Do chỉ tập trung nghiên cứu sự tác động của các CSTC đến hành vi QTLN tại các NHTM và cũng đồng thời kế thừa kết quả nghiên cứu từ các tác giả khác, sau khi
3
đã cân nhắc và chọn lọc ra các biến độc lập phù hợp nhất đối với điều kiện của Việt Nam, khóa luận đề xuất 6 biến độc lập mang tính đại diện là: quy mô ngân hàng (BSZ); đòn bẩy tài chính (LEV); tỷ suất sinh lời (ROE); tính thanh khoản (LIQ); lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh (OCF); và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP).
Quy mô ngân hàng (BSZ)
Tổng tài sản của một doanh nghiệp là thước đo thể hiện quy mô của doanh nghiệp đó. Phần lớn các kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp là ngân hàng và các doanh nghiệp phi tài chính) có tác động ngược chiều đến hành vi QTLN của NQL như nghiên cứu của Cornett và các cộng sự (2009), Kurawa và Saheed (2014), Swastika (2013), González và García-Meca (2014), Obasi và Eguasa (2016), và Mukherje và Pana (2019). Tuy nhiên, cũng có khá nhiều nghiên cứu như Alves (2012), Charfeddine, Riahi và Omri (2013), Utu và các cộng sự (2016), và Reyna (2018) lại cho rằng quy mô doanh nghiệp có tác động cùng chiều với hành vi QTLN, trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối quan hệ giữa hành vi QTLN và quy mô doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đề tài cho rằng quy mô của doanh nghiệp càng lớn chứng tỏ là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh càng hiệu quả, cùng với năng lực quản trị cũng như là năng lực tài chính tốt hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, và điều này là hợp lý cho cả các doanh nghiệp phi tài chính và các doanh nghiệp là ngân hàng. Do đó, các NQL tại các doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có xu hướng hạn chế thực hiện hành vi QTLN hơn so với các NQL tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Xuất phát từ lý do này và kết quả của các nghiên cứu trước, khóa luận đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H1: Quy mô ngân hàng tác động ngược chiều (tác động âm) đến hành vi QTLN.
Đòn bẩy tài chính (LEV)
Đòn bẩy tài chính phản ánh cơ cấu vốn của một doanh nghiệp, hay nói cách khác, đòn bẩy tài chính thể hiện sự liên kết giữa các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trong việc điều hành chính sách tài chính của doanh nghiệp. Các nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong kết luận về mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và hành vi QTLN của NQL, tuy vậy, các kết quả có phần nghiêng về kết luận
rằng đây là mối quan hệ đồng biến. Trong khi Cornett và các cộng sự (2009), Gombola và các cộng sự (2016), Moghaddam và Abbaspour (2017), và Reyna (2018) cho rằng đòn bẩy tài chính có tác động cùng chiều đến hành vi QTLN thì nghiên cứu của Utu và các cộng sự (2016), Oladipupo (2018) và Mukherje và Pana (2019) lại cho thấy kết quả ngược lại. Đề tài cho rằng đòn bẩy tài chính cao cho thấy năng lực tự chủ tài chính của doanh nghiệp còn yếu nên doanh nghiệp mới phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay từ các nguồn bên ngoài. Một mặt, điều này có thể xuất phát từ việc quản trị tài chính chưa tốt nên dẫn đến việc không thể tận dụng một cách tối ưu những nguồn vốn sẵn có mà phải vay thêm từ bên ngoài. Mặt khác, nhiều khả năng là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư mà nguyên nhân chủ yếu có thể bắt nguồn từ việc kết quả hoạt động kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, do đó dẫn đến việc phải vay thêm nợ để bù đắp cho những tổn thất. Tóm lại, đòn bẩy tài chính cao một phần nào đó cho thấy sự kém hiệu quả trong hoạt động các doanh nghiệp và do đó, các NQL sẽ có xu hướng thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn để cải thiện tình hình. Xuất phát từ lý do này và kết quả của các nghiên cứu trước, khóa luận đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H2: Đòn bẩy tài chính tác động cùng chiều đến hành vi QTLN.
Tỷ suất sinh lời (ROE)
Đề tài sử dụng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu – ROE làm đại diện cho biến độc lập là tỷ suất sinh lời, ROE càng cao cho thấy việc sử dụng vốn của doanh nghiệp càng có hiệu quả. Đa phần các nghiên cứu cho rằng tỷ suất sinh lời có tác động cùng chiều đến hành vi QTLN, điển hình như các nghiên cứu của Usman và Yero (2012), González và García-Meca (2014), Reyna (2018), và Amir các cộng sự (2019). Tuy nhiên, một số ít các nghiên cứu như Nguyễn Tuấn Huy (2016), Mukherje và Pana (2019), và Saona và các cộng sự (2019) lại đưa ra kết luận ngược lại về mối quan hệ giữa tỷ suất sinh lời và hành vi QTLN. Đề tài cho rằng một trong những yếu tố góp phần mang lại một kết quả kinh doanh tốt xuất phát từ sự chặt chẽ và hiệu quả của cơ chế quản trị doanh nghiệp và cơ chế giám sát. Các NQL sẽ ít có cơ hội lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế quản lý để thực hiện hành vi QTLN nhằm mục tiêu trục lợi cá nhân nếu như cơ chế quản trị và kiểm soát nội bộ của ngân hàng đạt hiệu quả. Hơn nữa, các ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư
cũng như là các cơ quan giám sát, cơ quan thuế nên sẽ có xu hướng hạn chế thực hiện hành vi QTLN hơn. Xuất phát từ lý do trên và kế thừa kết quả của một số nghiên cứu trước, đề tài đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H3: Tỷ suất sinh lời có tác động ngược chiều đến hành vi QTLN
Tính thanh khoản (LIQ)
Tính thanh khoản thể hiện khả năng của một doanh nghiệp trong việc đáp ứng các nghĩa vụ nợ đến hạn hoặc ngắn hạn thông qua tiền hoặc các tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền. Có rất ít nghiên cứu trên thế giới xem xét mối quan hệ giữa chỉ tiêu thanh khoản và hành vi QTLN của NQL, tuy nhiên, đề tài vẫn tiến hành xem xét nhân tố này do với đặc thù hoạt động của các NHTM, tính thanh khoản của một ngân hàng là yếu tố rất quan trọng. Tính thanh khoản cao cho thấy sức khỏe tài chính của ngân hàng là ổn định và ngược lại, mất thanh khoản có thể nhanh chóng đẩy một ngân hàng đến bờ vực phá sản. Có thể thấy rằng với lĩnh vực kinh doanh ngân hàng thì đây là một yếu tố đặc biệt nhạy cảm. Moghaddam và Abbaspour (2017) và Mukherjee và Pana (2019) cho rằng NQL tại các NHTM thanh khoản thấp có xu hướng thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn nhằm che dấu sự yếu kém trong quản trị và kết quả hoạt động. Tuy nhiên, Gombola và các cộng sự (2016) và Haq và các cộng sự (2019) lại cho rằng tính thanh khoản có tác động ngược chiều đến hành vi QTLN tại các NHTM do đa phần các NHTM thanh khoản cao có cơ chế quản lý tài chính tốt và hoạt động có hiệu quả hơn. Vì vậy, các NQL tại các NHTM có tính thanh khoản cao sẽ ít có động cơ để thực hiện hành vi QTLN. Đồng thuận với ý kiến này, đề tài đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H4: Tính thanh khoản có tác động ngước chiều đến hành vi QTLN.
Lưu chuyển tiền tệ từ kết quả hoạt động kinh doanh (OCF)
Theo Ngô Kim Phượng và Lê Hoàng Vinh (2018), lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh là dòng tiền thu vào – chi ra liên quan đến hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Đây là dòng tiền quan trọng nhất vì nó thể hiện khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh nội tại của doanh nghiệp, do đó, mặc dù chỉ có một nghiên cứu của Moghaddam và Abbaspour (2017) với đối tượng nghiên cứu là các NHTM có đề cập đến mối quan hệ của nhân tố này với hành vi QTLN, đề tài vẫn tiến hành đưa yếu tố này vào mô hình nghiên cứu với kỳ vọng rằng lưu chuyển tiền tệ từ
hoạt động kinh doanh có mối quan hệ ngược chiều với biến phụ thuộc. Đề tài cho rằng lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh cao chứng tỏ năng lực nội tại của ngân hàng là vững mạnh và do đó, NQL sẽ có ít động cơ để thực hiện hành vi QTLN. Theo đó, đề tài đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H5: Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh có tác động ngước chiều đến hành vi QTLN.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP)
Theo Nguyễn Thị Loan (2017), dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập và ghi nhận vào chi phí trong kỳ để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của ngân hàng không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về mối quan hệ giữa hành vi QTLN và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kết quả nghiên cứu của Abaoub và các cộng sự (2013) cho thấy một mối quan hệ ngược chiều thì Soliman (2019) lại cho thấy kết quả ngược lại. Đề tài cho rằng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao là dấu hiệu cho thấy sự kém hiệu quả trong hoạt động quản trị tài chính của ngân hàng và ngân hàng đang phải đối mặt với rủi ro tín dụng cao. Vì vậy, với mục tiêu làm đẹp thông tin BCTC để gia tăng giá trị doanh nghiệp và đạt được các lợi ích khác, các NQL tại các NHTM đang đối mặt với rủi ro tín dụng cao sẽ có nhiều động cơ hơn để thực hiện hành vi QTLN. Xuất phát từ lý do này, đề tài đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H6: Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có tác động cùng chiều đến hành vi QTLN.