Chủ thể, đối tượng, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa thực tiễn xét xử giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa tại tòa án nhân dân thành phố hồ chí minh (Trang 30 - 35)

6. Kết cấu của đề tài

2.1.1 Chủ thể, đối tượng, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa

Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quy định về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự là điều kiện bắt buộc phải có để các cá nhân muốn trở thành chủ thể giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa mang tính dân sự (được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015). Còn đối với giao kết các hợp đồng mua bán hàng hóa mang tính thương mại, cá nhân còn phải thỏa mãn điều kiện nữa là phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó theo Luật Doanh nghiệp, cá nhân có thể đăng ký loại hình doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể để tổ chức các hoạt động kinh doanh.Với tư cách là pháp nhân hay cá nhân nếu tuân thủ được các quy định của pháp luật thì đều có quyền tiến hành các giao dịch thương mại.

Hợp đồng thương mại được thiết lập chủ yếu giữa các chủ thể là thương nhân theo Luật Thương mại năm 2005 Điều 6 quy định:

“1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm…”

Trong hợp đồng thương mại, có thể có những hợp đồng đòi hỏi các bên đều phải là thương nhân như: hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng đại lý thương mại… hay có những hợp đồng chỉ đòi hỏi có ít nhất một bên là thương nhân như: hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ bán đấu giá hàng hóa, hợp đồng môi giới thương mại.. Ngoài ra, các tổ chức, các nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng thương mại khi họ có hoạt động liên quan đến thương mại.

Hợp đồng mua bán hàng hóa cũng như các loại hợp đồng thương mại khác được kí kết giữa các bên là thương nhân, hoặc chỉ có một bên là thương nhân. Đây là một điểm đặc trưng của hợp đồng thương mại so với các loại hợp đồng dân sự. Như vậy, chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa gồm thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh, cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại (quy định tại Điều 2 Luật thương mại năm 2005).

Riêng về chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được dùng để xác định yếu tố quốc tế của một hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo quan điểm của Pháp, khi xác định yếu tố quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, người ta căn cứ vào hai tiêu chuẩn kinh tế và pháp lý. Theo các tiêu chuẩn kinh tế, một hợp đồng quốc tế là hợp đồng tạo nên sự di chuyển qua lại biên giới các giá trị trao đổi tương ứng giữa hai nước, nói cách khác, hợp đồng đó thể hiện quyền lợi của thương mại quốc tế. Theo tiêu chuẩn pháp lý, một hợp đồng được coi là hợp đồng quốc tế nếu nó bị chi phối bởi các tiêu chuẩn pháp lý của nhiều quốc gia như quốc tịch, nơi cư trú của các bên, nơi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nguồn vốn thanh toán…13 Còn theo quan điểm quốc tế tại Điều 1 CISG, các bên trong hợp đồng phải có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau. Công ước không dùng các tiêu chí như nơi giao kết hợp đồng hay nơi thực hiện hợp đồng để xác định tính quốc tế của hợp đồng mà chỉ dựa vào việc các bên đến từ các quốc gia khác nhau. Như vậy việc xác định xem trụ sở thương mại của các chủ thể có ở các quốc gia khác nhau hay không sẽ dẫn đến hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước viên 1980.

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật thương mại năm 2005 thì:

“Hàng hóa bao gồm:

a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai.”

13 Tác giả Minh Đức (01/10/2009); Bài viết “ Hợp đồng thương mại quốc tế - Những nội dung doanh nghiệp cần quan tâm”; Trang web Thông tin Pháp luật Dân sự.

Trên thực tế, các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa có thể thỏa thuận về đối tượng của hợp đồng nhưng loại hàng hóa đó lại chưa tồn tại hay ta còn gọi đó là những động sản hình thành trong tương lai. Thường bên mua xem xét mẫu hàng của bên bán và sau đó ký kết hợp đồng đặt hàng bên bán. Vậy đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa không chỉ là những hàng hóa hiện có mà còn có thể là hàng sẽ có sau khi hợp đồng được ký kết. Luật thương mại không qui định cụ thể về hàng hóa có trong tương lai.

Các loại hàng hóa cấm không thuộc đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa: Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa trong hoạt động thương mại không phải loại hàng hóa nào cũng có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa, ngoài các quy định về hàng hóa tại Khoản 2 Điều 3 của Luật thương mại năm 2005 thì còn có các quy định khác như về hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Các chủ thể khi tham gia vào quan hệ mua bán hàng hóa cần xem hàng hóa mà mình định mua hoặc bán có phải là hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm hoặc hàng kinh doanh có điều kiện hay không. Căn cứ để xác định loại hàng hóa cấm kinh doanh và kinh doanh có có điều kiện là xuất phát từ tác động và mức độ ảnh hưởng của từng loại hàng hóa tới an toàn, quốc phòng, kinh tế, xã hội, môi trường, vệ sinh phòng dịch do việc kinh doanh loại hàng hóa đó gây ra và mức độ, cách thức quản lý Nhà nước của từng quốc gia.

Tại Điều 25 Luật thương mại năm 2005 có quy định về hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện: Ngoài ra nhóm hàng hóa này còn được quy định tại Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT năm 2014 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện do Bộ Công thương ban hành.

Nếu so với Công ước viên 1980 (CISG) Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) thì đối tượng được quy định ở Luật thương mại ở Việt Nam quy định còn khá hẹp. Ước tính Công ước này điều chỉnh các giao dịch chiếm đến hai phần ba thương mại hàng hóa thế giới14, Việt Nam được xem là thành viên thứ 84 sau Singapore của công ước này vào năm 2015 và

14 International Trade Centre (UNCTAD/WTO) & Ministry of Trade of Vietnam, Report on key multilateral treaties affecting trade not ratified by Vietnam- A cost/benefit analysis, March 2007, tr.27

chính thức có hiệu lực tại Việt Nam vào năm 2017. Tại Điều 2 CISG có quy định về đối tượng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế rộng bằng cách chỉ nêu ra các trường hợp “ không được áp dụng” như sau:

“Công ước này không áp dụng vào việc mua bán:

a. Các hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc nội trợ, ngoại trừ khi người bán, vào bất cứ lúc nào trong thời gian trước hoặc vào thời điểm ký kết hợp đồng, không biết hoặc không cần phải biết rằng hàng hóa đã được mua để sử dụng như thế.

b. Bán đấu giá.

c. Ðể thi hành luật hoặc văn kiện uỷ thác khác theo luật.

d. Các cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán đầu tư, các chứng từ lưu thông hoặc tiền tệ.

e. Tàu thủy, máy bay và các chạy trên đệm không khí. f. Ðiện năng.”

Dễ nhận thấy việc quy định mở như vậy giúp cho CISG có thể dễ dàng áp dụng đối với nhiều nước trên thế giới, nhưng cũng gây khó khăn vì ở mỗi quốc gia quy định về các loại hàng hóa được phép kinh doanh là khác nhau. Vì vậy, CISG vấn đề áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế về đối tượng chỉ mang tính tham khảo còn việc áp dụng một cách cụ thể hơn và an toàn nên do luật của các bên điều chỉnh, để đảm bảo rằng hàng hóa của các bên đang trao đổi trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp pháp ở cả các quốc gia.

Các quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa: Về nguyên tắc, hợp đồng không cần đến hình thức vì nó thuộc phạm vi tự do thỏa thuận giữa các bên với nhau. Thông thường các nước chỉ qui định bắt buộc hình thức hợp đồng khi đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đặc biệt hoặc giá trị của hợp đồng rất lớn. Các quy định về hình thức bắt buộc của hợp đồng có mục đích là hạn chế các rủi ro cho các bên tham gia vào quan hệ xã hội đó. Trên thương trường quốc tế nói chung không có quy định bắt buộc về tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa. Điều 11 Công ước Viên năm 1980 qui định “không yêu cầu hợp đồng mua bán phải được ký hoặc phải

được xác nhận bằng văn bản hoặc phải tuân thủ một yêu cầu nào đó về mặt hình thức. Có thể dùng bất kỳ phương tiện nào kể cả lời khai nhân chứng để chứng minh sự tồn tại của hợp đồng đó”. Ở Anh, khi đối tượng của hợp đồng có giá trị hơn 10 bảng Anh thì hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản . Ở Mỹ giá trị này thay đổi tùy theo tiểu bang. Ở Bỉ, tất cả các hành vi pháp lý liên quan đến một số tiền lớn hơn 1500 Fran Bỉ phải có sự thể hiện bằng văn bản. Ở Pháp qui định những trường hợp bắt buộc phải làm thành văn bản không căn cứ vào giá trị hợp đồng mà căn cứ vào đối tượng của hợp đồng như việc bán bất động sản, tàu biển, tàu sông, máy bay nhất thiết phải có văn bản15.

Đối với pháp luật về thương mại quy định hình thức hợp đồng một cách tự do hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hóa có thể lựa chọn hình thức phù hợp để bảo vệ quyền lợi của mình, được quy định tại Điều 24 Luật thương mại năm 2005:

“1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”

Đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa pháp luật bắt buộc phải lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó, chẳng hạn như các hợp đồng có đối tượng là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải lập thành văn bản…Đối với hợp đồng được lập bằng văn bản thì thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên được thể hiện bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như email, fax…Hợp đồng mua bán hàng hóa được lập bằng lời nói thì hai bên thỏa thuận quyền và nghĩa vụ bằng miệng, có thể mời người làm chứng. Tuy nhiên đây là hình thức hợp đồng rất rủi ro vì khi có tranh chấp rất khó có chứng minh được thỏa thuận của hai bên. Hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết bằng hành vi thì hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản cũng như thỏa thuận bằng miệng. Việc giao kết hợp đồng được minh chứng bằng các hành vi như bên bán tiến hành giao hàng hoặc bên mua tiến hành trả tiền, đây cũng là hình thức hợp đồng mang lại nhiều rủi ro, do đó trên thực tế các thương nhân ít sử dụng.

15 TS.Nguyễn Am Hiểu, Ths. Quản Thị Mai Hường ( 2000), “Tìm hiểu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa và đại diện thương mại ” , Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng.

Đây được xem là điểm khác biệt cơ bản giữa CISG và pháp luật ở Việt Nam về hình thức hợp đồng. Để tạo nên sự tương thích giữa Luật thương mại Việt Nam và CISG, Việt Nam đã tuyên bố bảo lưu về hình thức hợp đồng theo Điều 96 CISG, điều này dẫn đến các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các quốc gia thành viên CISG phải được xác lập dưới hình thức văn bản. Cần phải khẳng định rằng theo tinh thần của CISG và của Luật Thương mại năm 2005 thì các hình thức như điện báo, telex, fax, tin nhắn điện tử ( thư điện tử, viber, zalo, facebook,..) cũng được coi là tương đương văn bản, cùng với tính chất nhanh chóng, tiện lợi, miễn phí, xu hướng sử dụng các phương tiện điện tử trong việc giao kết, trao đổi thông tin thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa ngày càng được phổ biến.

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa thực tiễn xét xử giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa tại tòa án nhân dân thành phố hồ chí minh (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(78 trang)
w