ÁNH ĐÈN CỦA TẤM LÕNG

Một phần của tài liệu Benh vien danh giac (Trang 25 - 37)

đêm rất tối, có gió lạnh. Tiếng dế ri rỉ suốt đêm. Thỉnh thoảng con chim cú “đệm” từng tiếng não ruột. Các chốt địch xung quanh tiếp tục nã pháo rầm rầm vào khu vực bệnh viện.

Anh Bình trăn trở mãi trên chiếc võng, ôn lại trận đánh mở màn. Anh tự nhủ: cuộc chiến đấu tới sẽ ác liệt, phức tạp. Chúng nó sẽ tiếp tục thâm nhập. Nhưng ở khu vực nào? Hướng nào? Bằng cách nào? Những tính toán tràn ngập chiếm cả đầu óc anh. Anh tự hỏi: có khả năng chúng dùng B.52 đánh trước mở màn chăng? Đó là việc làm thường xuyên chắc có. Dùng chất độc hóa học? Không loại trừ. Dùng trực thăng đổ quân? Có nhiều khả năng.

Thế là lắm vấn đề phải tính toán, đối phó, mặc dù mọi dự kiến kế hoạch đều có chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng khả năng thực tế sẽ diễn biến ra sao? Đó là điều anh đang tập trung suy nghĩ để đi trước sự phát triển của tình hình.

Chiếc võng của anh Bình ngừng đung đưa. Anh đã mòn mỏi thiếp đi trong sương lạnh, phong phanh tấm dù bông mỏng.

Bỗng tiếng bom nổ dồn dập. Nhiều ánh chớp sáng cả một vùng. Do phản xạ tự nhiên, anh nhào lăn xuống đất. Chiếc bình thủy bị chấn động nổ tung từ bao giờ. Không còn một vật gì ở trên bàn. Mùi thuốc bom xông vào hầm khét nghẹt khó thở. Đường dây liên lạc giữa các khoa, ban, đều đứt sạch.

Sang, con anh và Minh củn bảo vệ vội vã chui vào hầm anh. - Ba có sao không?

Anh Bình rất mừng gặp con và đồng chí bảo vệ an toàn. Anh trả lời một cách rất tự nhiên:

- Không sao cả con, chỉ hơi mệt vì thuốc bom. Con và chú Minh qua liên lạc với bác Ba Nhân, ban y vụ và ban chính trị xem tình hình ra sao. Trời sáng sẽ tính sau.

Với vẻ sốt ruột, anh Bình trông cho mau sáng. Nhưng trời vẫn còn tối đen. Một số cây bị thương vì bom chuyển răng rắc và ngã xuống rầm rầm.

Anh Tư Bình bồi hồi nhớ lại: “Cũng đợt B.52 tháng chín năm rồi ở khu vực Trảng Tròn, hầm của anh bị ba quả bom đìa lấp kín. Thật là một đêm khủng khiếp, phải ngồi dưới hầm chịu suốt mười một đợt đánh phá của máy bay B.52. Mỗi đợt ba chiếc, chúng cứ tiếp tục thi nhau trút cả vạn tấn bom đạn vào suốt chiều dài khu vực bệnh viện và các vùng xung quanh.

Có qua thử thách với sự đánh phá của B.52 chúng ta mới hình dung sâu đậm thế nào là bom đạn, máu lửa và nước mắt.

Chúng nó bay đến, hết đợt này đến đợt khác, chỉ cách nhau năm mười phút. Khi ta vừa nghe tiếng gió văng vẳng của B.52 là bom đã rớt tới tấp trên đầu. Tiếng nổ liên hồi, chát chúa như trời long đất lở, rung chuyển đất rùng, với bao nhiêu lằn chớp sáng hoa cả mắt. Cái ánh sáng cực mạnh, ghê rợn như ngọn đèn pha xuyên sâu xuống cả hầm, có thể thấy rõ từng vật thể giữa rừng khuya. Tiếng nổ rền hơn tiếng sấm sét, liên hồi, cà giựt đinh tai chát óc, làm cho tim đập mạnh muốn loạn nhịp, não người do bị chấn động quá mức muốn tê dại đi. Thần kinh người mất thăng bằng. Mắt muốn lòa, tai muốn điếc. Có người sặc cả máu ở miệng, mũi, tai. Có những đồng bào đồng chí vì bị chấn động quá mạnh của bom nổ kề sát bên, tuy còn trong tư thế ngồi ở hầm, nhưng người đã chết lúc nào, không có một vết xây xát. Không khí dồn ép lại làm ngợp thở, khô rát cả cổ họng. Đất đá, cát bụi tung mù trời. Nhà cửa trên mặt đất bay sạch, chỉ còn phơi bày ra là hầm hào. Cây cối trốc gốc, ngã đổ ngổn ngang, cảnh vật xơ xác tiêu điều. Những cây gỗ đã sống hàng trăm năm, hai người ôm không xuể trốc cả gốc, ngã lăn cù nắm vắt dọc ngang sõng sượt, trông thật tiếc.

Điều thê thảm nhất là những em bé, như những mầm non của cây lá trước gió bão. Các em khủng khiếp hốt hoảng, run sợ, chỉ còn biết thét to lên. Tiếng kêu cứu do phản xạ tự nhiên rồi lịm dần trong lòng người mẹ và những bà mẹ chỉ biết ôm chặt lấy con vào lòng, lo đứt từng khúc ruột, và hy vọng bom sẽ tránh hầm…

Sức chịu đựng của con người thật ghê gớm, đáng khâm phục. Con dã thú Mỹ muốn ăn tươi nuốt sống từ những sinh vật đến cây cỏ vô tri vô giác. Chúng muốn biến sự sống của muôn loài thành cõi chết mà đất sẽ khô cằn trơ trụi, lạnh lẽo như đất đá trên cung trăng. Chúng chắc mẩm rằng với khối lượng sắp thép hủy diệt to lớn ấy thì không còn sự sống nào chịu đựng nổi. Nhưng chúng đã thất bại về chiến lược, chúng đã lầm to. Chúng ta chịu đựng được tất cả và vượt qua được tất cả mọi sự khủng khiếp!

Ai lại không sợ hãi trước cái chết. Đó là lẽ tự nhiên vì họ không có một thứ vũ khí gì để tự vệ. Nhưng ngược lại họ có một thứ vũ khí đặc biệt của giờ phút thiêng liêng quyết định là sự hy sinh, bất khuất và chiếc hầm kiên cố che chở cho họ. Chính do sức mạnh vô giá đó, họ lại xem cái chết chẳng có gì đáng sợ. Đó là lời nói thông thường, giản dị và phổ biến của bất cứ ai đã qua bao lần được thử thách đối đầu với máy bay chiến lược của không quân Mỹ. Cho nên họ kiên định, im lặng, sẵn sàng chờ. Nhưng họ còn một niềm lạc quan mãnh liệt: Bom sẽ tránh người! Họ khao khát được sống để tiếp tục chiến đấu và phục vụ.

Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã lên án chúng nó: “Trời không dung đất không tha”.

Sau vụ bom khủng khiếp, không gian bỗng mở ra bao la. Các ngôi sao trên trời nhấp nháy như chế nhạo cuộc đọ sức không cân sức của không lực Mỹ với mảnh đất bé nhỏ của cái bệnh viện kiên cường.

Nhà của anh Ba Nhân cũng bị sập. Anh chị bị phủ kín dưới cát bụi của bom. Chị Ba Minh đã tâm sự lại với anh chị em trong khoa: “đợt bom thứ ba của B.52, nhà tôi bay mất chỉ còn trơ ra cái hầm, xung quanh nhà có hai hố bom to tướng.

Tiếng nổ khủng khiếp quá, người tôi muốn tung lên khỏi mặt đất. Tôi nói với ông Ba nhà tôi: chắc tôi với ông sắp chia tay nhau quá! Ông nhà tôi trả lời gọn hơ: nếu đợt bom thứ tư rớt ngay hầm thì bà một nơi, tôi một ngả, có sao đâu, lúc đó chúng mình đã đi “chầu trời” rồi! Ảnh còn cười để làm tôi an lòng.

Anh Ba Nhân nghĩ ngay đến anh Bình và bao nhiêu đồng chí khác. Anh cố sức ra khỏi hầm. Anh đứng dừng một lúc để định hướng đi. Với chiếc đèn pin ở tay, anh và đồng chí Châu bảo vệ đi ngay qua nhà anh Bình. Dưới ánh sáng, anh phát hiện một quả bom 500kg không nổ. Nó cắm xuống nằm cạnh nhà anh Bình mười mét, để lại trên mặt đất một lỗ sâu thăm thẳm.

Khoảng cách với nhà anh có 50 mét. Nhưng do cây đổ ngổn ngang phải leo trèo, chui qua rất vất vả. Có lúc anh Ba Nhân vấp ngã, rách toạc quần, rớt cả đèn pin, mồ hôi thấm ướt cả áo. Đến khu vực nhà của anh Bình, anh cảm thất một sự im lặng đáng sợ. Anh rọi mãi chiếc đèn mà không tìm ra một cái nền nhà của anh Bình. Anh chỉ thấy ba hố bom đìa ở ba góc nhà. Lòng anh càng hồi hộp. Anh đứng lặng, bồi hồi. Quay sang Châu, anh hỏi nhỏ:

- Chú Châu xác định ngôi nhà của chú Tư Bình ở chỗ nào không?

- Tại ngay chỗ chú Ba đứng đó. Cái nhà bay mất rồi. Nền nhà bị lấp kín – Châu vừa nói vừa chỉ gò mối kế bên cái nền. Đó là vật chuẩn của cái nhà.

Anh Ba Nhân băn khoăn lo lắng: “Anh Tư Bình và cháu Sang chắc chết rồi! Ch…à…à… Anh nói thầm một mình giọng kéo dài và thở ra mệt nhọc! Nếu anh Tư Bình chết đi, sắp tới đây mình sẽ chỉ huy làm sao đây! Tất nhiên còn tập thể Đảng ủy, ban chỉ huy lo liệu nhưng về chức năng tổ chức và chỉ huy ảnh có nhiều kinh nghiệm hơn anh em mình”.

Anh Ba Nhân nhớ lại anh Bình năm nào ở chiến trường mới về (cái chiến trường người xưa thường ví: “Mã Đà sơn cước anh hùng tận” với da bọc xương, sốt rét kiết lỵ kinh niên, gan to, lách to, đi không vững bước. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, người mẹ hiền, anh Ba Nhân chăm sóc tận tình tận lực cho anh Bình. Cái điện tâm đồ ghi bằng mực rất quý của anh, mỗi lần ghi điện tim là nhoe nhoét mực. Thế mà anh vẫn kiên trì theo sát hoạt động tim mạch. Khi anh Bình bị sốt rét nặng, huyết áp phải cấp cứu thì luôn có sự chẩn đoán của anh và người cộng sự đắc lực là bác sĩ Duyên chủ nhiệm khoa nội cán bộ.

Sau khi điều trị khỏi bệnh, sức yếu, anh Bình được cấp trên giữ lại bố trí công tác luôn ở bệnh viện với cương vị Chính ủy.

Từ đấy hai anh trở nên tâm đầu ý hiệp. Bao nhiêu công việc dồn dập, khó khăn lúc ban đầu ở bệnh viện, hai anh cùng tập thể ra sức gánh vác, xây dựng. Nghĩ đến đây anh Ba Nhân càng hy vọng anh Bình phải còn sống dù là chút hy vọng cỏn con. Anh Ba Nhân rọi đèn xung quanh khu vực, hết leo vượt góc này đến chăm chú góc khác. Anh vẫn còn tin ở một sự bất ngờ cuối cùng.

Dưới hầm bị phủ kín, anh Bình và con đang trao đổi thì thầm một cách mệt nhọc. Giọng anh khàn khàn như nghẹt thở. Sau này anh Bình kể lại: đến đợt bom thứ ba, vừa nghe tiếng văng vẳng của B.52 anh đã giục con phóng nhanh vào hầm.

Anh nghe một tiếng đánh “bịch” rất lớn ở vách hầm như trái mít rụng. Anh chắc con bị sức ép của bom chết rồi! Anh hỏi mấy lần không nghe con trả lời. Sau một hồi lâu, anh nghe có tiếng rên. Thằng bé chắc còn sống, anh nghĩ bụng nửa mừng nửa lo. Sang cố gượng bò về bên cha, và kêu tức ngực. Cha con sờ soạng nhau trong hầm tối. Bỗng anh Bình vui mừng nói với con:

- Ba nghe có tiếng chân người đi lại sột soạt trên mặt đất, có tiếng hú văng vẳng.

Anh Bình nói Sang mò chỗ góc gầm có cây cột “cấp cứu” để sẵn và tìm chỗ đất mềm thọc thẳng cây lên mặt đất. Lấy chiếc đèn pin chiếu thẳng theo cây cột để bao cho người ở trên mặt đất thấy rõ vị trí mà đào hầm.

Sang lúc này đã tỉnh lại, nói với cha có vẻ tin tưởng:

- Nếu không phải là hầm chữ “A”, chắc là ba và con đã toi mạng rồi.

Kinh nghiệm chống bom các loại nhất là bom B.52, anh em thường xây dựng hầm chữ A. Một loại hầm cấu trúc tương đối kiên cố để chống sập khi bị chấn động mạnh. Nó gồm có một cây đà lớn đường kính khoảng hai mươi phân, gác ngang hai đầu trên thành đất. Hai bên thân cây có hai hàng cây, đầu cây gác trên đà ngang, có ngàm giữ chặt, chân bẹt ra cắp xuống đất như hình chữ A có thêm hai đà giữ chặt ở chân, rồi nện đất thật chặt. Sau đó lấp đất nắp hầm, dày khoảng một mét. Nếu bom rớt kề bên không sợ sập hoặc sạt hầm. Trừ bom trúng ngay thì rồi đời. Thông thường để một cây cột đầu nhọn, khi sập hầm, lấy cây cột chọc lên mặt đất để biết chỗ moi hầm cấp cứu.

Trên mặt đất, anh Ba Nhân đang lau mồ hôi ở mặt. Anh sửa lại kính và nhìn chằm chằm vào mô đất. Bỗng anh thét to vui mừng:

-Có ánh đèn pin mờ mờ ở dưới đất chiếu lên. Anh nói lớn với mọi người: - Anh Tư Bình chắc còn sống. Các đồng chí tập trung đào moi nhanh lên. Anh vừa đôn đốc động viên anh em vừa lia ánh sáng chiếc đèn pin vào chỗ có ánh sáng lờ mờ ở dưới đất chiếu lên. Một nỗi mừng khôn xiết, anh cố hết sức kêu to:

- Anh Tư Bình ơi! Anh Tư Bình ơi!

Mấy giây trôi qua. Anh nghe có tiếng nói nho nhỏ ở dưới hầm vọng lên. Mặt anh Ba Nhân vàng rạng rỡ, anh chạy đi chạy lại đôn đốc, động viên anh em. Mọi người tập trung moi, đào, xới, bới tận lực và đưa hai cha con anh Bình lên khỏi mặt đất an toàn, nhưng người ngất ngư như vừa qua cơn bại liệt.

Anh Ba Nhân và anh Tư Bình ôm nhau rớm nước mắt. Anh em xung quanh nhìn các thủ trưởng của mình xúc động, nghẹn ngào.

* * *

Sau ba đợt B.52, cảnh tượng xung quanh viện thật xơ xác ngổn ngang: nhà cửa hầu như bị quét sạch, cây cối đổ ngổn ngang. Mặt đất đầy lá rụng như sau một đợt bị chất độc hóa học. Chim chóc biến mất, một cảnh tượng mới xuất hiện: không gian rộng ra, bầu trời quang đãng hơn. Mỹ tính từ mét vuông đất để hủy diệt sự sống, nhưng đáp số ngược lại. Tầm nhìn rộng và xa hơn, không khí ban mai trong lành tràn ngập.

Anh Ba Nhân và anh Tư Bình lại gặp nhau trên mặt hầm vẫn với nụ cười lạc quan, tươi trẻ.

- Mỹ chơi bộ binh không “vô” nên lại tiếp tục dùng B.52 nện cho tan tành. Nhưng chẳng hề hấn gì cả – Anh Ba Nhân vừa nói vừa chỉ cái nhà của anh chỉ còn trơ nền trống, xung quanh bị bom phạt sạch như làm cỏ.

- Đó là quy luật muôn thuở của chúng nó đó anh Ba! Nhà tôi cũng bị quét sạch, nhưng lại được tô điểm thêm một cây to vắt ngang để làm cái bàn viết! Tôi sẽ động viên anh chị em dọn nhanh, ngụy trang lại ngay. Máy bay trinh sát của chúng sẽ lục tục kéo đến bây giờ. Anh Bình nói xong chạy nhanh xuống nhà anh Tư Cán viện phó. Có tiếng ngáy pho pho ngon lành dội lên từ dưới hầm.

Anh Bình cất tiếng gọi to có vẻ không vui:

- Anh Tư Cán ơi! Anh Tư Cán ơi! Dậy chớ! Còn ngủ sao? B.52 đánh không biết à?

Anh Cán bật dậy như chiếc lò xo và chạy vụt lên khỏi hầm cười hề hề, giả lả. Anh vừa lau cặp kính vừa nói:

- Báo cáo anh Tư, có biết, nhưng sau khi bom nổ tôi thấy hầm còn nguyên vẹn, định nằm nghỉ một lát, mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào cũng không biết.

Anh Bình nhìn anh Tư Cán im lặng mấy giây. Một sự cảm thông đầy xúc động. Anh thoáng nghĩ: thật khốn khổ, chịu đựng mãi với bom đạn, anh em cũng quen như ăn cơm bữa, coi sự ác liệt hy sinh như một nghĩa vụ phải chấp nhận. Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Cùng lúc, chị Ba Ngọc, người trợ lý chính sách của ban chính trị đến gặp anh Tư Bình để báo cáo tình hình. Chị Ba Ngọc nói:

- Qua đợt bom B.52, mấy cái hầm bên ban chính trị bị một quả bom đìa nổ sát kế bên ép lại. Chúng tôi phải moi đất để chui ra. Tất cả anh chị em trong ban đều an toàn, anh Tư! Riêng ở chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt thì có một loạt bom nổ làm sập và bay mấy cái nhà. Cán bộ, nhân viên và anh em thương binh đều an toàn. Anh Kiêm trưởng ban chính trị còn đang làm việc với các anh trong ban chỉ huy của khoa để ổn định tình hình chung.

Nói xong, chị Ba Ngọc cười và ứng khẩu đọc luôn: - Mấy đời cò ỉa miệng chai,

KHI TIẾNG KHÓC CHÀO ĐỜI…

Khuya hôm ấy trời mưa dầm dề. Lúc thì rất to như trút nước, lúc thì rỉ rả kéo dài. Từng đợt gió thổi qua rào rào, lạnh buốt xương. Thỉnh thoảng một tia chớp lóe lên phản chiếu nhiều hình thù kỳ dị trong đêm tối mịt mùng. Những giọt nước từ

Một phần của tài liệu Benh vien danh giac (Trang 25 - 37)