vực khoa nội và xung quanh viện bộ.
Ánh sáng trắng loé lên phá vỡ bóng đêm, tiếp theo những tiếng nổ long trời lở đất, làm rung động ầm ầm khu rừng.
Nhưng đáp số luôn luôn ngược lại ý muốn chủ quan của địch. Lực lượng của ta vẫn bám chắc ở các công sự không ai bị thiệt hại gì cả.
Mười giờ sáng ngày hôm ấy, 10 trực thăng đổ quân cách khoa nội 3 khoảng 3km kết hợp với số quân ở chốt Kraviêng kéo vào án ngữ một số khu đồi xung quanh làm bàn đạp tấn công vào bệnh viện.
Cũng từ ngày ấy trinh sát của ta bung ra bám trụ đánh phá tiêu hao địch lên tục ngày cũng như đêm.
Đặc biệt có một tổ trinh sát của bệnh viện do anh Mừng, cán bộ bảo vệ của viện làm tổ trưởng, đã rơi vào ổ phục kích địch ở trên đồi. Các anh đã bình tĩnh nhanh chóng lợi dụng được công sự của địch bỏ lại của lần đột kích trước, kiên cường chiến đấu rất anh dũng đẩy lùi được bốn đợt xung phong, diệt 10 tên, đánh hỏng một trung liên của địch và đã thoát về căn cứ an toàn.
Anh Mừng kể lại rất say sưa và tự hào:
- Chúng tôi đang đi trên điểm cao tìm địch, mắt bị chói nắng ban trưa. Chưa kịp quan sát xung quanh thì một loạt trung liên của địch nổ cành… cành… Đạn bay vèo vèo qua đầu. Tôi thoáng nghĩ: bị phục kích rồi! Nhanh như chớp chúng tôi ngã lăn ra đất, lăn mấy vòng đến công sự kế bên. Tiểu liên địch nổ tiếp theo rào rào. Tôi thét to: Bắn! Không hiểu sao lúc bấy giờ tôi bình tĩnh thế! Cả tổ đã trấn tĩnh. Chúng tôi nổ súng bắn trả địch. Tôi liếc xem đồng hồ. Lúc này là mười hai giờ rưỡi trưa. Tôi nghĩ bụng hơi lo vì thời gian còn dài. Bọn địch nghĩ chắc rằng sẽ “lấy họng” hết chúng tôi. Đợt xung phong thứ nhất của chúng với cả tiểu đội ồ ạt phóng lên, có trung liên bắn yểm trợ, đạn réo vù vù. Tức thời hai trái lựu đạn của Thư và Khói tung ra quật ngã 5 tên. Tôi bồi thêm một loạt AK. Chúng hoảng hốt tản ra, lùi nằm lại. Tôi trao đổi chớp nhoáng với hai đồng đội:
- Vững tâm chiến đâu, mình chiếm cao điểm. Còn tám trái lựu đạn đủ sức chơi.
Đợt xung phong thứ hai và thứ ba của địch càng quyết liệt nhưng vô hiệu quả. Bọn phía sau lục tục kéo lên hỗ trợ cho số địch còn nằm chết dí tại chỗ và để kéo xác bọn chết và bị thương.
Ba giờ ba mươi phút chiều, địch mở đợt xung phong thứ tư quyết định “số phận” của chúng tôi! Lần này có cả đạn M.79 và M.72 loại phá công sự, khoảng cách giữa địch và chúng tôi có lúc chỉ còn 20 mét. Pháo đạn địch nổ ầm ầm đinh
tai, nhức óc. Khói mù che lấp cả khu vực công sự. Im lặng, chúng tôi đợi chờ… Khói vừa tan, địch hô xung phong vang dội và ào ào lao lên… Ba trái lựu đạn từ trong công sự của chúng tôi lần lượt vụt ra nổ đoàng… đoàng… tiếp theo là các khẩu AK quạt rất mãnh liệt vào bọn địch. Chúng bật nhào trở lại như va vào vách tường, kêu la inh ỏi. Sau đó lợi dụng khói mù và địch đang quằn quại trước công sự, chúng tôi rút khỏi vòng vây, lao nhanh như cơn lốc xuống khu đồi và tạt vào rừng trở về căn cứ an toàn. Mặt mày chân tay đen thui thủi vì khói đạn.
Anh Thư, tổ viên bổ sung:
- Lần đầu tiên bị phục kích, tôi hoang mang. Lúc lăn vào công sự, tôi nghĩ bụng: Chắc cũng bị sứt đầu mẻ trán chi đây. Nhưng rờ rẫm khắp mình không thấy vết tích gì nên an tâm. Khi nghe anh Mừng thét to, tôi trấn tĩnh ngay.
Còn anh Khói tuy đã quen với súng đạn nhưng lúc đó anh cũng thấy rối bời. Anh đã hạ quyết tâm dứt khoát: Nếu chúng nó ập đến ngay chỉ còn nước đánh xáp lá cà, chết bỏ! Và anh khen sự tỉnh táo của anh Mừng, giá không có ảnh xử trí kịp thời chắc sẽ rối rắm lắm.
* * *
Qua ba ngày đêm ta và địch quần nhau như hai võ sĩ đánh trên vũ đài. Hết đánh nhau trong căn cứ khoa nội 3 lại đánh nhau trên các đồi, rồi lại quần ngoài trảng. Phi pháo địch đánh phá không ngớt cả ngày lẫn đêm. Khu rừng lúc nào cũng rền vang tiếng nổ của bom pháo. Đất đá bị cày xới tung tóe hết khu vực này đến khu vực khác. Các tổ cứu thương, lựu đạn móc ở thắt lưng, tay giữ chặt túi thuốc cấp cứu mang dấu hiệu “chữ thập đỏ”. Các cô y tá sẵn sàng lao vào những tình huống bất trắc.
Thông thường, ban ngày khoảng 8 giờ sáng, sau khi pháo bắn cấp tập 15 phút, kết hợp với trực thăng nã rốc két vào khoa nội 3 thì địch bắt đầu tấn công ồ ạt, có nhiều mũi, nhiều hướng nhưng cũng không chọc được tuyến phòng ngự kiên cường của ta. Sau đó, máy bay phản lực Mỹ lại lục tục kéo đến thả bom, bắn phá để yểm trợ bọn bộ binh, chưa kể pháo các loại ở các chốt xung quanh lúc nào cũng can thiệp mạnh mẽ.
Ngày thứ ba, do nắm được quy luật đánh phá của địch, ta sử dụng một đại đội tăng cường B.40, B.41 bung mạnh ra phản công ở cánh trái của địch, khi nắm chắc chúng sắp mở đợt đánh phá. Anh Lĩnh tiểu đoàn phó làm nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng lực lượng bạn, chỉ huy trực tiếp lực lượng hỗn hợp ta và bạn. Anh cho tập trung B.40, B.41 và trung liên đột phá mạnh vào sườn địch. Bị đánh bất ngờ và bị hỏa lực mạnh của ta áp đảo, địch rối loạn hàng ngũ, buộc lật đật tìm cánh chống đỡ, bị động và rút chạy hỗn loạn ra trảng. Ta truy mạnh theo. Trực thăng kịp thời lên ủng hộ chúng. Ra đồng trống, ở thế bất lợi, ta buộc phải chuyển về bám chắc công sự chờ thời cơ mới. Địch chết và bị thương 15 tên.
Về đêm, không để địch yên thân, ta sử dụng đại đội đặc công kết hợp với trinh sát của viện đưa đường, tập kích vào sở chỉ huy và các ụ đại liên địch.
Lúc này giá như không có lực lượng của bạn chi viện kịp thời thì tình thế của bệnh viện khó lường hết được những khó khăn.
Để đối phó từ 9 giờ đêm đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, địch sử dụng pháo đủ cỡ, kể cả pháo 175 tầm xa ở hướng Nam bắn phá ác liệt vào khu vực bệnh viện. Đặc biệt lần này địch sử dụng loại pháo “lủi”. Trái pháo rơi đến mục tiêu, chui sâu xuống mặt đất rồi nổ ngầm. Nếu hầm nằm trong phạm vi rơi của trái pháo thì người trong hầm chết ngay vì sức ép, thân mình mềm như trái chuối.
Đã đến lúc sắp thua, Mỹ sử dụng không từ bất kỳ loại vũ khí độc ác nào để đối phó lại, xung quanh hầm, anh chị em tấn thêm cây to làm là chắn.
MẠNH TAY HAY… BÓ TAY