Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 của quân và dân ta cục diện trong nước và thế giới có nhiều thay đổi tạo ra nhiều lợi thế nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Cụ thể như sau:
* Hoàn cảnh thế giới.
Trên thế giới, phe XHCN ngày càng lớn mạnh, các nước XHCN và các nước tiến bộ trên thế giới vẫn tiếp tục giành sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn này mâu thuẫn Xô- Trung vẫn chưa chấm dứt, Mỹ tiến hành hoạt động ngoại giao xảo quyệt, ra sức lợi dụng mâu thuẫn đó để thỏa hiệp với Trung Quốc, hòa hoãn với Liên Xô hòng hạn chế sự giúp đỡ của các nước XHCN đối với cuộc kháng chiến của ta để thực hiện “Chiến tranh bóp nghẹt” như chúng tuyên bố và ép các nước đó đồng tình giải quyết vấn đề Việt Nam theo ý Mỹ.
Lúc này ở trong nước, Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng, đế quốc Mỹ ngày càng suy yếu vì sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ bị dàn quá mỏng trên thế giới do chính sách bành trướng quá mức của chúng. Các đế quốc khác sau một thời gian phục hồi đã phát triển nhanh chóng, thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào Mỹ, nhiều nước đã vươn lên trở thành những địch thủ nguy hiểm của Mỹ trên mặt trận kinh tế, Do đó, những mâu thuẫn giữa đế quốc Mỹ và các đế quốc khác ngày càng phát triển, các khối liên minh quân sự trong đó có khối OTAN (NATO) đã nứt rạn, các cuộc
khủng hoảng tiền tệ trong thế giới tư bản và các cuộc “chiến tranh kinh tế”
ngày càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 của ta đã làm chấn động dư luận Mỹ và làm giảm sút ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Bộ máy chiến tranh của đế quốc Mỹ còn bị tiến công từ nhiều phía ngay trong nội bộ nước Mỹ. Phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam và đòi quân Mỹ rút về nước dấy lên khắp nước Mỹ: phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động, của người da màu, đặc biệt là sự bùng nổ và phát triển sâu rộng của phong trào sinh viên đòi quyền dân chủ và chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã lan rộng khắp các trường Đại học Mỹ và lan sang các trường Trung học, đã thành hạt nhân của phong trào thanh niên Mỹ đấu tranh quyết liệt chống chiến tranh xâm lược Việt Nam với hành động đốt thẻ quân dịch, với khẩu hiệu “thà ngồi tù còn hơn đi lính sang Việt Nam”. Năm 1969, hàng triệu người Mỹ biểu tình ở các thành phố. Hạ nghị viện Mỹ cũng ra quyết nghị đòi rút tất cả quân Mỹ trên bộ ở Việt Nam về nước trong thời gian ngắn nhất. Không những vậy, nhân dân thế giới cũng lên án và phản kháng những cuộc phiêu lưu mới của chính quyền Ních xơn. Các nước đồng minh của Mỹ cũng ra mặt xa lánh Mỹ. Chưa bao giờ địa vị và uy tín của Mỹ trong thế giới tư bản lại giảm đến mức tồi tệ như vậy.
Tình hình đó thúc ép giai cấp thống trị Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu để ổn định dư luận nước Mỹ nhưng vẫn giữ nguyên được chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu dưới chế độ thực dân mới của Mỹ. Lợi dụng tâm lý chống chiến tranh của nhân dân Mỹ, Ních xơn tung ra lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 6 tháng để trúng cử tổng thống nước Mỹ trong thời kỳ bầu của tổng thống cuối năm 1968.
Tháng 1/1969, Nich Xơn trúng cử tổng thống Mỹ, lúc này ở Mỹ phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ngày càng dâng cao, nước Mỹ được ví như “Một người già mang trong mình nhiều chứng bệnh nan y”,
chính tổng thống Ních xơn trong ngày nhận chức Tổng thống Mỹ (20-l-1969) đã phải phát biểu: “Nước Mỹ đang có khủng hoảng về tinh thần, mắc kẹt trong chiến tranh, cấu xé và chia rẽ nội bộ. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra căng thẳng gay gắt với nước Mỹ không riêng về mặt kinh tế, quân sự mà cả xã hội cũng như chính trị. Sự bất đồng cay đắng đã xé rách cơ cấu đời sống tinh thần nước Mỹ và bất kể kết quả chiến tranh như thế nào, vết xé rách vẫn còn lâu mới lành” [Bách khoa toàn thư mở Wikipedia]. Trước tình hình đó Nich Xơn đã đưa ra cái gọi là “Học thuyết Ních Xơn” dựa trên 3 nguyên tắc: sẵn sàng thương lượng; chia sẻ trách nhiệm và tăng cường sức mạnh Mỹ và áp dụng vào Việt Nam mô hình “Việt Nam hóa chiến tranh”.
* Hoàn cảnh trong nước.
Sau thất bại của “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ lại tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng mô hình “Việt Nam hóa chiến tranh” được thực hiện với công thức: Chính quyền ngụy, hỏa lực Mỹ, cố vấn Mỹ và quân đội ngụy. Thực chất, đây là chính sách “dùng người Việt trị người Việt”, “Dùng người
Đông Dương giết người Đông Dương” mà theo đại sứ Mỹ Bân Đi thì đó là
hành động “thay màu da trên xác chết”, một mô hình chiến tranh bằng tiền và vũ khí của Mỹ, do Mỹ chỉ huy nhưng lại tránh được thiệt hại về sinh mạng cho thanh niên Mỹ, xoa dịu làn sóng chống chiến tranh trong lòng nước Mỹ đang dâng cao. Chính quyền Ních xơn vừa từng bước rút quân Mỹ, vừa ra sức tăng cường và củng cố ngụy quân, ngụy quyền; vừa xuống thang chiến tranh vừa phản công và tiến công rất quyết liệt để chống lại ta. Chúng tập trung hầu hết lực lượng của Mỹ- ngụy để bình định nông thôn, sử dụng phương tiện chiến tranh hiện đại kể cả vũ khí hóa học, chiến tranh điện tử và không quân chiến lược để tiến hành chiến tranh hủy diệt, chiến tranh giành dân và đánh các căn cứ địa và hậu phương của ta. Đồng thời, Mỹ cũng quyết định đưa chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, tăng cường chiến tranh ở Lào với mô hình “Lào hóa chiến tranh” và mở rộng chiến tranh sang Cămpuchia với mô
hình “Khơ me hóa chiến tranh”. Ngoài ra Mỹ cũng đã tiến hành một loạt các biện pháp như: Ra sức củng cố ngụy quyền, xây dựng ngụy quân đông và hiện đại; ráo riết thực hiện chương trình bình định; tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm cắt nguồn chi viện cho miền Nam; tìm mọi cách thỏa hiệp với Trung Quốc, hòa hoãn với Liên Xô hòng cắt giảm viện trợ chủ yếu của Việt Nam.
Về phía ta, mặc dù sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 do không kịp thời chuyển hướng tiến công sang các vùng nông thôn chúng ta đã gặp những khó khăn nhất định nhưng nhìn chung cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã tạo ra một bước ngoặt cơ bản trong cục diện chiến tranh. Ta đã phát triển thế chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng đến một bước mới, hình thành một thế tiến công và bao vây chiến lược ngày càng vững mạnh trên cả ba vùng thành thị nông thôn đồng bằng và rừng núi. Sức mạnh tổng hợp của đấu tranh quân sự, chính trị song song kết hợp với đấu tranh ngoại giao đang được phát triển đến đỉnh cao. Ta đã tạo ra sự chuyển biến mới trong lực lượng so sánh giữa ta và địch, lực lượng quân sự và chính trị của ta mạnh hơn bất cứ thời điểm nào trước đây, động viên được một khí thế cách mạng và một tinh thần quyết chiến, quyết thắng mạnh mẽ, uy thế cách mạng được nâng cao hơn bao giờ hết. Ở miền Bắc, sau 4 năm chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đồng thời ra sức xây dựng CNXH, hết lòng, hết sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Trên cơ sở thắng lợi về quân sự, chính trị của cả hai miền ta đã triển khai mạnh mẽ mặt trận tấn công ngoại giao và liên tiếp thu được những thắng lợi ngày càng to lớn. Đặc biệt, từ ngày 6 đến 8/6/1969 các lực lượng cách mạng miền Nam bao gồm Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng đoàn kết vì dân chủ và tiến bộ đã tiến hành Đại hội và tại đây Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời đã kiện toàn hệ thống
chính trị của cách mạng miền Nam. Ngay khi thành lập nó đã được 23 nước công nhận, 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Có thể khẳng định uy tín và địa vị của ta trên trường quốc tế lớn mạnh chưa từng thấy. Cũng trong giai đoạn này hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào” nhân dân ta ở cả hai miền hăng hái sản xuất và chiến đấu. Giữa lúc toàn thể nhân dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH thì ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng ta, của dân tộc ta, một chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc đã qua đời. Nhân dân ta ở cả hai miền đã hưởng ứng lời kêu gọi của BCH Trung ương Đảng “biến đau thương thành hành động cách mạng” dũng cảm tiến lên tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của người.