CUỘC LY LOẠN GIỮA TÂY SƠN VÀ CHÚA TRỊNH – VUA LÊ 1 TÂY SƠN CHIẾM PHÚ XUÂN

Một phần của tài liệu HAI TRĂM BẢY LĂM NĂM LY LOẠN QUAY CUỒNG (Trang 36 - 40)

4.1. TÂY SƠN CHIẾM PHÚ XUÂN

Chiến thắng quân Xiêm ở Gia Định đã làm cho thanh thế của quân Tây Sơn ngày càng lẫy lừng, trở thành một lực lượng hùng mạnh không ai đủ sức để có thể cản đường.

Lúc này nội bộ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài ngày càng lục đục. Trịnh Sâm vì sắc đẹp, say đắm nàng Đặng Thị Huệ nên đã phế bỏ con trưởng là Trịnh Khải mà lập người con trai của Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán nối nghiệp chúa. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, nội bộ họ Trịnh chia bè kéo cánh, thanh trừng lẫn nhau. Cơ nghiệp chúa Trịnh đứng trước nguy cơ đổ nát.

Từ trước, trấn thủ Nghệ An là Hoàng Đình Bảo có nhiều thục hạ giỏi, trong đó Nguyễn Hữu Chỉnh (người Nghi Lộc, Nghệ An) là một người can đảm, lắm cơ trí. Trước thường theo Hoàng Ngũ Phúc vào chiếm Thuận Hóa năm 1774 và đã từng đi lại với Nguyễn Nhạc, sau khi Hoàng Ngũ Phúc chết thì theo Hoàng Đình Bảo. Khi Hoàng Đình Bảo bị nạn kiêu binh giết, Nguyễn Hữu Chỉnh vào bàn với quan trấn thủ Nghệ An là Võ Tá Giao để tự lập, nhưng Võ Tá Giao không dám, Hữu Chỉnh bỏ vào Nam phò vua Tây Sơn.

Khi biết quan trấn thủ vùng Thuận Hóa là Phạm Ngô Cầu, một người nhu nhược vô mưu mà lại có tính tham lam lại rất mê tín, Vua Tây Sơn đã cho ba đạo quân ra chiếm Phú Xuân.

Đạo thủy quân thứ nhất do Nguyễn Lữ chỉ huy từ Quy Nhơn tiến ra cửa sông Gianh (Quảng Bình) bao vây Phú Xuân từ phía Bắc;

Đạo thủy binh thứ hai do Vũ Văn Nhậm chỉ huy từ Quy Nhơn theo đường biển ra đánh vào Phú Xuân;

Đạo thứ ba là đạo bộ binh do đích thân Nguyễn Huệ chỉ huy vượt đèo Hải Vân đánh thẳng ra Phú Xuân.

Tháng 4 năm 1786 thì xuất quân, đến tháng 5 năm 1786 thì Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng đầu hàng. Quân họ Trịnh canh giữ các đồn đều tan tác bỏ chạy. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân Tây Sơn đã chiếm được một vùng rộng lớn, lãnh thổ được mở rộng ra đến sông Gianh.

Xứ Thuận Hóa vốn là vùng tranh chấp giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn của hơn một trăm năm trước, chúa Trịnh từng mang quân vào đánh đến 7 lần mà vẫn không chiếm được. Mãi đến năm 1774, lợi dụng lúc quân Tây Sơn nổi dậy chống chúa Nguyễn thì chúa Trịnh mới đánh chiếm được vùng đất này. Nay quân Tây Sơn chỉ mất có mấy ngày, điều đó chứng tỏ sức mạnh vô địch của đội quân Tây Sơn là không bàn cãi. Toàn bộ vùng đất Đàng Trong của chúa Nguyễn trước đây, nay đã hoàn toàn thuộc về nhà Tây Sơn.

4.2. TÂY SƠN LẬT ĐỔ HỌ TRỊNH

Chiếm được đất Thuận Hóa, Nguyễn Huệ cử người cho sửa sang Đồng Hới, lấy sông Gianh làm địa giới phân chia giữa nhà Tây Sơn với chúa Trịnh Đàng Ngoài. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh lại bàn rằng, Sách Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái viết như sau:

“…Ngài vâng mệnh ra lấy đất Thuận Hóa, đánh một trận mà xong, oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Phép dùng binh có ba điều cốt yếu, một là thời hai là thế ba là cơ, có ba điều đó đánh đâu cũng thắng. Nay ở đất Bắc Hà tướng thì lười, binh thì kiêu, triều đình không có kỷ cương gì cả, nếu ông nhân lấy cái uy thanh này, đem binh ra đánh thì làm gì mà không được. Ông không nên bỏ mất cái cơ, cái thời và cái thế ấy".

Nguyễn Huệ nói: "Ở Bắc Hà có nhiều nhân tài, không nên coi thường". Hữu Chỉnh đáp lại rằng: "Nhân tài Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh, nay Chỉnh đã bỏ đi, thì nước không có ai nữa, xin ông đừng có ngại gì!"

Nguyễn Huệ cười mà nói rằng: "Ấy! Người khác thì không ngại, chỉ ngại có ông đó thôi!"

Hữu Chỉnh tái mặt mà tạ rằng: "Tôi tự biết tài hèn, nhưng mà tôi nói thế là có ý tỏ cho ông biết ngoài Bắc không có nhân tài đó thôi".

Nguyễn Huệ lấy lời nói ngọt để yên lòng Hữu Chỉnh và bảo rằng: "Nhà Lê làm vua đã mấy trăm năm nay, bây giờ cướp lấy, chưa chắc lòng người đã theo mình".

Hữu Chỉnh nói: "Nay Bắc Hà có vua lại có chúa, ấy là một sự cổ kim đại biến. Chúa Trịnh tiếng rằng phù Lê, thực ra chỉ ăn hiếp thiên tử, cả nước không ai phục. Vả xưa nay không ai làm gì để giúp nhà Lê, là chỉ sợ cái thế mạnh đó mà thôi, nay ông mà, phù Lê diệt Trịnh thì thiên hạ ai chẳng theo ông".

Nguyễn Huệ nói: "Ông nói phải lắm, nhưng ta chỉ phụng mệnh đi đánh đất Thuận Hóa mà thôi, chứ không phụng mệnh đi đánh Bắc Hà, sợ rồi can tội kiểu mệnh thì làm thế nào?"

Hữu Chỉnh nói: "Kiểu mệnh là tội nhỏ, việc ông làm là công to. Vả làm tướng ở ngoài có điều không cần phải theo mệnh vua, ông lại không biết hay sao?..."

Nghe Hữu Chỉnh nói trúng ý của mình, Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem thủy binh đi tiên phong vào cửa Đại An (Nghĩa Hưng, Nam Định) đánh lấy kho lương bên sông Vị Hoàng. Nguyễn Huệ đem quân theo sau cùng hội quân tại đó.

Phía quân Trịnh thì chủ quan, tự tin cho rằng quân Tây Sơn lấy đất Thuận Hóa là quá lắm rồi nên không phòng bị chắc chắn. Khi sai Trịnh Tư thu xếp đưa quân vào giữ đất Nghệ An, nhưng khi mới đi được 30 dặm thì đã nghe tin quân Tây Sơn đã đến sông Vị Hoàng. Các tướng của quân Trịnh như Tự Quyền, Bùi Thế Dận, Đinh Tích Nhưỡng đưa quân ra để chống giữ nhưng lần lượt bị Tây Sơn đánh cho toán loạn.

Tin bại trận liên tiếp báo về, lúc đó Trịnh Khải mới cho gọi tướng Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây về đưa quân thủy bộ chống giữ nhưng mọi thứ đã muộn. Hoàng Phùng Cơ, Trịnh Khải bỏ kinh thành mà chạy lên Sơn Tây. Sau đó Trịnh Khải bị bắt, tự lấy gươm cắt cổ tự vẫn, sự nghiệp của chúa Trịnh đến đây xem như chấm dứt.

Họ Trịnh tính từ thời Trịnh Kiểm đến đời Trịnh Khải là được 8 đời. Theo địa ký chép về đất phát tích của tổ tiên của họ Trịnh có viết rằng: “Chẳng đế, chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ” (Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái)

Sau khi dứt được họ Trịnh, Nguyễn Huệ vào yết kiến vua Lê lúc này là Hiển Tông. Nguyễn Huệ giải bày cái lẽ đem binh ra để phù Lê diệt Trịnh chứ không só ý dòm ngó gì. Vua Lê mừng rỡ cảm tạ rối rít mà phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên soái uy quốc công và gã công chúa Ngọc Hân cho ngài.

Hoàn thành được đại nghĩa phò Vua diệt Chúa, quân Tây Sơn rút về Nam. Biết Hữu Chỉnh là kẻ giảo hoạt nên để lại ở đất Bắc. Hữu Chỉnh chạy theo van xin thì được Tây Sơn cho ở lại cùng với Nguyễn Duệ trấn giữ đất Nghệ An.

Một phần của tài liệu HAI TRĂM BẢY LĂM NĂM LY LOẠN QUAY CUỒNG (Trang 36 - 40)