Chủ thể đánh giá công chức

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) đánh giá công chức cấp xã trên địa bàn huyện đakrông, tỉnh quảng trị (Trang 28 - 30)

Chủ thể đánh giá công chức là những người tham gia vào quá trình đánh giá, đưa ra những nhận xét đối với mỗi công chức được đánh giá trên cơ sở những nội dung, tiêu chí đã được xác lập. Trong thực tiễn, chủ thể đánh giá công chức rất đa dạng. Mỗi chủ thể đánh giá đều có góc nhìn khác nhau nên cần tham khảo ý kiến của nhiều chủ thể để có kết quả đánh giá chính xác nhất. Các chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá bao gồm:

20

Một là, bản thân công chức tự đánh giá. Cá nhân tự đánh giá là khâu đánh giá cần thiết đầu tiên trong các cơ quan nhà nước hiện nay. Đây là việc làm thường xuyên hàng năm mà công chức phải thực hiện. Trên cơ sở mẫu tự đánh giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, cá nhân tự kiểm điểm và đưa ra nhận xét - đánh giá về chính mình. Khi tự đánh giá họ phải ý thức được kết quả thực thi công vụ gắn với thẩm quyền được trao mới có thể đưa ra kết quả chính xác. Công chức là chủ thể không thể thiếu trong tiến trình đánh giá.

Hai là, tập thể cơ quan đánh giá. Sau khi cá nhân công chức tự đánh giá, hình thức tổ chức họp lấy ý kiến góp ý của tập thể nơi công chức công tác là hình thức phổ biến và rất quan trọng hiện nay. Người được lấy ý kiến là những đồng nghiệp có quá trình công tác thường xuyên, gắn bó với công chức. Họ có nhiều cơ hội để quan sát, nhận thấy được mặt mạnh, mặt yếu, tinh thần trách nhiệm, ý thức phối hợp trong công việc, kỹ năng xử lý các tình huống. Tuy nhiên, trên thực tế, việc các đồng nghiệp trong cùng đơn vị đánh giá nhau cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ cá nhân, cục bộ hoặc chi phối từ ý chí chủ quan hoặc bị ảnh hưởng của tư tưởng “dĩ hòa vi quý” không muốn động chạm, ngại mất lòng nên đôi khi ý kiến nhận xét, đánh giá cũng sẽ không đảm bảo được tính công bằng, khách quan.

Ba là, thủ trưởng cơ quan. Theo quy định hiện hành, việc đánh giá công chức là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức, do vậy, đây là chủ thể đánh giá quan trọng nhất. Đánh giá của thủ trưởng được thực hiện chủ yếu thông qua việc nhận xét, quyết định cuối cùng và ghi vào phiếu xếp loại công chức. Hàng năm, sau khi công chức viết bản tự kiểm điểm, tập thể - đồng nghiệp nhận xét, góp ý, phần cuối cùng thuộc về nhận xét, đánh giá, xếp loại của thủ trưởng đơn vị. Vì vậy, trong thực tiễn chúng ta cần phát huy dân chủ, tránh xu hướng độc đoán, chuyên quyền và chú trọng phát huy tinh thần trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã.

21

Bốn là, người dân tham gia đánh giá công chức. Một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả cải cách hành chính là mức độ hài lòng của người dân; lấy việc phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân làm mục tiêu chủ yếu trong hoạt động của cơ quan công quyền. Nền hành chính hướng đến phục vụ công dân và xã hội tốt hơn thì việc người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động công vụ của Nhà nước, trong đó có đánh giá công chức là việc tất yếu. Thời gian qua, một số địa phương đã áp dụng phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân, đối với công chức cấp xã chủ yếu được áp dụng ở các vị trí trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Để việc đánh giá kết quả hoạt động của công chức được chính xác, công bằng, cần xây dựng được một hệ thống các tiêu chí, phương pháp đánh giá đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn, khoa học để người dân dễ dàng tham gia vào quá trình đánh giá. Đồng thời cần hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến về công tác đánh giá cho người dân hiểu và để đảm bảo đúng mục đích của việc người dân tham gia đánh giá công chức cấp xã.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) đánh giá công chức cấp xã trên địa bàn huyện đakrông, tỉnh quảng trị (Trang 28 - 30)