Kết quả thực hiện.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao trong cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965-1975. (Trang 26 - 30)

Việc đế quốc Mỹ đưa quân trực tiếp tham gia vào chiến trường miền Nam đã gây cho ta một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm không hề lay chuyển được, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta đã liên tục đánh bại những âm mưu và hành động của Mỹ ngụy, gây ra cho chúng những khó khăn trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán.

Ngày 27/5/1965, ngay khi quân đội Mỹ đặt chân đến Núi Thành (Quảng Nam), một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ đã bị ta diệt gọn. Sau đó, tại Vạn Tường (Quảng Ngãi) ngày 18/8/1965, cuộc ra quân đầu tiên của 8.000 quân Mỹ gồm 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, một số lớn xe tăng thiết giáp có không quân và hải quân hỗ trợ đã bị một lực lượng của ta ít hơn 10 lần phản công quyết liệt. Kết quả là 900 tên Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu, 4 đại đội của chúng, 22 xe tăng và xe bọc thép, 13 máy bay bị diệt. Chiến thắng này đã chứng tỏ khả năng thắng Mỹ về quân sự trong chiến tranh cục bộ, mở ra cao trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên khắp miền Nam.

Tiếp đó, ngày 19/10/1965, tại Plâyme bộ đội ta đã mở một chiến dịch phản công giáng cho sư đoàn 1 kỵ binh bay Mỹ một trận đẫm máu, 3.000 tên địch trong đó có 1.700 tên lính Mỹ bị tiêu diệt, 4 tiểu đoàn địch bị diệt gọn, nhiều đơn vị khác bị thiệt hại nặng. Chỉ một thời gian sau đó, chúng ta đã đánh bại hai cuộc tiến công mùa khô của địch: Mùa khô năm 1965-1966 và mùa khô năm 1966 – 1967, loại khỏi vòng chiến đấu 290.000 tên địch, trong đó có 128.000 tên Mỹ và chư hầu làm thất bại chiến lược “Tìm diệt” và “Bình định” của Mỹ.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh trên chiến trường, Đảng ta cũng chú trọng đến việc tích cực đấu tranh trên mặt trận ngoại giao và đã giành được một số thắng lợi nhất định chúng ta tiếp tục tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước XHCN anh em. Chúng ta cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế, mọi lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đặc biệt

là nhân dân tiến bộ Mỹ, đã tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới đông đảo chống Mỹ buộc Mỹ phải đối phó.

Đáp lại luận điệu hòa bình “bịp bợm” của Mỹ, chúng ta đã đưa ra lập trường của mình là “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hoạt động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được” [2, 216- 217]. Tuy nhiên Mỹ vẫn muốn đàm phán trên thế mạnh, muốn dùng việc ném bom bắn phá miền Bắc nhằm gây sức ép cho ta buộc ta phải tiến hành đàm phán theo một cục diện có lợi cho Mỹ. Rõ ràng những chuyển biến trên chiến trường đang có lợi cho ta nhưng vẫn chưa đủ để buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và đi vào đàm phán.

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị đã họp và chủ trương mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết mậu thân 1968. Thực hiện chủ trương đó, ngày 30 và 31 tháng 1 năm 1968, quân và dân ta ở miền Nam đã đồng loạt tấn công và nổi dậy ở 64 thành phố, thị xã và nhiều vùng nông thôn sát thành thị. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của ta năm 1968 là một “đòn sét đánh” đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, làm choáng váng cả nước Mỹ đế quốc và dư luận thế giới. Theo dư luận chính giới Mỹ lúc này, nó làm nổi bật lên trước mắt chính quyền Giôn xơn, nguy cơ lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân đội Mỹ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh. Sau 1 tháng, tướng Oétmôlen, tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ MácNamara từ chức. Sau 2 tháng Giôn xơn phải tuyên bố ba điểm: 1. đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; 2. Nhận đàm phán với ta tại hội nghị Paris; 3. Không tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai nữa. Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ [1, 71- 72].

Ở miền Bắc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ vững chắc miền Bắc. Trải qua 4 năm từ 8/1964 đến 1/11/1968 quân dân miền Bắc đã bắn rơi 3234 máy bay các loại trong đó có 6 pháo đài bay B52.

Ngày 31/11/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất tổ quốc: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi” [30, 732]. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, toàn Đảng, toàn dân ta trên tất cả các mặt trận lại tiếp tục đấu tranh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

* * *

Có thể nói, giai đoạn 1965- 1968 là giai đoạn Đảng ta hình thành đường lối kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, từng bước hình thành cục diện vừa đánh, vừa đàm tạo ra một thế trận chống Mỹ toàn diện trên tất cả các mặt trận. Với những thắng lợi to lớn ở cả hai miền Nam, Bắc, trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, cuộc chiến đấu của nhân dân ta từ đây bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ mà cục diện đánh- đàm, đàm- đánh được phối hợp nhuần nhuyễn với nhau làm nên những thắng lợi to lớn của ta sau này. Đặc biệt, cục diện đánh- đàm đã tạo cho ta diễn đàn Paris, một diễn đàn mới có lợi cho ta trong cuộc đấu tranh với Mỹ trên dư luận quốc tế. Nó là một bàn đạp rất tốt cho ta đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân Mỹ và nhân dân các nước phương tây về chính sách thâm độc của Mỹ và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Chương 2

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao trong cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965-1975. (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)