Kết quả của bài nghiên cứu này không tìm thấy mối quan hệ ý nghĩa của cả 2 biến kinh tế vĩ mô là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm (GDP) và tỷ lệ lạm phát (INF) để GDP và INF giải thích cho hiệu quả hoạt động của các ngân hàng đối với cả hai mô hình của ROA, ROE và ROCE. Kết quả này hoàn toàn khác với mong đợi từ giả thuyết H7 và H8 là GDP sẽ có tác động dương đến lợi nhuận của các ngân hàng và INF thì ngược lại. Kết quả này cũng được tìm thấy ở các nghiên cứu của Syafri (2012), Gaber (2018), Ramadan & cộng sự (2011) và Nguyễn Đoàn Kim Thanh (2020). Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể không nhất thiết phản ánh sự cải thiện của môi trường ngân hàng. Nền kinh tế đang phát triển có thể mang lại lợi ích cho các lĩnh vực khác nhau mà khách hàng của các ngân hàng đến từ đó. Tuy nhiên, các yếu tố như quy định trong lĩnh vực ngân hàng, sự tiên tiến của công nghệ có thể là những yếu tố cản trở các ngân hàng tận hưởng đà tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, điều này còn có thể cho thấy rằng do các ngân hàng không có khả năng dự đoán chính xác mức độ lạm phát, họ đã bỏ lỡ cơ hội hưởng lợi từ môi trường lạm phát để tăng lợi nhuận và các ngân hàng dường như không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.
TÓM TẮT CHƯƠNG 4
Ở chương 4, tác giả đã phân tích và xử lý số liệu kết quả nghiên cứu bao gồm thống kê mô tả, kiểm định tương quan giữa các biến trong mô hình. Tiếp theo đó,nghiên cứu cũng chọn ra phương pháp phù hợp nhất cho cả 3 mô hình ROA, ROE và ROCE bằng cách trình bày kết quả mô hình hồi quy Pooled OLS, FEM và REM.
Đặc biệt ở chương này, tác giả cũng thể hiện kết quả phân tích định lượng dựa trên dữ liệu và phương pháp nghiên cứu của các yếu tố nội tại của ngân hàng cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô đã được đề cập tại chương 3. Kết quả hồi quy cho thấy mối tương quan giữa các yếu tố đến lợi nhuận của các NHTMCP tại Việt Nam như sau: Quy mô (SIZE), tỷ lệ cho vay (LOAN) và tỷ lệ thu nhập ngoài lãi (NII) của ngân hàng có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của ngân hàng ở cả 3 mô hình ROA, ROE và ROCE. Tỷ lệ chi phí hoạt động của ngân hàng (CIR) thì có tác động ngược chiều
đến lợi nhuận của ngân hàng và có ý nghĩa đến cả 3 mô hình là ROA, ROE và ROCE. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng (CAP) thì chỉ tác động dương đến 2 mô hình là ROA và ROCE và tỷ lệ tiền gửi của khách hàng (DEP) thì chỉ tác động âm đến mô hình ROA và cả yếu tố tỷ lệ tiền gửi (DEP) không có ý nghĩa đối với 2 mô hình ROE và ROCE. Với yếu tố tính thanh khoản của ngân hàng (LIQ) thì chỉ tác động đến 2 mô hình là ROA và ROE; tương tự yếu tố tỷ lệ vốn chủ sở hữu chỉ tác động đến 2 mô hình là ROA và ROCE. Đặc biệt, trong kết quả của nghiên cứu này, tác giả không tìm thấy ý nghĩa thống kê của 2 biến vĩ mô là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và tỷ lệ lạm phát (INF) đến cả 3 mô hình ROA, ROE và ROCE, dường như GDP và INF không tác động đáng kể đến lợi nhuận của ngân hàng. Chương này cũng là cơ sở, căn cứ để đưa ra kết luận và các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh giúp các NHTMCP cải thiện và tăng lợi nhuận ở chương 5.
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH 5.1 Kết luận
Bài viết này nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NHTMCP tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2010-2019. Những nội dung phân tích chi tiết đã được trình bày đầy đủ lần lượt trong chương 3 và chương 4, tiếp theo chương 5 sẽ trình bày khái quát toàn bộ kết quả nghiên cứu: Dữ liệu được sử dụng trong bài nghiên cứu là dữ liệu bảng của 25 ngân hàng NHTMCP trong giai đoạn từ năm 2010-2019. Sau quá trình các bước kiểm định, bài nghiên cứu dùng mô hình hồi quy với phương pháp FEM cho mô hình ROA và ROE và phương pháp REM cho mô hình ROCE, tác giả đã nhận thấy rằng: quy mô (SIZE), tỷ lệ cho vay (LOAN), tính thanh khoản (LIQ), tỷ lệ vốn chủ sở hữu (CAP) và thu nhập ngoài lãi (NII) của các ngân hàng có tác động cùng chiều với lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản của ngân hàng. Còn lại các biến bao gồm tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR), tỷ lệ tiền gửi của khách hàng (DEP) thì có tác động ngược chiều đến lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản của ngân hàng theo tác động giảm dần. Các biến có tác động cùng chiều đến lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng bao gồm quy mô (SIZE), tỷ lệ cho vay (LOAN), tính thanh khoản (LIQ) và thu nhập ngoài lãi (NII) của ngân hàng. Duy chỉ có biến tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR) là tác động ngược chiều đến lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữa; ngoài ra, tỷ lệ vốn chủ sở hữu (CAP) và tỷ lệ tiền gửi của khách hàng (DEP) không có tác động đến. Tương tự, với biến đại diện là tỷ suất lợi nhuận vốn sử dụng(ROCE), các biến bao gồm quy mô ngân hàng (SIZE), tỷ lệ vốn chủ sở hữu (CAP), tỷ lệ cho vay (LOAN) và thu nhập ngoài lãi (NII) có tác động thuận chiều đến lợi nhuận của các ngân hàng và duy chỉ có biến tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR) là ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của ngân hàng.
Kết quả này chứng tỏ rằng, từ sau khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008, các ngân hàng đã không ngừng cố gắng gia tăng lợi nhuận bằng cách tăng quy mô, gia tăng các khoản cho vay, tăng tính thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu, và phát triển đa dạng hơn các hoạt động đầu tư để gia tăng các khoản thu nhập ngoài lãi nhưng chưa thể tối thiểu hóa được chi phí hoạt động của mình. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô như GDP và lạm phát không thật sự có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NHTMCP tại Việt Nam kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008.
5.2 Các hàm ý chính sách
Từ kết quả nghiên cứu thu được ở chương 4, tác giả nhận thấy rằng để gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng, các ngân hàng nên tăng quy mô, cho vay, tính thanh khoản, thu nhập ngoài lãi và vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Ngoài ra còn phải hạn chế, giảm thiểu tiền gửi khách hàng và chi phí hoạt động của ngân hàng.
5.2.1 Gia tăng quy mô
Dựa trên kết quả đã có, ta thấy rằng quy mô ngân hàng có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, gia tăng quy mô ngân hàng là biện pháp hiệu quả để chiếm lĩnh thị phần ngân hàng hơn. Tuy nhiên, nếu quy mô tăng cao nhưng ngân hàng lại không có khả năng quản lý dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, việc quản lý thiếu chặt chẽ và không thể tối thiểu được chi phí hoạt động như bộ máy cồng kềnh, chi phí vận hành, chi phí cho quản trị rủi ro,.. .và có thể sẽ làm giảm hiệu suất của ngân hàng. Đối với nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay thì các NHTMCP cần:
Các NHTMCP có thể tăng quy mô ngân hàng bằng cách gia tăng vốn, nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, tăng năng lực cạnh tranh cho ngân hàng. Bên cạnh đó, còn có thể đầu tư thêm vào tài sản cố định như mở rộng hoạt động thông qua việc mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch ở những vị trí chiến lược hợp lý. Hơn thế nữa, các ngân hàng lớn và có năng lực về tài chính có thể mở thêm các chi nhánh, văn phòng đại diện ở ngoài nước.
Loại bỏ các nguồn lực đầu tư, huy động tiền và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn trong một môi trường chính sách rõ ràng và minh bạch, cũng như thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Liên tục nâng cao hệ thống quản trị và nâng cấp ứng dụng công nghệ mạnh mẽ nhằm giúp cho ngân hàng có sức cạnh tranh mạnh mẽ và thị phần các NHTMCP được cải thiện đáng kể.
Ước lượng quy mô kinh tế phù hợp với ngân hàng mà có các chính sách cải tiến quy mô hợp lý nhằm giúp đảm bảo ngân hàng không vượt quá giới hạn làm tăng chi phí hoạt động và ảnh hưởng bất lợi cho lợi nhuận của các ngân hàng.
5.2.2 Kiểm soát chi phí
Như kết quả đã được tìm thấy ở chương 4, tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động có ảnh hưởng ngược chiều đến lợi nhuận của ngân hàng, tỷ lệ này càng cao nhưng doanh thu lại không đổi thì khả năng sinh lợi của ngân hàng càng giảm và điều này cũng là một trong các yếu tố quan trọng mà ngân hàng cần khắc phục. Các ngân
hàng cần tối thiểu hóa được chi phí hoặc cải thiện doanh thu phù hợp với khả năng thu lại lợi nhuận của ngân hàng.
Ngân hàng có thể cải tiến máy móc, phương tiện, trang thiết bị làm việc hiện đại nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng một cách chính xác, nhanh và an toàn nhất có thể với mức chi phí bỏ ra thấp nhất nhằm vừa thu hút số lượng khách hàng nhiều hơn và gia tăng lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần xem xét kỹ lưỡng, thận trọng trong việc quyết định mua tài sản để tránh trường hợp lãng phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Nhưng với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế hiện nay, các ngân hàng cũng cần chấp nhận việc bỏ chi phí cho các hoạt động Marketing và quảng bá các sản phẩm của ngân hàng nhằm giành thị phần. Các nhà quản lý cần tính toán và cân nhắc kỹ trước những quyết định bỏ ra số chi phí này để không gây ra gánh nặng cho ngân hàng và cũng không nên đưa ra quá nhiều chương trình khuyến mãi mà không đánh giá được hiệu quả của nó mang lại.
5.2.3 Gia tăng vốn chủ sở hữu
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhìn chung việc tăng vốn chủ sở hữu có góp phần giúp tăng lợi nhuận của ngân hàng. Hiện nay, hầu hết các NHTMCP đều đang nỗ lực chạy đua trong việc tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Hiệp ước Basel II theo yêu cầu của NHNN. Và ngân hàng có thể sử dụng các hình thức sau để tăng vốn chủ sở hữu:
Với hình thức đơn giản nhất, ngân hàng có thể tăng nguồn vốn tự có ngoài tác động bên trong bổ sung của việc tăng lợi nhuận giữ lại (tăng vốn cấp 1), các ngân hàng có thể tăng vốn chủ sở hữu thông qua các tác động bên ngoài như phát hành cổ phiếu, cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu chuyển đổi.
Tiếp theo để tăng nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng không thể bỏ qua hình thức thực hiện các hoạt động giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) và hợp nhất. Hình thức này nhằm mục đích giảm tải gánh nặng, tăng cường năng lực cho các ngân hàng nhỏ, đồng thời số lượng tài sản, vốn và uy tín của các ngân hàng lớn sẽ ngày càng lớn mạnh và phát triển hơn. Về khía cạnh kinh doanh, M&A là một cách để tăng cường khả năng cạnh tranh và tổ chức lại các tổ chức tài chính bằng cách mở rộng hoạt động, mạng lưới vốn và cơ sở khách hàng đồng thời cân bằng giữa lợi ích và hạn chế của
doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia M&A nhằm tăng giá trị gia tăng cho cổ đông, ngân hàng, người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.
5.2.4 Kiểm soát tiền gửi khách hàng
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tiền gửi có tác động ngược chiều đến lợi nhuận của các ngân hàng. Mặc dù tiền gửi khách hàng là một trong những yếu tố sinh lời quan trọng của các ngân hàng nhưng việc này cũng có thể gây ra ít nhiều khó khăn lớn cho các ngân hàng nếu các ngân hàng không khai thác và chuyển lượng tiền gửi này thành khoản cho vay. Điều này có thể lý giải khả năng quá trình tín dụng của ngân hàng không cao nhưng áp lực phải trả nợ tiền gửi cho khách hàng lại cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Đứng trước khó khăn này, nghiên cứu có các khuyến nghị như sau:
Đầu tiên, ngân hàng có thể hạ lãi suất tiền gửi hoặc duy trì ở mức trung bình để hạn chế số lượng khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, điều này giúp ngân hàng hạn chế số tiền lãi phải trả cho khách hàng nhằm giảm thiểu chi phí và góp phần gia tăng lợi nhuận.
Thứ hai, các ngân hàng nên khuyến khích các hoạt động dịch vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ngoài các hoạt động gửi tiền như một phương tiện thúc đẩy thu nhập để trang trải các khoản trả lãi tiền gửi. Từ đó có thể góp phần làm cân bằng lợi nhuận cho ngân hàng.
5.2.5 Nâng cao cho vay khách hàng
Kết quả ở chương 4 đã thể hiện rằng tỷ lệ cho vay càng cao thì mức độ hoạt động tín dụng của ngân hàng càng ổn định và lợi nhuận cũng tăng theo. Tuy nhiên, nếu cho vay quá nhiều nhưng lại không có biện pháp dự trù rủi ro hợp lý thì tỷ lệ dẫn đến các khoản nợ xấu tăng cao gây ảnh hưởng không tốt đến lợi nhuận của ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này và gia tăng thêm lượng tiền cho vay, nghiên cứu đã đề ra một số biện pháp sau:
Đầu tiên, các ngân hàng nên thiết lập các quy tắc và thủ tục tín dụng, cũng như tăng cường các quy trình và đội ngũ nhân viên để đảm bảo rằng các giai đoạn tín dụng trong quy trình tín dụng được tuân thủ. Đa dạng hóa đối tượng khách hàng và chỉ định mỗi bộ phận khách hàng sẽ có một bộ phận hành chính riêng biệt đảm nhận và xử lý.
Tiếp theo, mở rộng thêm các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng, tăng lượng khách hàng thông qua các chính sách tiếp thị, quảng cáo; đặc biệt, áp dụng lãi suất huy động và cho vay hấp dẫn, phù hợp cho hoạt động huy động vốn và cho vay với thời hạn khác nhau, các chương trình khuyến mãi, xúc tiến tín dụng tiêu dùng.
5.2.6 Tăng tính thanh khoản cho ngân hàng
Thanh khoản luôn là vấn đề mà các ngân hàng thận trọng và các khách hàng thì quan tâm bởi vì tính thanh khoản sẽ thể hiện uy tín của ngân hàng và khả năng ngân hàng có thể đáp ứng các nhu cầu tức thời của khách hàng. Theo như kết quả nghiên cứu, tính thanh khoản có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của các ngân hàng. Để nâng cao hơn nữa về tính thanh khoản cũng như lợi nhuận, nghiên cứu đề xuất các biện pháp sau:
Để tăng khả năng sinh lời, các ngân hàng cần phải hạn chế rủi ro và duy trì mức thanh khoản có thể chấp nhận được để đảm bảo khả năng thanh khoản khi đối mặt với các rủi ro tài chính trong khi vẫn đạt được lợi nhuận cần thiết. Đồng thời, hạ tỷ lệ nợ xấu, thu hồi nợ nhanh chóng bằng cách tạo ra danh mục tài sản phù hợp, nâng cao chất lượng tài sản, có khả năng chuyển hóa tài sản thành tiền nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng hoặc đáp ứng các nghĩa vụ đã cam kết.
Tập trung thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hiện đại hóa hệ thống quản trị rủi ro, quản lý nợ, hệ thống Ngân hàng điện tử như máy ATM và Mobile Banking.
5.2.7 Gia tăng thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng
Nhìn vào kết quả chương 4, chúng ta có thể kết luận rằng thu nhập ngoài lãi có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của hệ thống các ngân hàng. Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng lên nếu các ngân hàng đa dạng hóa hơn vào đầu tư. Dựa vào tiền đề đó, nghiên cứu có một vài kiến nghị như sau:
Đầu tiên, các ngân hàng cần có chính sách và chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận đồng thời giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động chính