xuất về tăng tỷ lệ an toàn vốn
Các Ngân hàng Thương mại xây dựng hệ số CAR càng cao thì hiệu quả hoạt động càng cao. Do đó, về lâu dài để nâng cao hiệu quả hoạt động, các ngân hàng cần có những giải pháp về việc tăng vốn. Vì tăng vốn sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, giúp ngân hàng phát triển ổn định, bền vững hơn trong tương lai. Nhưng trong thực tế, các ngân hàng thường gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn. Để giải quyết vấn đề này, các NHTM có thể:
Thứ nhất, tìm kiếm cổ đông chiến lược, cổ đông đầu tư tài chính. Ngân hàng cần có tầm nhìn chiến lược trong cân đối quyền lợi giữa cổ đông lớn thường là Hội đồng quản trị và cổ đông nhỏ để tạo uy tín và lòng tin của nhà đầu tư. Tại Việt Nam, một số ngân hàng đang áp dụng giải pháp này. Ví dụ cụ thể, năm 2019, BIDV đã hợp tác với KEB Hana Bank, hai ngân hàng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác và KEB Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của BIDV, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV. Ngân hàng BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thực tế cho thấy, các ngân hàng lớn thường có lợi thế tìm kiếm cổ đông chiến lược dễ hơn các ngân hàng nhỏ vì có sẵn lợi thế về quy mô và lợi nhuận, cũng như thương hiệu đã hiện diện trên thị trường, thường được các nhà đầu tư quan tâm và tìm hiểu.
Nhưng hiện nay, các NHTM khác rất năng động và có những bước phát triển vượt bậc về chất lượng dịch vụ và quy mô nên trong tương lai các ngân hàng thương mại có thể tăng vốn bằng cách tìm kiếm các nhà đầu tư lớn để hợp tác nhằm nâng cao hệ số CAR trong hệ thống.
Hai là, khi áp dụng mục tiêu tăng vốn các ngân hàng có thể tiếp tục kiên trì trong việc giữ lại lợi nhuận từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vì trả cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi vốn chủ sở hữu của ngân hàng, không làm giảm lợi nhuận và không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông. Với hình thức này, ngân hàng làm tăng vốn điều lệ bởi việc chuyển từ lợi nhuận và vốn ở các quỹ để tăng vốn, đồng thời số cổ phần cổ đông tăng lên theo tỷ lệ chia.
Ba là, phát hành trái phiếu dài hạn tăng vốn cấp 2. Bên cạnh phát hành cổ phiếu, ngân hàng cũng nên quan tâm đến vấn đề phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu theo từng lộ trình, vừa tạo cho ngân hàng có nguồn vốn ổn định lâu dài để mở rộng quy mô kinh doanh vừa làm giảm áp lực chi trả cổ tức cho cổ đông.
Ngoài ra, nghiên cứu phương án sáp nhập, mua lại ngân hàng để có thể chủ động khi đóng vai trò là ngân hàng mua lại hoặc ngân hàng được mua lại để có sự chuẩn bị hiệu quả.