3. CUỘC LY LOẠN GIỮA TÂY SƠN – CHÚA NGUYỄN
3.3. TÂY SƠN DIỆT QUÂN XIÊM
Sau khi thoát chết, từ năm 1779 – 1783, Nguyễn Ánh nhiều lần nổi dậy để dành lại vùng đất bị Tây Sơn chiếm giữ nhưng mọi nỗ lực của ông đều bị quân Tây Sơn đánh bại. Đến giữa năm 1784, Nguyễn Ánh sai thân tín của mình là Chu Văn Tiếp sang cầu viện quân Xiêm hòng đòi lại cơ nghiệp của cha ông mình. Vua Xiêm là Chất Tri (Chakkri), đương lúc thịnh vượng, chộp lấy cơ hội kéo quân sang xâm lược nước ta. Quân Xiêm do 2 người cháu của Chất Tri cũng là 2 vị tướng là Chiêu Tăng và Chiêu Sương kéo vào Gia Định: 2 vạn quân thủy đổ bộ lên Rạch Giá (Kiên Giang), 3 vạn quân theo đường Chân Lạp tiến vào Cần Thơ.
Năm vạn quân chính quy của Vương quốc Xiêm La lại được sự hậu thuẫn của hơn 3.000 quân Nguyễn Ánh ở bên trong, thực sự là một đội quân rất mạnh so với quân Tây Sơn. Cho nên, nhiệm vụ của quân Tây Sơn lúc này trở nên nặng nề hơn, lớn hơn rất nhiều so với lần lật đổ chúa Nguyễn Năm 1777. Nếu không quy tụ được tinh tần chiến đấu hết mình của quân sĩ, sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ thì khó mà vượt qua được.
Tại Gia Định, giặc Xiêm tung hoành kiêu căng, mặc sức đốt phá, giết người cướp của khiến nhân dân Gia Định rất căm phẫn. Trong bức thư Nguyễn
Ánh gửi cho giáo sĩ J.Liot sau khi đại bại ở Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Ánh đã thừa nhận như sau: “Nay thì Xiêm binh đại tứ lỗ lược, dâm nhân phục nữ, lược nhân tài vật, túng sát bất nhân lão thiếu. Vậy nên, Tây tặc binh thế nhật thịnh, Xiêm binh thế nhật suy”. Nghĩa đại để là: Quân Xiêm tự do cướp dật, cưỡng hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa từ trẻ đến già. Cho nên giặc Tây Sơn ngày càng mạnh, quân Xiêm thì ngày một suy.
Như lời thú nhận trong bức thư trên, cứ tưởng cầu viện được 5 vạn quân Xiêm là ghê gớm lắm hóa ra lại trở thành nỗi sợ hãi căm phẫn của dân chúng cũng như quân sĩ của Nguyễn Ánh. Một quân đội dù mạnh mẽ đến bao nhiêu nếu không được dân ủng hộ, bị nhân dân nguyền rủa thì sớm hay muộn cũng sẽ phá sản. Hoàn cảnh đó đã dẫn đến tình hình ngày càng bất lợi cho quân Xiêm và có lợi cho quân Tây Sơn.
Tướng của Tây Sơn giữ đất Gia Định lúc này là Trương Văn Đa, một mặt cho người về Quy Nhơn cấp báo, mặt khác cho quân chặn đánh để cản bước tiến của giặc. Vua Tây Sơn đã sai Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem đại quân vào Gia Định chống giữ.
Đầu năm 1785, Nguyễn Huệ vào Gia Định, đóng đại bản doanh ở Mỹ Tho, chọn khúc sông Rạch Gầm – Xoài Mút làm trận địa quyết chiến lược.
Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân giặc có đến 7- 8 vạn mà quân của Nguyễn Huệ chỉ hơn vài vạn (ước đoán của các nhà sử học sau này) thì khó để đánh nhanh thắng nhanh được. Cho nên, một mặt Nguyễn Huệ cho sứ giả mang vàng bạc đến doanh trại của quân Xiêm và giả vờ xin hòa rằng: “Tân triều và cựu triều của nước chúng tôi giành đất và giành dân với nhau, chẳng thể nào dung tha cho nhau được. Nước chúng tôi cùng với Xiêm La xa xôi cách trở, trâu ngựa không đánh hơi nhau được, chẳng hay vương tử đến chốn này làm gì? Chi bằng hai nước chúng ta hòa hiếu với nhau, xong việc, chúng tôi sẽ theo lệ tiến cống, như thế có phải là được lợi lâu dài không? Vậy việc cựu Chúa
của nước chúng tôi xin để mặc tự chúng tôi lo liệu, xin Vương tử chớ bận tâm lo lắng giúp đỡ” (Theo Mạc Thị Gia Phả của Vũ Thế Dinh).
Nhưng mặt khác, Nguyễn Huệ cũng tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị trận địa quyết chiến lược ở khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút. Điều rất may cho quân Tây Sơn là khi bố trí xong trận địa mai phục thì cũng là lúc quân Xiêm tấn công. Khi các chiến thuyền của quân Xiêm lọt vào trận địa mai phục, lực lượng của quân Tây Sơn hai bên bờ song Tiền đồng loạt tấn công. Hỏa lực của quân Tây Sơn dành thế áp đảo, Nguyễn Huệ trực tiếp đốc chiến, hạ lệnh cho tướng sĩ đánh đến cùng khiến cho mọi cố gắng chống trả của quân Xiêm bị đập tan. Chiến thuyền của giặc, cái bị thiêu cháy, cái bị chìm, quân lính bị chém chết, bị rơi xuống sông toán loạn không biết bao nhiêu mà kể. Số sống sót chỉ vài nghìn tên chạy theo đường bộ thoát thân về nước.
Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Nguyễn Huệ cùng với đại quân của mình đã khiến cho quân Xiêm đại bại và Nguyễn Ánh thì thêm một lần nữa thoát chết chạy ra đảo Thổ Chu và lưu vong ở đất Xiêm La. Sau đó thì Nguyễn Ánh lại cử ông Bá Đa Lộc cùng với hoàng tử sang nước Pháp cầu viện.
Bảy năm sau ngày cơ nghiệp Chúa Nguyễn bị thoán đoạt, Nguyễn Ánh lúc này đã 22 tuổi. Độ tuổi đủ trưởng thành để cảm nhận về những mất mát quá lớn cơ đồ của tổ tiên để lại. Ở vào vị trí ấy, có ai mà không luyến tiếc, tan vỡ, xót xa. Mấy trăm năm làm vương làm chúa thiên hạ nay bổng chốc trắng tay. Là con cháu thế tục, Nguyễn Ánh đã cảm nhận được trách nhiệm của mình với giang sơn, cơ nghiệp mà cha ông tạo lập. Được làm vua, thua làm giặc. Không ít người cho rằng, việc cầu viện quân Xiêm của Nguyễn Ánh như hành động của một tội đồ không thể that ha thứ, “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhưng nếu bình tĩnh hơn, đặt mình vào vị trí của Nguyễn Vương, quý vị sẽ giải quyết như thế nào? Không lẽ khoanh tay ngồi nhìn đại nghiệp của cha ông tạo lập suốt 2 trăm năm về tay kẻ
khác. Xét theo địa vị thế tục và hoàn cảnh mất mát quá lớn của gia tộc Nguyễn Vương, chúng ta cũng nên rộng bụng mà tha thứ, bỏ quá cho ông ta vậy.
Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút đi vào lịch sử dân tộc như là một trong những trận thủy chiến chống ngoại xâm lẫy lừng, đập tan giấc mộng xâm lăng của phong kiến Xiêm, lãnh thổ chủ quyền được giữ vững. Quét sạch quân Xiêm, giao Gia Định cho đô đốc Đặng Văn Chân trấn giữ, Nguyễn Huệ về lại Quy Nhơn.