MẠNH TAY HAY…BÓ TAY

Một phần của tài liệu Benh vien danh giac (Trang 56 - 64)

loạt pháo nổ rền ở hướng Tây Bắc bệnh viện, tiếng súng nhỏ cũng nổ liên hồi. Thỉnh thoảng nghe rõ đạn pháo của xe tăng bắn thẳng.

Anh Hòa cán bộ tác chiến trao đổi với anh Tư Ka:

- Chúng lợi dụng sương mù đánh vào đoàn Củ Chi. Mấy ngày nay ở hướng ấy, tiếng bom pháo nổ không lúc nào ngưng.

Anh Tư Ka nhìn vào bản đồ trải trên bàn rồi nói:

- Các hướng khác cũng có tiếng nổ râm ran. Bệnh viện ta cũng nằm trong đợt hoạt động này của địch.

- Chắc chắn rồi chúng cũng bị thua đau như ở đây thôi. Địch vào chốt ở khu vực khoa nội 3 đã ba hôm nay chưa làm được tích sự gì – Anh Hòa vừa mặc chiếc áo ấm vừa nói.

Anh Tư Ka quấn điếu thuốc là bằng lá “cò ke” rít một hơi dài cho đỡ ghiền và nhắc nhở Hòa:

- Anh Hòa đã lo xong bản đồ và số liệu cho cuộc họp của ban tác chiến chưa?

- Xong rồi, chỉ còn bổ sung thêm hoạt động của đội đặc công đêm qua. - Anh Tư Kê rít hơi thuốc xem chừng không đã ghiền:

- Lúc một giờ sáng nay tôi nghe đạn B.40, B.41 nổ ở trên mấy đồi của khoa nội 3 và có cả tiếng lựu đạn, anh điện hỏi gấp kết quả.

Anh Hòa bốc điện thoại quay mấy vòng.

Ban tác chiến của bệnh viện họp có đông đủ các thành phần như ban chỉ huy tiểu đoàn bạn, các đại đội trưởng bộ binh và đặc công.

Anh Tư Bình, cổ choàng kín tấm bông nhỏ, mặt hớn hở đọc bức điện: “Thường vụ đảng ủy Cục hậu cần biểu dương bệnh viện K.71 suốt 45 ngày qua đã

anh dũng bám trụ, đánh địch thu thắng lợi. Mong toàn thể các đồng chí tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để bảo vệ và phục vụ thương bệnh binh, bà mẹ và trẻ em. Ký tên: Ba Thành”.

Một tràng pháo tay nổi lên. Không khí buổi họp trở nên vui vẻ nhộn nhịp. Anh Bình thông báo chủ trương của Đảng ủy bệnh viện mở trận tập kích tiểu đoàn ngụy còn án ngữ ở khoa nội 3 với lý do:

- Địch không chiếm được bệnh viện, bị tiêu hao nặng suốt mấy ngày đêm liền. Có khả năng chúng mất sức chiến đấu để chờ ngày rút. Ta có bị thương vong một số đồng chí nhưng còn sung sức. Đây là thời cơ bung ra tiêu diệt địch cúng phối hợp với các chiến trường.

Mấy trái pháo nổ sát hầm họp. Đất rung rinh, cát bụi rơi lạt xạt. Mọi người phủi bụi cát ở đầu cổ.

Nghĩa, đại đội trưởng bộ binh ứng khẩu ngay: - Chết đến nơi còn bom với pháo!

Đại đội trưởng Minh đặc công đáp vui vẻ:

- Ấy! Thế mà đêm qua, chúng tớ suýt toi mạng: một loạt pháo nổ dưới chân đồi, cách bọn tớ khoảng 100 mét.

Anh Bình nêu tiếp dự kiến dùng các lực lượng và hỏa lực. Hội nghị thảo luận.

Anh Lĩnh tiểu đoàn trưởng, dáng người cao gầy có đôi mắt sâu cương nghị. Anh đã đánh rất nhiều trận với Mỹ ở chiến khu Đ từ năm 1966 lúc anh còn là tiểu đội trưởng trinh sát. Anh chậm rãi nêu ý kiến của mình :

- Nhất trí phương án tác chiến chung. Xin đề nghị sửa đổi một ít về sử dụng lực lượng: Thứ nhất nên dùng đại đội 1 làm mũi nhọn hơn là đại đội 11 vì anh “Một” rất xốc. Thứ hai, đại đội đặc công 25, quân số chỉ còn 16 đồng chí, vì đêm qua có hai đồng chí bị sốt rét phải đưa đi cấp cứu, hai đồng chí bị thương đêm qua, một nặng: sọ não. Như vậy số người còn lại, đơn vị sẽ chia làm 4 tổ chớ không phải 5 như dự kiến. Hai tổ đánh vào sở chỉ huy địch và hai tổ đánh vào hai ụ đại liên. Còn khóa đuôi nên dùng đại đội 11 là đúng sở trường nhất.

Các đại đội trưởng rất đồng tình với người chỉ huy trực tiếp của mình.

Nhất trí ý kiến bổ sung của anh Lĩnh, tiểu đoàn trưởng, anh Tư Bình quay sang anh Tư Ka hỏi:

- Cơ số đạn đủ cho các lực lượng không anh Tư?

- Đạn thì đầy đủ, còn của viện, anh Lĩnh tiểu đoàn trưởng vừa bổ sung thêm một cơ số đạn B.40, B.41 và 1.000 đạn AK – Anh Tư Ka trả lời gọn, ngồi xuống ngó Lĩnh cười thoải mái như là để cảm ơn.

Mười hai giờ trưa cùng ngày, địch vẫn nằm dí trong công sự dưới trời nắng như đổ lửa. Thỉnh thoảng một vài phát đạn súng trường bắn sang trận địa ta thăm dò. Trên trời chiếc máy bay trinh sát lượn quanh khu vực trận địa. Nhiều loạt pháo nổ ì ầm.

Ban tác chiến của bệnh viện đang đi kiểm tra ở trận địa.

Trời nắng chang chang, không khí khô nóng. Tại căn cứ khoa nội 3, nhìn dọc ngang chi chít giao thông hào công sự. Những cây to bị bom ngã nằm vắt ngang, vắt dọc, có cây thân tưa ra tua tủa.

Trong công sự của tổ trưởng Thành, người quản lý của khoa nội 3. Anh có bộ râu mép rất đẹp, đang ghìm súng chĩa về hướng địch.

Vừa thấy anh Bình, các anh Ka, Cán, Thành lo lắng giục. - Ấy chết! Mời các thủ trưởng xuống hầm ngay nó bắn đấy.

Thành chỉ trận địa địch cách một trăm mét về phía trước. Anh Bình im lặng đảo mắt quanh khu vực một vòng. Anh ngồi xuống ngay miệng chiến hào, lấy khăn lau mồ hôi. Anh nhặt tờ tin trên mặt hào, lướt qua các dòng rồi lẩm bẩm: Ban chánh trị in thông báo kịp thời tin chiến thắng mấy ngày qua. Một sự cố gắng lớn, nhà cửa của ban bị sập hết, mọi việc đều làm ở dưới mặt đất. Vất vả thế mà anh Kim trưởng ban cũng động viên, lãnh đạo làm tốt việc thông báo tin tức và khen thưởng kịp thời cán bộ, nhân viên. Quay sang anh Thành, sau khi hỏi qua diễn biến tình hình tại khu vực, anh Bình chậm rãi phân tích.

- Anh Thành à! Ta có lợi thế về địa hình, địa vật. Cây ngã ngổn ngang phía trước, địch khó xung phong lên hàng loạt. Nếu nó ló đầu thằng nào, ta tỉa thằng nấy. Còn xung phong ồ ạt 5, 3 tên thì lựu đạn tung ra. Còn đông hơn nữa, ít khả năng. Chú ý phía hông phải của các đồng chí. Qua mấy ngày đêm, chúng đã đuối sức lắm. Nếu không sáng nay chúng đã mở đợt tấn công rồi.

Đứng trong công sự, mắt vẫn theo dõi hướng địch quản lý, Thành báo cáo: - Bảy giờ 30 phút sáng nay có 5 trực thăng lén đổ sau đồi. Trinh sát ta cho biết, chúng bốc xác chết và bọn bị thương.

- Tôi có biết. Do đó phải giữ vững tinh thần chiến đấu kiên cường, nhưng đừng để không khí quá căng thẳng! Anh em thay phiên nhau cảnh giới. Số còn lại tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức. Hơn nữa trời đã về chiều, thời gian không ủng hộ chúng nó đâu.

Đùng… tiếng súng của đơn vị bắn tỉa địch. Một loạt trung liên đáp lại từ bên kia trận địa.

Phía sau, trên các miệng hầm, anh em đặc công đang ăn cơm. Vắt cơm nguội chỉ với ít cá khô thế mà anh em ăn rất ngon lành. Bỗng anh Tâm hỏi anh Thính tổ trưởng:

Soan vừa nhai cơm vừa trả lời thay Thính:

- Sức đâu mà mở đợt tấn công nữa! Mấy ngày qua ít nhất chúng thiệt mất khoảng 40, 50 tên là cầm chắc.

Anh Thính thêm vào:

- Hai đại liên địch hỏng là cái chắc. Cho nên đêm qua khi nghe có tiếng động, chúng nó không bắn đại liên mà vụt lựu đạn phía sau xa, vì sợ bị lộ mục tiêu “ăn” B.40 của ta.

Nhớ lại trận đêm qua, Thính lại hỏi Tân:

- Nè Tân, thằng Toàn ở tổ của Sinh, đêm qua bị thương ở đầu có nặng không?

- Khá nặng, miểng lựu đạn ghim vào xương sọ - Tân vừa trả lời vừa rũ chiếc khăn gói cơm.

Tiếng trực thăng xuất hiện ở xa xa. Anh em đặc công uống nhanh mấy ngụm nước và xuống hầm, sẵn sàng bắn bọn bay thấp để quan sát.

Công việc chuẩn bị tập kích đêm nay sôi động nhộn nhịp hơn các lần trước: quân đông, súng nhiều, có thêm dân công đi thu dọn chiến trường. Đặc biệt trong đó có sáu thương bệnh binh khỏe xin tự nguyện tham gia đi dân công.

- Mày nên ở nhà là hơn, mới dứt cơn sốt hôm qua đi làm gì? Lỡ giữa đường lên cơn sốt là thêm gánh nặng cho anh em – Một thương binh khỏe ngăn đồng đội.

- Mày khỏe gì hơn “ông” với cái chân cà thọt của mày? – Anh bạn đồng đội tự ái trả lời khó chịu.

- Xem vậy chớ nếu có lệnh xung phong tớ chạy nhanh gấp mấy lần ông đó! Mà thôi chúng mình được đi cả. Chỉ tiếc cho thằng bé 15 tuổi, thường chỉ huy đánh giặc miệng, bị mẹ nó giữ lại không cho đi theo mấy chú ra trận nên khóc sướt mướt. Thằng bé muốn theo gót cha anh.

Lệnh xuất phát bắt đầu. Đoàn quân mình trần, áo cột sát ngang eo ếch, im lặng rảo bước nối đuôi nhau đi dài cả cây số. Một trái pháo xé gió bất thần nổ sát đội hình: ba chiến sĩ ngã xuống. Tổ sơ cứu âm thầm băng bó và chuyển anh em thương binh về phía sau. Đoàn dũng sĩ tiếp tục hành quân.

12 giờ đêm, lực lượng đã vào vị trí sẵn sàng tấn công địch. 2 khẩu ĐB.20 nghếch đầu đối diện với trận địa địch cách 300 mét. Các chiến sĩ đặc công ưu tú, tay ôm bộc phá, mình trần trụi, lợi dụng bóng đêm, từng phút nhích lên như thằn lằn bò, áp sát gần sở chỉ huy và ụ đại liên địch. Mọi người đang hồi hộp, ngóng đợi tiếng súng lệnh của các anh. Mỗi động tác nhích lên của các anh là ngực, bụng, chân tay đều rớm máu vì đá sỏi, gai góc cào xát không thương tiếc. Giờ phút mở cửa của đặc công là trọng đại nhất. Nó góp phần quyết định cho cả trận đánh. Thỉnh thoảng vài trái lựu đạn nổ đánh rầm dưới chân đồi, kèm theo tiểu liên AR.15 nổ tách tách. Không gian trở nên yên lặng, không khí thoang thoảng mùi thuốc súng.

Bỗng tiếng bộc phá rộ lên nổ ầm ầm… rung rinh cả khu đồi. Nhiều cột lửa bốc cao trong lòng địch. Các ụ đại liên im tịt như trước khi chưa nổ súng. Tiếng giục giã của người chỉ huy vang lên như hồi kèn xung trận: Đảng viên cộng sản tiến lên! Đảng viên cộng sản tiến lên! Cùng với tiếng hô xung phong vong dội của các chiến sĩ ta như dòng thác đổ ầm ầm… Bộ đội ta xông lên như vũ bão, đánh xáp lá cà với địch trong các giao thông hào. Một loạt trung liên phát hỏa chận bước chân xung phong. Mấy chiến sĩ ta ngã xuống….

- B.40 đâu? Người chỉ huy thét to như sấm!

Quả đạn bay trùm lên khẩu trung liên địch, chôn vùi cả bọn bắn súng lẫn khẩu súng. Địch trốc công sự như ong vỡ tổ, đạp lên nhau chạy bán sống bán chết. Chiến sĩ ta truy rượt hét rất to:

- Quật lấy nó! Bắn! – Pằng…pằng…pằng…

- Bỏ súng xuống, đưa tay lên! Chạy hả! Pằng…pằng… - Một thớ thịt rơi sầm. Những tên ngoan cố vừa chạy vừa vác súng bắn ngược lại sau lưng. Đạn bay vèo vèo qua đầu.

Ở hướng thứ yếu, 4 quả ĐB.20 nổ như sấm vang không khác gì tiếng nổ của đạn pháo 105. Tiếp theo là loạt cối bi nổ chụp trên đầu càng làm cho địch khiếp sợ mất tinh thần. Tiếng hô xung phong của các chiến sĩ ở các phía nổi dậy áp đảo mạnh địch. Trận đánh chỉ gói gọn trong vòng 30 phút. Địch rối loạn, hoảng hốt rút chạy về phí sau đồi. Đơn vị bộ binh đã bí mật gài sẵn dứt gọn một trung đội địch, thu vũ khí. Số còn lại quýnh quáng chạy thụt ra cánh đồng. Hàng trăm quả cối bi 81 truy theo. Phía sau đoàn dân công cũng lao lên ào ào. Một số vấp ngã bò lăn ra.

Nửa giờ sau pháo sáng của địch ở chốt Kraviêng bắn lên trời treo lơ lửng như vầng trăng để chỉ đường cho bọn tàn quân rút chạy trong đêm khuya. Những cây đèn sáng ấy lại giúp ta thu dọn chiến trường nhanh gọn. Địch chết và bị thương 70 tên.

Hai giờ rưỡi sáng, nhiều loạt pháo các cỡ nện vào bệnh viện như giã gạo. * *

*

Ở tuyến sau , kết hợp với chiến đấu phía trước, khoa nội cán bộ đã cứu chữa được một ca hôn mê sốt rét đái huyết sắc tố, trụy tim mạch.

Anh Duyên, chủ nhiệm khoa đã xây dựng được một kíp nội đồng bộ có nhiều kinh nghiệm điều trị và nuôi dưỡng cán bộ lớn tuổi. Kíp nội đồng bộ đó gồm các bác sĩ Hoàng Anh, Ẩn, Thời, An, Trường, các y sĩ Bình, Nguyên… các y tá: Sâm, Vinh, Thu, Phấn, Sang, Hồng, Liên, Nụ, Xuyến, Lan… Nhất là y tá Sâm có năng lực toàn diện, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, quán xuyến được công tác hành chính của khoa, anh rất tận tụy giúp đỡ các cô y tá, hộ lý khác trong mọi công việc cần thiết, sẵn sàng nhận khó về mình, nhường dễ cho bạn. Anh còn là người giúp việc đắc lực cho anh Tư Cán viện phó, trưởng ban y vụ trong cuộc chống càn của bệnh viện.

Anh Duyên chủ nhiệm khoa nội cán bộ đã trưởng thành từ người cứu thương, y tá của tiểu đoàn 308 ở miền Tây. Được tập kết ra Bắc và đào tạo thành bác sĩ khóa Y-Đ của cục quân y. Về Nam tham gia chiến đấu từ năm 1966, anh chuyên sâu về điều trị nội cho cán bộ nhất là cán bộ lớn tuổi. Anh có tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu sách báo, tài liệu mới, tác phong công tác sâu sát. Anh được sự tín nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và các bạn đồng nghiệp. Đồng thời anh là người cộng sự đắc lực của anh Ba Nhân viện trưởng. Anh Duyên kể lại:

- Về bệnh sốt rét, anh Ba Nhân thường trao đổi với tôi: chiến trường đặt ra cho chúng ta những bài toán vô cùng hóc búa. Vấn đề số 1, “vấn đề của tất cả các vấn đề” theo đuổi chúng ta từ khi bắt đầu bước chân vào chiến trường B.2 cho đến khi ra chiến đấu, đến lúc bị thương là vấn đề sốt rét. Y học thế giới đã đề cập các kháng thể chống sốt rét với kính hiển vi huỳnh quang, có nước nói đến vacxin phòng sốt rét đặc hiệu.

Nhưng quân của chúng ta cứ uống phòng đều đều, hai lần mỗi tuần, mỗi tuần 0,50gr nivaquine mà vẫn cứ sốt rét đều đều. Lần đầu tiên nhìn các chiến sĩ trên đường hành quân, thân hình gầy gò, nước da xanh mét, lòng người thầy thuốc bồi hồi, suy nghĩ. Quá trình uống thuốc phòng trường kỳ hàng tháng, hàng năm… dẫn đến nhiễm độc do thuốc và trạng thái kháng thuốc của các chủng ký sinh trùng sốt rét. Qua thực tế đó, từ những năm 1969, 1970 nhiều đơn vị bỏ chủ trương thuốc phòng thường xuyên mà thay vào đó trong từng tình huống cần thiết tiến hành điều trị dự phòng. Anh đã có thể khái quát ba điểm lớn nhất mà vấn đề sốt rét đã đặt ra để giải quyết:

- Vì sao uống thuốc phòng nghiêm chỉnh như vậy mà lại vẫn cứ sốt, sốt đến mức có lúc, có nơi không còn người tải gạo, không còn người nấu cơm? Làm sao bảo đảm quân số chiến đấu và đủ sức chiến đấu? Đó là bài toán “nền” xuyên suốt, dai dẳng.

- Trên cái nền đó, từng thời kỳ xuất hiện những sự kiện đột xuất, có tính cách thử thách quyết liệt, đó là vấn đề sốt rét ác tính thể hôn mê co giật, thể trụy tim mạch và kể từ năm 1968 thể sốt rét đái huyết sắc tố với tỉ lệ tử vong rất cao.

Một phần của tài liệu Benh vien danh giac (Trang 56 - 64)