MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu 1604 thực trạng và giải pháp xử lý nợ xấu tại sở giao dịch AGRIBANK luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 103)

3.3.1. Kiến nghị với Chính phủ

- Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ ngành liên quan phối hợp với NHNN ban hành quy định tháo gỡ khó khăn cho các NHTM trong quá trình xử lý Tài sản thế chấp như:

Chính phủ cần có những văn bản hướng dẫn đảm bảo quyền chủ động của Ngân hàng khi xử lý TSBĐ, cơ chế chính sách bảo vệ quyền lợi của người cho vay.

Trong giai đoạn hiện nay, đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc biệt cho phép NHTM hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với các tài sản thế chấp, nhất là bất động sản, cho phép và khuyến khích các hoạt động thu hồi nợ, tránh việc hình sự hóa của các cơ quan bảo vệ luật pháp vào các hoạt động này, có cơ chế về chính sách đấu giá, phát mại các tài sản cầm cố, thế chấp, cơ chế đặc biệt về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cơ chế phát mại tài sản, các thủ tục cấp phép liên quan đến việc phát mại tài sản.

Chính phủ cần ban hành cơ chế cho phép và khuyến khích các hoạt động thu hồi nợ ngoài Tòa án, linh hoạt trong việc thu hồi mua bán và khai thác tài sản xiết nợ tạo điều kiện pháp lý tốt cho các Công ty AMC chủ động trong việc phát mại tài sản và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.

- Hậu quả của gánh nặng nợ xấu không phải do Ngân hàng mà đây vốn là hậu quả của cơ cấu kinh tế không hợp lý, sự điều hành yếu kém của đại bộ phận doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cần tiến hành đẩy mạnh công tác đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước để

giúp Ngân hàng có điều kiện tiến hành thu nợ cũng như tạo nên khu vực kinh tế mới năng động hiệu quả hơn. Điều này tạo cơ hội mới để Ngân hàng có thể tăng cường đầu tư cho nền kinh tế và góp phần hạn chế nợ xấu.

- Chính phủ cần chỉ đạo thường xuyên và giao trách nhiệm cụ thể đối với các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Điều này sẽ giúp cho Ngân hàng có thể tiến hành nhanh quá trình xử lý nợ và hạn chế những chi phí phát sinh trong quá trình thu nợ.

3.3.2. Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước

NHNN đã rất quan tâm tới vấn đề xử lý nợ xấu của các Ngân hàng bằng việc đưa ra các văn bản hướng dẫn thực hiện việc xử lý nợ xấu. Để tạo điều kiện cho Ngân hàng thực hiện tốt hơn công việc xử lý nợ của mình NHNN cần:

3.3.2.1. Nâng cao chất lượng quản lý điều hành

Nâng cao vai trò định hướng trong quản lý và tư vấn cho các NHTM thông qua việc thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, đưa ra các nhận định và dự báo khách quan, mang tính khoa học, đặc biệt là liên quan đến hoạt động tín dụng.

Tiếp tục hoàn thiện quy chế cho vay, đảm bảo tiền vay trên cơ sở bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các NHTM, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các NHTM về việc tuân thủ quy chế cho vay và bảo đảm tiền vay, hạn chế bớt các thủ tục pháp lý phức tạp, gây khó khăn cho các NHTM.

NHNN cần phối hợp với các Bộ ngành có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thủ tục phát mại tài sản.

Nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể để các NHTM áp dụng chuẩn xác, kịp thời các công cụ bảo hiểm cho hoạt động tín dụng như: bảo hiểm tiền vay, quyền chọn và các công cụ tài chính phái sinh khác.

3.3.2.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra

Chương trình thanh tra cần được xây dựng chi tiết, khoa học, thông tin được thu thập cần phân tích kỹ lưỡng, tránh mang tính hình thức. Nội dung thanh tra nên được cải tiến sao cho chương trình thanh tra đảm bảo kiểm soát được NHTM, thể hiện được vai trò của mình là cảnh báo, ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động của các NHTM.

Cần phải xây dựng đội ngũ thanh tra, giám sát chuẩn về nghiệp vụ Ngân hàng, nghiệp vụ kiểm tra, có phẩm chất đạo đức tốt, được cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật, thị trường để một mặt thực hiện công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các NHTM, mặt khác có thể đưa ra các nhận định, kết luận giúp NHTM nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để thanh tra NHNN thực hiện được vai trò đánh giá hệ thống kiểm soát rủi ro của NHTM, cần phải xây dựng tiêu chí cụ thể về đánh giá rủi ro khi thực hiện thanh tra, nội dung hoạt động ngoài thanh tra tuân thủ cần có sự giám sát, theo dõi rủi ro và tiến tới xây dựng hệ thống giám sát từ xa của Thanh tra Ngân hàng thông qua mạng thông tin trực tuyến với các NHTM.

3.3.2.3. Nâng cao chất lượng của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC)

Thông tin tín dụng phải bao hàm tất cả các thông tin về tình hình vay vốn của khách hàng tại các TCTD, phải có sự phân tích thông tin tổng hợp về khách hàng để lưu ý các NHTM. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới và hiện đại hóa các trang thiết bị, thiết lập hệ thống sao cho việc thu thập cũng như cung cấp thông tin tín dụng được thông suốt, kịp thời.

NHNN cần phải có chính sách tuyển chọn và đào tạo cán bộ làm công tác quản lý mạng CIC không chỉ am hiểu về công nghệ thông tin mà còn phải có khả năng thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp và đưa ra những nhận định, cảnh báo thích hợp thay vì những con số báo cáo thống kê khô khan cho

các NHTM tham khảo.

NHNN nên có những biện pháp thích hợp để các Ngân hàng nhận thức đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc báo cáo và khai thác thông tin tín dụng từ CIC nhằm góp phần ngăn ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng.

NHNN cần phải có biện pháp khuyến khích và đi dần đến quy định bắt buộc các NHTM hợp tác, cung cấp thông tin một cách đầy đủ cho trung tâm. Thanh tra NHNN nên kiểm tra việc báo cáo, khai thác thông tin của các Ngân hàng, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với những Ngân hàng vi phạm chế độ báo cáo thông tin tín dụng như: báo cáo thiếu, báo cáo thông tin sai lệch. Đồng thời, NHNN cần phải có biện pháp khuyến khích các Ngân hàng sử dụng thông tin tín dụng từ CIC như là một tài liệu bắt buộc phải có trong quá trình thẩm định cho vay.

3.3.3. Kiến nghị đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thônViệt Nam Việt Nam

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cần có biện pháp chỉ đạo thực hiện chế độ nghiệp vụ sát sao, các văn bản hướng dẫn thực hiện cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, xử lý kịp thời những vướng mắc của Chi nhánh.

Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa kịp thời những sai sót thông tin tín dụng cho các chi nhánh trong cùng hệ thống Agribank nói chung và Sở giao dịch Agribank nói riêng. Agribank có ưu thế hơn so với các chi nhánh của mình trong việc thu thập, phân tích và xử lý các thông tin tín dụng. Agribank cần cung cấp thêm cho các chi nhánh của mình các thông tin về hoạt động của ngành nghề như lợi tức, lợi nhuận bình quân, thông tin về trình độ khoa học công nghệ của ngành, chủ trương chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước, các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, các mối quan hệ của

khách hàng với các chi nhánh khác trong và ngoài hệ thống. Với những thông tin này sẽ giúp cho các chi nhánh của Agribank định hướng và nâng cao hơn chất lượng hoạt động tín dụng, ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Coi trọng công tác cán bộ, Agribank tiếp tục đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về trình độ lẫn phẩm chất, tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn nghiệp vụ thẩm định, kiến thức pháp luật. .để chi nhánh cử cán bộ tham gia học tập nâng cao chuyên môn nhằm thực hiện tốt hơn công việc. Thực hiện tổng kết công tác tín dụng qua các năm, đúc rút kinh nghiệm qua thực tiễn và tổng hợp thành những bài học, phổ biến trong toàn ngành giúp các chi nhánh nghiên cứu học hỏi thêm.

Làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý rủi ro có sự liên lạc thường xuyên giữa thông tin phòng ngừa rủi ro với các Chi nhánh, hướng dẫn Chi nhánh thực hiện tốt công tác này.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Từ việc đánh giá thực trạng cũng như những hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó của công tác quản lý nợ xấu của Sở giao dịch Agribank, chương 3 hệ thống những giải pháp có tính khả thi cho Sở giao dịch Agribank, đồng thời có những kiến nghị với Chính phủ, với NHNN và các Bộ ngành liên quan có những biện pháp hỗ trợ một cách hiệu quả công tác quản lý nợ xấu tại Sở giao dịch Agribank.

KẾT LUẬN

Trước tình hình nợ xấu đang ở mức khá cao trong hệ thống Ngân hàng thương mại trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã xác định một phương hướng hoạt động cơ bản trong giai đoạn hiện nay là nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% đảm bảo cho hoạt động của Ngân hàng được diễn ra an toàn. Không nằm ngoài xu hướng đó, Sở giao dịch Agribank phấn đấu trong năm 2015, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 0,8%, đồng thời tiếp tục xử lý nợ xấu đã phát sinh trong những năm trước đó để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất có thể. Để làm được điều này cần có sự kết hợp của Chính phủ, NHNN và bản thân Ngân hàng từ việc đảm bảo các điều kiện và trong môi trường hoạt động tín dụng. Việc áp dụng các biện pháp nhằm giảm nợ xấu là yêu cầu tất yếu, góp phần vào sự phát triển chung của Ngân hàng nông nghiệp, giữ vững vị trí dẫn đầu trong toàn bộ hệ thống Ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam.

Trên cơ sở vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu kết hợp với tình hình thực tế tại Sở giao dịch Agribank, luận văn đã khái quát những vấn đề chung về nợ xấu, nghiên cứu thực trạng nợ xấu và công tác quản lý nợ xấu. Từ đó luận văn đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nợ xấu tại Sở giao dịch Agribank.

Với các nội dung đã đề cập trong luận văn, tác giả hy vọng sẽ đóng góp những ý kiến, giải pháp xử lý nợ xấu nói chung và giải pháp xử lý nợ xấu tại Sở giao dịch Agribank nói riêng, góp phần vào việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được NHNN Thành phố Hà Nội, NHNo & PTNT Việt Nam giao cho. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài, do những hạn chế về mặt thời gian cũng như hạn chế về kiến thức thực tế, trình độ chuyên môn khi thu thập

và phân tích các số liệu nên luận văn không tránh khỏi những hạn chế và khiếm khuyết. Tác giả mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, chỉ dẫn của giáo viên hướng dẫn, các nhà nghiên cứu kinh tế, các thầy cô và bạn bè, đồng nghiệp quan tâm đến lĩnh vực nợ xấu của hoạt động Ngân hàng để luận văn được hoàn thiện hơn.

Cuối cùng tác giả xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Hà Đức Trụ - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã hướng dân và giúp đỡ tác giả hoàn thành luận văn này./.

NXB Thống kê.

2. Học viện Ngân hàng, (2001), Giáo trình tín dụng Ngân hàng”, NXB Thống kê, Hà Nội.

3. Peter S.Rose, (2004), Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Tài chính, Hà Nội.

4. TS Trần Văn Hòe (2008), Giáo trình ngân hàng thương mại, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

5. Ths Nguyễn Khánh Ngọc, Ths. Nguyễn Thị Thúy, “Mô hình quản lý rủi ro hoạt động hiệu quả tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam ”, Thị trường tài chính tiền tệ, Số 14 ngày 15/7/2011.

6. Mai Tuấn Anh, “Một số suy nghĩ về quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ”, Tạp chí Ngân hàng, Số 12 tháng 06/2011.

7. Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của Tổ chức tín dụng.

8. Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của Tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

9. Quyết định số 450/QĐ-HĐTV-XLRR ngày 30/05/2014 về việc ban hành quy định phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng trong hệ thống Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. đến năm 2014.

Một phần của tài liệu 1604 thực trạng và giải pháp xử lý nợ xấu tại sở giao dịch AGRIBANK luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 103)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w