Qua kết quả nghiên cứu trên, có tất cả 3 biến là tỷ suất sinh lời (ROE); tính thanh khoản (LIQ) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP) có tác động đến biến phụ thuộc là hành vi QTLN tại các NHTM Cổ phần Việt Nam. Trong đó, biến tỷ suất sinh lời (ROE) và tính thanh khoản (LIQ) có tác động ngược chiều, biến còn lại là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP) có tác động cùng chiều đến biến phụ thuộc, cụ thể như sau:
Tỷ suất sinh lời (ROE)
Hệ số của biến tỷ suất sinh lời (ROE) nhỏ hơn 0 cho thấy biến này có tác động trái chiều đến hành vi QTLN của các NQL tại các NHTM. Điều này cho thấy rằng khi ngân hàng hoạt động kinh doanh càng có hiệu quả thì các NQL sẽ có ít động cơ để thực hiện hành vi QTLN hơn. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Tuấn Huy (2016), Mukherje và Pana (2019), và Saona và các cộng sự (2019). Để lý giải cho sự khác biệt này, có thể thấy rằng một trong những yếu tố góp phần mang lại một kết quả kinh doanh tốt xuất phát từ sự chặt chẽ và hiệu quả của cơ chế quản trị doanh nghiệp và cơ chế giám sát. Như đã bàn luận ở phần đầu tiên đối với biến quy mô ngân hàng, các NQL sẽ ít có cơ hội lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế quản lý để thực hiện hành vi QTLN nhằm mục tiêu trục lợi cá nhân nếu như cơ chế quản trị và kiểm soát nội bộ của ngân hàng đạt hiệu quả. Hơn nữa, các ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và các cơ quan giám sát, cơ quan thuế. Một mặt, với sự giám sát này, các NQL sẽ ít có cơ hội để thực hiện hành vi QTLN hơn. Mặt khác, với năng lực nội tại của ngân hàng vốn dĩ đã có thể đáp ứng được những kỳ vọng của thị trường về một kết quả kinh doanh tốt, các NQL sẽ không phải tốn thời gian để thực hiện hành vi QTLN nhằm gia tăng giá trị doanh nghiệp hay để cải thiện mức tiền thưởng được nhận trong kỳ.
Tính thanh khoản (LIQ)
Hệ số của biến tính thanh khoản (LIQ) nhỏ hơn 0 cho thấy mối quan hệ ngược chiều giữa biến này và hành vi QTLN tại các NHTM, hay nói cách khác, các NQL tại các NHTM có tính thanh khoản cao sẽ có xu hướng hạn chế thực hiện hành vi QTLN
hơn và ngược lại. Kết quả này là phù hợp với kỳ vọng dấu ban đầu và tương đồng với các nghiên cứu của Gombola và các cộng sự (2016) và Haq và các cộng sự (2019). Theo đó, các NHTM thanh khoản cao thường có cơ chế quản lý tài chính tốt và hoạt động có hiệu quả hơn. Điều này một phần là kết quả của sự hữu hiệu trong hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại NHTM đối với việc quản trị rủi ro và duy trì sức khỏe tài chính. Hơn nữa, với sự giám sát chặt chẽ này thì các NQL tại các NHTM thanh khoản cao cũng sẽ ít có cơ hội để thực hiện hành vi QTLN nhằm trục lợi cho mục đích cá nhân. Ngược lại, tính thanh khoản thấp là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy NHTM đang ở trong tình trạng khó khăn tài chính, do đó, NQL tại các NHTM thanh khoản thấp cũng có thể muốn thực hiện hành vi QTLN nhằm góp phần làm tăng giá trị doanh nghiệp, hay nói cách khác là các NQL cũng muốn tạo một hình ảnh tài chính đẹp để có thể thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư và góp phần nâng cao tiềm năng phát triển của ngân hàng trong tương lai (Tangjitprom, 2013).
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP)
Hệ số của biến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn 0 cho thấy biến này có tác động cùng chiều với biến phụ thuộc là hành vi QTLN tại các NHTM. Phù hợp với kỳ vọng dấu ban đầu và kết quả nghiên cứu của Soliman (2019), điều này cho thấy rằng các NQL sẽ thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng. Có thể thấy rằng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao chưa bao giờ là một tín hiệu tốt. Một ngân hàng có mức chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao là dấu hiệu cho thấy sự kém hiệu quả trong hoạt động quản trị tài chính và ngân hàng đó đang phải đối mặt với rủi ro tín dụng cao. Bên cạnh đó, việc gia tăng chi phí cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả lợi nhuận trong kỳ của ngân hàng. Qua những lý do này, bên cạnh những mục đích tư lợi riêng cho cá nhân, các NQL sẽ có xu hướng thực hiện hành vi QTLN với mong muốn cải thiện thông tin tài chính và gia tăng giá trị doanh nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của thị trường vốn và nắm bắt cơ hội phát triển ngân hàng trong tương lai.
Bảng 4.9 Tóm tắt kết quả nghiên cứu
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp.
Giả thuyết Kết quả nghiên cứu
H1: Quy mô ngân hàng càng lớn thì NQL tại các NHTM có xu
hướng ít thực hiện hành vi QTLN hơn. Không có ý nghĩa H2: Đòn bẩy tài chính càng lớn thì NQL tại các NHTM có xu
hướng thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận nhiều hơn. Không có ý nghĩa H3: Tỷ suất sinh lời càng cao thì NQL tại các NHTM có xu hướng
ít thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận hơn Có ý nghĩa (-) H4: Tính thanh khoản càng cao thì NQL tại các NHTM có xu
hướng ít thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận hơn Có ý nghĩa (-) H5: Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh càng cao thì NQL
tại các NHTM có xu hướng ít thực hiện hành vi QTLN hơn. Không có ý nghĩa H6: Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng càng cao thì NQL tại các
NHTM có xu hướng thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn. Có ý nghĩa (+)
Kết luận Chương 4
Chương 4 đã trình bày kết quả nghiên cứu thông qua các mô hình hồi quy OLS, FEM, REM và FGLS. Thông qua các kiểm định lựa chọn mô hình và kiểm định khuyết tật mô hình về hiện tượng đa cộng tuyến, phương sai sai số thay đổi và tự tương quan, đề tài đã kết luận rằng mô hình FGLS là mô hình nghiên cứu phù hợp nhất. Kết quả hồi quy FGLS cho thấy có 3 nhân tố có ý nghĩa về mặt thống kê, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP) có tác động cùng chiều thì tỷ suất sinh lời (ROE) và tính thanh khoản (LIQ) có tác động ngược chiều đến hành vi QTLN. Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy rằng 3 biến này có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi QTLN tại các NHTM. Ngược lại, các biến còn lại là quy mô ngân hàng (BSZ), đòn bẩy tài chính (LEV) và lưu chuyển tiền từ kết quả hoạt động kinh doanh (OCF) không có ý nghĩa về mặt thống kê.
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH 5.1 Kết luận nghiên cứu
Những thông tin trên Báo cáo thường niên nói chung và Báo cáo tài chính nói riêng giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp với các đối tượng sử dụng thông tin. Vì vậy, mức độ chính xác của các thông tin được công bố có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định tài chính của những bên liên quan. Cũng chính vì lý do này, các thông tin tài chính thường bị tác động bởi các đối tượng có khả năng nhằm thao túng hành vi của thị trường theo mục tiêu chủ quan của mình. Trong số các chỉ tiêu tài chính quan trọng, lợi nhuận là chỉ tiêu được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất và cũng là chỉ tiêu có xu hướng bị bóp méo nhiều nhất. Sự thao túng này còn được biết đến với tên gọi là “hành vi quản trị lợi nhuận” và đây cũng là một trong những chủ đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Trên cơ sở kế thừa mô hình đo lường biến QTLN của Shen (2016) thông qua biến rủi ro có điều chỉnh tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đề tài đã tiến hành nghiên cứu mẫu của 14 NHTM Cổ phần Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 để tìm hiểu sự tác động của 6 biến CSTC là quy mô ngân hàng, đòn bẩy tài chính, tỷ suất sinh lời, tính thanh khoản, lưu chuyển tiền từ kết quả hoạt động kinh doanh và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đến hành vi QTLN tại các NHTM. Kết quả hồi quy OLS cho thấy có 3 nhân tố có ý nghĩa về mặt thống kê là tỷ suất sinh lời (ROE), tính thanh khoản (LIQ) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP). Trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (LLP) có tác động cùng chiều thì tỷ suất sinh lời (ROE) và tính thanh khoản (LIQ) có tác động ngược chiều đến hành vi QTLN. Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy rằng 3 biến này có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi QTLN tại các NHTM. Ngược lại, các biến còn lại là quy mô ngân hàng (BSZ), đòn bẩy tài chính (LEV) và lưu chuyển tiền từ kết quả hoạt động kinh doanh (OCF) không có ý nghĩa về mặt thống kê.
5.2 Gợi ý chính sách
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước, các NHTM và các nhà đầu tư trong việc nhận diện và hạn chế hành vi QTLN tại các NHTM như sau:
5.2.1 Gợi ý chính sách cho Ngân hàng Nhà nước
Đối với tỷ suất sinh lời, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ suất sinh lời thấp là một trong những động cơ thúc đẩy các NQL tại các NHTM thực hiện hành vi QTLN. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến các ngân hàng có tỷ suất sinh lời thấp liên tục qua các năm. Nguyên nhân là do những ngân hàng này đa phần chưa đạt được hiệu quả cao trong công tác quản lý, công tác lên kế hoạch và giám sát nên mới dẫn đến sự kém hiệu quả trong hoạt động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nên tạo điều kiện nhiều hơn về cơ chế chính sách để hỗ trợ các ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả trong việc cải thiện tình hình.
Đối với tính thanh khoản, kết quả nghiên cứu cho thấy những NHTM có tính thanh khoản cao sẽ có xu hướng hạn chế thực hiện hành vi QTLN hơn và ngược lại. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có những biện pháp nghiêm khắc để đảm bảo các NHTM tuân thủ những giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, chẳng hạn như tổ chức thanh tra định kỳ và đặt ra những hình thức chế tài phù hợp để có thể kiểm soát hoạt động của các NHTM.
Đối với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, theo kết quả nghiên cứu, NQL tại các ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao sẽ có xu hướng thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn hay nói cách khác, các NQL sẽ thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn khi rủi ro tín dụng của ngân hàng gia tăng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên tổ chức thanh tra, giám sát và có những biện pháp chế tài hợp lý để đảm bảo các NHTM tuân thủ theo hạn mức cấp tín dụng cũng như là những chỉ tiêu an toàn trong hoạt động khác. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thiết lập những quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát rủi ro tín dụng và đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ để các NHTM có thể giải quyết được những khoản nợ xấu.
5.2.2 Gợi ý chính sách cho các NHTM
Trước hết, NQL tại các NHTM cần nâng cao nhận thức của mình và có tầm nhìn dài hạn hơn để tránh thực hiện hành vi QTLN. Do thực hiện hành vi này chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn nhưng hậu quả của nó có thể kéo dài trong nhiều năm và quan trọng nhất là sẽ gây tổn hại đến uy tín của NHTM. Cùng với việc này, HĐQT tại các NHTM có thể cân nhắc một số chính sách gợi ý như sau để hạn chế hành vi QTLN của các NQL:
Để gia tăng hiệu quả hoạt động, trước hết, HĐQT tại các NHTM cần thiết lập một cơ chế giám sát, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ có hiệu quả để có thể kiểm soát tốt quá trình hoạt động và đảm bảo NHTM đạt được các mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Theo đó, việc tham khảo các khung kiểm soát, kiểm toán nội bộ quốc tế như COSO và BASEL cùng với những hướng dẫn cụ thể trong Thông tư 13/2018/TT- NHNN (được sửa đổi bởi Thông tư 40/2018/TT-NHNN) có thể được xem là một cơ sở để thiết lập và đánh giá cơ chế quản lý nội bộ của các NHTM. Bên cạnh đó, để gia tăng thu nhập, các NHTM cần tăng cường khảo sát thị trường để phát triển các sản phẩm của mình nhằm đáp ứng với các nhu cầu ngày một đa dạng của khách hàng. Hơn nữa, các NHTM cũng nên không ngừng tìm cách nâng cao chất lượng của các dịch vụ hiện tại để mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng.
Để cải thiện tính thanh khoản, HĐQT tại các NHTM cần xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để điều phối hoạt động giữa bộ phận huy động vốn, bộ phận cấp tín dụng và bộ phận quản trị thanh khoản. Theo đó, những thông tin mới nhất về tình hình tài chính của khách hàng cần được truyền tải kịp thời để NHTM có thể chuẩn bị trước cho khả năng khách hàng rút tiền trước ngày đáo hạn. Điều này cho phép NHTM hoạch định đón đầu để xử lý hiệu quả hơn phần thanh khoản thâm hụt có khả năng xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, NHTM cũng nên thực hiện những chương trình khuyến mãi có kèm theo các ràng buộc nhằm hạn chế khả năng khách hàng rút tiền trước ngày đáo hạn. Bên cạnh đó, việc duy trì cơ chế đảm bảo an toàn và tuân thủ trong hoạt động cấp tín dụng cũng là một trong các yếu tố quan trọng để hạn chế rủi ro tổn thất tài chính cho NHTM.
Để giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, cũng tương tự như để gia tăng hiệu quả hoạt động, việc thiết lập một cơ chế kiểm soát nội bộ hữu hiệu là vô cùng cần thiết để có thể kiểm soát tốt rủi ro tín dụng. Theo đó, NHTM cần phải thường xuyên rà soát lại cơ chế quản lý tài chính, thực hiện phân loại nợ cụ thể theo từng tiêu chí đối với những khoản cho vay có nhiều rủi ro để có thể đánh giá chính xác và đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, việc xây dựng và duy trì một quy trình cho vay chặt chẽ cùng với việc thường xuyên tổ chức đào tạo cán bộ tín dụng về thẩm định khách hàng trước khi cho vay là rất cần thiết.
5
5.2.3 Gợi ý chính sách cho các nhà đầu tư
Các nhà đầu tư cần chú ý đến những ngân hàng có tỷ suất sinh lời thấp cũng như là các ngân hàng có tính thanh khoản thấp do có nhiều khả năng là kết quả lợi nhuận trong kỳ của những ngân hàng này đã bị tác động bởi các NQL với mục đích nhằm góp phần làm tăng giá trị doanh nghiệp. Hay nói cách khác, các NQL cũng muốn tạo một hình ảnh tài chính đẹp để có thể thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư và góp phần nâng cao tiềm năng phát triển của ngân hàng trong tương lai.
Tương tự, các nhà đầu tư cũng cần chú ý đến những ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, song song với việc kết hợp xem xét các giới hạn và chỉ tiêu an toàn khác để đảm bảo quyết định đầu tư của mình không gặp quá nhiều rủi ro.
Hơn nữa, các nhà đầu tư cần trang bị cho mình những kiến thức vững chắc về phân tích tài chính để có thể đưa ra những quyết định kinh tế phù hợp. Tránh tập trung sự quan tâm một cách phiến diện vào chỉ tiêu lợi nhuận mà thay vào đó cần kết hợp phân tích với nhiều nhân tố khác, kể cả những nhân tố phi tài chính như chất lượng dịch vụ và uy tín của ngân hàng để có thể nhận biết tiềm năng phát triển của ngân hàng đó.
5.3 Giới hạn của đề tài