Khi đánh giá các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, theo tình trạng mô bệnh học, 100% bệnh nhân u biểu mô tế bào lớn, biểu mô vẩy và u khác đáp ứng 1 phần, trong khi tỷ lệ này ở bệnh nhân u biểu mô tuyến là 86,4%. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.
Về khía cạnh tuổi, 100% bệnh nhân < 60 tuổi đáp ứng một phần. Tỷ lệ này ở nhóm 60-69 tuổi là 85,7% và nhóm ≥ 70 là 91,7%. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.
Về khía cạnh đặc điểm toàn trạng, ở nhóm toàn trạng bình thường, có 96,3% đáp ứng một phần và 3,7% không đáp ứng. Ở nhóm toàn trạng có triệu chứng, chỉ có 50% đáp ứng một phần. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Điều này cho thấy việc xác định và chẩn đoán bệnh sớm, trong giai đoạn bệnh nhân còn khỏe mạnh là hết sức quan trọng trong việc đảm bảo khả năng đáp ứng phác đồ điều trị của bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với nghiên cứu của Nguyễn Đức Hạnh, khi tác giả cho thấy tỷ lệ đáp ứng không phụ thuộc vào yếu tố mô bệnh học, thể trạng và tuổi của bệnh nhân 45.
4.2.4. Thời gian sống thêm
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, với trung vị thời gian theo dõi 11,8 tháng, trung vị thời gian sống còn không bệnh tiến triển 8,5 tháng cho tất cả bệnh nhân và trung vị thời gian sống còn toàn bộ là 10,6 tháng. Trong đó, 100% bệnh nhân đạt tỉ lệ sống còn không bệnh tiến triển sau 3 tháng, 93,0% bệnh nhân sống còn không bệnh tiến triển sau 6 tháng, 83,8% bệnh nhân sống còn không bệnh tiến triển sau 9 tháng, và 77,9% bệnh nhân còn sống không bệnh tiến triển sau 12 tháng. Kết thúc giai đoạn theo dõi, 77,9% sống còn không tiến triển sau 38 tháng.
Về thời gian sống còn toàn bộ, trung vị là 10,6 tháng. Trong đó, 100% bệnh nhân sống thêm toàn bộ sau 6 tháng; 88,7% sống thêm toàn bộ sau 9 tháng, và 81,9% sống thêm toàn bộ sau 12 tháng. Kết thúc giai đoạn theo dõi, 81,9% sống thêm toàn bộ sau 38 tháng.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao với các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam.
Nghiên cứu của Nguyễn Đức Hạnh cho thấy, trung bình thời gián sống thêm không bệnh tiến triển là 16,9 tháng và trung vị thời gian sống không bênh tiến triển là 11,5 tháng, với 49,5% sống thêm không bệnh tiến triển 1 năm và 31% sống thêm không bệnh tiến triển 2 năm.Trung bình thời gian sống còn toàn bộ là 20,9 tháng và trung vị thời gian sống còn toàn bộ là 16,4 tháng, trong đó 69,3% sống còn toàn bộ tại thời điểm 1 năm, 35,5% sống còn toàn bộ tại thời điểm 2 năm 45.
Nghiên cứu của Lê Tuấn Anh cho thấy, trung vị thời gian sống còn không bệnh tiến triển là 10,8 tháng (nghiên cứu của chung tôi là 11,5 tháng) trong đó 49% đạt sống còn không bệnh tiến triển 1 năm và 35% bệnh nhân đạt tỷ lệ sống còn không bệnh 2 năm. Đối với thời gian sống còn toàn bộ kết quả trung vị là 17,5 tháng, trong đó 55% bệnh nhân đạt sống còn toàn bộ là 1 năm (và 37,5% đạt tỷ lệ sống còn toàn bộ 2 năm 2 năm (nghiên cứu của chúng tôi là 35,5%) 41.
Vũ Hữu Khiêm (2017) nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy kết quả thời gian sống thêm không bệnh tiến triển trung bình là 24,2 tháng và trung vị thời gian sống không bệnh tiến triển là 17,7 tháng, trong đó tỷ lệ sống thêm không bệnh tiến triển 1 năm và 2 năm lần lượt là 61,9% và 34,7%. Thời gian sống thêm toàn bộ trung bình là 34 tháng và trung vị thời gian sống thêm toàn bộ là 25 tháng, trong đó tỷ lệ sống thêm toàn bộ 1 năm và 2 năm lần lượt là 78,6% và 51,3% 42.
Nghiên cứu của Hoàng Quốc Tuấn và cộng sự (2020) thực hiện trên bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III không mổ được tại bệnh viện đa khoa Kiên Giang cho thấy trung vị sống còn toàn bộ là 24±0,5 tháng, sống còn toàn bộ vào thời điểm 18 tháng là 86,6%, trung vị sống còn bệnh không tiến triển là 14±0,45 tháng, sống còn không tiến triển bệnh vào thời điểm 12 tháng là 76% 68.
Khi so sánh với các kỹ thuật khác như hóa xạ trị 3 chiều (3D-CRT) hay hóa xạ trị tuần tự, kết quả cho thấy kỹ thuật sử dụng hóa xạ trị đồng thời có những ưu điểm nổi bật hơn. Nghiên cứu của Jegadeesh và cộng sự cho thấy kỹ thuật hóa xạ trị đồng thời điều biến liều IMRT giúp cải thiện thời gian sống thêm cho bệnh nhân ở giai đoạn III với u T3-T4 69, ngoài ra còn giảm liều trên tim từ đó giúp làm giảm nguy cơ tử vong do các vấn đề về tim mạch 69.
Bảng 4.2. Thời gian sống thêm trong các nghiên cứu hóa xạ trị đồng thời
Trung vị thời gian (tháng) Lê Tuấn Anh Vũ Hữu Khiêm Nguyễn Đức Hạnh Hoàng Quốc Tuấn NC này
Thời gian sống thêm không tiến triển
10,8 17,7 11,5 14 8,5
Thời gian sống thêm toàn bộ
17,5 34 16,4 24 10,6