Quan hệ với cán bộ Chính phủ và kết quả hoạt động của DNNVV tại tỉnh BR- VT:
Thông thường cán bộ thuộc các cấp chính quyền sẽ có quyền lực đáng kể trong việc phê duyệt các dự án và phân bổ nguồn lực (Walder, 1995). Do đó, chính sự can thiệp của Chính phủ vẫn là mối đe dọa to lớn với rất nhiều doanh nghiệp (Nee, 1992; Peng, 1997). Quan hệ với cán bộ Chính phủ được công nhận hữu ích vì nó đem lại hiệu quả hoạt động cho dự án kinh doanh mạo hiểm (venture’s performance) (Kotabe & cộng sự, 2017; Li & Zhang, 2007).
Nghiên cứu của Du & cộng sự (2016) cho thấy ở Trung Quốc, các dự án kinh doanh mạo hiểm dựa vào mạng lưới quan hệ chính trị để tồn tại và phát triển. Sự tương tác với các cơ quan Chính phủ cho phép doanh nghiệp tiếp cận cơ hội kinh doanh mới và các nguồn lực có giá trị bao gồm đất đai, các kênh phân phối, hành vi đặc quyền (privileged behavior) và lợi thế giấy phép, v.v. (Khwaja & Mian, 2005). Theo lý thuyết thể chế, kết nối với cán bộ Chính phủ làm tăng sự chấp nhận của doanh nghiệp và tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính bên ngoài, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, giả thuyết H1 được phát biểu:
Giả thuyết H1: Mối quan hệ mạnh của DNNVV với cán bộ Chính phủ sẽ tác động cùng chiều đến kết quả hoạt động của DNNVV tại tỉnh BR-VT;
Quan hệ xã hội và kết quả hoạt động của DNNVV tại tỉnh BR-VT:
Quan hệ xã hội đã được chứng minh đem lại sự thành công của SMEs ở nhiều bối cảnh (Larson, 1991; Birley,1985; Hoang & Antoncic, 2003).
Quan hệ xã hội sẽ làm gia tăng mức độ chấp nhận của doanh nghiệp theo nhiều cách (Le & cộng sự, 2006). Thứ nhất, nó giúp mở rộng nhận biết về sự tồn tại và hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp cho các bên liên quan và công chúng. Điều này sẽ giúp gia tăng sự chấp nhận trong nhận thức của doanh nghiệp (cognitive legitimacy). Thứ hai, sự chứng thực (endorsement) hoặc giới thiệu từ một cá nhân thường tạo ra
hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp (Granovetter, 1985; Coleman, 1988), làm tăng sự chấp nhận về chính trị - xã hội.
Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ có nguồn lực hạn chế, kết quả hoạt động phụ thuộc vào khả năng có được từ nguồn lực bên ngoài (Partanen & cộng sự, 2011). Hansen (1995) thừa nhận một số đặc điểm của mạng lưới quan hệ (quy mô mạng lưới quan hệ, số lượng mối quan hệ và tần suất liên hệ) trước khi khởi nghiệp ảnh hưởng mạnh đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Một số nghiên cứu đã xác nhận mạng lưới quan hệ chặt chẽ (close-kit networks) có thể tăng lợi nhuận vững chắc, phát triển doanh nghiệp (Shaw, 2006) và tăng trưởng doanh số (Tuli, 2006). Vì vậy, giả thuyết H2 được phát biểu:
Giả thuyết H2: Mối quan hệ mạnh của DNNVV với xã hội sẽ tác động cùng chiều đến kết quả hoạt động của DNNVV tại tỉnh BR-VT.
Quan hệ với đối tác kinh doanh và kết quả hoạt động của DNNVV tại tỉnh BR- VT:
Doanh nghiệp quan hệ tốt với nhà cung cấp có thể có được nguyên liệu chất lượng, dịch vụ tốt và giao hàng kịp thời. Tương tự, mối quan hệ tốt với người mua có thể thúc đẩy lòng trung thành của người mua, khối lượng bán hàng và thanh toán đáng tin cậy. Hơn nữa, quan hệ tốt với các giám đốc điều hành của các đối thủ cạnh tranh có thể tạo điều kiện cho sự hợp tác bên trong và thông đồng ngầm (implicit collusion), giảm thiểu sự không chắc chắn (Peng & Luo, 2000). Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra trong môi trường không chắc chắn, nhiều khả năng các mối quan hệ không chính thức của nhà quản lý với các doanh nghiệp khác sẽ được sử dụng (Pfeffer & Salancik, 1978). Các mối quan hệ này được xem là cơ hội hoặc như một chất bôi trơn để giảm chi phí giao dịch (Williamson, 2010). Doanh nghiệp quan hệ mạnh với đối tác có uy tín sẽ được tiếp cận các nguồn lực khác (Stuart, 2000), chẳng hạn như nguồn lao động chất lượng cao, nguồn lực tài chính, công nghệ và hỗ trợ của Chính phủ. Các nguồn lực này rất quan trọng cho sự tăng trưởng của DNNVV. Vì vậy, giả thuyết H3 được phát biểu:
Giả thuyết H3: Mối quan hệ mạnh của DNNVV với đối tác kinh doanh sẽ tác động cùng chiều đến kết quả hoạt động của DNNVV tại tỉnh BR-VT.