Đối với tỷ suất sinh lời, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ suất sinh lời thấp là một trong những động cơ thúc đẩy các NQL tại các NHTM thực hiện hành vi QTLN. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến các ngân hàng có tỷ suất sinh lời thấp liên tục qua các năm. Nguyên nhân là do những ngân hàng này đa phần chưa đạt được hiệu quả cao trong công tác quản lý, công tác lên kế hoạch và giám sát nên mới dẫn đến sự kém hiệu quả trong hoạt động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nên tạo điều kiện nhiều hơn về cơ chế chính sách để hỗ trợ các ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả trong việc cải thiện tình hình.
Đối với tính thanh khoản, kết quả nghiên cứu cho thấy những NHTM có tính thanh khoản cao sẽ có xu hướng hạn chế thực hiện hành vi QTLN hơn và ngược lại. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có những biện pháp nghiêm khắc để đảm bảo các NHTM tuân thủ những giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, chẳng hạn như tổ chức thanh tra định kỳ và đặt ra những hình thức chế tài phù hợp để có thể kiểm soát hoạt động của các NHTM.
Đối với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, theo kết quả nghiên cứu, NQL tại các ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao sẽ có xu hướng thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn hay nói cách khác, các NQL sẽ thực hiện hành vi QTLN nhiều hơn khi rủi ro tín dụng của ngân hàng gia tăng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên tổ chức thanh tra, giám sát và có những biện pháp chế tài hợp lý để đảm bảo các NHTM tuân thủ theo hạn mức cấp tín dụng cũng như là những chỉ tiêu an toàn trong hoạt động khác. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thiết lập những quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát rủi ro tín dụng và đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ để các NHTM có thể giải quyết được những khoản nợ xấu.