Hiện nay, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp từ cơ quan Chính phủ đến địa phương rất đa dạng và công tác triển khai các chương trình cũng đang diễn ra khá sôi nổi. Doanh nghiệp cần xác định rõ tổ chức, đối tượng nào để có được thông tin và nguồn lực hỗ trợ phù hợp, cấp chính phủ hay cấp địa phương. Nhìn chung, các chính sách, văn bản ban hành đã chỉ rõ đối tượng hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ và cách thức thực hiện
khá chi tiết và đầy đủ (Ví dụ Luật hỗ trợ DNNVV, Nghị định 38, 39 của Chính phủ, Nghị quyết 35, v.v.). Đặc biệt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ 4.0, nghiên cứu tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để phát triển. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực, tham gia tích cực các chương trình (đào tạo nâng cao năng lực quản lý, hướng dẫn đăng kí sở hữu trí tuệ, v.v.) mà thông qua các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức.
Tuy nhiên, Chính phủ cần bám sát thực tế hơn nữa để đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa có chất lượng và đi vào chiều sâu:
Thứ nhất, một số các doanh nghiệp còn chưa nắm bắt đầy đủ thông tin từ các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp ở nông thôn cũng gặp khó khăn tiếp cận thông tin so với doanh nghiệp ở thành thị. Vì vậy, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cần phải truyền tải thông tin rộng rãi, đa dạng ở các kênh truyền thông (mạng xã hội, website, báo, đài, v.v.) nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.
Thứ hai, không ít các doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn lực hỗ trợ giống theo như tinh thần của các chính sách, văn bản đề ra. Nhiều DNNVV mong muốn có cơ hội lớn được hỗ trợ vốn, hỗ trợ kĩ thuật, v.v. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được lựa chọn còn rất hạn chế. Thêm nữa, các doanh nghiệp khác còn gặp nhiều khó khăn khác, chẳng hạn như việc tiếp cận các mối quan hệ để lấy thông tin và tăng nguồn nhân lực cũng như nguồn vốn hoạt động.
Như đã nói ở trên mặc dù các chương trình hỗ trợ từ trung ương đến tỉnh nhà cho các DNNVV rất đa dạng, nhưng khi triển khai đến địa phương, các cơ quan ban ngành cần triển khai cụ thể, thực tế cho các doanh nghiệp cùng tham gia và hưởng lợi. Để làm được điều này, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cần nắm rõ nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp tại địa phương, hướng dẫn rõ quy trình, thủ tục để tiếp cận nguồn lực đó. Nếu có thể thực hiện và đáp ứng nhu cầu mong muốn của DNNVV thì chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mới có giá trị và ý nghĩa thực tiễn. Làm được điều này
không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động mà còn giúp Chính phủ đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế đất nước.
Tóm lại, doanh nghiệp cần xác định nguồn lực cần được hỗ trợ là gì? Ai hay tổ chức nào sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn lực hỗ trợ đó? Doanh nghiệp làm thế nào để tiếp cận nguồn lực hỗ trợ đó? Doanh nghiệp cần phải trả lời được các câu hỏi trên mới có thể đạt được mục tiêu cũng như chiến lược đề ra.