Bài học kinh nghiệm đầu tiên là Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, đến một thời điểm thích hợp thì mở mặt trận đấu tranh ngoại giao. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, đánh với đàm.
Mặc dù nhận thức rõ mặt trận ngoại giao là một mặt trận quan trọng, tuy nhiên ngoại giao muốn thành công thì cần dựa trên một thực lực mạnh. Nhận thức rõ điều đó, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đập tan
các âm mưu và hành động gây hấn của địch. Khi thế và lực của ta đã mạnh đặc biệt là sau khi ta đánh bại hai chiến lược chiến tranh của địch là “Chiến tranh đơn phương” và “Chiến tranh đặc biệt” buộc Mỹ phải tiến hành “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào tham chiến ở miền Nam. Tuy vậy, lần lượt các cuộc hành quân mùa khô 1965- 1966 và 1966- 1967 của Mỹ ngụy đều bị ta bẻ gãy, hành động leo thang chiến tranh của Mỹ ở miền Bắc cũng bị quân dân miền Bắc đánh trả quyết liệt. Lúc này lực lượng của ta đã lớn mạnh về mọi mặt, cách mạng miền Nam đang ở thế tiến công, Đảng ta quyết định mở mặt trận ngoại giao trong đó khẳng định rõ đấu tranh chính trị và quân sự trên chiến trường là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Tuy nhiên Đảng ta cũng khẳng định đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò chủ động, tích cực. Việc kết hợp ba mặt trận đấu tranh chính trị- quân sự- ngoại giao đã tạo điều kiện để phát huy tối đa sức mạnh của ta, đánh được vào chỗ yếu nhất trong chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ đó là về chính trị.
Đối với đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ luôn ỷ vào sức mạnh quân sự và tinh ranh trong đấu tranh ngoại giao, vừa leo thang chiến tranh, vừa lừa bịp hòa bình, việc kéo Mỹ vào bàn đàm phán với ta không phải là điều dễ dàng. Mỹ đã khước từ nhiều lần thiện chí của ta muốn nói chuyện với Mỹ để tìm giải pháp cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong khi mở rộng chiến tranh ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, Mỹ lại đưa ra “đề nghị ngừng bắn và thương lượng không điều kiện” thực chất là muốn “đàm phán trên thế mạnh”, ta đã kiên quyết vạch trần giọng điệu giả dối của chúng. Do vậy, việc chọn đúng thời điểm để mở mặt trận tiến công ngoại giao, kéo Mỹ vào đàm phán với ta là cả một nghệ thuật. Quyết định mở mặt trận ngoại giao từ năm 1967 nhưng phải đến ngày 3/4/1968, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân của ta giành được thắng lợi, khi Mỹ buộc phải tuyên bố phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, Ních xơn không ra
ứng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II và cử đại diện thương lượng với ta thì lúc đó ta mới chấp nhận đàm phán. Cuộc đàm phán Paris mở ra cục diện vừa đánh, vừa đàm phản ánh một giai đoạn chiến đấu cực kỳ quyết liệt giữa ta và Mỹ. Đây cũng là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả ba mặt trận quân sự- chính trị- ngoại giao, kết hợp chặt chẽ giữa cuộc chiến đấu trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.
Bài học thứ hai là trong quá trình lãnh đạo đấu tranh ngoại giao, Đảng đã phân tích đánh giá đúng đắn hoàn cảnh lịch sử thế giới và trong nước, so sánh lực lượng giữa ta với với địch, bám sát những diễn biến trên chiến trường để đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ, thắng Mỹ.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta diễn ra trong lúc hoàn cảnh thế giới có nhiều thuận lợi, hệ thống XHCN, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản có những bước phát triển vượt bậc làm thay đổi lực lượng so sánh có lợi cho sự nghiệp cách mạng và hòa bình. Phong trào đấu tranh chống chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình thế giới thu hút nhân dân các nước tham gia ngày càng đông đảo. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức xuất phát từ sự bất hòa ngày càng sâu sắc của phong trào cộng sản quốc tế, giữa các Đảng và các nước XHCN anh em nhất là Liên Xô và Trung Quốc mà đế quốc Mỹ đã ra sức lợi dụng những mâu thuẫn này nhằm cô lập và đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Đảng ta đã đánh giá đúng đắn hoàn cảnh thế giới, xem xét hoàn cảnh trong nước và so sánh lực lượng giữa ta và địch qua từng thời kỳ từ đó đề ra những chính sách phù hợp. Đặc biệt, Đảng ta ra sức tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh của thời đại lợi dụng, phát huy những yếu tố thuận lợi và hạn chế những khó khăn, phức tạp, biến yếu tố quốc tế, yếu tố thời đại thành sức mạnh hiện thực để tăng cường thực lực của ta. Đảng ta coi
sức mạnh thời đại là một bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ, cứu nước và đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược góp phần tạo nên sự vượt trội về thế và lực của nhân dân ta để đánh thắng kẻ thù. Dưới tác động của hoạt động đối ngoại và của chính cuộc kháng chiến của nhân dân ta, một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã hình thành và phát triển. Đó là Liên Xô, Trung Quốc, hệ thống các nước XHCN, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân, phong trào cách mạng, lực lượng hoà bình, dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả đông đảo nhân dân Mỹ yêu chuộng hoà bình và công lý. Cùng với mặt trận đại đoàn kết toàn dân trong nước ta và liên minh chiến đấu với ba nước Đông Dương, mặt trận quốc tế đó đã góp phần tạo ra một tập hợp lực lượng chưa từng thấy bao vây, cô lập và tiến công Mỹ từ mọi phía.
Bài học thứ ba là Đảng ta đã tìm ra hình thức thích hợp để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của dân tộc và thời đại để đẩy mạnh đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh ngoại giao đó chính là cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Từ khi Hội nghị Paris được mở ra, Đảng ta đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đẩy mạnh đấu tranh trên chiến trường miền Nam cũng như đấu tranh chống mọi hành động leo thang của Mỹ ở miền Bắc nhằm đập tan âm mưu của Mỹ muốn lợi dụng những hành động trên chiến trường để gây sức ép với ta trên bàn đàm phán với mong muốn đàm phán trên thế mạnh. Bởi vì tuy chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Paris nhưng trên chiến trường Mỹ vẫn tiếp tục kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, không những thế chúng còn mở rộng chiến tranh ra cả ba nước Đông Dương, đưa cường độ chiến tranh lên ở mức cao, ác liệt ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Mỹ vẫn đeo đuổi đến cùng ý đồ đàm phán trên thế mạnh. Thậm chí đến sát ngày buộc Mỹ không thể không ký kết Hiệp định Paris, Mỹ vẫn cố gắng lật lọng và phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến
lược của máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng nhằm gây sức ép với ta, giành thế mạnh trong thương lượng.
Về phía ta, hòa nhịp với thắng lợi của quân và dân ta trên các chiến trường trong những năm 1971- 1972, trên bàn đàm phán ta không ngừng tiến công trên thế chủ động hơn bao giờ hết. Kết hợp chặt chẽ đánh với đàm, ta kiên trì đấu tranh đòi Mỹ phải rút sạch quân viễn chinh về nước, đồng thời vận dụng sách lược linh hoạt, thỏa thuận với Mỹ thành lập chính phủ ba thành phần ở miền Nam. Nhờ đó ta đẩy lùi địch từng bước, bẻ gãy các yêu sách vô lý của Mỹ. Cuối cùng, sau khi bị thất bại ở chiến dịch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, cuối năm 1972, âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mỹ bị phá sản, ý chí xâm lược của Mỹ hoàn toàn sụp đổ, Mỹ không còn con bài nào khác để mặc cả và chối bỏ những yêu cầu hợp lý và mềm dẻo của ta. Do đó, Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris, chấp nhận rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước, chấm dứt dính líu về quân sự ở Việt Nam.
Từ thắng lợi của Hiệp định Paris, ta chớp thời cơ nhanh chóng mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giải phóng hoàn toàn đất nước.