Nội dung đánh giá công chức cấp xã

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) đánh giá công chức cấp xã trên địa bàn huyện đakrông, tỉnh quảng trị (Trang 30 - 32)

Nội dung đánh giá công chức là những mặt, những yếu tố cần biết để dựa vào đó chủ thể đánh giá định hướng được mình cần nhận xét, đánh giá điều gì, đánh giá như thế nào đối với công chức.

Đánh giá công chức đã được Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định là để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là cơ sở để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Nội dung đánh giá công chức được quy định tại Điều 56, Luật Cán bộ, công chức và được cụ thể hóa tại Nghị định số

22

56/2015/NĐ-CP của Chính phủ “về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức”. Trên cơ sở đó, nội dung đánh giá công chức chủyếu là:

- Phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực công tác, bao gồm: kiến thức, trình độ và kỹ năng chuyên môn và quản lý, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm...

- Thái độ làm việc: tính chuyên cần, tuân thủ các quy định của tổ chức, thái độ với cấp trên, cấp dưới, khách hàng, tinh thần và động cơ làm việc …

- Năng suất và hiệu quả công tác: số lượng, chất lượng đạt được so với mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở 03 nội dung chính này, các cơ quan, đơn vị có thể cụ thể hóa thành các tiêu chí, các chỉ số đánh giá khác nhau và quy định tỷ trọng và hệ số tính điểm cho từng tiêu chí.

Căn cứ vào thực tế ở chính quyền cơ sở, nội dung đánh giá công chức cấp xã cần được quan tâm chú trọng theo những nội dung sau:

- Đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức: Đây thường là nội dung đánh giá được đề cập đến đầu tiên khi đánh giá công chức, bao gồm: quan điểm chính trị, lập trường tư tưởng; nhận thức và việc chấp hành về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy chế, quy định đặc thù của ngành, lĩnh vực quản lý của đơn vị nơi công chức công tác. Đạo đức của công chức được thể hiện trong lối sống, cách ứng xử của mỗi công chức trong các mối quan hệ xã hội (đồng nghiệp, nhân dân, bạn bè...). Trong quy định của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước đã xác định những yêu cầu về nghĩa vụ, chuẩn mực đạo đức, ứng xử của công chức.

- Đánh giá năng lực công chức, bao gồm đánh giá về trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn và quản lý, khả năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc.

23

- Đánh giá thực thi công vụ: Đây là hoạt động quản lý nguồn nhân lực quan trọng và luôn tồn tại trong tất cả các tổ chức dù là cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hay doanh nghiệp. . . Đánh giá thực thi công vụ thể hiện trên hai khía cạnh chủ yếu:

+ Thứ nhất, đánh giá năng lực thực thi công việc: Việc đánh giá năng lực công chức không chỉ là việc xem xét mặt kiến thức trên cơ sở những bằng cấp chuyên môn đã có mà phải được đo lường qua hệ thống những tiêu chí cụ thể về kỹ năng, hiểu biết, kinh nghiệm… của công chức trong lĩnh vực, nhiệm vụ được giao. Năng lực của công chức gắn liền và được biểu hiện qua thực tiễn thực thi công vụ. Đây là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công việc.

+ Thứ hai, đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi công vụ của công chức, bao gồm: thành tích thực tế trong công tác theo những tiêu chí cụ thể trên cơ sở kết quả phân tích công việc, làm rõ bản chất của từng công việc; so sánh, đối chiếu kết quả đã đạt được với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, trong đánh giá kết quả thực thi công vụ, tính chất công việc thường mang tính định tính và hiệu quả của nó thường khó xác định chính xác. Với đặc thù cấp xã là cấp chính quyền cơ sở, thường xuyên cung cấp dịch vụ hành chính công và giải quyết công việc cho nhân dân; tính chất công việc thì nhỏ lẻ nhưng thường xuyên nên việc đánh giá này phải tính đến những đặc thù của công chức cấp xã thì mới đảm bảo khách quan, chính xác.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) đánh giá công chức cấp xã trên địa bàn huyện đakrông, tỉnh quảng trị (Trang 30 - 32)