Đảng lãnh đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao trong cách mạng Việt Nam giai đoạn 2/1973 1975.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao trong cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965-1975. (Trang 43 - 56)

trong cách mạng Việt Nam giai đoạn 2/1973- 1975.

2.2.1. Hoàn cảnh lịch sử.

* Hoàn cảnh thế giới.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ đã lún sâu vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, bức tường ngăn cách giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước đồng minh của Mỹ, do Mỹ dựng lên bị sụp đổ từng mảng. Bên cạnh

một số nước “xé rào” vượt qua sự chống đối của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước ngày 27/1/1973 như Thụy Điển, Đan Mạch, NaUy, Phần Lan… thì ngay trong năm 1973, các nước khác như: Ý, Hà Lan, Bỉ, Anh, Lúc-xăm-bua…cũng lần lượt đặt quan hệ ngoại giao với ta. Uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Hội nghị cấp cao của gần 80 nước không liên kết tháng 9/1973 đã công nhận Cộng hòa miền Nam Việt Nam là thành viên chính thức của phong trào các nước không liên kết, công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời là người đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn, dư luận quốc tế hướng về theo dõi những diễn biến trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đối với tình hình nước Mỹ lúc này, sự thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương đã tác động sâu sắc đến tình hình nội bộ nước Mỹ về mọi mặt, nước Mỹ chìm ngập trong cuộc “khủng hoảng niềm tin”, kinh tế suy thoái, nạn lạm phát và thất nghiệp gia tăng, xã hội Mỹ rối loạn, nội bộ chính quyền các Đảng phái bị chia rẽ sâu sắc. Vụ bê bối Oa- tơ- ghết càng đẩy nước Mỹ vào tình cảnh bi đát, Nich xơn phải nhục nhã rút lui khỏi nhà trắng. Sự thất bại của mỹ ở Việt Nam đồng thời cũng là một đòn đả kích rất mạnh vào vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ, làm suy yếu một bước rất nghiêm trọng vị trí của chúng trên thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi đó thì tình hình quốc tế giai đoạn này cũng có một số bất lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, do những ý đồ riêng của mình mà Liên Xô và Trung Quốc không ủng hộ và giúp đỡ cho cuộc cách mạng của ta nhiều như trước đây đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên những khó khăn đó không hề làm giảm ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.

* Hoàn cảnh trong nước.

Tuy bị thất bại nặng nề trên chiến trường và buộc phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris nhưng đế quốc Mỹ vẫn không cam chịu thất bại, vẫn ngoan cố bám giữ lấy khu vực Đông Dương và Đông Nam Châu Á, bám lấy “Học thuyết Ních xơn” và chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục dùng ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ của Mỹ, âm mưu đặt toàn bộ miền Nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ, chia cắt lâu dài nước ta. Nhằm đạt mục tiêu đó, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tìm mọi cách tiêu diệt một bộ phận lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng, đẩy lực lượng còn lại ra sát biên giới; xóa bỏ tình trạng hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị hiện có ở miền Nam (xóa thế da báo). Chúng cũng ra sức củng cố ngụy quyền và tăng cường vũ trang cho quân ngụy theo công thức: quân ngụy cộng viện trợ và cái gậy chỉ huy của Mỹ, chúng hy vọng thực hiện được chiến lược đó dưới sự “ngăn đe”của các lực lượng Mỹ, với việc lợi dụng xu thế hòa hoãn trên thế giới và phối hợp chặt chẽ với chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn Trung Quốc. Thực hiện âm mưu đó, Mỹ tăng cường ồ ạt tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy, ráo riết bắt lính, đôn quân, tăng lực lượng vũ trang ở cơ sở, xây dựng quân đội ngụy thành quân đội mạnh nhất Đông Nam Á để trực tiếp khống chế nhân dân, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”…duy trì lực lượng ngăn đe của Mỹ ở các vùng phụ cận quanh Việt Nam.

Tuy nhiên, sự viện trợ của Mỹ không thể như trước được, Quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày càng gặp khó khăn, tuy phương tiện chiến tranh vẫn còn nhiều trong kho, nhưng họ bị hạn chế về kinh phí tài chính vì viện trợ của Hoa Kỳ đã bị cắt giảm nhiều, khó khăn trong việc trả lương binh lính và nhất là khó khăn trong việc tăng cường và bổ sung quân số. Tuy hơn hẳn đối phương về không quân, nhưng quân chủng này đòi hỏi rất nhiều tài chính khi

hoạt động, viện trợ của Hoa Kỳ lúc đó không đủ nên không quân chỉ phát huy non nửa uy lực. Các khu dự trữ xăng dầu của Việt Nam Cộng hòa luôn là nơi bị đặc công Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đánh phá nên nhiều lúc vấn đề nhiên liệu cũng gay gắt. Nhưng điều khó khăn lớn nhất cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa là tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp. Sau Hiệp định Paris, các sĩ quan và binh lính đã thấy tương lai mờ mịt cho họ, tâm trạng bi quan chán nản và tinh thần chiến đấu sa sút nghiêm trọng dẫn đến tình trạng đào ngũ, trốn lính rất nhiều, bổ sung không kịp.

Về phía ta, Hiệp định Paris với những điều khoản chặt chẽ, rõ ràng đã buộc Mỹ và các nước chư hầu rút quân về nước (29/3/1973). Nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút” đã được hoàn thành tạo điều kiện cho ta tiến lên “đánh cho Ngụy nhào”. So với trước đây thì giai đoạn này, cả thế và lực của cách mạng miền Nam đã phát triển vượt bậc và lớn mạnh hẳn lên. Trong giai đoạn này, mặc dù sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc cho Quân Giải phóng giảm rõ rệt, tổng số tấn vũ khí và thiết bị quân sự được viện trợ giảm từ khoảng 171.166 tấn/năm trong thời kì 1969- 1972 xuống còn khoảng 16.415 tấn/năm trong thời kì 1973-1975 nhưng cán cân lực lượng vẫn dần có lợi cho Quân Giải phóng. Chúng ta được bổ sung quân số đầy đủ, quân từ miền Bắc hành quân vào Nam bằng cơ giới trên đường mòn Hồ Chí Minh cả ngày lẫn đêm, đèn pha sáng trưng mà không sợ bị không lực Hoa Kỳ oanh tạc. Có thể khẳng định, chỗ mạnh nhất của ta lúc này là cách mạng miền Nam đã có một lực lượng vũ trang hùng hậu hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Về số lượng, ba thứ quân của ta không nhiều hơn địch nhưng so với lực lượng của địch thì lực lượng vũ trang của ta đã chiếm môt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Trong các năm này, đường mòn Hồ Chí Minh cũng đã được mở rộng hơn để đảm bảo cho việc cung cấp quy mô lớn cho chiến trường. Các trang thiết bị đạn dược và lương thực cũng đã đủ số lượng trong các kho, từ kho của đơn vị chiến đấu đến kho hậu cứ và kho tại hậu phương miền Bắc. Xăng dầu đã được bơm

thẳng theo tuyến đường ống cung cấp từ miền Bắc vào tận Bù Gia Mập tại miền Đông Nam Bộ và rất gần đến các kho đứng chân chiến đấu. Ta có chính quyền cách mạng, Chính phủ cách mạng lâm thời có uy tín cao trong nước và trên thế giới. Ta có vùng căn cứ rộng lớn nối thông với miền Bắc và dựa lưng vào hậu phương của hai nước Lào và Cămpuchia làm cho thế chiến lược của cách mạng miền Nam càng thêm vững mạnh. Ngoài ra, sau Hiệp định Paris, cách mạng Việt Nam, Lào và Cămpuchia đều phát triển thuận lợi.

2.2.2. Đường lối đấu tranh của Đảng.

Ngay khi Hiệp định Paris được ký kết Đảng ta đã nhận định tình trạng nửa chiến tranh nửa hòa bình ở nước ta lúc này còn kéo dài và có thể phát triển theo hai khả năng: hoặc là hòa bình được thi hành từng bước, xung đột quân sự giảm dần, hòa bình được lập lại về cơ bản; đấu tranh chính trị ngày càng phát triển, cách mạng ở thế tiến công mạnh mẽ; hoặc là địch gây chiến tranh trở lại, ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi. Đảng ta cũng khẳng định, đã rút về nước, quân Mỹ khó có thể quay trở lại và nếu có thì cũng chỉ có thể dùng không quân và hải quân để cứu nguy. Ta ra sức tranh thủ khả năng một và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khả năng hai.

Từ tháng 5 năm 1973, Bộ Chính trị đã kịp thời nhận định tình hình mới sau mấy tháng thi hành Hiệp định Paris, thấy xu hướng chống phá Hiệp định Paris của địch ngày càng tăng và phân tích những sơ hở, khuyết điểm của ta trong việc lúng túng đối phó với địch. Thực tế ngày càng rõ tình hình phát triển theo khả năng hai vì Mỹ không ngừng tiếp tay cho ngụy lấn chiếm và bình định, điên cuồng đánh phá cách mạng hòng xóa bỏ vùng giải phóng, đẩy lùi lực lượng cách mạng. Và do ta có sơ hở trong việc đối phó với hành động phá hoại Hiệp định Paris của địch, nên chúng đã lấn chiếm và bình định được nhiều vùng, gây cho ta những tổn thất nhất định. Cụ thể là trong năm 1973, trên toàn miền Nam, địch đã đóng thêm 500 đồn bốt, chiếm trên 70 xã, 740 ấp, kiểm soát thêm 65 vạn dân[1, 316].

Trước những hoạt động phá hoại trắng trợn Hiệp định Paris của Mỹ - Thiệu, tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã họp và khẳng định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt, tùy theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp ba mặt trận đấu tranh đó buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris về Việt Nam đồng thời chuẩn bị khả năng liên tiếp phản công để giành thắng lợi hoàn toàn” [2, 259- 260]. Hội nghị cũng nêu rõ con đường cách mạng của nhân dân miền Nam là con đường bạo lực cách mạng và nhấn mạnh: bất kể trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Nhiệm vụ giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu vừa bức thiết, vừa cơ bản trong giai đoạn mới. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng là: tích cực phản công, chuẩn bị tiến lên hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương về mặt quân sự, Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 3 năm 1974 đã đề ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch, vận dụng linh hoạt trên cả ba vùng chiến lược.

Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 là một trong những văn kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ và là văn kiện quan trọng trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng giành thắng lợi trong giai đoạn kết thúc chiến tranh. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương cùng với Nghị quyết của Quân ủy Trung ương đã góp phần quyết định nhanh chóng việc xoay chuyển tình thế ở miền Nam, làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường miền Nam có lợi cho ta.

Đến năm 1974, tình hình đã có những chuyển biến căn bản, những điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam đang chín muồi, Tháng 7, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu khởi thảo

kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Từ ngày 30/9 đến 8/10 năm 1974, Hội nghị Bộ Chính trị đã họp đợt 1, sau khi thảo luận các vấn đề của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà” [26, 201].

Ngay sau đó, Hội nghị Bộ Chính trị họp đợt 2 từ ngày 8/12/1974 đến ngày 7/1/1975 đã nhận định: Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Từ nhận định đó, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với kế hoạch hai năm 1975-1976 mà tinh thần là: năm 1975 tranh thủ bất ngờ tấn công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngoài kế hoạch đó, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án hành động linh hoạt là: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975” [3, 248].

Chiến trường Tây Nguyên được chọn làm hướng tấn công chủ yếu trong đó Buôn Ma Thuật là trận mở đầu then chốt. Công tác chỉ đạo, tổ chức và chỉ huy trận đấu của Quân ủy Trung ương và của Bộ tổng tư lệnh trong suốt quá trình tổng tiến công và nổi dậy được sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị.

Ngày 18/3/1975, sau khi chiến dịch Tây Nguyên gần đi đến thắng lợi hoàn toàn, Bộ Chính trị nhận định ta có khả năng giành thắng lợi lớn với nhịp

độ nhanh hơn dự kiến; trên thực tế từ thắng lợi này, cuộc tổng tiến công chiến lược đã bắt đầu. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp và nhận định: về cả thế và lực ta đã có sức mạnh áp đảo, quân địch tỏ ra bất lực không thể thoát khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi, ta cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4 năm 1975. Ngoài ra, ngày 4/4 Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Khu V và hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm giữ.

Bên cạnh chủ trương tấn công dồn dập trên chiến trường, Đảng ta cũng chú trọng đến vấn đề đấu tranh ngoại giao, Bộ Chính trị khẳng định: “Sử dụng khôn khéo vũ khí đấu tranh ngoại giao, góp phần giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc nhằm cô lập bọn tay sai ngoan cố; làm sáng tỏ chính nghĩa của ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ thế giới; ngăn chặn âm mưu và thủ đoạn can thiệp của đế quốc Mỹ và bọn phản động quốc tế” [27, 11- 12].

2.2.3. Kết quả thực hiện.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các nước trên thế giới từ Đông sang Tây đã nhanh chóng công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chúng ta cũng tranh thủ được sự viện trợ của không chỉ các nước XHCN anh em mà cả những nước Châu Âu như Thụy Điển… góp phần to lớn cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đảm bảo sự chi viện to lớn cho

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao trong cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965-1975. (Trang 43 - 56)