Giới và tuổi

Một phần của tài liệu Luận văn CK2: Đánh giá kết quả xạ trị điều biến liều kết hợp hóa trị đồng thời ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IIIB tại bệnh viện K (Trang 65 - 66)

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có 26 bệnh nhân là nam giới (83,9%), chỉ có 5 bệnh nhân là nữ giới (16,1%). Tỷ số nam:nữ = 5,2:1. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 66,1 ± 6,9, nhỏ nhất là 42 tuổi, lớn nhất là 78 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân có độ tuổi > 65 tuổi tuổi chiếm cao nhất với 61,3%. Bệnh nhân nam và nữ chủ yếu có độ tuổi > 65 (57,7% và 80,0%).

Tuổi là một trong những yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi quan trọng nhất, vì tuổi phản ánh quá trình tích lũy thời gian tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư. Mặt khác, tuổi cũng ảnh hưởng tới quá trình điều trị. Tuổi trẻ hay già là một trong những yếu tố tiên lượng về mặt bệnh ung thư nói chung. Tuổi trẻ thường tiên lượng xấu do đặc điểm các tế bào ung thư phát triển thường mạnh, tiến triển nhanh; còn tuổi già thường liên quan tới thể trạng chung kém, có các bệnh lý phối hợp, khó khăn trong việc triển khai điều trị đa mô thức.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn một số nghiên cứu trong nước và trên thế giới. Nghiên cứu của Lê Thị Yến cho thấy nhóm tuổi gặp nhiều nhất từ 50-69 chiếm tỉ lệ 71,5%, tỷ lệ nam/nữ là 11/3, tuổi cao nhất là 68 và thấp nhất là 35 44. Nghiên cứu của Nguyễn Đức Hạnh tại Bệnh viện Phổi trung ương cho thấy, tuổi trung bình là 58, tuổi lớn nhất là 73, tuổi nhỏ nhất là 41. Nhóm tuổi gặp nhiều nhất là từ 50 – 60 chiếm 50%, tiếp đến nhóm tuổi > 60 chiếm 36,4%, nhóm tuổi trẻ dưới 50 tuổi gặp ít hơn, tuổi trẻ nhất là 41, bệnh nhân cao tuổi nhất là 73. Về giới, nam chiếm đa số với tỷ lệ 86,4%,

nữ chiếm 13,6% 45. Bùi Công Toàn (2013) nghiên cứu tại bệnh viện K cho thấy bệnh nhân có tuổi trung bình khá trẻ (55,2 tuổi) với nhóm dưới 60 tuổi chiếm ưu thế 74% 39. Nghiên cứu tại Bệnh viện 103 cho thấy tuổi trung bình là 62 và tỷ lệ nam/nữ là 79/21 46. Nghiên cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2013) cho thấy tỷ lệ nam/nữ là 71/29 với tuổi trung bình là 56 47.

Các báo cáo nghiên cứu trên thế giới cho thấy tuổi mắc bệnh khá tương đương so với nghiên cứu của chúng tôi. Nghiên cứu của Radzikowska và cộng sự ở Ba Lan cho biết tuổi mắc bệnh trung bình ở nữ là 60 ở nam là 62,2 ở nam giới 48. Tại Mỹ, tuổi mắc bệnh trung bình là 66 ở cả hai giới49. Ở Bắc Phần Lan, tuổi trung bình của bệnh nhân là 67,7 50. Tại Nhật Bản, Kanematsu và cộng sự (2010) cho biết số bệnh nhân lớn tuổi (>75) chiếm tỷ lệ 32% và tuổi trung bình là 70 tuổi 23.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nữ chiếm tỷ lệ thấp trong mẫu nghiên cứu. Điều này có thể giải thích do ung thư phổi ở nữ ít liên quan đến hút thuốc lá do vậy tỷ lệ đột biến gen EGFR dương tính cao hơn do vậy khả năng đáp ứng với thuốc đích cao hơn do vậy bệnh nhân được lựa chọn điều trị đích cũng cao hơn dẫn tới giảm số lượng bệnh nhân nữ sử dụng phương pháp hóa xạ trị.

Một phần của tài liệu Luận văn CK2: Đánh giá kết quả xạ trị điều biến liều kết hợp hóa trị đồng thời ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IIIB tại bệnh viện K (Trang 65 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(102 trang)
w