Hoàn thiện công tác thẩm định tín dụng:
Đối với một dự án có sự tham gia của tín dụng xanh thì công tác thẩm định là khâu quan trọng được đề cao trong quá trình xét duyệt cho vay, có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến chất lượng tín dụng, khả năng thu hồi vốn của Ngân hàng và những ảnh hưởng của các khoản vay tới môi trường - xã hội. Để công tác thẩm định trước khi cho vay được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy trình tín dụng, cán bộ tín dụng không chỉ cần nắm vững nghiệp vụ còn phải có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng. Vì là nguồn thu nợ chính của Ngân hàng và đảm bảo các tiêu chí của tín dụng xanh khâu thẩm định cần được tập trung chú trọng và phải xác định được hiệu quả của phương án, những rủi ro tới Môi trường-Xã hội.
Trước hết, cần thẩm định trực tiếp cơ sở sản xuất kinh doanh để xác định dự án là có thật, tính hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu cụ thể, lợi ích về mặt kinh tế và xã hội của dự án mang lại, các tiêu chí kỹ thuật, khả năng thu hồi vốn của dự án. Bên cạnh đó, thẩm định tính hợp pháp của tài sản đảm bảo, xem tài sản có thuộc quyền sở hữu của người vay, người bảo lãnh không, giá trị tài sản, tính thanh khoản của tài sản (trường hợp phải xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ).
Báo cáo tài chính phản ánh năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giúp cho việc thẩm định của cán bộ tín dụng chính xác hơn nên nó là một căn cứ quan trọng để xem xét tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính đối với khách hàng vay vốn. Đồng thời, các Ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan chức năng về quản lý tài nguyên môi trường, các đơn vị chuyên ngành thẩm định về rủi ro môi trường để đánh giá các chỉ số về môi trường của các dự án tín dụng.
Qua trung tâm phòng ngừa rủi ro tín dụng hoặc các tài liệu nội bộ về tín dụng ta sẽ thu được những thông tin phản ánh về tính trung thực của chủ doanh nghiệp, thông tin phản ánh đặc điểm, mức độ rủi ro và lợi nhuận của doanh nghiệp, những thông tin về quan hệ tín dụng của khách hàng như: hiện tại khách hàng đã quan hệ với tổ chức tín dụng nào và hiện tại dư nợ là bao nhiêu. Không nên dựa vào linh cảm, mối quan hệ hay kinh nghiệm của bản thân cán bộ thực hiện thẩm định mà quyết định cho vay. Qua việc thẩm định trước khi cho doanh nghiệp vay, tiếp xúc khách hàng và các thông tin thu được từ trung tâm phòng ngừa rủi ro sẽ giúp cho cán bộ ngân hàng đưa ra quyết định chính xác để từ đó phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Đào tạo đội ngũ nhân viên, cán bộ có chuyên môn cao và có đạo đức nghề nghiệp:
Ngân hàng cần thực hiện việc tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ của nhân viên liên quan đến nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng xanh đặc biệt là nghiệp vụ thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Môi trường Pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng đang dần đi vào hoàn thiện theo thông lệ Quốc tế. Bên cạnh việc Chính phủ giao quyền tự chủ cho các Ngân hàng Thương mại, tự chủ trong quyết định cho vay và tự chịu trách nhiệm, tự mình gánh chịu rủi ro, NHTM cũng thực hiện quyền phân cấp cho các chi nhánh, đơn vị trực thuộc, phân cấp nhất định cho cán bộ. Rủi ro trong quy trình nghiệp vụ, rủi ro đạo đức của cán bộ ngân hàng sẽ có nguy cơ gia tăng nếu như NHTM, chi nhánh của ngân hàng không thiết lập được hàng rào kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ và có hiệu quả, ngăn chặn rủi ro tín dụng ngay từ trong nội bộ.
Vì thế việc thường xuyên giám sát quản lý, theo dõi cán bộ của ngân hàng, nhất là cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định, hay cán bộ liên quan trực tiếp đến các quyết định cho vay là vô cùng quan trọng và thiết thực.