Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa trong hoạt động thương mại

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa thực tiễn xét xử giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa tại tòa án nhân dân thành phố hồ chí minh (Trang 25 - 27)

6. Kết cấu của đề tài

1.2.3Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa trong hoạt động thương mại

mại Đặc điểm chung của hợp đồng mua bán hàng hóa:

Là hợp đồng song vụ: mỗi bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đối với bên kia, đồng thời lại cũng là bên có quyền đòi hỏi bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa tồn tại hai nghĩa vụ chính mang tính chất qua lại và liên quan mật thiết với nhau: nghĩa vụ của bên bán phải bàn giao hàng hóa cho bên mua và nghĩa vụ của bên mua phải thanh toán cho bên bán.

Là hợp đồng ưng thuận: hợp đồng được coi là giao kết tại thời điểm các bên thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào thời điểm bàn giao hàng hóa, việc bàn giao hàng hóa chỉ được coi là hành động của bên bán nhằm thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng mua bán có hiệu lực. Có tính đền bù: bên bán khi thực hiện nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua thì sẽ nhận từ bên mua một lợi ích tương đương với giá trị hàng hóa theo thỏa thuận dưới dạng khoản tiền thanh toán.

Đặc điểm riêng của hợp đồng mua bán hàng hóa: Với tư cách là hình thức pháp lý của quan hệ mua bán hàng hoá, hợp đồng mua bán hàng hoá có những đặc điểm nhất định, xuất phát từ bản chất thương mại của hành vi mua bán hàng hoá:

Về chủ thể: hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân ( hoặc ít nhất 1 bên tham gia hợp đồng là thương nhân). Luật thương mại 2005 quy định thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo khoản 3 Điều 1 Luật thương mại 2005, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật thương mại.

Về hình thức: hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản, ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như điện báo, telex, fax hay thông điệp dữ liệu.

Về đối tượng: hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa. Theo Luật thương mại Việt Nam 2005, hàng hóa là đối tượng của quan hệ mua bán có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai, hàng hóa có thể là động sản hoặc những vật gắn liền với đất đai được phép lưu thông thương mại.

Về nội dung: hợp đồng mua bán hàng hóa thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán. Theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. Hành vi mua bán của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất hành vi thương mại.

Về mục đích: phụ thuộc vào chủ thể của hợp đồng lựa chọn đối tượng để kinh doanh, thương mại. Nhưng chủ yếu mục đích của hợp đồng mua bán hàng hóa trong hoạt động thương mại là kinh doanh kiếm lợi nhuận.

Trường hợp đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có một số đặc điểm đặc biệt hơn so với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước, tùy theo từng quy định của các quốc gia và điều ước quốc tế mà các quốc gia của chủ thể ký kết hợp đồng được quy định. Với chủ thể đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng là thương nhân, nhưng thương nhân ở đây bao gồm cả cá nhân, pháp nhân và trong một số trường hợp chính phủ cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng này. Xét về đặc điểm đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa thì loại hàng hóa lưu thông thương mại ở mỗi quốc gia được quy định khác nhau phụ thuộc vào nền văn hóa và nhu cầu, cũng như là định hướng kinh tế, chính trị của từng quốc gia mà các hàng hóa có được xem hàng hóa bị cấm kinh doanh hay không hay có là đối tượng của hợp đồng mua bán hay không, chỉ những hàng hóa nào đều được pháp luật quốc gia của các bên kí kết hợp đồng quy định là được phép trao đổi mua bán thì mới có thể trở thành đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Xét về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì có thể lập thành văn bản hoặc bằng các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, tùy theo sự lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng của các bên, bên cạnh đó thì điểm đặc biệt ở hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được lập từ hai ngôn ngữ trở lên hoặc hai bên chủ thể thống nhất một loại ngôn ngữ chung và thông dụng để áp dụng cho hợp đồng. Chọn hình thức áp dụng hợp đồng cũng không kém phần quan trọng giúp các bên sẽ tránh được tối đa các hậu quả pháp lí bất lợi, những rủi ro và tranh chấp không đáng có cũng như các thiệt hại có thể xảy ra. Nhìn chung pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mang nhiều đặc điểm hơn pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước, vì mang yếu tố nước ngoài nên pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có phần phức tạp hơn do áp dụng nhiều nguồn luật.

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa thực tiễn xét xử giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa tại tòa án nhân dân thành phố hồ chí minh (Trang 25 - 27)