LY LOẠN TRONG NỘI BỘ TÂY SƠN 1 TÂY SƠN DIỆT NGUYỄN HỮU CHỈNH

Một phần của tài liệu HAI TRĂM BẢY LĂM NĂM LY LOẠN QUAY CUỒNG (Trang 40 - 44)

5.1. TÂY SƠN DIỆT NGUYỄN HỮU CHỈNH

Lê Hiển Tông mất, nhường ngôi lại cho Lê Chiêu Thống. Quyền bính lúc này thuộc cả về nhà Lê nhưng tiếc rằng Lê Chiêu Thống bất tài không thu phục được dân chúng, mà các đình thần cũng chẳng ai quen làm việc kinh luân. Trong khi đó dư đảng của chúa Trịnh là Trịnh Lệ, Trịnh Bồng đang hiếp chế vua Lê để lập lại phủ Chúa. Trong tình thế gay go ấy, Lê Chiêu Thống xuống mật chiếu mời Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra giúp.

Nhận được mật chiếu, Nguyễn Hữu Chỉnh đã nhanh chóng thu xếp được hơn một vạn quân tiến ra Bắc. Quân của Trịnh Bồng chia nhau ra chống giữ nhưng địch không nổi, thua chạy toán loạn.

Dẹp được dư đảng của họ Trịnh, vua phong cho Hữu Chỉnh chức Đại tư đồ Bằng trung công. Hữu Chỉnh cậy công ngày càng khinh người làm nhiều điều trái phép và có ý muốn xây dựng lực lượng riêng. “Quyền của Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước” (Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái).

Mưu đồ của Chỉnh thể hiện trong một bài thơ của Chỉnh có câu: “Đường trời mở rộng thênh thênh,

Ta đây cũng một triều đình kém ai”.

Nguyễn Hữu Chỉnh vốn chỉ là thục hạ giảo hoạt của anh em nhà Tây Sơn. Lấy lại giang sơn cho nhà Lê công đầu thuộc về Nguyễn Huệ, việc Nguyễn Hữu Chỉnh mưu lập cơ đồ riêng thật khó mà chấp nhận, Nguyễn Huệ bèn sai Vũ Văn Nhậm ra bắt Chỉnh.

Tháng 11 năm 1778, Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc để bắt Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh bị Vũ Văn Nhậm làm tội và giết sau đó. Viết về sự kiện này, sách Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái chép như sau:

“Quân địch bắt trói Chỉnh lại bỏ cũi đưa về. Chỉnh xin gặp Vũ Văn Nhậm để nói một lời nhưng Nhậm không cho và sai người kể tội Chỉnh: Mày vốn là tôi chúa Trịnh, phản chủ mà về với chúng tao để mưu đồ diệt họ Trịnh; rồi lại phản chúng tao về Bắc, lừa dối vua Lê, chiếm lấy ngôi cả, tự tiện làm oai làm phúc, ngấm ngầm lo mưu lấn cướp để tranh dành với chủ tao. Xét cuộc đời của mày, toàn học thói cũ của quân giặc loạn, phải phanh gan ruột mày ra, bỏ hết những cái dơ, để người Bắc lấy mày mà răn! Rồi Nhậm bảo phanh thây Chỉnh, thả cho chó ăn thịt”.

Vua Lê Chiêu Thống thấy Chỉnh thân bại danh liệt như vậy thì bỏ kinh đô chạy sang vùng Kinh Bắc. Vũ Văn Nhậm cho người đi tìm mà không được bèn đưa Lê Duy Cẩn lên thay.

5.2. TÂY SƠN DIỆT VŨ VĂN NHẬM

Khi sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Chỉnh, thì Nguyễn Huệ đã có lòng nghi ngờ Nhậm, bèn sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đi cùng để canh chừng thái độ của Nhậm. Bắc Bình Vương từng nói với Ngô Văn Sở rằng: “Nhậm là con rể của vua anh.Nay ta với vua anh có sự xích mích, lòng y chắc cũng không yên. Chuyến này y cầm trọng binh vào nước người, sự biến không thể liệu trước được. Ngươi nên xem xét từng ly từng tí, hễ có gì thì phải gấp rút báo cho ta biết. Ví như lửa cháy, dập tắt từ khi mới bén thì dễ dàng hơn” (Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái).

Vũ Văn Nhậm sau khi diệt được Nguyễn Hữu Chỉnh thì tỏ ra cậy tài kiêu ngạo, dương dương tự đắc và có ý làm phản. Ngô Văn Sở đã gửi thư mật báo với

Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ lập tức kéo quân ra Thăng Long bắt và giết Vũ Văn Nhậm. Nói về sự kiện này, sách Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái ghi như sau:

“Thằng Võ Văn Nhậm đáng chết thật! Ta vẫn biết hắn thế nào rồi cũng làm phản, quả nhiên không sai. Tức thì Bắc Bình Vương hạ lệnh tiến quân ra Bắc. Chừng hơn mười ngày thì đến Thăng Long, bấy giờ đồng hồ vừa nhỏ giọt xuống đến trống canh tư, Nhậm đang ngủ say trong phủ. Ngô Văn Sở được tin, liền dặn người do Bắc Bình Vương sai đến phải dấu kín việc ấy, không được báo cho Nhậm biết. Rồi sai người ngấm ngầm ra ngoài thành đón Bắc Bình Vương. Người nhà và những người xung quanh Nhậm không ai biết gì cả. Chốc lát, Bắc Bình Vương vào thành đến thẳng chỗ Nhậm nằm, Nhậm cũng vẫn chưa biết. Bắc Bình Vương liền sai võ sĩ Hoàng Văn Lợi đâm chết Nhậm rồi khênh xác ra sau phủ đường”

Sau khi diệt Nhậm, Nguyễn Huệ truyền lệnh phong cho Ngô Văn Sở làm chức Đại tư mã, thống lĩnh quân đội thay cho Vũ Văn Nhậm và chọn ngày về lại Phú Xuân.

5.3. ANH EM NHÀ TÂY SƠN ĐÁNH DIỆT LẪN NHAU

Nói về mâu thuẫn giữa anh em nhà Tây Sơn, đến nay có nhiều thông tin khác nhau. Có tài liệu thì viết là do Nguyễn Nhạc giết công thần của Nguyễn Huệ; có tài liệu thì viết là do Nguyễn Nhạc tư thông với vợ của Nguyễn Huệ… Theo chúng tôi, ngoài các mối quan rất phức tạp có thể trở thành lý do đó thì chúng ta thấy, Nguyễn Huệ là vua em (Bắc Bình Vương) nhưng công lao và tài cán thì dường như lấn át rất nhiều so với vua anh (Trung ương Hoàng Đế - Nguyễn Nhạc). Đây cũng là lý do khiến Nguyễn Nhạc bất hòa với Nguyễn Huệ.

Lại nữa, Vũ Văn Nhậm là Phò mã của vua anh, tức là con rể của Nguyễn Nhạc mà lại bị Nguyễn Huệ cho người giết đi thì làm sao mà tránh được sự bất hòa.

Trong tình hình đó, Nguyễn Nhạc đã cho quân ra đánh Thuận Hóa. Buộc Nguyễn Huệ phải phản công và đem binh vào vây đánh thành Quy Nhơn. Tình thế bị vây thành của Nguyễn Nhạc ngặt đến nỗi, đích thân ông phải lên thành mà kêu khóc van xin em mình rằng: “Nỡ lòng nào lại nồi da nấu thịt như thế”. Đến lúc đó, Nguyễn Huệ mới động lòng mà lệnh rút quân về Phú Xuân.

Từ những năm 1790 – 1792, Nguyễn Ánh đã nhiều lần đem quân ra tấn công thành Quy Nhơn. Quân của Nguyễn Nhạc ngày càng cùng quẫn chống đỡ không nổi bèn sai người ra Phú Xuân cầu cứu Quang Toản. Quang Toản họp các tướng lĩnh mà nói rằng: “Ta nghe nói môi hở răng lạnh, môi còn răng ấm, nay vua bác có nạn mà sức chống giữ kém cỏi, không thể không cứu” (Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái). Sau đó, Quang Toản sai Thái úy Phạm Công Hưng cầm đầu cùng Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung, Ngô Văn Sở đem đại quân vào cứu Quy Nhơn. Quân của Phạm Công Hưng sau khi giải được vây cho vua bác thì kéo quân vào thành Quy Nhơn, chiếm giữ lấy thành trì và tịch biên tất cả các kho tàng. “Nguyễn Nhạc thấy vậy, tức giận đến nỗi thổ huyết ra mà chết” (Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim).

Dù Quang Toản không là người trực tiếp gây ra cái chết cho bác ruột của mình, nhưng hành động của các thục hạ dưới quyền như vậy khiến Quang Toản cũng không thể là người không liên đới. Câu chuyện đó không thể không góp phần làm cho thanh thế nhà Tây Sơn suy yếu.

Năm 1794, khi uy quyền của Trần Quang Diệu ngày càng lớn, lại bị bọn cận thần dèm pha nên Quang Toản đã rút hết binh quyền Trần Quang Diệu. Trong tình hình đó, Trần Quang Diệu đã gửi mật thư cho Lê Văn Trung đang trấn giữ ở Quy Nhơn: “Lập Quang Thiệu làm vua mà bỏ Quang Toản” (Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái). Kế hoạch bại lộ, Quang Thiệu lui quân

về Quy Nhơn đóng chặt cửa thành cố thủ. Lê Văn Trung bị Quang Toản sai người trói và giết đi, rồi hạ lệnh tấn công thành Quy Nhơn. Quang Thiệu bị bắt đưa về dùng thuốc độc giết chết.

Quang Thiệu là con cả của Nguyễn Nhạc bị giết bởi Quang Toản là con của Quang Trung, con chú giết con bác, anh em cùng huyết thống giết nhau, còn gì đau lòng hơn? Cho nên, một nguyên nhân rất lớn dẫn đến sự sụp đổ chóng vánh của nhà Tây Sơn chính là sự mất đoàn kết trong nội bộ gia đình, gia tộc nhà Tây Sơn. Gia đình bất hòa, anh em trở thành thù hận giết chóc, thì ngay cả việc giữ cho nội bộ nhà mình không “đổ sập” cũng đã là rất khó, huống hồ là giữ được cả giang sơn thiên hạ. Đến mức như thế rồi thì còn đạo lý nào cho trăm dựa theo, sụp đổ là tất yếu.

Một phần của tài liệu HAI TRĂM BẢY LĂM NĂM LY LOẠN QUAY CUỒNG (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w