Việt Nam – Campuchia, Mỹ - ngụy sa vào lưới “thiên la địa võng” của cuộc chiến tranh nhân dân. Chúng bị thiệt hại nặng và bị động đối phó khắp nơi. Từ chủ lực đến địa phương, cơ quan, đơn vị, ở đâu ta cũng bám trụ chủ động đánh địch. Bệnh viện đã đứng vững cũng nhờ thế chủ động đánh địch. Nhớ lại những năm 1965 – 1966 khi Mỹ ồ ạt đưa mấy chục vạn quân vào cứu nguy cho quân ngụy ở miền Nam Việt Nam, lực lượng vũ trang của ta đã triển khai và đứng vững trên khắp ba vùng chiến lược. Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng nói: “Mỹ nhảy vào trên đống tro tàn của cuộc chiến tranh đặc biệt, phải làm lại từ đầu. Chúng bị giam hãm trong một nhà tù khổng lồ của nhân dân miền Nam Việt Nam”. Tư tưởng cách mạng tiến công nay luôn luôn nhắc nhở cho cán bộ lãnh đạo và chỉ huy phải giữ vững quyết tâm dám đánh và biết đánh, sáng tạo thời cơ, kiên quyết chủ động đánh địch để giành thắng lợi ngày càng lớn hơn.
Sau trận thất bại tại xưởng may mặc, sáng hôm đó, năm chiếc trực thăng lén bay vòng quan sát xung quanh bệnh viện, rồi từng chiếc bắt đầu bắn hỏa tiễn ầm ầm xuống các cơ sở của ta. Tổ trinh sát do anh Huyến chỉ huy nhanh nhẹn lao qua cánh đồng, kết hợp với trận địa đại liên, bắn máy bay địch.
Trong bệnh viện, việc sẵn sàng chiến đấu đã thành nếp. Tuy là đang lúc giặc càn, mỗi bộ phận đều có việc làm theo chức trách, súng đạn luôn luôn sẵn sàng bên mình. Nhất là công tác hậu cần nuôi dưỡng bệnh binh đã kết hợp chặt chẽ với công tác điều trị.
Anh Chung phó ban hậu cầu đã bắt đầu tung ra “thị trường” những cân thịt bò, thịt heo tươi. Thật là phấn khởi. Đã hơn bốn mươi ngày đêm chiến đấu và phục vụ thương bệnh binh mà đàn bò, đàn heo cả mấy chục con vẫn được giữ gìn, chăm sóc nuôi dưỡng tốt.
Anh Tư Ka chủ nhiệm hậu cần nói với anh Chung:
- Anh nhớ chỉ đạo các khoa dự trữ một số thịt nạc cho bệnh binh kiêng cữ mỡ, ăn lạt, có bệnh đái đường. Riêng đường sữa và bột trứng anh phải quản lý chặt chẽ để dành cho thương bệnh binh nặng và các cháu.
- Hàng này còn kha khá đó anh Tư, tôi sẽ trực tiếp quản lý chặt chẽ việc cấp phát – Chung trả lời và vui vẻ nói tiếp:
- Anh Tư à, trong cuộc chống càn này, ngành ta có mấy điểm nổi:
- Cơm nước cho thương bệnh binh, nhân viên, cán bộ bảo đảm ăn đều ngày ba bữa. Đặc biệt trong lúc tình hình diễn biến ác liệt, phức tạp thì anh Trần Bình, chính trị viên khoa ngoại một, luôn luôn có mặt trong các bữa ăn của anh em thương binh để theo dõi các chế độ ăn và kiểm tra các tiêu chuẩn ăn của bệnh nhân. Anh em thương binh phản ánh trách nhiệm tốt của cán bộ trong việc nuôi dưỡng anh em lúc khó khăn.
- Trong lúc đánh nhau vừa qua ở khoa nội 3, hậu cần ta đã huy động bốc vác hết kho gạo gần ba tấn cách mặt trận 500 mét.
- Đồng chí quản lý của khoa nội cán bộ nhận dư 10kg bột trứng đem trả lại cho hậu cần. Một hành động liêm khiết đáng được biểu dương trong lúc khó khăn. Ngược lại cũng có nơi, nhân bị địch đánh phá phi pháo, kê kích thêm thiệt hại của mình để có dôi thêm một số hàng.
Anh Chung lại báo tiếp :
- Anh Tư Cán viện phó vừa gởi thưởng cho ban ta một điếu thuốc lá thơm chiến lợi phẩm hiệu “Salem”.
Anh Tư Ka hỏi lại:
-Anh Chung! Anh có biết thuốc lá chiến lợi phẩm phân phối ra sao không? Vừa rồi anh em ta đánh nhau với địch thu được 2 bao thuốc 20 điếu, và giao cho ban y chánh ủy duyệt. Đây là tiêu chuẩn được cấp: thương bệnh binh nặng: nửa điếu, riêng anh Hoài Nam viện phó chủ nhiệm khoa ngoại đứng mổ liên tục mấy đêm liền được một điếu nguyên. Còn thành tích trong chiến đấu, tập thể tổ hoặc tiểu đội được thưởng từ hai đến ba điếu. Riêng ban ta được nguyên một điếu là có công lắm đấy! Nhưng rốt cuộc tôi chẳng được hơi nào – Anh Tư Ka nói xong cười ha hả khoái chí.
Bỗng một loạt AK nổ giòn đã cắt đứt câu chuyện của hai anh.
* * *
Một chiếc trực thăng tách ra khỏi đàn bay loạng choạng, nhưng nó tự điều chỉnh thăng bằng, lại đảo, rồi theo hướng Nam chuồn thẳng. Nó đã bị thương. Tổ trinh sát chưa kịp vượt qua được trảng lớn thì bầy trực thăng đã đến. Chỉ còn một con đường là phải bắn. Tổ trinh sát đã hành động chớp nhoáng rồi băng vào rừng. Một loạt đại liên của trận địa bắn máy bay nổ rền, mấy chiếc trực thăng tản ra vút lên cao. Chúng đảo vòng rộng và hết chiếc nọ đến chiếc kia thay nhau bắn hỏa tiễn xối xả vào khu rừng. Những khẩu AK của tổ trinh sát và trận địa “cao xạ” bắn trả quyết liệt. Cả khu rừng sống động hẳn lên. Khói đạn hỏa tiễn bay là là ngọn cây.
Mười lăm phút sau chiếc máy bay trinh sát chỉ điểm xuất hiện, bay rất cao. Mỗi lần nó nghiêng cánh là các trận địa pháo địch nhả đạn ầm ầm…
Mấy cô y tá đang giặt băng, gạc và áo quần bệnh nhân ở ngoài giếng tất cả chạy nhanh vào hầm trú ẩn, tiếng la thích thú, đứt quãng:
- Bắn trúng trực thăng! Bắn trúng trực thăng! Thế nào cũng rơi.
- Thôi, im đi mày. Ngồi nhích vào bên trong hầm cho người ta chen vào, pháo rớt đến không lo – Một cô y tá khác bực dọc nói.
Các cô ngồi im lặng, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch. Bên ngoài đạn pháo vẫn nổ ì ầm…
Mười một giờ trưa, một tốp 4 máy bay phản lực 105 Mỹ xuất hiện từ hướng Nam, lao vun vút vào khu vực bệnh viện quần một vòng và nối đuôi nhau từng chiếc một bổ nhào xuống mục tiêu theo lệnh chỉ điểm của chiếc máy bay trinh sát. Tiếng bom nổ rền vang trong nắng trưa oi bức. Tập trung đánh phá là khu vực viện bộ, nơi đã bệnh viện bắn bị thương chiếc máy bay trực thăng. Chúng nó thả bom theo đúng quy luật: cứ nửa giờ có bốn chiếc máy bay phản lực lên khi thì loại F.105, lúc thì loại A.37. Động tác đầu tiên là chúng quần một vòng rộng rồi bổ nhào, lại kéo nhau về, rồi lại lên ném bom. Xen vào thời gian khi các tốp phản lực về, đến lượt các loại pháo và trực thăng nã đạn… và cũng xung quanh khu vực viện bộ. Cái mảnh đất chỉ có chiều dài 500 mét, rộng 300 mét phải hứng bom đạn suốt hơn bốn giờ đồng hồ! Cuối cùng, Mỹ giàu, Mỹ mạnh, bom đạn nhiều nhưng cũng có giới hạn. Giờ này chắc bộ chỉ huy càn quét Hoa Kỳ chắc mẩm rằng chúng đã dìm ta trong bể máu. “Việt Cộng” bị nện đòn nên thân. Bốn giờ rưỡi chiều chúng mới ngưng hẳn.
Suốt một tháng địch bao vây đánh phá ác liệt, nhưng chưa tiêu diệt được cái bệnh viên nhỏ bé, đụng vào hướng nào cũng bị đánh trả quyết liệt. Một số người nào đó lúc đầu không tin là ta đánh được, dao động, hững hờ cũng liều nhắm mắt đưa chân… nay cũng sáng mắt… “À thế ra ta cũng trụ được và đánh được”.
Gặp nhau trên miệng hầm, anh Ba Nhân nói với anh Tư Bình:
- Đúng hôm nay là mưa bom, giông hỏa tiễn đó anh Tư! Mỹ cay cú vì mấy chiếc trưc thăng rơi lắm đó.
- Chắc chúng nó còn ném bom đều đều đó anh Ba à! Rồi anh xem, đâu cũng vào đấy cả.
- Có mấy trái bom nổ gần hầm, bụi cát đổ ào ào xuống hầm làm khó thở. Tôi tranh thủ lúc nó giãn thả bom, chạy lại miệng hầm thở một hồi cho đỡ mệt.
- Tôi cũng vậy anh Ba. Có lúc chấn động của bom pháo quá mạnh, người tôi muốn tung lên, đầu nhức nhối ê ẩm.
- Anh Ba nghỉ một lúc cho khỏe, tôi chạy qua ban xét nghiệm xem thế nào, bên ấy bị đánh bom nặng đấy! Có gì về tôi trao đổi với anh sau.
*
Khu vực viện bộ vừa bị phi pháo đánh phá. Một cảnh tượng trống trơn phơi bày trên mặt đất. Bao nhiêu nhà cửa còn lại sau đợt bom B.52 trước, nay bay sạch hết, còn trơ lại trên mặt đất là hầm và nền nhà. Cây ngã chồng chéo nhau cản cả lối đi. Lưa thưa còn một số bụi le xanh uốn dẻo trước gió chiều. Số cây le bị phát đứt cành, nhưng còn gốc bám chặt trong đất. Hố bom rải rác đó đây không biết bao nhiêu. Nay mai mưa to, những hố bom ấy trở thành nguồn dự trữ nước ngọt, cá, ếch, nhái có điều kiện sinh sống, phát triển…
Ban xét nghiệm, nơi bị “ăn” bom pháo nhiều nhất. Anh Vinh trưởng ban xét nghiệm đang hò hét nhân viên dọn dẹp nhà cửa sau vụ bom pháo.
Thấy các anh lãnh đạo tới thăm, anh Vinh không vui, có cái gì đó còn ấm ức trong lòng. Anh phân trần:
- Báo cáo chánh ủy! Trinh sát bắn máy bay sát nhà “chúng em” như thế này có ngày chết tiệt hết!
Mấy cậu thanh niên đang lom khom dọn dẹp ở các nền nhà gần đó lên tiếng: - Bắn như thế nên dẹp mấy ông trinh sát còn hơn! Bắn báo hại!
Anh Bình cố gắng nghe hết mọi sự tố khổ, thắc mắc của ban xét nghiệm đối với đội trinh sát. Anh nghĩ bụng: lại phải làm trọng tài phân xử đây!
Anh Bình tự nhủ: nếu có gì sơ suất trong việc bắn máy bay là do phần lỗi của chúng ta. Tình huống này mình phải gánh chịu thuyết phục anh em. Một số lời qua tiếng lại trách móc nhau là tất nhiên. Với giọng chậm rãi, có tính toán và cân nhắc, anh Bình tươi cười:
- Nè anh Vinh! Qua vụ bom pháo chắc anh chị em ta không sao cả phải không?
- Báo cáo anh Tư – Anh Vinh dịu giọng - May mắn tất cả anh chị em đều an toàn. Ngoài ra phương tiện làm việc không có bị hư hỏng gì cả. Anh Vinh trả lời có vẻ tự hào, như ban của mình vừa lập được thành tích.
- Rất tốt, đáng phấn khởi đấy! “ông bà phù hộ chúng ta”, nói như anh Ba Để, anh nuôi trưởng của khoa nội cán bộ đã hai lần bị bom B.52 vùi mà không chết. Thật là bom tránh người… Ở đây cũng vậy, các anh “tốt số, mạng lớn lắm” – Anh Bình vừa nói vừa cười vui vẻ như không có việc gì xảy ra.
Nhưng vẫn chưa hết ấm ức về tổ trinh sát, anh Vinh gợi lại:
- Anh Tư xem! Bắn gì mà bắn ác vậy! Đem sát nhà người ta mà bắn máy bay.
Rất bình tĩnh, anh Bình nói tiếp:
- Anh Vinh nè! Giờ đây anh em chúng mình tính sổ xem xem ai được ai mất qua mấy vụ đánh bom pháo của Mỹ? Tôi tính nhé: tính trung bình bom thả suốt 4 giờ liền. Mỗi giờ 2 đợt cả thảy 8 đợt. Mỗi đợt thả là 4 chiếc. Mỗi chiếc mang 4 trái
bom. Mỗi trái bom nặng trung bình 250kg. Như vậy mỗi máy bay phản lực mang một tấn bom. Vậy 32 lượt chiếc là 32 tấn. Pháo bắn cứ lấy trung bình 50kg một trái. Mỗi giờ chúng bắn 2 đợt, mỗi đợt bắn 100 trái, tính chung lại mỗi giờ chúng bắn 10 tấn pháo. Đây là tôi lấy con số ít nhất, còn địch bắn như thế nào chắc các anh nghe rõ cả. Như vậy về pháo, nếu tính cứ mỗi giờ chúng bắn 10 tấn thì trong 4 giờ là 40 tấn. Chúng ta không tính các loại hỏa tiễn của trực thăng.
Mỹ đã dùng 32 tấn bom và 40 tấn đạn pháo là 72 tấn bom pháo để đánh xung quanh viện bộ. Rõ ràng Mỹ đã đổ xuống mảnh đất nhỏ này 72 tấn bom pháo để đổi lấy cái gì? Làm nhụt khí thế của ta chăng? Không! Anh chị em ta càng được tôi luyện trong lửa đạn lại càng vững vàng hơn… Không khí nhộn nhịp của ban xét nghiệm sau vụ bom pháo đã thể hiện rõ điều đó. Anh chị em ta vẫn vui vẻ sắp xếp, dọn dẹp lại nhà cửa – Anh Bình ngừng một lúc để mọi người suy nghĩ, nhất là anh theo sát diễn biến của anh Vinh. Im lặng – Anh Bình lại nói tiếp:
- Nầy nhé anh Vinh! Người của các anh còn trọn vẹn. Đó là điều đáng phấn khởi nhất. Dụng cụ, máy móc, phương tiện chuyên môn cũng còn nguyên xi. Tóm lại, Mỹ đem 72 tấn bom pháo để không đụng đến cái chân lông của các anh! Thế thì trong tình hình cụ thể này của ban xét nghiệm phải nói một cách khẳng định là ta được, Mỹ thua. Hay là ta thắng thêm một keo nữa, Mỹ thua thiệt nhục nhã. Còn mấy cái nhà còn lại của anh em sau đợt B.52 trước, nay bom pháo nó “mời” đi luôn cũng được thôi. Có điều kiện sau này ta xây dựng lại, cũng cây rừng, lá rừng, tốn công sức một chút thôi là sẽ có cơ ngơi mới thôi! – Đến đây anh Bình hỏi thẳng anh Vinh:
- Điểm này các anh có tạm nhất trí được chưa? Nhất là ông bạn Vinh?
Anh Vinh nghe cũng tạm xuôi tai nên nhếch mép cười, nhưng cũng gượng phản kích nhẹ nhàng:
- Nhưng… thưa anh Tư! Các anh nên cho anh em trinh sát bắn thế nào… Anh Bình vẫn kiên trì phân tích:
- Nói thật vừa rồi cả viện bộ đều bị oanh tạc. Anh Vinh thử qua xem chỗ ở của chúng tôi cũng không còn “manh giáp”. Thế thì có riêng gì ban của anh bị thiệt hại đâu. Nhưng cũng phải nói sòng phẳng với nhau rằng các anh bị thiệt hại nặng hơn, lãnh bom pháo nhiều hơn… Một điều đáng mừng là cả viện bộ còn sống! Đó là một thắng lợi rất lớn.
Anh Cán cũng được dịp góp luôn:
- Anh Tư giải thích chí lý. Đúng, phải nói mình được, Mỹ thua thiệt. Tôi nghĩ anh Vinh còn đem kịp hai cái kính hiển vi và thùng hóa chất xuống hầm là tốt quá!
Anh Tư Ka bổ sung:
- Ngay cả gạo, nồi niêu soong chảo của các anh cũng còn nguyên vẹn. Như vậy anh Vinh đều có chuẩn bị đối phó trước với phản ứng của địch. À còn con dao xắt thịt văng ở gốc cây khô kia - Anh Tư Ka vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài gốc cây.
Được phân tích rõ lý lẽ và cũng được kịp thời biểu dương mặt tốt, anh Vinh lúc này mặt hớn hở chỉ còn gãi đầu, gãi tai, xoa trán có vẻ ân hận về sự nóng nảy vội vàng của mình lúc ban đầu. Quay sang anh Tư Ka, anh Vinh nói nhỏ nhẹ:
- Đề nghị các anh giáo dục kỹ thêm anh em bắn máy bay! Anh Bình nghiêm nghị:
- Các anh biết đó, viện đang phát động một đợt bắn máy bay thấp trong toàn bệnh viện. Anh em trinh sát ta dám bắn là rất tốt. Chỉ còn uốn nắn cách bắn như thế nào cho có lợi nhất và đã bắn là phải dũng cảm, bình tĩnh, nhắm kỹ, bắn trúng. Không nên vội quy cho anh em thế này thế khác, họ cụt hứng hết dám làm gì cả. Anh Vinh phải giáo dục thuyết phục anh chị em trong ban xét nghiệm đánh giá lại đúng thực chất sự việc xảy ra hôm nay ở ban xét nghiệm thì mới có cơ sở vững chắc và tin tưởng ở thắng lợi được. Chính trong đợt phát động bắn máy bay thấp, các chiến sĩ của ban anh phải cũng lập công chứ! Lúc nãy có cậu nào nổi nóng nói bừa đòi dẹp đội trinh sát, bắn báo hại là không đúng đâu.
- Cậu Tứ có lúc ưa nói bừa, nhưng bảo đi trinh sát là gan cùng mình đó anh Tư!
- À ra thế! Như vậy cậu Tứ là thanh niên tốt đấy, chỉ có cái tật ưa nói ào ào.