Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển kinh tế trang trại

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình trang trại nuôi lợn gia công của ông phan thanh long xã phúc thuận, thị xã phổ yên, tỉnh thái nguyên (Trang 25 - 27)

*Chính sách đất đai

Để tiếp tục khuyến khích những người nông dân làm ăn giỏi khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và thực sự có đủ điều kiện về đất đai, hình thành nên các trang trại có quy mô diện tích đủ lớn, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các hộ nông dân làm ăn giỏi, các chủ trang trại phát triển sản xuất hàng hóa lớn, khai thác và sử dụng có hiệu quả các loại đất hoang hóa chưa sử dụng… theo định hướng quy hoạch chung của Tỉnh và từng địa phương.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện quyết liệt chủ trương "dồn điền đổi thửa”; Đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất chưa được cấp. Trên cở sở quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, các huyện, thị xã công bố công khai quỹ đất phát triển trang trại.

*Chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng cho kinh tế trang trại

Đối tượng là chủ trang trại được hưởng chính sách bảo lãnh tín dụng theo “Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng căn cứ vào mức bảo lãnh tín dụng của “Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” để cho các trang trại vay vốn.

Chủ trang trại được sử dụng bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp và các tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

*Chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế trang trại

Để phát triển kinh tế trang trại theo hướng chất lượng cao, cần đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và chuyên môn kỹ thuật cho các chủ trang trại và lao động trong trang trại. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân, Hiệp hội kinh tế trang trại Tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chủ trang trại, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ trang trại. Hình thức đào tạo phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực quản lý trang trại và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo từng loại hình và định hướng kinh doanh của trang trại. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn ngân sách địa phương và đóng góp của các chủ trang trại.

*Chính sách bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm của kinh tế trang trại

Tập trung điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở những nơi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các cơ sở chế biến nông sản; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thích hợp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Gắn tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường với các chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại, coi tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những điều kiện để thực hiện chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng trang trại.

*Chính sách thị trường

Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các chủ trang trại. Chính quyền Tỉnh và các huyện, thị xã, một mặt, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; mặt khác, tạo điều kiện và giúp chủ trang trại liên kết với nhau và ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm ổn định, lâu dài cho các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp chuyên tiêu thụ sản phẩm, giúp các chủ trang trại tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước.

Hàng năm, Tỉnh bố trí ngân sách và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội kinh tế trang trại, Hiệp hội các ngành hàng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ cho các chủ trang trại tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm kinh tế - kỹ thuật nông nghiệp trong và ngoài nước, giúp các chủ trang trại quảng bá sản phẩm, thương hiệu, giới thiệu nông sản hàng hóa chất lượng cao do các trang trại sản xuất.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình trang trại nuôi lợn gia công của ông phan thanh long xã phúc thuận, thị xã phổ yên, tỉnh thái nguyên (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w